Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bách Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bách Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

Một kiến giải về phạm vi sinh sống của người Việt cổ

Vùng đất phía Bắc của người Bách Việt từng lên đến tận phía Nam sông Dương Tử (hay Trường Giang), tới khu vực Hồ Động Đình (tức tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc của Trung Quốc ngày nay). Việc này không chỉ được ghi nhận lại trong các truyền thuyết mà còn nằm trong những chứng tích của lịch sử.

Truyền thuyết

Theo Lĩnh Nam Chích Quái thì ông nội của Lạc Long Quân là Đế Minh (cháu 3 đời của Thần Nông) sinh ra con cả là Đế Nghi. Khi Đế Minh đi tuần thú phương Nam thì gặp và cưới con gái bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Ngay từ tấm bé Lộc Tục đã thể hiện rất thông minh và đoan chính.

Đế Minh rất ngạc nhiên trước tư chất thông minh và tài trí của Lộc Tục nên muốn chọn làm người nối ngôi, thế nhưng Lộc Tục lại muốn nhường ngôi cho anh mình là Đế Nghi.

Cuối cùng Đế Minh quyết định truyền ngôi cho con trưởng Đế Nghi làm vua phương Bắc, và cho Lộc Tục làm vua phương Nam, lấy sông Dương Tử làm giới tuyến. Ông tế cáo trời đất trên Thiên đài rằng: “Trước đất trời nguyện rằng: Nam, Bắc cương thổ có khác. Nam không xâm Bắc. Bắc không chiếm Nam. Kẻ nào phạm lời nguyền thì chết dưới đao thương”.


Lãnh thổ nước Xích Quỷ

Từ đấy phía Bắc sông Dương Tử do Đế Nghi cai quản, phía Nam sông Dương Tử do Lộc Tục cai quản. Lộc Tục khi lên ngôi Vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương, năm 2879 TCN đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, biên giới phía Bắc tới Động Đình Hồ, phía Nam giáp với nước Hồ Tôn, phía Tây giáp với Ba Thục, phía Đông giáp với biển Nam Hải.

Như vậy theo sự phân chia vào thời đấy thì biên giới phía Bắc của người Việt lên đến Động Đình Hồ (phía Nam sông Dương Tử), bao gồm cà các tỉnh của Trung Quốc ngày nay như Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Quảng Đông, v.v.

Nếu tính diện tích thì Bắc giáp Động Đình Hồ vĩ tuyến 29 Bắc, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành sau này) vĩ tuyến 11 Nam, phía Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên) kinh tuyến 105 Đông, phía Đông giáp bể Nam Hải, kinh tuyến 118 Đông. Tổng cộng diện tích của Xích Quỷ khoảng 2.900.000 km2.

Khi vua Kinh Dương Vương mất, con trai là Lạc Long Quân lên nối ngôi, lập ra nhà nước Văn Lang. Khi ấy, biên giới của Bách Việt vẫn được vẹn toàn.

Trong khi đó, dù hậu nhân sau này đã mở mang bờ cõi về phía Nam, nhưng lại mất đi phần đất phía Bắc, nên diện tích Việt Nam bây giờ là 331.698 km2 (tính cả diện tích trên biển), chỉ bằng khoảng 1/10 so với trước kia.

Hai Bà Trưng khôi phục giang sơn

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40 SCN đã giành được thắng lợi và lấy lại nguyên vẹn lãnh thổ nước Việt cổ.

Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng quả cảm của mình đánh đuổi quân Hán đến tận Động Đình Hồ, một nữ tướng là Trần Thiếu Lan đã tử trận tại sông Thẩm Giang. Đây là con sông nối với Hồ Động Đình. Sách thời nhà Nguyễn có ghi chép rằng: “Các sứ thần triều Lý, Trần, Lê đi sứ sang Trung Quốc, khi qua nơi đây đều có sắm lễ vật đến cúng miếu thờ bà Trần Thiếu Lan.”

Khi giành được giang sơn, Hai Bà Trưng giao cho nữ tướng Phật Nguyệt chức Tổng trấn khu hồ Động Đình – Trường Sa. Năm 1979, giáo sư Trần Đại Sỹ tìm thấy tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam (tỉnh thủ phủ phía Nam Động Đình Hồ, Trung Quốc) có ghi chép trận đánh Động Đình Hồ như sau: “Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga mi, một tay nhổ núi Thái sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường giang, hồ Ðộng đình, oán khí bốc lên tới trời”.

Giáo sư Trần Đại Sỹ từng tới Trung Quốc để tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến giữa Hai Bà Trưng và quân Hán, thấy rất nhiều tỉnh đều thờ Vua Bà, nhiều nhất là tỉnh Hồ Nam (khu vực Động Đình Hồ), nhưng không ai còn nhớ Vua Bà là ai.

Khi ông đến đến Côn Minh, giáo sư sử học Đoàn Văn ở đây cho hay: “Trong truyền thuyết dân gian nói rằng hồi đầu thế kỷ thứ nhất có trận đánh giữa quân vua Bà với quân Hán tại Bồ lăng. Nay Bồ lăng nằm trên lãnh thổ Tứ Xuyên, chỗ ngã ba sông Trường giang và Ô giang.”

Giáo sư Trần Đại Sỹ đến bến Bồ Lăng thuộc huyện Bồ Lăng, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để tìm hiểu. Tại đây giáo sư được Sở du lịch hướng dẫn đến miếu thờ 3 vị thần, tướng của Vua Bà. Nhưng bản thân họ cũng không biết Vua Bà và 3 vị tướng này cụ thể là ai, chỉ cho biết vua Bà là người nổi lên chống tham quan thời Hán, cả vùng đó đều có đạo thờ Vua Bà.

Miếu thờ có rất nhiều câu đối, nhưng cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc đã hủy gần hết các câu đối này. May mắn là ba câu đối vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Phía trước cửa miếu có câu đối rằng:

Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,
Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết… can vân.

Nghĩa là:

Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận…
khí tiết ngút từng mây.

Phía trong miếu có câu đối:

Giang thượng tam anh phù nữ chúa,
Bồ Lăng bách tộc khốc thần trung.

Nghĩa là:

Trên sông Trường giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa,
Tại bến Bồ lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.

Những tư liệu này cho thấy biên giới người Việt thời Hai Bà Trưng phía bắc tới Động Đình Hồ (phía Nam sông Dương Tử), phía Tây tới tận Ba Thục (tức tỉnh Tứ Xuyên ngày nay).

Bản đồ nước Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng, phía Bắc đến Động Đình Hồ, phía Tây đến Bồ Lăng (Ba Thục). (Ảnh: Wikipedia)

Trải qua ngàn năm Bắc thuộc, người Việt dồn dần xuống phía Nam để tránh sự cai trị hà khắc, khiến khu vực phía Bắc người Hoa Hạ ngày càng đông hơn.

Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo người Bách Việt đánh bại quân Nam Hán, làm chủ lại các vùng đất của nước Việt. Tuy nhiên một dải đất lớn phía Bắc là Nam Hải, Tượng Quận, Quế Lâm đã bị bỏ qua, và diện tích nước Việt nhỏ hơn trước. Sau này dù bờ cõi đã được mở rộng về phía Nam, nhưng diện tích ngày nay chỉ bằng hơn 1/10 so với trước đây.

Truyền thuyết không cách xa sự thực

Trong bài viết có tựa đề “Thử tìm lại biên giới cổ của Việt Nam” trên diễn đàn Lý Học Đông Phương, vốn là bài diễn văn tiếng Pháp của giáo sư Trần Đại Sỹ đọc trong dịp khai giảng niên khóa 1991-1992 tại Viện Pháp – Á, được dịch giả Tăng Hồng Minh đăng tải, giáo sư Trần Đại Sỹ đã nhắc tới nhiều luận điểm khẳng định biên giới cổ của Việt Nam nằm ở hồ Động Đình. Những luận điểm này được đích thân giáo sư Trần Đại Sỹ khảo cứu và viếng thăm thực địa, trong đó nổi bật là:

1 – Núi Ngũ lĩnh trong truyền thuyết về Đế Minh xác thực nằm ở Trường Sa, Hồ Nam. Ngoài ra tại tỉnh này còn có rất nhiều các di tích được nhắc tới của tộc Việt như: hồ Động Đình, núi Tam Sơn, sông Tương, Thiên đài, Tương đài, cánh đồng Tương.

2 – Thiên đài mà Đế Minh tế cáo trời là có thật, nằm gần bên bờ Tương Giang. Trên đỉnh này có một ngôi chùa nhỏ, bên trong còn có nhiều chứng tích về Hai Bà Trưng và trận Động Đình. Ngoài ra giáo sư Trần Đại Sỹ còn tìm thấy một tài liệu mang tên “Thiên đài di sự lục” tại thư viện Hồ Nam, trong đó miêu tả rõ rằng Thiên đài thờ vua Đế Minh và vua Kinh Dương.

3 – Cánh đồng Tương là nơi mà Lạc Long Quân và Âu Cơ đã hẹn nhau tái hội mỗi năm một lần là có thật. Giáo sư Trần Đại Sỹ kết luận rằng cánh đồng Tương chính là vùng trũng phía Tây Ngạn, giới hạn phía Bắc là hồ Động Đình, Nguyên Giang. Phía Nam là Linh Lăng, Hành Giang. Phía Tây là vùng Chiêu Dương, Lãnh Thủy. Nhưng nay cánh đồng Tương chỉ còn khu vực tứ giác: Tương Giang, Nguyên Giang, Liên Thủy, Thạch Khê Thủy.

Cùng với một số luận điểm vững chắc khác, giáo sư Trần Đại Sỹ đi đến kết luận rằng:

Biên giới cổ của nước Việt Nam, với các triều đại Hồng Bàng, Âu Lạc, Lĩnh Nam, phía Bắc quả tới hồ Ðộng Đình, phía Tây giáp Tứ Xuyên.

Vậy là diện tích nước Việt cổ thực sự lớn gấp 10 lần ngày nay.

Theo TTVN
0

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

Vùng đất Lưỡng Quảng và mối quan hệ với người Việt cổ

Trong thời kỳ Chiến quốc, vương quốc Việt cũng chao đảo dưới những biến động chính trị, nhưng lộ trình văn hóa của nó vẫn khác xa văn hóa Trung Hoa “chính thống” [Hán] của lưu vực sông Hoàng Hà.

Bài viết đăng tải trên Tạp chí Xưa & Nay số 295, 11/2007 tr. 30-33. Lê Đỗ Huy lược thuật.

Mấy năm qua, tại Diễn đàn Lịch sử Trung Hoa (China History Forum) đã diễn ra một cuộc thảo luận trực tuyến về nguồn gốc của cư dân hiện nay đang sống tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây [Lưỡng Quảng] của CHND Trung Hoa. Dựa vào những tranh luận trên diễn đàn này, một hoạt động sôi nổi, lôi cuốn nhiều người ở Trung Hoa lục địa và hải ngoại tham gia, chúng tôi xin lược thuật để bạn đọc tham khảo.

Cuộc thảo luận trực tuyến được thực hiện bằng tiếng Anh, có đôi chỗ chú thích bằng tiếng Hoa, gồm hàng trăm ý kiến dàn trải trên 7 chương, mỗi chương có thể in ra chừng hơn 30 trang giấy khổ A4. Chủ đề của cuộc thảo luận là quan điểm Liên-Bách Việt (Pan-baiyueism), bàn về nguồn gốc chung của người Việt Nam và người nói tiếng Quảng Đông (Cantonese). Các thành viên tham dự diễn đàn này gồm chủ yếu là người Trung Hoa ở phía Nam (nhóm thứ nhất), thường phủ định quan điểm “Liên-Bách Việt”, một số người Việt Nam và Việt gốc Hoa (nhóm thứ hai, ít hơn về số người), được xem là cổ súy cho quan điểm trên, và một số ý kiến trung dung.

Các tranh luận thường khá gay gắt, nhưng các nhóm có vẻ đồng thuận với một số sử liệu, thường trích từ các công trình nghiên cứu phương Tây sau đây [1] :

Vào khoảng đời nhà Chu (1134-770 tCn) và Xuân Thu, tại khu vực phía Nam Trung Hoa giáp với biên giới Trung-Việt ngày nay đã tồn tại những bộ tộc không thuộc Hoa tộc như Bách Việt, Bộc (Pu) [2] …

Tới thời Xuân Thu, người Việt ở khu vực núi Cối Kê (nay là Thiệu Hưng) thuộc Chiết Giang lập ra vương quốc Việt. Nước Việt vào năm 473 tCn đã chinh phục nước Ngô [3] láng giềng, đóng đô ở Tô Châu thuộc Giang Tô. Nhưng rồi Việt bị nước Sở thôn tính năm 306 tCn. Vào thời Xuân Thu, người Đông Việt được xem là cư trú ở vùng nay thuộc phía Đông nước Trung hoa hiện đại, người Dương Việt cư trú ở phía bắc của tỉnh Giang Tô hiện nay. Các bộ tộc Bách Việt khác như Âu Mân sống ở vùng Chiết Giang, Phúc Kiến; Nam Việt sống ở vùng Quảng Đông, Tây Âu ở Quảng Tây, Lạc Việt ở Phúc Kiến… Trong thời kỳ Chiến quốc (480-221 tCn), vương quốc Việt cũng chao đảo dưới những biến động chính trị, giống như các lãnh thổ thuộc Thục và Ba nay thuộc Tứ Xuyên, nhưng lộ trình văn hóa của nó vẫn khác xa văn hóa Trung Hoa “chính thống” [Hán] của lưu vực sông Hoàng Hà.


Bản đồ hành chính các quận phía Đông Bắc nước Nam Việt khoảng thế kỉ 2-3 TCN.

Bắt đầu thời kỳ miền bắc của Dương Tử bị Trung Hoa hóa [Hán hóa] mạnh mẽ. Bức trường thành ngăn các bộ tộc du mục từ phương bắc xuống đã được nước Tần (221-206 tCn) và Yên xây dựng. Khu vực hiện nay thuộc Phúc Kiến lần lượt bị nhà Tần và nhà Hán chinh phạt, nhưng phong kiến Trung Hoa đã không thực sự kiểm soát được vùng đất này. Vào đầu đời Hán (206 tCn – 220), Triệu Đà lập ra vương quốc Nam Việt ở khu vực Quảng Đông, độc lập với triều đình Hán. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa năm 221 tCn, quân nhà Tần bắt đầu tiến xuống phía nam dọc theo sông Tây Giang tới vùng Quảng Đông hiện nay, và xác lập các quận dọc theo các trục đường chính. Tới năm 112 tCn. Hán Vũ Đế đã chinh phục những vùng phương Nam (Trung Hoa), cùng với vùng nay là miền bắc Việt Nam và cử người Hán cai quản các quận.

Dưới đời Hán, ngoài Nam Việt ở viễn Nam chủ yếu là ở Lưỡng Quảng và Việt Nam, sử sách còn kể về tiểu quốc Mân Việt ở đông bắc tập trung ở vùng sông Mân Giang, nay thuộc Phúc Kiến (Mân là tên cũ của tỉnh Phúc Kiến).

Thời Tam Quốc, Sách Địa lý chuyển luận trong Hán thư chép: “Ở khoảng bảy hay tám ngàn dặm tính từ Giao Chỉ đến Cối Kê (nam Giang Tô hay bắc Chiết Giang), những người Bách Việt có mặt ở mọi nơi, chia thành nhiều thị tộc”.

Hoạt động di cư của người Trung Hoa (Hán) càng tăng trưởng, người Việt càng bị đẩy vào các vùng đất cằn hơn, và vào rừng núi. Không giống như những người du mục Trung Á như tộc Hung Nô hoặc tộc Tiên ti, người Việt chưa từng thực sự đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bành trướng hay kiềm tỏa của Trung Hoa (người Hán). Thỉnh thoảng họ dấy lên những cuộc đột kích vào khu định cư của người Hoa, mà các sử gia cổ gọi là “những cuộc nổi loạn”. Người Trung Hoa (Hán) cho rằng người Việt không văn minh, và hay đánh lẫn nhau.

Sự sụp đổ của nhà Hán và giai đoạn chia tách tiếp theo đã đẩy mạnh quá trình Trung Quốc hóa. Các thời kỳ bất ổn và chiến tranh ở miền Bắc Trung Hoa giữa Bắc Triều và Nam Triều, cũng như trong đời Tống đã dẫn tới hoạt động di cư ồ ạt của người Trung Hoa (xuống phương Nam). Hôn nhân dị chủng và giao lưu giữa các nền văn hóa đã dẫn đến sự pha trộn giữa người Trung Hoa (Hán) và không Trung Hoa (không phải Hán) ở miền Nam. Cho đến đời Đường, từ “Việt” đã trở nên một định ngữ chỉ vùng hơn là chỉ một nền văn hóa. Một nhà nước từng nằm ở tỉnh Chiết Giang hiện nay trong thời kỳ Ngũ đại thập quốc chẳng hạn, đã tự xưng là Ngô Việt.

Về thời Bắc thuộc, Diễn đàn dẫn luận án phó [?] tiến sĩ của Jennifer Holmgren “Sự đô hộ của Trung Hoa đối với [Bắc] Việt Nam” (Chinese Colonisation of Northern Vietnam, 1980) có đoạn viết:

Những ghi chép về hoạt động của Trung Hoa ở Bắc Bộ Việt Nam trong 6 thế kỷ đầu thời kỳ thực dân này (Việt Nam gọi là thời Bắc thuộc) cho thấy quá trình Việt Nam hóa đối với các dòng họ Trung hoa. hơn là quá trình Hán hóa đối với người Việt… Sự trêu ngươi như thế cho thấy một số thị tộc Trung Hoa xác lập quyền lợi của dòng họ mình ở Bắc Bộ: định cư dần dần, giúp đỡ mở mang và cuối cùng hoà nhập vào môi trường xã hội kinh tế và chính trị ở Bắc Việt Nam. Kết quả cuối cùng của quá trình này là sự xuất hiện của một tầng lớp thượng lưu Hoa-Việt, quá trình phi thực dân hóa ở vùng viễn nam, và những mưu toan bất thành ở thế kỷ VI để khôi phục nền độc lập, thoát ách đô hộ của phương Bắc. Ví dụ cho quá trình này là sự thăng tiến của Sĩ Nhiếp thời Hậu Hán và những nỗ lực giữ nền độc lập của người nhà ông này sau khi ông qua đời.

Từ cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng thế kỷ I đến cuộc nổi dậy của Lý Bôn thế kỷ VI, sử sách của Trung Hoa cho thấy biểu hiện của một sự phụ thuộc về chính trị trên nền nửa độc lập với Bắc triều. Theo dòng thời gian, những thời kỳ có đặc tính bán tự trị ngày càng tăng lên. Xu thế này làm nền cho cuộc nổi dậy của nhà [Tiền] Lý ở giữa thế kỷ VI và cuối cùng là sự phân liệt hoàn toàn khỏi Trung Hoa vào thế kỷ X.

Tác động của văn hóa Việt đối với văn hóa Trung Hoa đã không được xác định một cách chính thức, nhưng nó khá rõ rệt. Ngôn ngữ của các tiểu quốc cổ Ngô và Việt tạo nên ngôn ngữ Ngô, và phần nào tới ngôn ngữ Mân ở Phúc Kiến. Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng một số từ tiếng Trung Hoa có nguồn gốc từ tiếng Việt cổ chẳng hạn như từ jiang (giang), có nghĩa là sông. Những tàn tích về người Việt có thể quan sát được trong một số nhóm thiểu số ở Trung Hoa.

Ở Chiết Giang, nhà hát được gọi là rạp diễn Việt kịch. Tiếng Việt là một bộ phận của tiếng Trung Hoa và thường được gọi là tiếng Quảng Đông. Mẫu tự chính thức và các phương ngữ hình thành từ nó được sử dụng ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồng Kông, Ma Cao và tại một số cộng đồng Hoa Kiều trên thế giới.

Một số tên gọi khác của người Việt còn truyền được tới nay là Yi-Yue (hoặc Yu-Yue/ Ngải-việt), Mân-việt, Sơn-Việt, Dương-Việt (người Việt ở biển), U- Việt và Câu-Ngô. Những nhà nghiên cứu tiếng dân tộc cho rằng tên gọi người Việt có liên quan đến nghề chế biến cây gai dầu ở miền nay là Chiết Giang.

Chữ Việt cũng được xem là từ chỉ lưỡi phủ việt, một dụng cụ hay khí giới giống cái búa hay cái rìu, hình chữ nhật, biểu trưng cho quyền lực hoàng gia hay đế chế. Nhiều dụng cụ dạng rìu bằng đá đã được tìm thấy ở Hàng Châu, do vậy, nhiều học giả cho rằng lưỡi việt (búa dùng trong nghi lễ) là một sáng chế của miền Nam. Chữ Việt cũng từng được dùng để chỉ Quảng Đông và Quảng Tây [4] .

Cho dù nhiều bộ tộc Việt vẫn thấp thoáng đó đây trên lãnh thổ CHND Trung Hoa và để lại những dấu ấn trong sử sách đến cuối đời Hán, nay chỉ có thể kể tên vài nhóm dân Việt như Palyu “Lai”, Bugan “Hualuo hay Huazu”, Bit, Bulang, Hu, Kemu, Khuen, Wa… Di sản lớn nhất của người Việt cổ chính là miền Bắc Việt Nam, miền đất mà họ chạy về đó định cư do sự truy bức của Trung Hoa.

Về các tộc thiểu số khác ở khu vực nay là biên giới Trung Việt, theo sách của S. Robert Ramsey. Những ngôn ngữ của Trung Hoa (The Languages of china) tr. 233, không chỉ có Hakka (Khách gia, miền nam gọi là Hẹ), Mân và người Quảng Đông, là những người ở miền Nam Trung Hoa từ đầu, mà từ lâu đời người Thái đã thấp thoáng đóng một vai trò có qui mô ngay trước khi một thiên hạ Trung Hoa lộ rõ. Từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, những khu vực trồng lúa đã lốm đốm xuất hiện ở lưu vực sông Dương Tử. Vẫn theo S. Robert Ramsey, trong số các tiểu quốc được điểm tên trong lịch sử Trung Hoa có Ngô, ở gần Thượng Hải hiện nay, và Việt nằm dọc theo bờ biển Nam Trung Hoa, là những quốc gia của người Thái. Các quốc gia này dần dần bị Trung Quốc nuốt dần và đa số người Thái đã trở thành người Trung Hoa, qua đồng hóa về văn hóa và ngôn ngữ. Một nhà dân tộc học đã ước tính rằng ít nhất 60% người Quảng Đông có tổ tiên là thổ dân nói tiếng Thái.


Bản đồ các khu vực lẻ tẻ do nhà Tần chiếm được của các nhóm tộc Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử sau năm 210 TCN.

Về các vùng khác thuộc miền Nam Trung Hoa nói chung: miền Nam Trung Hoa trước thời Hán bao gồm nhiều nền văn hóa gần với Đông Nam Á như văn hóa Đông Sơn. hoặc những nền văn hóa nổi tiếng hơn như Ngải, Di hoặc Ba Thục. Trong đó, văn hóa Điền ở Vân Nam thể hiện những cư dân khác sau thời đồ đồng. Xứ Vân từng cho thấy mối liên hệ về các nhóm người phương Nam với những bức tranh trong hang vẽ pháp sư (saman) khua gươm cong, chuôi có núm tròn kiểu Hán, thể hiện quyền lực trên đầu một đám đông. Người Hán từng có tục xăm mình để trấn áp những chứng bệnh nhiệt đới cũng như những cừu thù trong thời gian chiếm đóng những vùng đất thù địch.

Ở Vân Nam, văn hóa hiện đại của địa phương này không có nhiều liên hệ với nền văn hóa thuần Hán của vùng đồng bằng trung tâm cả về tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực. Ở Vân Nam, còn tồn tại tục ăn côn trùng.

Những nguồn và ý kiến trên thường thuộc về các nhà nghiên cứu phương Tây, ít gây tranh cãi hơn so với những ý kiến dưới đây.

Nhóm thứ nhất (người Trung Hoa, đa số là ở lục địa) cho biết một số phát hiện và khẳng định sau:

Người Quảng Đông cách đây 2.000 năm là sự pha trộn giữa người Việt tại chỗ và người Hán. Người Việt lúc đó gần với người thiểu số dân tộc Nùng hiện nay ở Việt Nam.

Vương quốc Nam Việt gồm những cư dân người Kinh (?) sống ở đó nhưng họ là người Trung Hoa. Quảng Đông và Quảng Tây cũng như quốc gia cổ Nam Việt, không có quan hệ với dân tộc hiện nay mang quốc hiệu Việt Nam. Hoặc họ (người Trung Hoa ở phương Nam) không có quan hệ gì với người Nam Việt, cho dù Triệu Đà, vua Nam Việt lúc đó là người Hán.

Trong khoảng 100 năm gần đây người Hoa di cư xuống Việt Nam là từ Lưỡng Quảng và Phúc Kiến. Người Hán phương Bắc, theo nhóm thứ nhất, hầu như không di cư xuống Việt Nam, họ chỉ chạy sang Nam Triều Tiên vào năm 1949 và định cư chủ yếu ở Pusan và Seoul.

Người Hoa di cư xuống phía Nam thường không phải là người Hán. Họ tự gọi mình là người Minh Hương, hiện ở Việt Nam còn thế hệ thứ tư của những người Minh Hương, phần nhiều không nói, viết được tiếng Hoa.

Người miền Nam Trung Hoa có ngoại hình khác với người Trung Hoa phương Bắc. Nhà Nguyên Mông chia người Trung Hoa thành các nhóm: Mông, du mục người Hán phương Bắc, người Hoa phương Nam. Một vài ý kiến cho rằng người Trung Hoa phương nam có ngoại hình phần nào giống với người Việt Nam.

Nhiều người Quảng Đông hiện đại còn giữ được gia phả theo đó tổ tiên của họ di cư từ phía bắc xuống Quảng Đông vào đời Đường (618-907) và đời Tống (960-1279). Cuộc di cư lớn nhất xảy ra vào cuối đời Tống, họ cư trú ở nơi mà người Nam Việt đã bị đẩy xuống Quảng Tây hoặc Việt Nam hiện nay, nơi mà khi đó những người Choang là thiểu số so với người Kinh chiếm đa số.

Người Trung Hoa ở phương Nam hiện nay nói chung đã bị Hán hóa.

Còn có trên 50 triệu người thuần huyết thống Nam Việt hiện ở Quảng Tây và Quế Lâm.

Những người thổ dân thuộc các bộ tộc thiểu số Lê, Tày, Đai…, được chính phủ Trung Hoa xếp vào cùng nhóm với người Choang, nhóm này có tổng dân số trên 20 triệu người.

Không có nhiều người Quảng Đông sinh ra ở Việt Nam. Cộng đồng Trung Hoa ở Việt Nam chủ yếu là những người nói tiếng Triều Châu (Tiều) hoặc Phúc Kiến [5] .

An Dương Vương (Thục Phán), Triệu Đà, cũng như anh hùng dân tộc của Việt Nam Lý Bí, đều là người phương Bắc Trung Quốc.

Nhiều ý kiến của nhóm thứ nhất thường nhấn mạnh rằng họ là những người Quảng Đông thuộc về hệ Hán, hiện chiếm đa số ở khu vực Lưỡng Quảng, và “rất tự hào về nguồn gốc Hoa Hạ và Đông Di của mình”, hiện chung sống với “các dân tộc thiểu số” đáng yêu có nền văn hóa rực rỡ, danh giá thuộc về giòng dõi Nam Việt. Rằng đa số người Trung Hoa hiện đại không cho rằng nước Nam Việt lúc đó gần với Âu Lạc (được xem là nằm trong vương quốc Nam Việt) hơn là gần với Trung Hoa. Rằng những người Việt Nam hiện đại kém hiểu biết cần được dạy dỗ, rằng họ chỉ có quan hệ với Âu Lạc, nhưng không có quan hệ gì với vương quốc Nam Việt. Cổ sử Trung Hoa, theo họ chép rằng những người Hán đã tàn sát và đánh đuổi những bộ lạc Việt về phía Nam và xuống đồng bằng sông Hồng trong “các cuộc chinh phạt cướp đất”. Có ý kiến khuyên người Việt không nên tự hào về dòng dõi Nam Việt vì đây chính là giống Nam Man [6] . Một số ý kiến cho rằng người Việt nhìn chung là “bội bạc”, “quanh co”, đàn ông Việt Nam không chăm chỉ và không chú trọng xây dựng gia đình theo khuôn mẫu Á đông. Có ý kiến lại cho người Việt là đần độn và khờ dại. Cũng có ý kiến cho rằng người Việt hiện đại xấu hổ (?) vì dòng dõi Bách Việt và tìm cách “leo thang” để gắn mình với người Quảng Đông và người Trung Hoa. Và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ không được người Mỹ ưa chuộng(?)

Xin nêu thêm một số phát hiện đến từ cả hai nhóm và các nhà nghiên cứu phương Tây:

Nhà Tần (221-206 tCn) cũng có truyền thuyết về con chim thần (tựa như Âu Cơ).

Có nhiều người Việt cổ bị đồng hóa thành Trung Hoa nhiều năm trước đây. Chẳng hạn họ Âu-dương đến từ đất Lư Lăng của vương quốc Việt cổ. Có một hoàng tử Việt mang họ này bị nhà Chu bắt. Hậu duệ của ông, một sử gia nổi tiếng nhà Tống mang họ này. Hiện nay, ở một số tỉnh miền Nam Trung Hoa còn nhiều người mang họ này. Một số người Quảng Đông cũng mang họ này. Sử gia đời Tống Âu-dương Tu cho rằng người Việt có cùng một tổ tiên với với người [Hoa?] Hạ, một quan điểm bị nhóm thứ nhất của Diễn đàn này phê phán.

Các khu vực Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam từng có nền văn hóa riêng và dân cư khác biệt, không in dấu lên triều đình Hán hay các nghi thức đặc trưng cho đế chế Trung Hoa.

Quảng Châu được Ngô vương Tôn Hạo, vua thứ tư nhà Đông Ngô, chắt của Tôn Quyền, chia tách từ Triều [?] Châu [7] vào năm 264.

Có lượng đáng kể của dòng máu Trung Hoa trong huyết quản người Lạc Việt và U Việt. tức là người Việt hiện đại.

Những người U Việt thuộc nhóm Bách Việt, bị nhà Thanh (1644-1911) dồn đuổi xuống lãnh thổ Việt Nam. Chuyện chín chúa tranh vua” (Cẩu chúa cheng vùa) của các dân tộc Tày, Nùng… có thể là minh họa cho sử liệu này.

Khái niệm “Hán hóa” từng thuộc về những đường biên giới cổ đại thật xa lạ với hiện nay. Không thể xem là những tộc người thiểu số đang không được đãi ngộ ở CHND Trung Hoa, cho dù một số trong họ đã biến mất trong những triều đại phong kiến sau cùng. Miền Nam Trung Hoa từng thuộc những tộc người thiểu số hiện cung cấp một ít di sản phục vụ cho du lịch. Không nên nghĩ rằng tất cả công dân Trung Hoa thực thụ hiện đang cố trở nên càng giống Hán càng tốt. Những dị biệt về tính cách sắc tộc và văn hóa vẫn còn tiềm tàng ở CHND Trung Hoa, thể hiện cả ở nét mặt của những người không phải dân tộc Hán. Những khu vực như Tân Cương hay Tây Tạng về cốt lõi văn hóa vẫn cho thấy sợi chỉ mỏng manh của bản sắc văn hóa và cho thấy rõ ràng nên xem xét cư dân hoặc sở hữu đất đai (!) có thể xem là hoàn toàn Trung Hoa hay không. Sự hiện diện trước đây của những thổ dân không phải người Trung Hoa có thể thấy rõ trong những tài liệu khai quật được. Nhưng công nhận hay không công nhận điều này cũng không thể xem như lý do để chuyển sang đề tài chính trị. Càng không phải duyên cớ để các khu vực khác khoanh vùng để đòi lại… (đây là ý kiến từ phương Tây).

Nghiên cứu DNA do các trung tâm ở Thượng Hải, Côn Minh và Hoa Kỳ (Center for Genome Information, Department of Environmental Health, University of Cincinnati, Cincinnati, Ohio 45267, USA) chỉ ra rằng người Bắc Trung Hoa (Tây An và Bắc Kinh) và người Nam Trung Hoa (Quảng Châu, Thượng Hải) có cùng mẫu ADN.

Một ý kiến đáng chú ý từ nhóm thứ hai – chủ yếu gồm người Việt hải ngoại, kể cả những người di tản sau năm 1975, trong đó có cả người Việt gốc Hoa – không gặp phải phản kháng của nhóm thứ nhất: Việt là từ mà người Hoa Hạ gắn với thổ dân khu vực đông nam của Trung Hoa mà họ gặp phải. Định nghĩa khái lược này hợp với một địa bàn rất rộng ở Đông Nam Á… bao gồm ngoài đông nam Trung Hoa còn bao gồm Tây Nam nước này. Đông Nam Á xét về vị thế, Đông bắc Ấn Độ, các đảo trên Thái Bình Dương, và Madagascar. Dân này nói tiếng Austronesian, Tai-Kadai, Austroasiatic và Hmong-Mien (Mon-Khmer).

—————————-
Lưu trữ: https://docs.google.com/document/d/1ZoFkZRrwkZG-YvJCTOGz6xnwZOzZpgI4DLLRSbNFaxI
----------
Chú thích:

[1]Người dịch tổng hợp và chú thêm niên đại để người đọc tiện theo dõi. Chú thích trong bài là của ban biên tập Xưa & Nay.

