Sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh vấn đề biển Đông tiếp tục là đề tài nóng thu hút nhiều bình luận của báo chí phương Tây. Báo The New York Post (Mỹ) hôm 8-8 nhận định rằng Trung Quốc đang bối rối trước phản ứng mới đây của Mỹ về những động thái đơn phương sai trái của nước này ở biển Đông.
Điều này thể hiện qua việc Bắc Kinh vào cuối tuần rồi đã triệu tập ông Robert Wang, phó đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, để phản đối tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuyên bố này chỉ trích những động thái mới đây của Trung Quốc ở biển Đông đã “cản trở nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết bất đồng và khiến tình hình căng thẳng có nguy cơ tiếp tục leo thang”.
Theo bài báo, Mỹ giờ đây không thể giữ lập trường “trung lập” đối với vấn đề biển Đông nữa và việc chỉ trích Trung Quốc nói trên là sự khởi đầu tốt. Giờ đây, Mỹ cần hành động mạnh mẽ hơn để khiến Trung Quốc càng thêm lúng túng. Chẳng hạn như Mỹ phải nói rõ rằng bất kỳ một sự hung hăng nào của Trung Quốc sẽ được đáp trả tương tự như thế, đồng thời trấn an các đồng minh rằng Washington sẽ nhanh chóng hỗ trợ họ nếu bị tấn công. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cần tuyên bố rằng nước này sẽ sử dụng sức mạnh nếu cần ở châu Á – Thái Bình Dương. Đó là cách chắc chắn nhất để hạ nhiệt căng thẳng và ngăn chặn nguy cơ xung đột vũ trang ở khu vực.
Tương tự, báo The Christian Science Monitor (Mỹ) hôm 7-8 nhận định rằng Trung Quốc đang bối rối vì sự tham gia của Mỹ vào cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Các nhà phân tích nhận định rằng dù lập trường chính thức của Washington đối với vần đề biển Đông là trung lập nhưng nước này đang ngầm đứng về phía các nước nhỏ trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh ở vùng biển này. Điều này lý giải cho phản ứng mạnh mẽ của chính quyền và giới truyền thông Trung Quốc trước tuyên bố nói trên Bộ Ngoại giao Mỹ. Dù vậy, đây là tất cả những gì Bắc Kinh có thể làm vì nước này nhận thấy rằng tốt nhất là không nên biến những đe dọa thành hành động trong cuộc đấu khẩu với Mỹ về vấn đề biển Đông.
Ngoài Mỹ, một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc Liên hiệp châu Âu (EU) cân nhắc vai trò của mình ở biển Đông. Nếu xung đột xảy ra, các nước châu Âu có thể hành động để duy trì trật tự và an toàn hàng hải nhằm bảo vệ những lợi ích thương mại của mình ở vùng biển này. Ngoài ra, các nước châu Âu, như Anh hoặc Pháp, cũng có thể hành động đơn lẻ nếu thấy cần thiết. Cả hai nước này đều có lực lượng hải quân mạnh và khả năng triển khai tàu sân bay.
Sri Lanka và Nga thả ngư dân Trung Quốc
Sri Lanka đã trao trả 37 ngư dân Trung Quốc (TQ) cho các nhà ngoại giao TQ chiều 7-8, 2 ngày sau khi họ bị hải quân Sri Lanka bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Sri Lanka. Các ngư dân này bị bắt trên 2 con tàu đánh cá ngoài khơi thành phố biển Batticaloa cùng với 2 người Sri Lanka.
Người phát ngôn hải quân Sri Lanka Kosala Warnakulasuriya nhấn mạnh: “Lỗi không thuộc về thủy thủ đoàn người TQ mà là của chủ tàu người Sri Lanka. Chúng tôi đã trao họ cho các cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán TQ”. TQ hiện đang tranh giành ảnh hưởng ở Sri Lanka với Ấn Độ, đồng minh quan trọng nhất của đảo quốc này và đang là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka trong 2 năm nay. Vì vậy, theo hãng tin Reuters, việc cầm giữ các ngư dân này lâu hơn có thể gây căng thẳng trong mối quan hệ đang ngày càng thân thiết giữa 2 nước.
Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, 65 ngư dân TQ bị phía Nga bắt giữ hồi tháng trước do đánh bắt hải sản trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga đã được trả tự do và về đến TQ đầu giờ chiều 8-8. Tuy nhiên, 4 thuyền trưởng đã bị phía Nga giữ lại để phục vụ cho cuộc điều tra.
http://nld.com.vn/20120808100548180p0c1006/my-khien-trung-quoc-lung-tung.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét