Vibay

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Báo chí nhà nước Trung Quốc kích động thù hằn dân tộc

(Vibay-15/12/2011) Như bạn biết Bàn Cầu Thời báo, à không, xin lỗi, Hoàn Cầu Thời báo là phụ san chuyên về chính sách đối ngoại của Nhân Dân Nhật Báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng CS Trung Quốc. Mặc dù dư luận cho rằng Hoàn Cầu Thời Báo là báo lá cải và không đáng xem. Nhưng vấn đề là tờ báo này thành công ở Trung Quốc nhờ đăng bài kích động dân tộc chủ nghĩa và có một lượng độc giả "khủng bố" ở nước này. Tờ báo này đang gieo tư tưởng thù hằn dân tộc rất nguy hiểm ở Trung Quốc. Dư luận cũng đặc câu hỏi: Tại sao nhà nước Trung Quốc cho phép tờ báo này làm như vậy ?


Hình ảnh lính Trung Quốc bắt lính Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa năm 1974. Ảnh do Trung Quốc công bố mới đây.


THÊM MỘT HÀNH ĐỘNG VÔ TRÁCH NHIỆM CỦA MẠNG HOÀN CẦU (đăng trên Biendong.net)

Ngày 6-12-2011, mạng Hoàn Cầu đăng mục điều tra ý kiến bạn đọc về các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc, v.v bằng cách đánh dấu vào các câu hỏi gợi ý cho sẵn. Đối với Việt Nam, mạng này nêu ra nhiều câu như “vong ơn bội nghĩa”, “xâm chiếm Biển Đông”, “nham hiểm”, “hiếu chiến”, “bài Hoa”, “chiến tranh biên giới Việt - Trung”, v.v…

Đó là một hành động mới vô trách nhiệm của báo Hoàn Cầu. Đó là việc làm có chủ ý, hết sức thiếu hữu nghị, cố tình lái và kích động dư luận đối với Việt Nam. Người ta không thể không lo ngại trước việc làm mới này của tờ Hoàn Cầu.

Thời gian qua, chính báo Hoàn Cầu đầu têu trong việc cho lưu hành nhiều bài báo xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam, kích động tâm lý chống Việt Nam trong dư luận. Thậm chí có lúc báo này trích dẫn ý kiến của một viên tướng Tàu là “dạy cho Việt Nam một bài học”. Khoảng 1 tháng trước, báo Hoàn Cầu đe doạ Philippines và Việt Nam “chuẩn bị để nghe tiếng đạn pháo”. Cách đây độ 2 tuần, báo Hoàn Cầu lại có bài bình luận doạ rằng nếu các nước láng giềng không kiềm chế trong vấn đề Biển Đông thì sẽ sớm xảy ra xung đột quân sự. Phóng viên hỏi thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói phương tiện truyền thông có quyền bình luận.



Khi đọc những bài báo vô trách nhiệm và thiếu hữu nghị đối với Việt Nam và đe dọa các nước láng giềng khác mà Hoàn Cầu đã đăng tải trong thời gian qua, người ta hoàn toàn nghi ngờ tính chân thật trong câu trả lời của Bộ Ngoại giao Trung Cộng. Bởi vì báo Hoàn Cầu không phải là một tờ báo lá cải, vô danh tiểu tốt. Hoàn Cầu là phụ san của tờ Nhân Dân Nhật báo - tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Liệu có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương: Nhân Dân Nhật Báo thì phải chuyển tải đúng quan điểm, lập trường, đường lối của Đảng và Nhà nước, còn phụ san của nó được tự do rao đủ món tạp pí lù, cho phép ai cũng được thể hiện suy nghĩ cá nhân, kể cả những suy nghĩ ngược lại đường lối chủ trương của Đảng Cộng sản? Không! Chắc chắn Ban lãnh đạo cấp cao của Trung Cộng không có chủ trương như vậy. Nếu như họ có chủ trương như vậy thì đã có vô vàn ý kiến đòi đa nguyên, đa đảng đăng trên tờ Hoàn Cầu. Hoặc giả, bộ phận phụ trách công tác tư tưởng của Trung Cộng không biết nội dung các bài báo xấu xa của Hoàn Cầu đối với Việt Nam? Cũng không phải! Vì mắt họ chưa bị mù, tai họ chưa bị điếc. Hoặc giả Trung Cộng không kiểm duyệt được nội dung các tin bài của Hoàn Cầu? Cũng không phải nốt.


Cơ sở của Trung Quốc tại đá Vành Khăn mà họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa - Ảnh: AFP

Đáng nhấn mạnh là việc làm vô trách nhiệm, thiếu hữu nghị đối với Việt Nam đó diễn ra ngay sau khi lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng vừa mới tay bắt, mặt mừng, ôm hôn thắm thiết lãnh đạo Việt Nam ở Đại lễ đường Nhân dân và cam kết “đẩy mạnh tuyên truyền tình hữu nghị Việt -Trung, tăng cường định hướng dư luận và quản lý báo chí, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”. Việc mạng Hoàn Cầu đặt ra các câu hỏi cho cư dân mạng nào là “vong ân bội nghĩa”, “xâm chiếm Biển Đông”, “hiếu chiến”, “nham hiểm”, v.v… đối với Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại cam kết nêu trên. Chủ ý khi đặt ra các câu như vậy chắc chắn không phải là đẩy mạnh tuyên truyền tình hữu nghị Việt-Trung và thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chủ ý của nó là kích động, tạo luồng dư luận xấu về Việt Nam, nuôi dưỡng các tâm lý thù nghịch đối với Việt Nam và và đầu độc quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc làm này rõ ràng không có lợi cho quan hệ láng giềng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Vừa thề thốt tăng cường tình hữu nghị với Việt Nam, vừa cho phép báo chí chính thức đăng tải tin tức vô trách nhiệm xấu xa về Việt Nam. Lời nói và việc làm của Trung Cộng quá mâu thuẫn: nói một đằng, làm một nẻo. Để Hoàn Cầu tác yêu, tác quái như vậy tức là Trung Cộng đã chà đạp lên cam kết mà họ đã chấp nhận theo Tuyên bố chung Trung - Việt ngày 15/10/2011.

Nếu báo Nhân dân của Hà Nội cũng cho phép phụ san của nó thăm dò ý kiến bạn đọc như Hoàn Cầu đã làm thì kết quả sẽ thế nào? Giả dụ, mạng của Việt Nam đặt câu hỏi “Ai xâm chiếm Biển Đông” thì không chỉ hàng chục triệu người Việt Nam, mà triệu triệu cư dân mạng của khu vực đều trả lời: Trung Quốc. Lý do cũng rất dễ hiểu. Một là, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam mấy trăm năm nay. Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp đã tiếp tục thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo và từ những năm 30 của thế kỷ XX, đã đóng quân ở đó. Còn Trung Quốc chưa bao giờ có hoạt động để chứng minh yêu sách của mình. Từ những năm 50 của thế kỷ XX Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm nửa phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và chiếm nửa phía Tây của quần đảo vào năm 1974 (lúc đó do chính quyền Sài Gòn quản lý). Năm 1988, Trung Quốc bắt đầu dùng vũ lực chiếm một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hai là, theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc thì Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở bên ngoài bờ biển của họ. Nhưng Trung Quốc lại đòi các vùng biển đó là của Trung Quốc theo yêu sách “đường lưỡi bò”, mặc dù Trung Quốc biết rõ yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn trái với Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia.

Nói về “chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979” thì ai cũng biết đó là hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam. Chính Bắc Kinh đã huy động hàng vạn tên lính vượt qua đường biên giới giữa hai nước, tràn vào các tỉnh biên giới của Việt Nam giết dân thường Việt Nam, tàn phá nhà cửa, công trình của người Việt Nam. Còn nói về hành động “hiếu chiến” ở Biển Đông thì cả thế giới đều biết vụ Trung Quốc cho tàu chiến cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngay trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cắt cáp chỉ cách bờ biển Việt Nam 116 hải lý, tức là còn 84 hải lý nữa mới hết giới hạn 200 hải lý. Khu vực đó hoàn toàn thuộc thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Đó không phải là thềm lục địa của Trung Quốc. Cho nên chính Trung Quốc mới là kẻ “hiếu chiến” ở Biển Đông.

Giả sử các mạng của Việt Nam cũng tiến hành việc lấy ý kiến như mạng Hoàn Cầu làm thì 100% cư dân mạng Việt Nam sẽ đồng thanh lên án Trung Quốc. Nhưng các mạng của Việt Nam đã không làm như Hoàn Cầu vì làm như Hoàn Cầu thì chỉ kích động dư luận, tạo cớ cho các lực lượng xấu phá hoại quan hệ láng giềng giữa hai nước.

Không thể chấp nhận việc làm vô trách nhiệm của báo Hoàn Cầu. Việc Bắc Kinh tiếp tục dung túng cho các hành động vô trách nhiệm của Hoàn Cầu không lừa bịp được ai. Việc đó càng làm cho khu vực và thế giới hiểu rõ hơn bộ mặt thật của Bắc Kinh. Đã đến lúc những tiếng nói có lương tri ở Trung Quốc lên tiếng, cảnh tỉnh Hoàn Cầu và những kẻ đứng phía sau đang giật dây cho Hoàn Cầu./.
N.C.L

http://biendong.net/binh-luan/507-them-mt-hanh-ng-vo-trach-nhim-ca-mng-hoan-cu.html

Hoàn Cầu Thời báo là gì? (BBC Vietnamese)

Dư luận Việt Nam gần đây chú ý tới nhiều bài báo mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, thậm chí hiếu chiến, trên tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc.
BBCVietnamese.com cũng đã giới thiệu một số bài tới quý vị, chủ yếu liên quan tới chính sách của các nước ở Biển Đông. Nhiều độc giả đặt câu hỏi: vậy Hoàn Cầu Thời báo là tờ báo như thế nào?

Mới đây, tạp chí Foreign Policy có bài của tác giả Christina Larson tựa đề 'Kênh Fox News của Trung Quốc' nói về Hoàn Cầu Thời báo, ví ấn phẩm này với kênh truyền hình cũng bị coi là bảo thủ và khá diều hâu của Hoa Kỳ.
Bài báo đã hé lộ đôi điều về tờ báo đông người đọc vốn nhiều lần đe dọa trừng phạt các nước xung quanh.
Các biên tập viên cao cấp của Hoàn Cầu Thời báo được nói hàng ngày tới văn phòng trong tòa nhà được canh gác chặt chẽ ở phía Đông thủ đô Bắc Kinh để làm việc cần mẫn tới 14 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian bận rộn đó "họ đặt và biên tập các bài báo cũng như xã luận về nhiều chủ đề, từ khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc tại Biển Đông, tới thái độ ma mãnh của Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tới lượng bia rượu khổng lồ mà các quan chức nhà nước tiêu thụ..." để cuối cùng cho ra được tờ báo 16 trang.
Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo là ông Hồ Tích Tiến, người được cho là 'đưa ra các quyết định cuối cùng'.
Hoàn Cầu Thời báo có hai ấn bản tiếng Trung và tiếng Anh, nội dung không khác nhau nhiều lắm và chủ yếu là đưa ra những cảnh báo đại loại như các nước láng giềng nếu không thay đổi lập trường sẽ phải 'sẵn sàng nghe tiếng đại bác'.... Tất nhiên các đe dọa kiểu này gây nhiều chú ý và Hoàn Cầu Thời báo luôn được các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài trích thuật.
Quan điểm của ai?
Báo Hoàn Cầu đặt tại khu nhà của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thành lập từ năm 1948.
Nhân dân Nhật báo là tờ báo chính thống, nhiều khi tẻ nhạt, chỉ được theo dõi để biết về số phận các lãnh đạo, ông nào lên và ông nào xuống.
Hoàn Cầu có sứ mệnh khác hẳn. Ra đời năm 1993, ban biên tập Hoàn Cầu có nhiệm vụ tiếp cận quần chúng chứ không phải chỉ truyền đạt lại các thông điệp của Chính phủ hay Bộ Ngoại giao.
Nhân viên tờ báo này cũng tỏ ra bình dân, không chỉ trong cách ăn mặc mà còn cả trong không khí làm việc sôi động và lắm lúc mất trật tự.
Tổng biên tập Hồ Tích Tiến, 51 tuổi, để tóc dài, gầy gò và năng động. Ông học về đối ngoại quốc phòng ở Nam Kinh và có bằng thạc sỹ văn học Nga từ đại học Bắc Kinh.
Ông Hồ nói nhanh và chọn từ ngữ sắc sảo. Ông nói với bà Larson: "Chúng tôi gọi cái xẻng là cái xẻng. Và chúng tôi không sợ làm phật lòng quý vị".

