Vibay

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Việt Nam – Trung Quốc tìm hướng tháo gỡ đột phá cho vấn đề biển Đông

Asia Times 21/1/12-Sau vụ náo động hồi mùa xuân vừa rồi, ngày càng có nhiều hy vọng cho thấy Việt Nam và Trung Quốc sẽ có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề biển Đông.


Đã có lúc tưởng chừng như các chính khách điên rồ đã chi phối chính sách của Trung Quốc đối với vùng biển này. Chỉ trong một vài tuần lễ của tháng năm và tháng sáu năm ngoái, các tàu “hải giám” của Trung Quốc đã gây ra một số vụ xung đột làm điên đầu bộ ngoại giao của các nước khắp vùng Đông Nam Á, cho đến Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, bị kích động bởi các chứng cứ bị bóp méo về việc Philippines và Việt Nam xâm phạm chủ quyền lãnh hải “không thể tranh cãi” của Bắc Kinh đối với biển Đông, công luận Trung Quốc dường như rất nóng lòng muốn “dạy” cho hai quốc gia láng giềng ương ngạnh này một bài học.

Suốt mùa hè năm ngoái, một loạt các hoạt động ngoại giao của các nước ASEAN đã diễn ra, khiến Trung Quốc phải đưa ra các lời hứa mới rằng họ sẽ theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết các tuyên bố chồng lấn về chủ quyền lãnh hải. Các nước đã thở phào nhẹ nhõm trước việc Bắc Kinh đồng ý với văn bản rất bay bướm có tựa đề: “Quy tắc hướng dẫn thực hiện DoC”. Rõ ràng là hầu hết các nước trong khu vực đều thấy có ít triển vọng dàn xếp được ngay tranh chấp đã ấp ủ từ lâu này; mà họ chỉ hy vọng có thể tránh được xung đột vũ trang.

Những người hoài nghi – bao gồm tác giả bài viết này – cho rằng, khi Trung Quốc đã dám thể hiện quyết tâm phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí diễn ra ngay ngoài khơi Việt Nam và Philippines, thì họ chỉ quay lại chiến lược mềm mỏng “vừa đàm vừa lấn” vỏn vẹn trong vòng mùa mưa bão ở biển Đông mà thôi (Xem: Đương đầu hay bỏ chạy ở biển Đông, Asia Times, 09/06/2011).

Các tranh chấp lãnh hải này không chỉ là việc tranh giành những rặng san hô và hòn đảo nhỏ xa xôi hẻo lánh. Thật ra, những hòn đảo này nằm sát cạnh các tuyến hàng hải tấp nập nhất trên thế giới, một bãi đánh bắt hải sản lớn, và được cho là có các túi dầu và khí giàu tiềm năng. Trung Quốc quyết tâm bám lấy các căn cứ lịch sử mơ hồ để bảo vệ cho thứ họ gọi là “chủ quyền không thể phủ nhận” đối với các vùng biển trải dài xuống phía nam tới tận Singapore. Nếu lơ là, việc đó có thể sẽ dẫn đến những xung đột nghiêm trọng – không chỉ với hải quân các nước tranh chấp như Philippines, Brunei, Malaysia hoặc Việt Nam, mà thậm chí cả với hải quân Hoa Kỳ.

Trong một hội thảo gần đây tại Hà Nội, một chuyên gia Mỹ đã chỉ ra rằng, Washington đang nhanh chóng tỏ ý quan tâm đến các diễn biến tại biển Đông. Ông ấy cho rằng Trung Quốc đang lúng túng, và Hoa Kỳ “chỉ có thể được lợi từ việc giữ vững các nguyên tắc về tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp trong hòa bình . . . , mang lại rất nhiều lý do để các nước Đông Nam Á tăng cường quan hệ song phương với Hoa Kỳ”.

Trong khi hoạt động ngoại giao của ASEAN thiếu hiệu quả và Hoa Kỳ cùng với các đồng minh trong khu vực Đông Á lại đang bị lôi kéo vào các tranh chấp này, thì đâu là tia hy vọng? Tia hy vọng này lóe lên từ các dấu hiệu cho thấy Việt Nam và Trung Quốc có thể đang xây dựng một thỏa thuận, hay ít nhất là một thỏa ước tạm thời.

Chín tháng sau khi công khai đe dọa lẫn nhau, Trung Quốc và Việt Nam lại đang họp bàn để phân định khu vực bắc biển Đông, vùng biển mà không có nước nào khác tuyên bố tranh chấp. Đây là một canh bạc mạo hiểm cho các nhà cầm quyền ở cả hai nước.

Trọng tâm chính là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển xung quanh. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm hơn ba mươi đảo nhỏ, roi cát và rặng san hô nằm về phía nam của đảo Hải Nam – Trung Quốc và về phía đông của bờ biển nam trung bộ của Việt Nam. Ngư dân các nước ven vùng biển đã thường xuyên lui tới quần đảo này từ hàng thế ký nay, điều này trở thành cơ sở lịch sử nhằm xác lập chủ quyền lãnh hải cho cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Theo luật quốc tế, tuyên bố dựa trên chủ quyền lịch sử của Việt Nam vững vàng hơn, cụ thể là Việt Nam dưới triều Nguyễn, sau đó là Pháp (đô hộ Việt Nam từ thế kỷ 19), và Việt Nam Cộng hòa, đã thực thi quyền chủ quyền liên tục từ thế kỷ 16 đến năm 1974, khi mà lực lượng Việt Nam Cộng hòa đồn trú đã bị quân Trung Quốc đánh bại.

Từ đó đến nay, mặc dù Hà Nội vẫn kiên quyết với tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc đã mở rộng hệ thống công sự tại quần đảo này, và thậm chí xây dựng cả các cơ sở cảng biển và sân bay. Các tàu cá của Việt Nam đã có lúc bị quấy rối và đôi khi bị bắt giữ để đòi tiền chuộc khi họ định khai thác ở các vùng biển gần đó.

Vậy nên khá là đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh, vốn đã nắm giữ quần đảo Hoàng Sa trên thực tế, và sở hữu lực lượng không quân và hải quân hùng hậu hơn đáng kể, lại đã đồng ý “đẩy nhanh tiến độ phân định lãnh hải trên Vịnh Bắc Bộ và . . . tích cực thảo luận về việc hợp tác nhằm cùng phát triển trên các vùng biển này” vào hồi giữa tháng mười vừa qua. Thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn, đó là, bên cạnh việc sẽ xem xét “các yếu tố liên quan khác như lịch sử . . .”, dựa vào “chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982” (UNCLOS), Việt Nam và Trung Quốc sẽ “nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được về các vấn đề tranh chấp trên biển”.

Trong khi hiệp định dàn xếp tranh chấp lãnh hải vẫn còn treo ở đó, cả hai phía sẽ “tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển”.

Nếu xem xét trên giấy tờ, điều này có nghĩa là Trung Quốc đã lùi bước về “quyền tài phán không thể phủ nhận” đối với toàn bộ khu vực biển nằm trong đường chín đoạn, ôm trọn 80% diện tích biển Đông gây tranh cãi của họ.

Các chuyên gia về luật biển cho rằng, quần đảo Hoàng Sa không đủ đáng kể để làm căn cứ xác định “khu vực đặc quyền kinh tế”, bất kể ai kiểm soát nó đi nữa. Vì vậy, nếu căn cứ theo UNCLOS, thì khi phân định khu vực tranh chấp song phương này, đường phân chia sẽ nằm giữa đảo Hải Nam – Trung Quốc và bờ biển miền trung Việt Nam. Nó sẽ chia khu vực biển này thành hai phần tương đương nhau.

Nếu Trung Quốc thực sự muốn đạt được một thỏa thuận song phương, họ thậm chí có thể nhượng lại cho Việt Nam quyền kiểm soát các rặng san hô và đảo nhỏ ở phía tây quần đảo, phần nằm về phía tây của đường phân định.

Nhưng liệu Trung Quốc có đồng ý nhượng bộ hay không? Có ít nhất bốn lý do thuyết phục để họ làm vậy.

Thứ nhất, đã từng có tiền lệ như vậy. Vào năm 2000, sau bảy năm thương lượng, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về việc phân định ranh giới biển trên Vịnh Bắc Bộ – vùng biển hẹp nằm kẹp giữa các tỉnh phía bắc của Việt Nam và bờ tây của đảo Hải Nam. Bên cạnh đó, hai nước còn thực hiện các cuộc tuần tra chung và cùng quản lý tài nguyên (hải sản). Bởi vậy, đường đứt đoạn thứ mười đã được xóa khỏi bản đồ đường chữ U mà Trung Quốc dùng để minh họa cho tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông.

Thứ hai, Trung Quốc kiên quyết giải quyết các tranh chấp về lãnh hải bằng đàm phán song phương. Nói cách khác, Trung Quốc tuyên bố sẽ không ngồi xuống đàm phán về các tranh chấp chồng lấn ở biển Đông với toàn bộ hoặc một nhóm các nước ASEAN. Đạt được một thỏa thuận song phương sòng phẳng với Việt Nam về khu vực biển tranh chấp giữa hai nước sẽ cải thiện độ tin cậy của Bắc Kinh đáng kể.

Thứ ba, duy trì một mối quan hệ thân thiện với lãnh đạo của Việt Nam là rất quan trọng đối với Trung Quốc. Chế độ hiện thời tại Hà Nội là chế độ duy nhất ngoài Bắc Kinh quyết tâm đi theo con đường xây dựng “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản. Nằm dưới tấm bình phong của một Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt – Trung, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn hữu nghị, nhằm xây dựng liên kết giữa các bộ, các tỉnh giáp ranh, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang, và tất nhiên, giữa các cơ quan đảng hai nước.

Thứ tư, việc nhượng bộ này sẽ củng cố giả thuyết rằng các vụ khiêu khích hồi mùa xuân vừa rồi là do các lực lượng phía bên dưới gây ra, ví dụ như lực lượng tuần duyên và các công ty dầu khí của Trung Quốc, những lực lượng không hiểu rõ được ý định vĩ mô của Trung Quốc đối với khu vực biển Đông. Nếu thuyết phục được các nước ASEAN tin như vậy, các nước này còn có thể sẽ trở lại tin vào kịch bản “trỗi dậy trong hòa bình” của Bắc Kinh, và không còn mặn mà với việc lôi kéo Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, và các nước khác, vào cuộc chơi lớn trên biển Đông còn kéo dài này.

Đối với Bộ chính trị tại Hà Nội, đây là vấn đề hết sức hệ trọng. Từ thuở xa xưa, tìm cách ứng xử trong mối quan hệ bất bình đẳng với nước láng giềng khổng lồ phương bắc vẫn luôn là mối quan tâm cốt lõi của tầng lớp lãnh đạo Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, một mặt, tỏ rõ cho Trung Quốc thấy Việt Nam sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, và mặt khác, biết rõ lúc nào cần nhượng bộ và đàm phán.

Nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các thành phần có tư tưởng “cởi mở” nằm ngay trong nội bộ đảng cộng sản cầm quyền, sẵn sàng phê phán các lãnh đạo hiện thời nếu họ tỏ ra nhu nhược khi đối mặt với Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ Chính trị cũng phải để tâm tới các phần tử yêu nước quá khích Trung Quốc, đặc biệt là các phần tử hiếu chiến trong hải quân Trung Quốc, chỉ chực chờ để gây chiến.

Bởi vậy, chiến lược của Việt Nam là sẽ không nhượng bộ điều gì cho đến khi Bắc Kinh đặt ra trên bàn đàm phán một đề xuất đủ thực tế để họ cân nhắc, trong khi vừa củng cố quốc phòng, liên tục trì hoãn các vấn đề mang tầm quan trọng đối với Trung Quốc, và công khai xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, cũng như cho phép công chúng được bày tỏ thái độ trong khu vực xung quanh đại sứ quán Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay, dường như một số điều kiện tối thiểu có thể chấp nhận đã được đặt lên bàn đàm phán, và cả hai Bộ Chính trị đã cùng vào cuộc. Một thông điệp được lặp đi lặp lại trong suốt chuyến thăm cao cấp của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Việt Nam tới Bắc Kinh tháng mười vừa rồi, cũng như trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng mười hai của ông Tập Cận Bình, vị chủ tịch tương lai của Trung Quốc, đó là các nhà thương thuyết của hai bên đều đã được quán triệt phải thực thi “nhận thức chung của lãnh đạo hai nước”.

Hẳn là không quá sớm để đạt được những bước tiến cụ thể trong việc dàn xếp các tranh chấp.

Cùng với việc Trung Quốc đang xây dựng tiềm lực vũ trang đủ để hậu thuẫn cho các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của họ, một cuộc chiến chóng vánh là điều rất có thể xảy ra, dù là leo thang mất kiểm soát hay có chủ ý. Ít nhất là cho đến bây giờ, Bắc Kinh có vẻ không mặn mà lắm với việc xây dựng một thỏa ước dọn đường cho các nước quanh khu vực có thể đầu tư công sức vào việc cùng khai thác các nguồn lợi hải sản và dầu khí. Trong khi đó, cùng với việc Hoa Kỳ tiến hành rút quân khỏi Irắc và Afghanistan, khả năng can thiệp của Washington là hoàn toàn rõ ràng. Dù sao thì đó cũng là một viễn cảnh đáng sợ.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng rằng Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị giải quyết được một phần vấn đề của cuộc chơi lớn.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, chuyên viết về chủ đề Việt Nam đương đại. Có thể gửi email cho ông tại địa chỉ nworbd@gmail.com.

Nguồn: Asia Times

http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/NA21Ae02.html

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

http://anhbasam.wordpress.com/2012/02/19/viet-trung-tim-huong-thao-go-dot-pha-van-de-bien-dong/

Bản tiếng Việt © David Brown

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét