Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quoc phong news. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quoc phong news. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Nga- Trung tập trận chống "khủng bố"

Nga và Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận chống khủng bố chung rầm rộ ở khu vực Urals. Hôm nay (3/8), cuộc tập trận này bắt đầu bước vào giai đoạn tích cực, một phát ngôn viên của Quân khu Miền Trung Nga cho biết.


Nga và Trung Quốc gần đây liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận chung với nhau.

Cuộc tập trận mang tên Sứ mệnh Hòa bình 2013 diễn ra ở khu vực huấn luyện quân sự Chebarkul thuộc vùng Chelyabinsk từ ngày 27/7 cho đến ngày 15/8. Tham gia cuộc tập trận chung Nga-Trung Quốc có tới 1.500 binh lính cùng hơn 250 loại vũ khí hạng nặng, trong đó có 20 máy bay và trực thăng.

“Sau buổi lễ khai hỏa cuộc tập trận, các binh lính tham gia sẽ tiến hành thăm dò địa hình và bắt đầu các bước chuẩn bị cho những cuộc diễn tập trên thực tế”, Đại tá Yaroslav Roshchupkin hôm qua (2/8) cho biết.

Trung Quốc đem đến cuộc tập trận ở Nga hơn 600 binh lính cùng xe tăng, xe bọc thép, phương tiện do thám hạng nhẹ, pháo tự hành 120-mm, pháo tự hành 152-mm, máy bay ném bom chiến đấu JH-7A và trực thăng.

Trước đó, Moscow và Bắc Kinh cho biết, những cuộc diễn tập lần này của họ là nhằm để củng cố công tác huấn luyện quân đội chung đồng thời tăng cường năng lực phối hợp giữa lực lượng vũ trang hai bên.

Nga và Trung Quốc gần đây đã cam kết củng cố mối quan hệ hợp tác quân sự để đảm bảo khả năng đối phó nhanh chóng và thích hợp với những mối đe dọa chung. Từ năm 2005 tới nay, Nga và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận chung trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đặc biệt, trong vài tháng trở lại đây, những cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn.

Mới đây nhất, cách đây chưa đầy một tháng, đội tàu hùng hậu của Hải quân Nga và Trung Quốc đã đổ về biển Nhật Bản để tham gia cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở vịnh Peter Đại Đế gần Vladivostok. Cuộc tập trận mang tên “Tương tác Hải quân 2013” thu hút sự tham gia của hơn 4000 binh lính và gần 20 tàu chiến, 10 máy bay đến từ hai nước.


VnMedia
0

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Mỹ tăng viện trợ quốc phòng cho Philippines

Mỹ quyết định tăng ngân sách hỗ trợ quân sự cho Philippines, đồng thời cân nhắc chuyển giao thêm tàu tuần tra thứ 3 cho đồng minh lâu năm.

Mỹ đã nâng viện trợ quốc phòng hằng năm cho Philippines thêm gần 70% so với mức trước đây. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho hay gói viện trợ thường niên cho năm sau sẽ có giá trị 50 triệu USD, tăng mạnh so với mức 30 triệu USD trong những năm trước. Đây cũng là khoản viện trợ quân sự cao nhất kể từ khi lực lượng Mỹ quay lại quốc gia Đông Nam Á vào năm 2000. Tính từ năm 2002, đến nay Washington đã hỗ trợ tổng cộng 312 triệu USD cho Manila về an ninh - quốc phòng.


Thủy thủ Philippines đứng trước tàu tuần duyên Gregorio del Pilar ở Manila - Ảnh: AFP

Ông Rosario cho biết thêm Philippines có thể sớm được Mỹ chuyển giao tàu chiến thuộc lớp Hamilton thứ 3. Hiện chiếc thứ 2 đang trên đường về cảng Subic, còn chiếc đầu tiên đã được đưa vào hoạt động với tên BRP Gregorio del Pilar. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Philippines tiết lộ Manila có thể cân nhắc không nhận tàu thứ 3 mà tập trung ngân sách để nâng cấp và trang bị hệ thống tên lửa cho 2 tàu đã có.

Các thông tin trên được đưa ra giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Philippines và Trung Quốc, liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Rosario tuyên bố nước ông sẽ “một lòng bảo vệ lãnh thổ trước sự uy hiếp liên tục”. Bên cạnh đó, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 167 lên án việc dùng vũ lực, áp bức, đe dọa bằng tàu hải quân, tàu cảnh sát biển hoặc tàu cá, cũng như máy bay dân sự lẫn quân sự để củng cố tuyên bố chủ quyền hoặc thay đổi hiện trạng đối với các đảo tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông, theo Kyodo News. Nghị quyết kêu gọi nhanh chóng xúc tiến một giải pháp hòa bình cho tranh chấp.


Việt Nam - Philippines thúc đẩy việc sớm hoàn tất COC

Trong hai ngày 31.7 và 1.8, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thăm Philippines và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Hợp tác song phương, theo TTXVN. Hai bên đã thảo luận các lĩnh vực hợp tác song phương như chính trị, quốc phòng - an ninh, biển - đại dương, kinh tế, thương mại… Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các thỏa thuận và bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, tăng cường liên lạc, chia sẻ thông tin giữa hải quân và lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng tuần duyên Philippines.

Ngày 1.8, Kyodo News dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Rosario cho biết thêm hai bên khẳng định phối hợp thúc đẩy việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Theo ông, Việt Nam và Philippines nhất trí sẽ nêu vấn đề này tại cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN tại Thái Lan từ ngày 13-14.8. Cuộc họp nhằm thống nhất lập trường của khối, chuẩn bị cho Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 29.8 với một phần nội dung là về COC. “Chúng tôi nhất trí sẽ thuyết phục cả khối có bước đi lớn hơn với Trung Quốc. Nước này muốn cuộc họp tại Bắc Kinh chỉ mang tính chất tham vấn nhưng chúng tôi muốn có thể bước vào đàm phán (về COC). Tham vấn thôi là chưa đủ”, ông Rosario nói.

Trọng Kha


Thanh Nien
0

Báo Anh dự báo ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2013-2017

Tạp chí quốc phòng hàng tuần Jane Defense Weekly của Anh mới đây vừa có một bài viết đánh giá toàn diện về quá trình hiện đại hóa đi kèm phát triển kinh tế của Việt Nam và đưa ra những dự báo phát triển tương lai. Báo xin lược dịch lại thông tin của bài báo


Tàu ngầm Kilo Hà Nội của Việt Nam

Phần 1: 2013 - 2017 ngân sách quốc phòng Việt Nam sẽ tăng 30%

Nguồn năng lượng ngày càng được mở rộng của Việt Nam ở Biển Đông đang thúc đẩy sự phát triển chưa từng thấy của công nghiệp quốc phòng và quân sự trong bối cảnh gắn với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Hiện đại hóa là tín hiệu rõ ràng nhất bằng một số vụ mua lại lớn từ Nga kể từ năm 2009 bao gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo và 20 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MK2 và kèm theo một loạt các biện pháp mới được giới thiệu và hoạt động nhằm tăng cường sức mạnh của Quân đội Việt Nam trong việc nắm giữ các lợi ích ở ngoài khơi, hứa hẹn định tình tương lai của kinh tế đất nước.

Với sự phát triển của quốc gia và sức mạnh quân sự liên kết chặt chẽ như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Quân đội Việt Nam có trách nhiệm không chỉ bảo vệ đất nước mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mục tiêu hàng đầu là đưa Hà Nội trở thành một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoàn toàn vào năm 2020 và một cường quốc kinh tế của châu Á vào năm 2025.

Nền kinh tế và chi tiêu

Con đường phát triển kinh tế của Việt Nam đã không được trơn tru như mong đợi. Trong 2 quý đầu năm 2013, cả nước đã trải qua một sự sụt giảm đáng kể trong tốc độ tăng trưởng do suy giảm năng suất mang lại, nó có liên quan đến việc "không hiệu quả" trong sản xuất và các khu vực tài chính của đất nước mà Ngân hàng thế giới cảnh báo vào tháng 12 năm 2012. Trước đó, Ngân hàng thế giới còn nói thêm rằng nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2012, mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Sau năm 2013, tốc độ mở rộng tăng nhanh được dự báo. Các chỉ số quan trọng bao gồm làm giảm lạm phát mà trong suốt các năm 2011 và 2012 vẫn còn ở mức 2 con số, và chính phủ đã cho thấy sự sẵn sàng nới lỏng mạng lưới của nền kinh tế, với hi vọng sẽ thúc đẩy việc mở rộng thông qua tư nhân hóa, thúc đẩy nhu cầu cao đối với hàng hóa của Việt Nam, giảm bớt nợ xấu và giãn bớt hạn chế đầu tư.

Cùng với đó, Tổ chức nghiên cứu cơ cấu kinh tế IHS Global Insight dự báo Việt Nam tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5% trong giai đoạn 2013-2017 và tiến tới hỗ trợ mở rộng hơn nữa cho ngân sách quốc phòng.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã phân bổ khoảng 3% GDP cho quốc phòng, tuy nhiên dự kiến nguồn phân bổ sẽ tăng mạnh trong thời gian ngắn có thể đến khoảng 5%, để giải quyết các mối đe dọa chiến lược ngày càng tăng và danh sách dài các tài sản thiếu hụt của quốc phòng. Theo đó, ngân sách cho quốc phòng của Việt Nam được dự báo sẽ mở rộng hơn 30% trong giai đoạn 2013-2017, tăng từ 3,8 tỉ đô lên 4,9 tỉ đô.

Có khả năng Việt Nam sẽ tài trợ cho một số hoạt động quốc phòng, đặc biệt là các giao dịch mua sắm, thông qua các lĩnh vực khác của ngân sách quốc gia. Trong khi kinh phí dành cho vốn đầu tư được dự đoán tăng không quá 1,5 tỉ USD giai đoạn 2013-2017, thì Việt Nam đã cho thấy một xu hướng trước đây để tài trợ các giao dịch với nhà cung cấp quân sự Nga, thông qua nguồn thu liên quan tới năng lượng hạt nhân, dầu mỏ và khí đốt.

Các hướng đi chiến lược

Lý do của việc hiện đại hóa quân sự của Việt Nam, chủ yếu là để bảo vệ sự tăng trưởng kinh tế, trái ngược với các yêu cầu chiến lược của quốc gia trước đây, việc giải quyết cuộc xung đột nội bộ và bảo đảm an toàn biên giới đất liền, cả hai đều đòi hỏi phải có lực lượng vũ trang hùng mạnh phục vụ cho các chiến dịch trên mặt đất kéo dài. Hiện nay, các quyết định mua sắm quân sự của Hà Nội được đặt ra là do yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ sự liên tục lãnh thổ của mình, đặc biệt là khu vực biển Đông, khu vực mà Việt Nam quản lý, để đặt yêu cầu với khối lượng tài sản năng lượng đang gia tăng đáng kể.

Cục quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) hồi tháng 5/2012 cho biết, tính đến tháng 1/2012, Việt Nam khai thác được 24,7 nghìn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên và 4,4 tỉ thùng dầu tại biển Đông trong khi chỉ khai thác được 0,6 tỉ thùng dầu vào năm trước đó.

EIA cho biết sự gia tăng quyền sở hữu để tăng cường thăm dò và phát triển các lĩnh vực ngoài khơi đã giúp Việt Nam trở thành nước sở hữu dầu mỏ lớn thứ 3 châu Á sau Ấn Độ và Trung Quốc, trong khi đó trữ lượng khí đã tăng đáng kể từ năm 2007 và sản xuất khí đốt tăng gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2010. Thêm nữa, EIA nhấn mạnh rằng các con số này có thể tăng xa hơn vì nhiều vùng biển của Việt Nam vẫn chưa được thăm dò.

Khối lượng dầu khí dự trữ của Việt Nam đặt ra yêu cầu cho đất nước phải tăng cường bảo vệ các nguồn tài nguyên đó, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều quốc gia lên tiếng tranh chấp, bao gồm các khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và rặng san hô Johnson.

Brunei, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, đảo Đài Loan đều đưa ra tuyên bố sở hữu một số khu vực, trong khi Trung Quốc sở hữu hầu hết biển Đông do Bắc Kinh tin vào những ghi chép trong lịch sử của họ. Tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia Nam Á không có khả năng dẫn đến bất kỳ nguy cơ cơ xung đột nào nhờ vào các thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á, nhưng tuyên bố của Trung Quốc đang làm gia tăng các băn khoăn khi Bắc Kinh đang thực thi ảnh hưởng kinh tế, quận đội và chính trị của họ. Kết quả là, mối lo ngại đang gia tăng giữa Trung Quốc và Việt Nam, 2 nước đã từng tham gia vào nhiều cuộc xung đột quy mô nhỏ trong những năm 1970 và 1980 và nó có thể tái diễn ra với một quy mô lớn hơn nhiều.

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=673213#ixzz2aojdMA6O
http://www.xaluan.com/
0

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Liên doanh Brahmos phát triển tên lửa siêu thanh mới đạt vận tốc mach 7

Hyderabad: Tiếp nối thành công của tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới, Liên doanh Nga - Ấn BrahMos Aerospace tiếp tục phát triển một loại vũ khí tương tự giữa hai nước.

Giám đốc điều hành của BrahMos Aerospace Ông SivathanuPillai trong khi chia sẻ với TOI trong chuyến thăm thành phố cũng cho biết thêm tên lửa BrahMos có thể được xuất khẩu sang khoảng 14 nước quan tâm đến việc mua các biến thể của tên lửa này sau khi cả hai nước đều tỏ ra phấn khởi.

Trước đó phía Nga đã thông báo cho Ấn Độ về sự quan tâm của các quốc gia khác về tên lửa hành trình siêu âm Brahmos. Tuy nhiên, Pillai nhanh chóng nói thêm rằng chương trình nghị sự cơ bản cho việc phát triển này, 'uninterceptable - không thể bị đánh chặn', là để đáp ứng yêu cầu quốc phòng của chúng tôi. "Sau đó việc xuất khẩu sang các nước bạn bè phải được cả hai chính phủ đều phải đồng ý", Pillai cho biết.

Tên lửa hành trình siêu thanh mới sẽ sớm ra mắt. Pillai cho biết rằng phiên bản tên lửa hành trình siêu thanh mới sẽ đạt tốc độ Mach 7, bảy lần tốc độ của âm thanh. Khi được hỏi về các phiên bản của BrahMos đang được tích hợp với máy bay Su-30 MKI, ông nói rằng cùng được tiếp tục phát triển và thử nghiệm chuyến bay đầu tiên sẽ được tiến hành vào giữa năm 2014. Ông cũng kêu gọi các ngành công nghiệp tư nhân đóng góp hướng tới nghiên cứu và phát triển lĩnh vực quốc phòng.

BrahMos là tên lửa hành trình siêu âm có tầm bắn 290 km và tốc độ hành trình đạt mach 2,8 -3. Pillai chia sẻ rằng trọng tâm sẽ là sự tham gia của ngành công nghiệp địa phương để sản xuất tên lửa này. BrahMos đã được thiết lập với một ngân sách 50,5% từ Ấn Độ và 49,5% từ Nga và đã có lợi nhuận.

Nguồn: http://timesofindia.indiatimes.com/india/BrahMos-Aerospace-to-develop-new-hypersonic-missile/articleshow/21521397.cms
0

Mỹ giúp Philippines do thám Trung Quốc tại Biển Đông

Trong những ngày qua, báo chí liên tiếp đưa tin về việc chính quyền Manila được Mỹ giúp đỡ trong việc tìm hiểu về hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc trên vùng Biển Đông. Trả lời báo giới vào hôm nay, 31/07/2013, Ngoại trưởng Philippines công khai xác nhận rằng máy bay do thám của Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo quan trọng về hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp với Philippines ở Biển Đông.


Máy bay do thám P-3 Orion của hải quân Mỹ được phát triển vào những năm 1960 và được dùng chủ yếu để do thám chống tàu ngầm và trong chiến trận.

Theo Ngoại trưởng Albert Del Rosario, phi cơ trinh sát P-3 Orion của Hải quân Mỹ thường xuyên bay qua khu vực được Philippines cho là vùng lãnh thổ hợp pháp của mình, nhưng lại là nơi bị Trung Quốc cho tàu quân sự đến giám sát.

Khi được hỏi về giá trị của thông tin được máy bay do thám Mỹ thu thập, Ngoại trưởng Philippines khẳng định : « Tôi cho rằng các thông tin đó có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi rất quan tâm đến những gì đang xảy ra tại vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, trên thềm lục địa của chúng tôi, và chúng tôi muốn biết khi có bất kỳ một hành vi xâm nhập nào ».

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả các khu vực gần Philippines và các nước láng giềng khác như Việt Nam, hay Malaysia. Căng thẳng gia tăng hẳn lên trong những năm gần đây do việc Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật vừa ngoại giao vừa quân sự chèn ép các láng giềng, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Philippines đã liên tục kêu gọi đồng minh Hoa Kỳ giúp đỡ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Mặc dù khẳng định không thiên về phe nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhưng Mỹ cũng đã giúp nâng cấp quân đội Philippines.

Khi được hỏi là việc Hoa Kỳ giúp Philippines - bằng cách dùng máy bay do thám động tĩnh của Trung Quốc – liệu có mâu thuẫn với chủ trương trung lập của Mỹ hay không, ông Del Rosario nhấn mạnh đến quan hệ thân thiện giữa Washington và Manila, cũng như đại cục trong khu vực.

Theo Ngoại trưởng Philippines, Mỹ và nước ông có hiệp ước quốc phòng, cho phép giúp đỡ nhau khi có xâm lược. Ngoài ra, Hoa Kỳ muốn duy trì hòa bình ở châu Á – Thái Bình Dương và bảo đảm tự do đi lại ở Biển Đông, do đó « Chúng tôi tin rằng họ có quyền hiện diện… Và chúng tôi cũng muốn họ có mặt ».

Theo tiết lộ của người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines, máy bay do thám Mỹ đã hoạt động trên vùng biển mà nước này tranh chấp với Trung Quốc, ít nhất từ năm 2010, khi ông lên làm ngoại trưởng.

Ông không cho biết thêm chi tiết các thời điểm cụ thể nhưng xác định rằng phi cơ trinh sát Mỹ chủ yếu hoạt động nhân những cuộc tập trận chung giữa Philippines và Hoa Kỳ.

Lời xác nhận của Philippines vào hôm nay chắc chắn sẽ làm Trung Quốc bực dọc. Lý do là vì cho đến nay, Bắc Kinh luôn luôn lớn tiếng cho rằng Washington không có vai trò gì trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông.
Việc Hoa Kỳ giúp đỡ Philippines do thám Trung Quốc ngoài Biển Đông nêu bật quan hệ quân sự chặt chẽ giữa Manila và Washington. Quân đội Philippines – thuộc diện yếu kém nhất – đã dựa vào thiết bị quân sự thặng dư của Mỹ để nâng cấp các phương tiện của mình.

Cụ thể nhất là vào năm 2011, Philippines đã biến một tàu tuần duyên cũ của Mỹ thành soái hạm của hạm đội Hải quân của mình, và đang chờ nhận thêm một chiếc thứ hai để tăng cường tiềm lực hải quân. Ngoại trưởng Del Rosario hôm nay cho biết là Philippines đang tìm cách trang bị thêm cho mình nhiều tàu Mỹ khác trong tương lai.

Ngoài ra, trong năm nay, Philippines hy vọng nhận được 50 triệu đô la viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, một con số tăng 60% so với năm ngoái.

RFI

http://www.spacedaily.com/reports/Philippines_says_US_spy_planes_monitoring_China_at_sea_999.html
0

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố không nhân nhượng trên biển


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua 31/7 tuyên bố cương quyết không từ bỏ các quyền và lợi ích trên biển, và Trung Quốc sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi sự phức tạp trong khu vực.

Tuyên bố trên được ông Tập đưa ra khi chủ trì phiên họp của một nhóm nghiên cứu trực thuộc Bộ chính trị đảng Cộng Sản nước này để bàn về lộ trình trở thành cường quốc biển.

Theo đó ông Tập khẳng định Trung Quốc kiên định với đường lối phát triển hòa bình, nhưng “không bao giờ đất nước từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và cũng không từ bỏ các lợi ích quốc gia cốt lõi”.

Trung Quốc sẽ “sử dụng các biện pháp và đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp, cũng như nỗ lực để bảo vệ hòa bình và ổn định”, ông Tập Cận Bình cho hay. “Trung Quốc sẽ chuẩn bị để đương đấu với những phức tạp, nâng cao khả năng bảo vệ các quyền và lợi ích biển, và cương quyết bảo vệ các quyền và lợi ích biển của mình”.

Theo ông Tập, việc trở thành cường quốc biển là “một nhiệm vụ quan trọng” của Trung Quốc, bởi “các biển và đại dương có một vị trí chiến lược ngày càng quan trọng liên quan tới sự cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực chính trị, phát triển, kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ”.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố tiếp tục thực thi chính sách “gác tranh chấp, cùng phát triển” tại các khu vực Trung Quốc khẳng định chủ quyền trong khi đẩy mạnh hợp tác hữu nghị, cùng có lợi.

Theo ông Yang Baoyun, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại đại học Peking, phát hiểu của ông Tập đánh đi tín hiệu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì sự mở rộng của mình tại các khu vực xung quanh và bảo vệ các lợi ích hàng hải.

“Việc này sẽ khó cho Trung Quốc, nhưng chúng ta đang thực hiện mọi nỗ lực”, ông Yang phát biểu với tờ Nhân dân nhật báo.

“Một nền kinh tế biển phát triển là một phần quan trọng trong xây dựng cường quốc biển”, ông Tập khẳng định và cho biết thêm rằng, Trung Quốc sẽ hỗ trợ và củng cố các lĩnh vực biển công nghệ cao, và tối ưu hóa cấu trúc của kinh tế biển trong khi hoàn tất kế hoạch chung để hiện đại hóa công nghệ biển.

Dân Trí
0

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Trung Quốc chuẩn bị “chiến tranh nhân dân” trên mạng và không gian

Quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh nhân dân” trên không gian mạng.

Cuộc chiến tranh đó sẽ được tăng cường bằng cuộc tấn công vũ trụ vào các vệ tinh đối phương, cũng như bằng việc huy động binh lính và lực lượng dân sự, một báo cáo nội bộ của bộ quốc phòng Trung Quốc tiết lộ.

Báo cáo do 4 chuyên gia từ một trung tâm nghiên cứu quốc phòng ở Thượng Hải chuẩn bị.

Các tác giả bản báo cáo xem xét khả năng xảy ra cuộc đối đầu mạng Mỹ-Trung. Theo báo cáo, những người lính của cuộc chiến tranh mới sẽ không chỉ là các quân nhân, mà là tất cả những người có những kiến thức và kỹ năng cần thiết, bởi vậy “cuộc chiến tranh mạng có thể gọi là “chiến tranh nhân dân”.

Trong báo cáo, người ta nghiên cứu tìm cách ứng dụng khái niệm “chiến tranh nhân dân” của Mao Trạch Đông cho cuộc chiến tranh sắp tới trên mạng. Báo cáo cũng xem xét các khả năng phát triển vũ khí vũ trụ và vai trò của nó trong cuộc chiến tranh mạng có thể xảy ra.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, loại vũ khí này sẽ là át chủ bài giúp nước Trung Quốc yếu đánh bại nước Mỹ một khi xảy ra xung đột quân sự.

Không gian mạng trực tiếp phụ thuộc vào các vệ tinh, bởi vậy “vũ trụ hiển nhiên sẽ là chiến trường chủ yếu trong một cuộc chiến tranh mạng”, báo cáo viết.

Do các trạm mặt đất bảo đảm hoạt động của Internet khó bị tấn công hơn, nên các vệ tinh trên vũ trụ trở thành mục tiêu tự nhiên để tấn công. Các tác giả báo cáo nhấn mạnh rằng, các vệ tinh không có gì bảo vệ, nên chủng trở nên rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của đối phương.

Cuộc chiến tranh mạng vũ trụ sắp tới sẽ bao gồm 3 loại: tấn công mạng vũ trụ, phòng thủ mạng vũ trụ và yểm trợ mạng vũ trụ. Yểm trợ mạng vũ trụ bao gồm trinh sát, nhắm mục tiêu và thu thập tình báo.

Các cuộc tấn công mạng chia thành tấn công “mềm” và tấn công “cứng”.

Các cuộc tấn công mạng “mềm” nhằm ngắt, làm suy yếu, phá vỡ hoạt động và tiêu diệt hoàn toàn địch thủ mạng, là gây những tổn hại đối với không gian mạng, gây nhiễu, làm hư hỏng các đường cáp, phóng thả virus máy tính, lấy cắp và làm hư hỏng dữ liệu, cũng như “các cuộc oanh tạc mạng”.

Những quả bom mạng, theo ý tưởng của các tác giả bản báo cáo, sẽ phải tiêu diệt hoặc làm tê liệt tức thời mạng thông tin của đối phương.

Tấn công mạng “cứng” là sử dụng tên lửa, vũ khí laser và các loại vũ khí khác có khả năng tác động đến trạng thái của không gian mạng.

Chính quyền Trung Quốc từ chối bình luận thông tin về bản báo cáo. Hơn nữa, Trung Quốc có truyền thống phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công mạng mà lại than phiền về các cuộc tấ công mạng liên tục từ phía Mỹ.

http://vietnamdefence.com/Home/tinhbaoanninh/cyberwar/Trung-Quoc-chuan-bi-chien-tranh-nhan-dan-tren-mang/20137/52760.vnd

http://freebeacon.com/china-military-preparing-for-peoples-war-in-cyberspace-space/
0

14 nước muốn mua tên lửa BrahMos của Nga-Ấn Độ

Cho đến nay 14 quốc gia đã bày tỏ tâm đến việc mua tên lửa "BrahMos" do Nga-Ấn Độ sản xuất.

Ngày 30/7, Chủ tịch liên doanh Nga-Ấn BrahMos Aerospace, ông Sivathanu Pillai, đã thông báo thông tin nói trên trước báo giới. Tuy nhiên, ông Pillai từ chối nêu đích danh các khách hàng tiềm năng.

Ông Sivathanu Pillai cho biết tổng trị giá các đơn hàng đặt mua nhiều phiên bản khác nhau của loại tên lửa siêu thanh BrahMos do liên doanh này phát triển đã đạt tới 250 tỷ rupi (4,2 tỷ USD).

Tại hội nghị về quan hệ đối tác quốc doanh-tư nhân trong ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ, ông Pillai cho biết các đơn hàng đặt mua tên lửa mà liên doanh này nhận được là từ hải quân, không quân và lục quân Ấn Độ.

Theo ông Pillai, tới năm 2015, dự kiến tổng giá trị các đơn hàng đặt mua tên lửa BrahMos sẽ lên tới 450 tỷ rupi (7,5 tỷ USD).

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu chiến, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất.

Nó có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 290km, đạt vận tốc 2,5-2,8 Mach, tức là nhanh hơn 3,5 lần so với tên lửa hành trình Harpoon của Mỹ.

Trong năm 2012 vừa qua BrahMos Aerospace đã tiến hành các thử nghiệm đối với biến thể hàng không của tên lửa hành trình siêu âm BrahMos để tiến tới trang bị cho các máy bay tiêm kích hiện đại.

Trong tháng 3/2013 lần đầu tiên đã diễn ra lần phóng thử thành công tên lửa BrahMos từ bệ phóng ngầm dưới nước. Thành công này mở ra khả năng trang bị cho tàu ngầm tên lửa hành trình siêu âm BrahMos.

Hiện nay tên lửa này đang có trong phiên chế của các đơn vị Lục quân Ấn Độ và cũng đã được trang bị cho một số lượng các tàu chiến mặt nước của Hải quân./.

Vietnam+
0

Đọ sức chiến lược biển Đông: ‘Đấu văn’ và ‘đấu võ’

Tờ Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc phân tích cụ thể về vụ kiện của Philippines về vấn đề biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế. Những sách lược biển mới của Trung Quốc để đối phó với tình hình mới cũng được nêu ra rất kỹ lưỡng.

Hải quân Mỹ và Philippines trong đợt tập trận chung ở vùng biển tây Philippines . Ảnh: Reuters.

Theo Nhân dân Nhật báo, thời gian qua Philippines liên tiếp có những phản ứng quanh vấn đề Biển Đông.

Đầu tiên là ngày 15-7, Bộ ngoại giao Philippines phát biểu tuyên bố, chỉ ra cái gọi là “8 sự thật” về vấn đề biển Đông. Ngay sau đó, ngày 16-7, Philippines tuyên bố tòa án trọng tài liên quan đến những tranh chấp trên biển Đông đã được thành lập ở thành phố Den Haag – Hà Lan, quy trình phát xét đã được khởi động. Ngày 24-7, Philippines phát động cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu, kháng nghị Trung Quốc “xâm chiếm biển đảo của Philippines”

Những động tác này đánh dấu nối tiếp các cuộc đối đầu cứng như đối đầu tàu chiến, đe dọa quân sự, triển khai sức mạnh...ván cờ tranh chấp biển Đông bắt đầu tập trung vào cuộc đọ sức mềm về tư pháp quốc tế và dư luận quốc tế.

Từ “đấu văn” đến “đấu võ”

Nhân dân Nhật báo nhận định sự đối đầu về sức mạnh trên biển Đông ngày càng có lợi cho Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á có tranh chấp đều muốn né tránh, không muốn để xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc. Sự kiện đảo Hoàng Nham/ Scarborough năm 2012 là một bước ngoặt trong cuộc tranh giành lãnh thổ trên biển Đông, sự kiện này đánh dấu Trung Quốc đã sơ bộ tạo dựng được khả năng uy hiếp có hiệu quả trên biển Đông.

Đã từ lâu, do sức mạnh trên biển của Trung Quốc khá yếu, mặc dù sức mạnh tổng thế của Trung Quốc rất lớn, nhưng ở một số khu vực cục bộ trên biển Đông, không hình thành được sự uy hiếp quân sự hoặc chuẩn quân sự có hiệu quả. Một số nước Đông Nam Á như Philippines thi nhau lấp “chỗ trống sức mạnh” ở biển Đông, chiếm đảo, khai thác thài nguyên, không đếm xỉa gì đến lời đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc, sự so sánh về sức mạnh ngày càng có lợi cho Trung Quốc, các hoạt động tuần tra và chấp pháp của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng dồn dập, trước đây, các nước như Philippines... gây ra tình trạng “sự đã rồi”, ép Trung Quốc phải lùi bước, nhưng hiện tại cách làm này đã không thể tiếp tục.

Tờ báo này quả quyết ưu thế chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông ngày càng rõ nét, không gian dành cho các bên không liên quan nhưng muốn gây rối để kiếm lợi trong đó ngày càng thu hẹp. Mặc dù vấn đề biển Đông ngày càng quốc tế hóa, các bên không có liên quan như ASEAN, Mỹ, Ấn Độ... cũng can thiệp sâu hơn, nhưng sự tồn tại về mặt quân sự của Trung Quốc ở biển Đông ngày càng không thể coi thường.

Nhân dân Nhật báo cho rằng các nước Mỹ, Ấn Độ đều không thể tùy tiện vì Phillippines, Việt Nam mà mạo hiểm ra tay, trong khi bản thân lại không có lợi ích gì. Chính vì thế, cho dù cục diện biển Đông gió to, sóng lớn đến đâu, ngọn lửa dựa vào Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc bốc cháy ngùn ngụt đến đâu, đều chỉ là tạo dựng thanh thế ầm ĩ, hành động thực tế không có gì lớn. Trên thực tế, bản thân các nước có tranh chấp với Trung Quốc đã không thể dựa vào “quả đấm” để nói chuyện, trong khi sự viện trợ và ủng hộ của Mỹ thường cũng chỉ là “đãi bôi” mà thôi.

Theo Nhân dân Nhật báo, trong bối cảnh này các nước như Philippines đã tăng cường chuẩn bị và đầu tư cho công tác đấu tranh tư pháp quốc tế hòng dùng pháp luật để trói buộc chân tay của người khổng lồ Trung Quốc, tích cực thu thập các cơ sở pháp lý có lợi cho chủ trương của mình, chuẩn bị sẵn sàng “đối đầu” với Trung Quốc trên tòa án quốc tế. Lần này Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế chính là mở màn cho chiến dịch nói trên.


Tàu khu trục của Mỹ USS Fitzgerald ở vịnh Subic hồi cuối tháng 6. 

Những lo ngại của Trung Quốc

Theo tuyên bố của Philippines, có ba điểm lớn trong vụ kiện lần này: Một là yêu cầu tòa án làm rõ, chủ trương quyền lợi biển mà Trung Quốc đưa ra dựa vào “đường 9 đoạn” vi phạm Công ước luật biển Liên hợp quốc. Hai là yêu cầu tòa án tuyên bố rõ các bãi đá Mischief Reef, McKennan Reef, Gaven Reef, Subi Reef của Trung Quốc đều chỉ là “bãi ngầm dưới nước”, không sở hữu quyền lãnh hải. Các bãi Fiery Cross Ree, Cuarteron Reef, Johnson South Reef và đảo Hoàng Nham/ Scarborough không có quyền lợi vùng biển đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý. Ba là yêu cầu tòa án phán xét, Trung Quốc đang “xâm hại” Công ước luật biển Liên hợp quốc mà Philippines dựa vào và đòi chủ trương về quyền lợi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đồng thời yêu cầu tòa án “áp dụng biện pháp tạm thời” buộc Trung Quốc phải chấm dứt hành vi này.

Nhân dân nhật báo cho rằng, Trung Quốc cần phải cảnh giác bởi rõ ràng là lần này Philippines có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, việc lựa chọn, nắm bắt thời cơ đối với nội dung và cơ chế trọng tài của Philippines cho thấy trình độ quyết sách cao. So với những biểu hiện ngờ nghệch trong sự kiện đối đầu ở đảo Hoàng Nham/ Scarborough, không thể coi thường khả năng ứng dụng của Philippines trong lĩnh vực luật quốc tế và cơ chế.

Tờ báo này phân tích Philippines không phải nước duy nhất trong cuộc tranh chấp trên biển Đông muốn kiện Trung Quốc. Trong thời gian tới, cùng với sự tăng cường thêm một bước của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, và sự tập trung đối với hoạt động quản lý, kiểm soát hải vực của Trung Quốc ở biển Đông, Philippines và các nước liên quan sẽ càng mất đi sức mạnh và dũng khí thông qua thủ đoạn quân sự hoặc chuẩn quân sự để “đọ sức” với Trung Quốc. Hoạt động đấu tranh trong lĩnh vực tư pháp quốc tế dần dần sẽ trở thành hình thức chủ yếu để đối đầu với Trung Quốc.

Tòa án trọng tài vừa thành lập, bước tiếp theo sẽ tiến hành thẩm định theo quy trình, vấn đề then chốt nhất là, tòa án trọng tài có quyền phát xét vụ án này hay không.

Theo quy định đặc biệt của điều 298 trong công ước, nước ký hiệp ước có thể dùng biện pháp đệ trình bản tuyên bố lên Tổng thư ký Liên hợp quốc để loại trừ quy trình trọng tài mang tính bắt buộc, nó chủ yếu thích hợp với các vụ án tranh chấp trên biển như phân định lãnh thổ, phân định ranh giới trên biển, quyền sở hữu mang tính lịch sử, lợi ích quân sự...

Ngay từ ngày 25-8-2006, Trung Quốc đã đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc một bản tuyên bố. Bản tuyên bố đặc biệt chỉ ra rằng, đối với bất kỳ vụ tranh chấp nào mà khoản 1 điều 298 trong công ước đã nêu, tức các tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, phân định ranh giới trên biển, hoạt động quân sự..., Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ hoạt động tư pháp quốc tế hoặc trọng tài phát xét được quy định trong chương 3 thuộc phần 15 của Công ước luật biển (điều 297, điều 298, điều 299).

Đương nhiên là Philippines sẽ hiểu Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ theo Công ước trên, chính vì thế nội dung xin trọng tài phán xét mà Philippines đưa ra được “dày công thiết kế”, cố gắng né tránh những tranh chấp chủ quyền đằng sau vấn đề biển Đông. Nhìn bề ngoài, những đề nghị phán xét này đều đang trong quá trình biện luận về mặt pháp lý, Philippines không yêu cầu tòa án trọng tài phán xét những tranh chấp về chủ quyền biển đảo và phân định ranh giới trên biển giữa quốc gia này với Trung Quốc, mà yêu cầu tòa án nhận định chủ trương và hành vi của Trung Quốc không phù hợp với công ước. Hành động này nhằm tránh việc Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ, thông qua lời đề nghị tố tụng “mang tính kỹ thuật” và “tính pháp lý”, thúc đẩy lập án và khởi động trình tự trọng tài.

Rõ ràng vụ kiện của Philippines có dấu hiệu kiện cho lấy lệ và tráo đổi khái niệm, trong khi những quy định của công ước về các vấn đề quyền lợi mang tính chất lịch sử, hiệu lực pháp luật biển đảo lại hết sức mơ hồi, chỉ cần toàn án có sự phán quyết hoặc ý kiến mang tính khuynh hướng là có thể lật đổ công ước, dùng sự “thỏa hiệp mơ hồ” để tìm kiếm cơ sở mang tính hợp pháp của công ước. Hơn nữa, cuộc tranh chấp trên biển Đông dính líu đến nhiều quốc gia (6 quốc gia là Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Bruney và 1 khu vực là Đài Loan), các chú trương và lợi ích chồng chéo nhau, tòa án không thể chỉ nghe một bên là Philippines sau đó đưa ra lời phán quyết phiết diện. Do đó, rất có thể tòa án sẽ cho rằng lời đề nghị trọng tài của Philippines quá nhạy cảm, phức tạp, áp dụng sách lược né tránh, nhận định họ không có quyền phát xét đối với vụ án này, những đề nghị trọng tài sẽ bị bác lại.

Tuy nhiên, Nhân dân Nhật báo cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cần nhìn thấy biến số tồn tại trong vụ việc này. Luật quốc tế không ngừng phát triển, các hoạt động thực tiễn của con người trong lĩnh vực biển đang không ngừng nảy sinh các vấn đề mới, luật biển quốc tế cũng buộc phải tiến cùng thời đại. Về lý thuyết tòa án có thể căn cứ vào tình hình thực tiễn biển mới, đưa ra một số lời giải thích mới về một số điều khoản mơ hồ, điều này đã để lại một không gian tưởng tượng nhất định. Quyền phát xét của tòa án trọng tài cũng không như một số chuyên gia của Trung Quốc phát biểu rất xa vời, mọi cái đều tồn tại biến số nhất định. Chính vì thế cũng tồn tại khả năng tòa án tuyên bố họ có quyền phát xét nhất định đối với vụ án này.

Nếu tòa án kết luận họ có quyền phát xét vụ án này thì dù Trung Quốc có phản ứng và thái độ nào, công tác trọng tài đều sẽ được tiến hành. Theo công ước, mức độ bắt buộc của tòa án trọng tài sẽ vượt tòa án quốc tế, tòa án luật biển quốc tế và tòa án trọng tài đặc biệt. “Nếu một bên tranh chấp không tham dự phiên tòa hoặc không tiến hành biện hộ cho vụ án, bên kia có thể đề nghị tòa án trọng tài tiếp tục tiếp hành quy trình và đưa ra phán quyết. Bên tranh chấp vắng mặt hoặc không tiến hành biện hộ sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động xét xử”. Dự đoán, để hoàn thành mọi trình tự trọng tài, có thể mất tới 3-4 năm, đây sẽ là một quá trình tư pháp và cuộc chiến ngoại giao trường kỳ.

Đọ sức chiến lược ở Biển Đông


Nhân dân Nhật báo cho rằng, cuộc tranh chấp trên biển Đông là cuộc đọ sức mang tính chiến lược và mang tính tổng hợp, đấu tranh pháp lý cần xem xét kỹ lưỡng các tình huống như chiến lược biển, khả năng chấp hành chính sách, sức uy hiếp về quân sự để có thể đối phó trên tầm cao cao hơn, phạm vi và lĩnh vực rộng hơn.

Một là cần tăng cường nghiên cứu luật biển quốc tế và sự tương tác giữa các cơ chế quốc tế có liên quan, đối phó một cách tự tin và lý trí với cuộc chiến này.

Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế bắt nguồn từ luật thói quen được hình thành trong quá trình quan hệ qua lại giữa các nước phương Tây, luật biển lại càng như vậy, kể từ thời cận đại trở lại đây, Trung Quốc luôn phải học và đuổi theo. Hiện nay, lĩnh vực nghiên cứu luật quốc tế – bao gồm luật biển quốc tế của Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách khá xa so với trình độ hàng đầu của thế giới. Đối với vấn đề như biển Đông, sự nghiên cứu của Trung Quốc cũng còn khá sơ cấp, hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc lên tiếng ủng hộ, giải thích lập trường của chính phủ, rất ít chuyên gia có thể đứng trên phương diện pháp lý, chứng thực để cung cấp căn cứ xác đáng cho công cuộc đấu tranh ngoại giao. Muốn giành được thắng lợi trong cuộc chiến này, Trung Quốc buộc phải nâng cao trình độ nghiên cứu của mình trên phương diện này, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc đấu tranh pháp lý.

Nhân dân Nhật báo đề xuất Trung Quốc cần tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng cơ chế quốc tế có liên quan. Các cơ chế như Ủy ban giới hạn thềm lục địa của Liên hợp quốc, Tòa án luật biển quốc tế dựa vào Công ước luật biển quốc tế và đại diện cho mọi quyền lợi thực thi của toàn nhân loại, công dân Trung Quốc cũng có không ít chuyên gia đảm nhận chức vụ quan trọng trong đó, tính công bằng và tính quyền uy của họ được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Tờ báo này bày kế Trung Quốc cần định hướng cho dư luận quốc tế một cách thích hợp, tránh những lời dự đoán về các “âm mưu”. Đối với vụ kiện của Philippines, cần đối phó một cách lý trí, không nên tùy ý thể hiện sự phẫn nộ hoặc ý kiến bất đồng trên tòa án luật biển quốc tế và tòa án trọng tài. Trong dù trong tòa hay ngoài tòa, Trung Quốc cần nắm bắt mọi cơ hội, làm tốt công tác tòa án trọng tài, đồng thời tuyên truyền lập trường và chủ trương của Trung Quốc với tòa án và động đồng quốc tế, biến thế bị động thành thế chủ động (biện hộ cho các hoạt động trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông-ND).

Hai là cần đứng trên tầm cao chiến lược biển quốc tế để cân nhắc sự được mất của lợi ích.

Nhân dân Nhật báo lý giải cuộc đấu tranh pháp lý trên biển Đông là kết quả của các mối xung đột về lợi ích và sự mâu thuẫn giữa các chủ trương, gây ra sức ép rất lớn cho sự phát triển của trật tự biển lấy Công ước luật biển quốc tế làm hạt nhân, đồng thời cũng là sự thách thức đối với phương châm luật biển và chiến lược biển của Trung Quốc. Việc ký kết và có hiệu lực của công ước là kết quả của một sự thỏa hiệp, trong các vấn đề quan trọng như nguyên tắc phân định ranh giới biển, hiệu lực yếu mạnh của luật biển đảo đều áp dụng sách lược mơ hồ hoặc né tránh, những điều khoản không rõ ràng này đã phản ánh nên quan điểm pháp lý và giới định lợi ích không giống nhau của các nước, vấn đề biển Đông càng tập trung phản ánh sự thiếu cơ sở pháp lý của công ước trong các vấn đề thực tiễn quan trọng như phân định ranh giới biển, hiệu lực của luật biển đảo, quyền lợi lịch sử... Vấn đề biển Đông sẽ được giải quyết cùng với sự phát triển của luật biển quốc tế, quá trình này ắt sẽ ảnh hưởng đến hướng phát triển của Luật biển quốc tế. Đối với Trung Quốc, cần dựa vào tinh thần cơ bản, kinh nghiệm thực tế, xu thế phát triển của Luật biển quốc tế, xem xét toàn diện cái được và mất trong không gian biển thuộc phạm vi chủ quyền cả ở biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Sau đó sẽ căn cứ vào kết quả này và đưa ra chủ trương chính sách có liên quan.

Ba là cần nhấn mạnh sự phối hợp giữa các ban ngành và tổ chức, có sự đối phó hiệu quả về mặt pháp lý trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Các điều khoản của luật quốc tế đều có tính linh hoạt nhất định, tòa án trọng tài cũng không thể đưa ra lời phán quyết mà bất chấp sự chi phối của các hoạt động chính trị quốc tế. Quá trình thụ lý vụ án này, kết quả cuối cùng, thậm chí việc nhận định quyền phát xét đều chịu sự ảnh hưởng của tình hình quốc tế, dư luận quốc tế. Chính vì thế, chắc chắn đây không chỉ là cuộc đấu tranh pháp lý đơn thuần, mà là một cuộc đọ sức toàn diện về ngoại giao, chính trị, quân sự, luật quốc tế, tuyên truyền dư luận, là sự thách thức đối với sức mạnh chiến lược biển tổng hợp của Trung Quốc.

Nhân dân Nhật báo thừa nhận về ngoại giao, do vấn đề biển Đông đã được quốc tế hóa, Trung Quốc cần điều chỉnh tâm thế, không cần né tránh, cần tích cực phát ngôn trên các diễn đàn quốc tế, cố gắng xóa bỏ chiêu bài “rỏ nước mắt để được rủ lòng thương” của Philippines và các quốc gia khác. Về mặt quân sự, cần tiếp tục tăng cường xây dựng lực lượng, năng cao khả năng uy hiếp, ngăn ngừa sự xuất hiện của các thực tế “sự đã rồi” bất lợi cho Trung Quốc.

Tờ báo này còn hiến kế rất thâm hiểm về kinh tế, song song với việc củng cố các thành quả khai thác ở phía Bắc biển Đông, cần tích cực các hoạt động khảo sát và quan trắc ở miền Trung và miền Nam biển Đông, đồng thời triển khai các hoạt động khai thác dầu khí một cách phù hợp, thông qua thế mạnh về công nghệ, vốn, tự chủ khai thác để thúc đẩy cái gọi là “cùng khai thác”. chính sách và động tác của các ban ngành cần có sự phối hợp nhịp nhàng, nắm bắt chuẩn xác “thời cơ” và “độ chín”

Huy Long  - TPO
Theo Nhân dân Nhật báo
0

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Thượng viện Mỹ cảnh báo Trung Quốc về biển Đông

(TNO) Thượng viện Mỹ vào hôm 29.7 đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án việc sử dụng vũ lực để xác lập các tuyên bố chủ quyền tại những khu vực tranh chấp ở biển Đông và biển Hoa Đông.

“Thượng viện Mỹ lên án việc sử dụng những hành động bức hiếp, đe dọa hoặc vũ lực của hải quân, cảnh sát biển, tàu cá hoặc máy bay quân sự và dân sự tại biển Đông và biển Hoa Đông để xác lập các yêu sách chủ quyền biển hoặc lãnh thổ gây tranh cãi hoặc nhằm thay đổi hiện trạng”, nghị quyết viết.


Hạm đội Nam Hải tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông trong tháng 3/2013 (Nguồn : navy81)

Nghị quyết vốn được các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đệ trình hồi tháng trước.

Nghị quyết số 167 của Thượng viện Mỹ lưu ý việc tàu công vụ Trung Quốc gia tăng hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật và tại những khu vực khác ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Theo hãng Kyodo News, bằng cách thông qua nghị quyết, Thượng viện Mỹ hy vọng có thể kiềm chế Bắc Kinh giữa lúc tàu Trung Quốc tiếp tục lảng vảng gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nghị quyết tuyên bố Mỹ chống lại mọi hành động đơn phương tại quần đảo hiện do Tokyo kiểm soát ở biển Hoa Đông.

Theo đài NHK, Thượng viện Mỹ được cho là quyết định thông qua nghị quyết sau khi Trung Quốc vẫn giữ lập trường cứng rắn về các tranh chấp lãnh thổ tại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 6.

Nghị quyết cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông, thúc giục mọi quốc gia hỗ trợ những nỗ lực của ASEAN trong vấn đề này.

Nghị quyết ủng hộ quân đội Mỹ duy trì các hoạt động tại Tây Thái Bình Dương, kể cả quan hệ đối tác với quân đội các nước trong khu vực nhằm bảo vệ “quyền tự do hàng hải, duy trì hòa bình và ổn định, và sự tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế được toàn cầu công nhận...”.

Thanh Niên
0