Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiền tệ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiền tệ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Dự trữ ngoại hối đã lên hơn 84 tỷ USD

Đây là thông tin vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng nay (10/4).


Như vậy, so với cuối năm 2019, Việt Nam đã mua vào thêm hơn 5 tỷ USD.

Thống đốc cho biết, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như các Bộ ngành, giá một số mặt hàng thiết yếu, lạm phát đã có xu hướng giảm. Theo đánh giá, năm nay, có khả năng kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.

Về tỷ giá, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó với các tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước.

Trong 3 tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định, tỷ giá đồng Việt Nam biến động trong biên độ khoảng 1,3 – 1,5%; có thể nói là ổn định so với sự biến động rất mạnh của tỷ giá các đồng tiền một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng.

“Ngành ngân hàng cũng như Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ, giữ ổn định được tỷ giá để đảm bảo củng cố được niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi.

Từ đầu năm đến nay, chúng ta chưa phải can thiệp ngoại tệ vào thị trường. Với nguồn lực dữ trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay là trên 84 tỷ USD, chúng ta hoàn toàn có đủ nguồn lực để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc khẳng định.

Như vậy, so với cuối năm 2019, Việt Nam đã mua vào thêm hơn 5 tỷ USD.

Cũng theo Thống đốc, có thể nói, các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong những năm qua là yếu tố hết sức then chốt để tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Các chuyên gia nước ngoài cũng như đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nếu không có sự ổn định vĩ mô duy trì được trong những năm vừa qua thì tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế Việt Nam sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Việc chúng ta tập trung kiểm soát tốt lạm phát thời gian vừa qua cũng đã góp phần rất quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây cũng là nền tảng quan trọng và then chốt, là cơ sở để tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau dịch.

Trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, ngành ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung các nỗ lực để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn nữa để đạt được mục tiêu đã đề ra, trong đó củng cố các nền tảng vĩ mô, tạo điều kiện tiếp tục các giải pháp phục hồi sau dịch bệnh.
0