Thông thường ở Trung Quốc, tổng biên tập các báo do Đảng Cộng sản cử, nói chung không có kinh nghiệm báo chí và cũng chẳng mấy quan tâm tới việc làm báo.
Thế nhưng, ông Hồ Tích Tiến thì khác hoàn toàn. Có lẽ ông chỉ giống các ông tổng biên tập khác ở một điểm là trung thành với Đảng.
Ông từng là phóng viên chiến trường, và ham viết xã luận nên bài xã luận nào hầu như cũng có đóng góp của ông.
Trang cá nhân của ông Hồ trên mạng Weibo, tương tự mạng Twitter bên phương Tây, có tới 1,4 triệu người theo dõi.
Tờ báo của ông không ngần ngại viết về các chủ đề gây tranh cãi, từ sự kiện Thiên An Môn tới nghệ sỹ Ngải Vị Vị, dù chỉ là để khẳng định đường lối của Đảng.
Một trong những điều Tổng biên tập Hồ khoái nhất là đưa ra các nhận định trái chiều, nhất là khi đụng chạm đến Hoa Kỳ. Thí dụ, trong khi các báo và các trang mạng xuýt xoa về việc Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đi ăn tối tại một quán mì bình dân, hay phong thái bình dị của tân đại sứ Mỹ Gary Locke, Hoàn Cầu phân tích: "Để bảo đảm an ninh cho ông Biden ở quán mì ven đường còn tốn kém gấp nhiều lần so với ăn ở Nhà khách Chính phủ".
Mặc dù tổng biên tập thích dùng Weibo, Hoàn Cầu Thời báo lại không ít lần tấn công các mạng xã hội, gọi đây là nơi 'phát tán tin đồn và đầu độc dư luận'.
Thế liệu Hoàn Cầu không đầu độc dư luận theo cách nào đó hay sao?
Ông Michael Anti, một chuyên gia và các vấn đề Trung Quốc và quốc tế, nhận định: "Nói thật thì tôi nghĩ lập trường của Hoàn Cầu Thời báo chỉ là làm sao để kiếm tiền. Chủ nghĩa dân tộc là con bài chính của tờ báo".
Theo ông Anti, điều này cũng từa tựa như kênh Fox News của trùm truyền thông Rupert Murdoch.
Nhiều độc giả
Nếu tính về lượng độc giả thì Hoàn Cầu Thời báo là tờ đứng thứ thứ ba Trung Quốc, với 2,4 triệu người đọc báo in mỗi ngày. Báo điện tử có tới 10 triệu độc giả.
Giả sử các số liệu trên đã bị thổi phồng ít nhiều thì nó vẫn cao hơn đa số tờ báo ở phương Tây. Để so sánh, báo Washington Post mỗi ngày chỉ in có nửa triệu bản.
Thành công của Hoàn Cầu một phần nhờ vào các thay đổi trong bối cảnh báo chí Trung Quốc hiện nay. Tờ báo tập trung vào các vấn đề quốc tế, và tuyên truyền cho vị thế ngày càng cao của Trung Quốc trên thế giới.

Người đọc trong nước ngày càng hướng ngoại thì Hoàn Cầu lại càng đăng nhiều bài đả kích thái độ của các nước ngoài đối với Bắc Kinh.
Chúng ta có thể đọc qua các tựa đề: 'Tấn công Trung Quốc thành xu hướng thời thượng ở Washington', 'Ấn Độ và Việt Nam ký hợp đồng nhằm khiêu khích Trung Quốc'... để thấy rằng tờ báo này đang nhằm vào tâm lý muốn khơi dậy sự tự tôn và 'phục thù' của người dân.
Jeremy Goldkorn, chuyên gia về truyền thông Trung Quốc và sáng lập viên của mạng Danwei.org, nói rằng Tổng biên tập Hồ đã thành công trong việc kết nối cái gọi là 'giáo dục tinh thần yêu nước' và vai trò kiếm tiền của tờ báo trong thời buổi chính phủ không còn bao cấp nữa.
Thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông đã phải thương mại hóa bằng các cách thức khác nhau. Có tờ phải quay sang tin tức về đời tư các ngôi sao để bán báo và bán quảng cáo.
Thế nhưng, Hoàn Cầu Thời báo chọn cho mình con đường dân tộc chủ nghĩa để tăng lượng độc giả.
Cũng bởi vậy mà tờ báo này được chú ý không phải vì các bản tin, mà nhờ các bài xã luận đanh thép, nhiều khi hung hăng 'như tiếng đại bác'.
Một chủ đề quen thuộc và ăn khách là chỉ trích tính giả dối và trơ tráo của phương Tây, nhất là Mỹ.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng một trong các chủ đề được ưa chuộng khác là chỉ trích nạn tham nhũng ở ngay chính đất nước Trung Quốc.
Thí dụ hồi tháng Tư, báo này đăng bài đả phá thói ăn tiêu xa hoa của một quan chức lãnh đạo tập đoàn dầu lửa nhà nước Sinopec.
Bài báo sắc sảo và thành công này sau được nhiều báo nước ngoài trích lại.
Một nhóm phóng viên Hoàn Cầu Thời báo đã điều tra việc Tổng giám đốc chi nhánh Quảng Đông của Sinopec, ông Lư Quản Vũ, bị cáo buộc mua 480 chai rượu Mao Đài và 696 chai rượu vang tổng trị giá 243.604 đôla Mỹ để 'dùng riêng'.
Thông qua vụ ông Lư, Hoàn Cầu Thời báo đã đánh trúng tâm lý số đông, vừa quan tâm các sự kiện quốc tế, vừa bức xúc về tệ nạn trong nước, và vô hình trung đã thu hút thêm độc giả cho nền báo chí của Đảng tiên phong.
Tuy nhiên bí quyết thực của tờ báo này, theo một số nhận định, là vì 'không có gì đáng đọc nữa cả'.
Một cựu phóng viên tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh nói với Christina Larson: "Chẳng có nhiều lựa chọn... làm gì có tin tức đích thực ở Trung Quốc".

Đọc thêm Hoàn Cầu thời báo trên Wikipedia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét