Vibay

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Tình hình Biển Đông: Đại Hán muốn cô lập cả thế giới?

(Báo Đất Việt- 25/9/13) Trung Quốc coi sự hợp tác của bất kỳ quốc gia nào với Nhật Bản hoặc Mỹ xung quanh những vùng biển tranh chấp đều mang mục đích chống lại Trung Quốc.

Thời gian vừa qua, Trung Quốc có những động thái có vẻ thay đổi chiến lược ngoại giao với gương mặt thân thiện hơn.

Tuy nhiên, Philippines vẫn rơi vào cảnh bị cường quốc này cố tình cô lập. Trung Quốc đang bày ra với cả thế giới rằng sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc mang lại hạnh phúc và quyền lợi cho tất cả các quốc gia, tuy nhiên, vẫn tồn tại những sự ganh ghét của các nước khác, tiêu biểu là Philippines – đồng minh của Mỹ.

Điều này khiến cho Trung Quốc buộc phải “đối xử đặc biệt với trường hợp cá biệt” theo lời của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Mỹ triển khai đến Nhật Bản siêu trực thăng vận tải Osprey, Trung Quốc đưa vào biên chế siêu tàu đổ bộ Zubr. Trung Quốc và Nhật Bản đang trong quá trình chạy đua vũ trang để khi xảy ra tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư, quân lính có thể huy động chỉ mất vài giờ đồng hồ
Mỹ triển khai đến Nhật Bản siêu trực thăng vận tải Osprey, Trung Quốc đưa vào biên chế siêu tàu đổ bộ Zubr. Trung Quốc và Nhật Bản đang trong quá trình chạy đua vũ trang để khi xảy ra tranh chấp tại Senkaku/Điếu Ngư, quân lính có thể huy động chỉ mất vài giờ đồng hồ

Biển Đông liên tục căng thẳng sau những hoạt động leo thang của phía Trung Quốc vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trong khi Bắc Kinh liên tục né tránh đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).

Nhưng hễ có bất cứ động thái nào của các bên liên quan kêu gọi tìm kiếm giải pháp đảm bảo an ninh hàng hải, thúc đẩy COC, kiểm soát rủi ro trên Biển Đông là giới truyền thông nhà nước Trung Quốc lập tức khai hỏa đổ lỗi cho kẻ quấy rối Philippines.

Ở chiều ngược lại, Philippines thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc coi hành động này là “trực tiếp chống đối” mình và Bắc Kinh cho rằng “không còn cơ hội để cứu vãn mối quan hệ hai nước”.

Trung Quốc cũng nhắm vào Mỹ và nhấn mạnh chiến lược chuyển trục của Mỹ chỉ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa hai nước và “đừng mơ tưởng Trung Quốc từ bỏ lợi ích cốt lõi của mình tại Biển Đông” như lời Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, phát biểu trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 8.

Không dừng lại ở việc cô lập Philippines, Trung Quốc tiến tới cô lập... Nhật Bản. Bắc Kinh cho rằng Nhật Bản là quốc gia có mối thâm thù huyết hải với dân tộc Trung Hoa trong quá khứ, còn hiện tại, Nhật Bản là thế lực trực tiếp cản trở giấc mơ Trung Hoa.


Một máy bay do thám tầm cao Global Hawk của Không quân Mỹ. Nhật Bản đang dự định đưa loại vũ khí này vào hoạt động để bảo vệ chủ quyền của mình.

Trung Quốc tố cáo việc Nhật Bản đang lên kế hoạch triển khai máy bay do thám tân tiến Global Hawk, xây dựng các đơn vị giám sát mới ở Iwo Jima, và việc Mỹ lắp đặt Hệ thống radar cảnh báo sớm X-Band tại một khu căn cứ quân sự ở thành phố Kyotango là gây ra căng thẳng và bất ổn trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc không nghĩ rằng việc hải quân nước này thường xuyên xâm nhập vùng biển của Nhật Bản, UAV của Trung Quốc trên bầu trời quần đảo tranh chấp mới là nguyên nhân khiến Nhật Bản phải triển khai những hành động đáp trả.

Ngày 24/9, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã mời 13 nước ven biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Philippines và Việt Nam tham dự hội thảo quốc tế đầu tiên về biển do Nhật tổ chức.

Trước đó, Nhật Bản đã thông báo rất rõ về mục đích hội thảo quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên tuyến đường hàng hải huyết mạch qua eo biển Malacca và vùng biển Somalia.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu hôm 25/9 lại gắn nguồn "truyền thông Nhật Bản" đưa tin hội thảo này nhằm "tập hợp các nước ven biển để kiềm chế sự sức mạnh quân sự của Trung Quốc".

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Nhật Bản đang bắt tay tất cả những nước có thể nhằm cô lập Trung Quốc.

Từ việc cô lập Philippines, Nhật Bản, và cả Mỹ, Trung Quốc vô tình coi mọi sự hợp tác của những quốc gia xung quanh với những 3 nước trên đều với mục đích nhằm vào Trung Quốc.

Có vẻ như, người khổng lồ châu Á đang quá nhạy cảm với những mối quan hệ mới hình thành. Điều này không khác gì Trung Quốc đã cô lập cả những nước muốn có quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản hay Mỹ.

Cần nhớ, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì Nhật Bản đứng thứ ba còn Mỹ vẫn là nhà vô địch. Sự cảnh giác với thế giới của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ nhận lại sự nghi kỵ tương tự. Trong thế giới hội nhập và không ngừng phát triển mối quan hệ đa phương, việc cô lập bất kỳ quốc gia nào đồng nghĩa với việc tự cô lập mình.

Minh Tú (Tổng hợp)

http://www.baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tinh-hinh-bien-dong-dai-han-muon-co-lap-ca-the-gioi-2355752/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét