Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM vừa kiến nghị khẩn lên UBND TPHCM đề nghị được kiểm tra toàn diện hàng không nhãn mác trên địa bàn. Động thái nêu trên của cơ quan này xuất phát từ thông tin về việc quả táo (bom) Trung Quốc nhiễm độc đang gây xôn xao dư luận.
Táo nhập bán tràn lan ở chợ Tân Định, TPHCM. Ảnh: GĐ
40% hàng hoa quả nhập về từ Trung Quốc
Sáng 17/6, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng ATVSTP TPHCM cho biết đang chờ UBND thành phố phê duyệt để tiến hành kiểm tra toàn diện về hàng hóa trên địa bàn. “Trước đây là thực phẩm đóng gói, nay là hoa quả nhiễm độc, chứa chất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy chúng tôi đã đệ trình đến UBND TPHCM yêu cầu được kiểm tra toàn diện hàng không nhãn mác trên địa bàn, sớm phát hiện và xử lý hàng không đạt tiêu chuẩn ATVSTP nhằm đảm bảo sức khỏe người dân thành phố” - ông Hòa nói. Cũng theo ông Hòa, cuộc kiểm tra toàn diện sẽ sớm được tiến hành với sự vào cuộc của nhiều ngành liên quan.
Trước đó, thông tin của giới truyền thông Trung Quốc cho biết nhiều nông dân trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu cấm sử dụng. Thông tin trên đã thổi bùng sự lo lắng của người tiêu dùng, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, vốn nhập rất nhiều táo Trung Quốc.
Tại TPHCM, táo, lê là những loại trái cây ưa thích và chiếm phần đa lượng tiêu thụ trong các loại hoa quả và đây cũng là mặt hàng được nhập về với lượng lớn từ Trung Quốc. Theo ước tính của bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức thì mặt hàng này chiếm hơn 40% tổng số trái cây nhập về chợ có nguồn gốc Trung Quốc. Theo đó, mỗi đêm chợ đầu mối Thủ Đức nhận khoảng 60 tấn trái cây nhập ngoại, trong đó trái cây Trung Quốc chiếm phân nửa và táo là loại chiếm số lượng ưu thế. Từ các chợ đầu mối này, hàng được phân phối đi khắp TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại thị trường Hà Nội, theo khảo sát của chúng tôi, loại táo đang bán chạy nhất là táo có tên gọi fuji. Giá táo fuji New Zealend là l68.000đ /kg, táo fuji Australia 185.000đ/kg, táo fuji Mỹ 90.000 đ/kg. Tại các sạp hàng trái cây ở các chợ nhỏ lẻ cũng bày bán các sản phẩm táo fuji nhưng giá lại thấp hơn rất nhiều. Khi được hỏi nguồn gốc của loại táo này, các chủ sạp hàng đều trả lời là táo Mỹ hoặc Australia. Tuy nhiên, theo một chủ cửa hàng hoa quả lớn chuyên đánh hàng từ chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) về các tỉnh cho biết, trái cây ngoài đường nhập khẩu chính thức còn được các thương lái nhập khẩu theo đường tiểu nghạch sau đó được các hộ buôn bán đem về lại dán mác. Vì vậy, có thể trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc với giá “bèo” nhưng nếu được dán mác Australia, Mỹ… thì giá sẽ được thổi lên rất cao.
Quay lưng với táo
Đó là tâm lý khá phổ biến của nhiều người tiêu dùng đối với những mặt hàng trái cây Trung Quốc thiếu an toàn. Chị Trần Thị Như Uyên, chợ Tân Định (quận1, TPHCM) cho biết không dám mua táo Trung Quốc từ ngày nghe loan tin. Chị Uyên nói: “Chúng tôi oải với đồ Trung Quốc rồi. Ngặt cái nó rẻ nên mình vẫn phải xài. Các mặt hàng khác hỏng thì bỏ nhưng thực phẩm, trái cây chì cần nghe tin là phải né”.
Hệ lụy từ việc người tiêu dùng quay lưng với táo đã khiến chủ các hàng hoa quả dở khóc, dở mếu. “Bây giờ nói táo Trung Quốc là không có khách mua. Ai bán hết rồi thì mừng, ai đang bán thì nói là táo nhập ngoại, lấy đại một nước nào đó không phải Trung Quốc là được”-bà Sáu Đức, chủ một sạp trái cây tại khu vực chợ Tân Định bật mí. Tuy nhiên, bà chủ sạp bán trái cây hơn 10 năm cũng nói thêm đó chỉ là “giải pháp tình thế” giải quyết cho hết táo Trung Quốc, nếu dùng chiêu này nhiều sẽ… mất đất làm ăn vì hết khách.
Cực độc hại nếu ăn cả vỏ
Những lo ngại của người dân không phải là không có cơ sở. Nhận xét về công nghệ bọc táo từ khi còn non ở trên cây đến khi thu hoạch ở Trung Quốc, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Công nghệ bọc kín quả khi quả còn non ở trên cây để tránh sâu bệnh (bằng màng phủ trên bề mặt, bằng các loại chất dẻo) là một trong những công nghệ bảo quản hoa quả tiên tiến hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản này sẽ không gây độc hại cho người nếu được nghiên cứu và kiểm duyệt quy trình chặt chẽ. Có những thuốc bảo vệ thực vật được các cơ quan chức năng cho phép, khi sử dụng đúng liều lượng và không ngấm sâu vào quả mà chỉ bảo vệ bề ngoài, trước khi ăn ngâm rửa và gọt vỏ thì sẽ không độc”, TS Thịnh cho biết.
PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ hóa học, Trường ĐH KHTN (ĐH QGHN) cũng cho biết: “Các sản phẩm trái cây hiện đều sử dụng những loại giấy bọc, những tấm màn đó có thể là những chất keo, chất không thấm nước, paraphin hoặc pagolin để ngăn chặn hiện tượng xâm nhập của vi sinh vật vào trong quả. Cách này nếu làm đúng sẽ bảo quản tốt, giảm sự hô hấp của quả giúp quả đỡ bị hỏng. Để tăng hiệu quả của quá trình bảo quản người ta trộn thêm một số hóa chất có khả năng chống vi sinh vật và đặc biệt là nấm mốc. Nhưng loại thuốc này chỉ được phép dùng cho các loại quả không ăn vỏ như cam, bưởi, quýt. Với những loại quả không gọt vỏ thì sản phẩm sẽ rất độc vì loại giấy bọc đó được sử dụng bởi những chất thuốc diệt nấm độc hại. Những loại hoa quả không được kiểm duyệt sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.
(Theo GĐ)
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/76908/thong-tin-tao-trung-quoc-nhiem-doc--song-trong-so-hai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét