Vibay

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Pháp cần siết chặt quan hệ với Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng công du chính thức nước Pháp từ ngày 24 đến 27/09/2013. Chuyến viếng thăm này đã được chuẩn bị trước đó qua chuyến đi Paris của Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hồi tháng Ba, và chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vào tháng Tám.


Thủ tướng Việt Nam và Pháp tháng 11/2009 tại Hà Nội. Ảnh: VNN


Trong chuyến công du này, Thủ tướng Việt Nam sẽ ký kết với người đồng nhiệm Pháp Hiệp định đối tác chiến lược Pháp-Việt. Tổng số 26 điều khoản của hiệp định này được chia làm 5 chương, tập hợp vào một văn bản duy nhất các hiệp định hợp tác khác nhau đã được thỏa thuận trước đây, và quan hệ giữa hai nước sẽ trở nên gắn bó hơn.

Hiệp định đối tác chiến lược còn mang giá trị biểu tượng. Nó đánh dấu việc kỷ niệm 40 năm tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, và trong Năm Pháp Việt 2013-2014. Tiếc thay, hiệp định không có sáng kiến nào ấn tượng.



Hai nước sẽ quảng bá cho đối tác của mình tại các tổ chức khu vực mà họ là thành viên – một bên là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và bên kia là Liên hiệp châu Âu. Nước Pháp sẽ cố gắng giúp cho Việt Nam được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Liên quan đến quốc phòng, thỏa thuận hợp tác quốc phòng Pháp - Việt được ký kết 12/11/2009 sẽ được mở rộng. Pháp sẽ hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.


Một ván cờ quan trọng hơn đối với Pháp




Trên phương diện kinh tế, người ta sẽ cố gắng tiếp tục những gì đã bàn bạc trong cuộc đối thoại chiến lược mở ra tại Hà Nội hôm 09/04/2013. Các trao đổi, hợp tác, đầu tư sẽ được phát triển, nhất là trong kỹ nghệ hàng không, giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển bền vững, tin học, y tế, công nghiệp thực phẩm, năng lượng nguyên tử. Nước Pháp, nhà tài trợ công thứ nhì về viện trợ phát triển cho Việt Nam khẳng định ý muốn tiếp tục trợ giúp. Pháp sẽ tiếp đón các sinh viên Việt Nam với các điều kiện tốt hơn, củng cố cuộc thi tuyển vào trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Hà Nội và hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.


Đối với Pháp, ván cờ quan trọng hơn là các từ ngữ của hiệp định cho thấy. Dường như Pháp đang mất thế tại Việt Nam. Cho dù tổng số trao đổi song phương tăng lên, thâm hụt thương mại của Pháp năm 2012 là 2,1 tỉ euro, tăng hơn phân nửa so với năm 2011.
Tuy từng là nhà đầu tư phương Tây hàng đầu tại Việt Nam, nhưng Pháp đã bị Hoa Kỳ qua mặt năm 2006, rồi đến Hà Lan năm 2007. Trong khi đó, ảnh hưởng của Việt Nam tại Đông Nam Á đang tăng lên, và được xếp trong số các nền kinh tế mới nổi nhiều triển vọng. Từ khi hiệp định tự do mậu dịch giữa ASEAN và Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2010, một nhà đầu tư Pháp tại Việt Nam có thể xuất khẩu vào khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Đó là một cơ sở chiến lược.




Một nền ngoại giao hướng về châu Á

Bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thế giới, tình hình Việt Nam vào đầu năm 2011 đã xấu đi. Quốc gia này đã can đảm dựng dậy được nền tài chính công, đã bị nạn lạm phát cao làm tụt xuống còn 6% trong năm nay. Sau bốn lần phá giá, từ một năm qua Việt Nam đã ổn định được tỉ lệ hối đoái, tái lập dự trữ ngoại hối. Cán cân thương mại hiện đang thặng dư, đầu tư nước ngoài quay trở lại. Tỉ lệ tăng trưởng năm 2012 là 5,25% và năm 2013 cũng sẽ tương tự.
Nhưng những khó khăn vẫn còn đó. Các doanh nghiệp quốc doanh và ngân hàng công được quản lý kém, thường bị lỗ lã, để xảy ra nhiều xì-căng-đan. Các món nợ xấu, không được thống kê rõ ràng dường như tăng lên. 


Các thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai nước ngày càng nhiều, nhưng không kèm theo kỳ hạn cụ thể lẫn phương tiện tài chính, và một số sau đó vẫn chỉ là trên giấy tờ. Cần phải hy vọng là hiệp định lần này không phải chịu số phận tương tự.

Ngành ngoại giao Pháp rốt cuộc cũng tin rằng tương lai một phần lớn sẽ nằm tại Viễn Đông, với các hành động mạnh mẽ hướng về châu Á. Sự thay đổi này củng cố hy vọng rằng hiệp định đối tác chiến lược với một đất nước đầy kỳ vọng bên bờ Biển Đông và quan hệ lịch sử hãy còn chặt chẽ với nước Pháp, sẽ dẫn đến những thành tựu cụ thể mà cả hai nước cùng được hưởng lợi.


Bài viết của nhà kinh tế Philippe Delalande đăng trên Le Monde 24/09/2013



Bản dịch Thuymyrfi.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét