Vibay

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Học giả Trung Quốc, Đài Loan và “đường Lưỡi bò”

27/10/2012- (RFA) Một nhóm học giả Trung Quốc và Đài Loan chuẩn bị nghiên cứu về đường lưỡi bò với mục đích đưa ra cơ sở pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của mình.


Bản đồ đường lưỡi bò

Nghe:

Liệu đây sẽ là một trong những bước đầu tiên để Bắc Kinh và Đài Bắc hợp tác sâu hơn trên Biển Đông? Quỳnh Chi hỏi chuyện ông Dean Cheng, chuyên gia về Biển Đông tại Quỹ Heritage, Washington D.C.

Trước tiên, trả lời câu hỏi “Liệu nghiên cứu này sẽ là một dấu hiệu tích cực?” ông cho biết:

Dean Cheng: Đàm phán nào cũng đều có lợi cả. Bản thân tôi không nghĩ là việc làm này của nhóm có thể mang lại kết quả nào nhưng nói chung trao đổi, đàm phán thì không bao giờ có hại cả.

Quỳnh Chi: Cho đến bây giờ cộng đồng quốc tế cũng không chắc chắn về định nghĩa đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ông có nghĩ là nghiên cứu này sẽ đưa ra một định nghĩa rõ ràng hơn?

Quan điểm của Trung Quốc về đường lưỡi bò luôn khác nhau. Quan điểm chính phủ Trung Quốc thay đổi bất kể đó là tuyên bố về lịch sử, tuyên bố về lãnh hải hay tuyên bố chủ quyền. Nếu mà kết quả của nhóm nghiên cứu này trùng với quan điểm của chính phủ thì nó sẽ làm rõ nhiều thứ bất kể là về lịch sử hay luật pháp. Nhưng câu hỏi tôi đặt ra là nghiên cứu có thực sự có kết quả hay không và cũng không biết phía chính phủ có chấp nhận kết quả nghiên cứu này không.

Nhiều người quan ngại rằng đây là một trong những bước khởi đầu để Bắc Kinh và Đài Bắc có những hợp tác sâu hơn trên Biển Đông, ý ông thế nào?

Dĩ nhiên là có thể. Vấn đề là có nhiều nước tuyên bố chủ quyền trong đó có cả Trung Quốc và Đài Loan. Mặc dù Bắc Kinh và Đài Loan có những vấn đề riêng, đối với vấn đề Biển Đông, hai nước này có quan điểm và ở một cái thế khá giống nhau xét về tuyên bố lãnh hải. Cho đến giờ phút này thì Trung Quốc và Đài Loan càng có một quan điểm nhất quán về Biển Đông. Các nước như Việt Nam, Philippines, Brunei… có thể có cảm giác rằng họ đang đối đầu với một khối hơn là một nước. Nếu Trung Quốc và Đài Loan hợp tác về mặt chính trị và ngoại giao thì việc này hiểu được. Còn hợp tác quân sự thì là một chuyện khác. Tôi không nghĩ là có ai đó có thể nói rằng Trung Quốc sẽ cho tàu sửa chữa và tiếp nhiên liệu ở các cảng Đài Loan.

Giả dụ rằng Đài Loan và Trung Quốc sẽ hợp tác sâu rộng hơn trên Biển Đông, liệu nó có gây ra bất lợi nào cho phía Đài Loan?

Dĩ nhiên là nó sẽ tạo ra một vấn đề khá thú vị liên quan đến Hoa Kỳ. Mọi người cũng thấy đấy, việc Đài Loan gởi tàu ra phía Bắc đảo Điếu Ngư làm Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ. Nói về vấn đề Biển Đông, Hoa Kỳ cũng nhiều lần nói rằng nước này không đứng về phía nào và muốn một giải pháp hòa bình và đảm bảo tự do hàng hải. Nếu mà tàu của Đài Loan xâm phạm lãnh hải của Việt Nam hay Philippines chẳng hạn thì đó là lúc nước này gặp rắc rối với Hoa Kỳ.

Trở lại công tác nghiên cứu của nhóm học giả Trung Quốc và Đài Loan thưa ông, dư luận nên nhìn nhận hoạt động này như thế nào? Ý tôi là xem nó như một hoạt động tư nhân hay của chính phủ?

Tôi không có danh sách những nhân vật trong nhóm nghiên cứu này. Nhưng đối với phía Đài Loan thì những hoạt động, hội thảo như thế này thường là từ những nhóm tư nhân. Nói về phía Trung Quốc thì càng khó biết. Nếu những học giả đó nằm trong các viện chính sách hay các trường đại học thì ắt hẳn là có liên quan đến chính phủ. Không có một viện chính sách (think tank) độc lập nào ở Trung Quốc; tất cả phải liên quan đến các bộ, ngành. Về một mức độ nào đó, nghiên cứu cũng có thể làm cho chính phủ nhận thức vấn đề.
Mục đích của nhóm nghiên cứu

Ông có đoán được mục đích chính của nhóm nghiên cứu này?

Tôi nghĩ là Trung Quốc đang có hai mục đích. Thứ nhất là tìm những điểm chung với Đài Loan trong vấn đề lãnh hải nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình ở đường lưỡi bò. Cho đến bây giờ thì tôi nghĩ là Trung Quốc có thể làm Đài Loan công nhận là đường lưỡi bò có trước năm 1949 – là năm mà Đài Loan dựa vào để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Nếu việc này thành công thì Trung Quốc càng mạnh mẽ hơn trong tuyên bố chủ quyền của mình. Thứ hai là nghiên cứu các khía cạnh luật pháp để hỗ trợ cho tuyên bố của mình. Tôi muốn nói rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố chủ quyền dựa vào luật pháp theo cách hiểu rất “đặc biệt” của Bắc Kinh về luật biển. Theo đó, Bắc Kinh xem vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác cũng là lãnh hải cũng họ.

Cuối cùng thưa ông, liệu kết quả nghiên cứu này có ảnh hưởng gì đến lập trường của quốc tế về đường lưỡi bò?

Cộng đồng quốc tế thường xuyên lặp lại yêu cầu của mình là Trung Quốc phải giải thích ý nghĩa của đường lưỡi bò. Và tại các địa điểm và thời điểm khác nhau thì Trung Quốc đưa ra giải thích khác nhau. Nếu hiểu một cách chung chung thì Trung Quốc cho rằng chủ quyền lãnh hải của mình nằm trong đường lưỡi bò. Bất kể là kết quả nghiên cứu như thế nào, tôi không nghĩ là cộng đồng quốc tế sẽ chấp nhận nó một cách dễ dàng. Nói chung, tôi vẫn nghĩ là mục đích của nghiên cứu này chỉ nhằm làm Bắc Kinh và Đài Bắc xích lại gần nhau hơn trong vấn đề Biển Đông.

Xin cám ơn ông.

Trong cuộc họp báo hôm 23 tháng 10, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, ông Ngô Sĩ Tồn công bố rằng mục đích của nghiên cứu này là nhằm giải thích đường lưỡi bò trên cơ sở pháp lý. Dự tính, nghiên cứu này sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm. Theo giới quan sát, quan điểm của cả Trung Quốc và Đài Loan là Biển Đông thuộc về “người Trung Quốc”.

Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét