Vibay

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Úc và Mỹ nghe lén cả Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN

Úc đã dùng các tòa đại sứ của họ để nghe lén các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, các nước ASEAN và cung cấp cho Mỹ, Anh, Canada và New Zealand...


Sơ đồ các tòa đại sứ Úc tại các nước châu Á dính nghi án nghe lén - Đồ họa: Sydney Morning Herald

Sự việc này khiến Trung Quốc và nhiều nước ASEAN giận dữ lên tiếng chỉ trích.

Fairfax dựa vào nguồn báo Đức Der Spiegel căn cứ tài liệu rò rỉ của cựu điệp viên CIA và NSA, Edward Snowden cho biết, một chương trình thu thập thông tin bí mật gọi là Stateroom gồm tòa đại sứ của 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Úc, và New Zealand.

Theo đó tòa đại sứ Úc tại châu Á đảm nhiệm việc nghe lén nước chủ nhà, sau đó chia sẻ thông tin thu được cho nhóm 5, gọi là "Năm con mắt".

Theo Fairfax, các tòa đại sứ Úc có nhiệm vụ thu thập tin tức, bao gồm tại Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), Hà Nội (Việt Nam), Bắc Kinh (Trung Quốc), Dili (Đông Timor), và Cao ủy Úc tại Kuala Lumpur (Malaysia) và ở Port Moresby (Papua New Guinea).

Fairfax căn cứ trên nguồn tài liệu của Der Spiegel và phỏng vấn vài cựu quan chức tình báo, cho biết các tòa đại sứ nói trên của Úc đã thâm nhập các cuộc gọi điện thoại và dữ liệu internet trên khắp châu Á.

Tài liệu của Snowden cho biết các thiết bị nghe lén thường giấu rất kỹ, như ăng ten thường giấu trong các kiến trúc giả hoặc ngụy trang trên mái nhà.

Ông Des Ball, một chuyên viên tình báo cao cấp của Úc nói với hãng tin AP rằng ông thường ngụy trang ăng ten trên mái 5 tòa đại sứ Úc ở châu Á, nhưng không nói là ở nước nào.

Ông cũng tỏ ra ngạc nhiên với thông tin của báo Der Spiegel, vì nhiều nước vẫn thường dùng tòa đại sứ của họ vào việc nghe lén và do thám nước chủ nhà.


Tổng hành dinh của NSA (Mỹ), nơi thực hiện các vụ nghe lén toàn cầu và hợp tác nhiều nước cùng do thám - Ảnh: itproportal.com

Trước thông tin của Fairfax, Bộ Ngoại giao và kinh tế Úc từ chối đưa ra bình luận.

Còn Thủ tướng Úc, Tony Abbott tuyên bố: "Mỗi cơ quan chính quyền Úc, mỗi viên chức Úc ở trong nước hay nước ngoài đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật".

"Trung Quốc đặc biệt quan ngại về báo cáo này và yêu cầu có sự giải thích rõ ràng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói.

Trong thông báo phát ra ngày 31/10, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Marty Natalegawa cho biết "Indonesia không thể chấp nhận và phản đối mạnh mẽ tin tức về sự tồn tại của các cơ sở nghe lén viễn thông tại Tòa đại sứ Mỹ ở Jakarta".

Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, Ahmad Zahid Hamidi cho biết chính phủ xem đây là vấn đề nghiêm trọng và sẽ điều tra liệu Tòa đại sứ Mỹ ở Kuala Lumpur được dùng làm căn cứ do thám. Đảng đối lập ở Malaysia cùng ngày 31.10 đã yêu cầu chính phủ ra phản đối mạnh mẽ với tòa đại sứ Úc và Mỹ.

Còn Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Thái Lan, Thiếu tướng Paradorn Pattanathabutr cho biết chính phủ Thái Lan đã tuyên bố với phía Mỹ rằng do thám là một loại tội ác theo luật pháp của Thái Lan, và Thái Lan sẽ không hợp tác với Mỹ nếu được yêu cầu hợp tác nghe lén.

Nhưng ông tỏ ý nghi ngờ tòa đại sứ Úc có khả năng nghe lén, vì Mỹ có nhiều tài nguyên và nhân lực hơn Úc.

Theo Báo mới/Tin Nóng/ TNO

1 nhận xét:

  1. Bọn Tàu khựa thả dán điệp khắp nơi. Dùng mọi thủ đoạn xâm nhập đánh cấp thông tin mật.

    Bọn điệp viên Hoa Nam đầy dẫy trong cơ quan đầu não cũa nhà nước như quốc hội, bộ CA, bộ quốc phòng, nội vụ và ngay tại phũ thủ tướng. Thì lạ gì chuyện Mỹ nghe lén bọn chúng và lũ Việt gian tai sai bán nước cho giặc.

    Trả lờiXóa