[2]Theo một nguồn nữa, các bộ lạc không phải người Hán gồm: Hoa Di (thuộc bộ tộc Lô Lô) hay Xu và Việt ở phía đông, Khuyển Nhung ở phía tây, Di ở phía bắc, Pu, Khương và Man ở phía tây nam và phía nam.

[3]Theo một Website phương Tây được công nhận rộng rãi [?], nước Ngô cũng là một quốc gia của người Việt nằm ở nam Giang Tô và bắc Chiết Giang. Giới quý tộc của hai quốc gia này học tiếng Trung, thuận theo pháp luật Trung Hoa và học theo công nghệ quân sự Trung Hoa, phát triển giao thông thủy là chính, và nghề nuôi trồng thuỷ sản, chứ không chỉ làm thuần nông nghiệp. Hai nước này cũng nổi tiếng về nghề đóng tàu và tác chiến trên sông nước, cũng như nghề làm gươm. Vào thời Chiến Quốc, hai nhà nước Ngô và Việt, bắt đầu can thiệp mạnh hơn vào chính trường Trung Hoa. Năm 506 trCn, chiến tranh bùng nổ giữa Ngô và Việt, lúc ác liệt lúc lắng dịu trong suốt 30 năm sau. Tới năm 473 trCn, Việt Vương Câu Tiễn chiếm được Ngô, được các lân bang là Tề và Tấn công nhận. Năm 333 trCn, đến lượt Việt bị Sở thôn tính.

[4]Như khái niệm biên khu Việt-Quế được dùng khoảng giữa thế kỷ XX, bên kia biên giới là hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam.

[5]Được phương Tây xem là những nhánh của ở phương Nam có liên hệ với Hán tộc. Tuy nhiên, một trang Web thông dụng của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ phương Tây [?] cho rằng tiếng Phúc Kiến và Triều Châu là phương ngữ phụ trong tiếng Mân.

[6]Là một trong số các dân tộc mà người Hán coi là mọi rợ (Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch). Xin lưu ý ở trên có ý kiến của người Quảng Đông hiện đại thể hiện sự tự hào là người Đông Di.

[7][có thể ông LĐH nhầm. Sau khi Sĩ Nhiếp chết, năm 226, Đông Ngô đã chia Giao Châu ra làm hai châu: Quảng Châu gồm các quận Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô và Giao Châu gồm các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. và cử Sĩ Huy, con Sĩ Nhiếp làm thái thú Cửu Chân, nhưng Sĩ Huy không tuân lệnh mà dấy binh chiếm giữ Giao Chỉ. Thứ sử Giao Châu là Đái Lương và thứ sử Quảng Châu là Lữ Đại cùng hợp binh tiến đánh và giết chết mấy anh em Sĩ Huy. Khi đó Đông Ngô lại hợp nhất Quảng Châu với Giao Châu như cũ, phong Lữ Đại làm thứ sử Giao Châu, và đến năm 264 mới chia lại thành Quảng Châu (trị sở tại Phiên Ngung, nay là thành phố Quảng Châu) và Giao Châu (trị sở tại Long Biên). Giao Châu mới gồm có 6 quận: Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình, Cửu Chân, Cửu Đức và Nhật Nam, bao gồm miền Bắc Việt Nam cộng thêm khu vực Khâm Châu (thuộc Quảng Tây) ngày nay và bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) ngày nay.

Theo TẠP CHÍ XƯA & NAY
0

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Động Đình Hồ - Cuội nguồn của tộc Việt

(Tài liệu tham khảo)


Ở miền Nam sông Dương Tử, hồ Động Đình họp thành bởi nhiều hồ lớn. Mỗi năm vào mùa lũ nước sông Dương Tử chảy vào hồ, làm tăng diện tích hồ từ 2.800 km² đến 20.000 km². Quân Sơn, một đảo nằm giữa hồ có 72 đỉnh núi, rộng 1 km nổi tiếng với các loại trà thơm, hoa lá quý hiếm tươi tốt quanh năm. Cảnh đẹp thần tiên, nhiều truyện tích rất u linh chích quái, liêu trai chí dị. Từ hàng ngàn năm, nhắc đến Tiêu Tương Hồ Nam, là nhắc đến tiên cảnh Động Đình Hồ, đến “Bát cảnh Tiêu Tương” của vùng Giang Nam.

Từ miền Hoa Bắc sa mạc, người thuộc chủng Hoa Hạ ào ào lưng ngựa triền miên chinh phục hết miền đất này đến miền đất khác. Người Hoa Bắc nổi tiếng với nhiều lý thuyết gia, nhưng văn chương rất khô khan. Trái lại, miền Nam sông Dương Tử, nhất là miệt Động Đình sông nước mây khói mơ màng, nổi tiếng nhất với hai con sông Tiêu và Tương chảy vào lòng hồ, đã là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn, hội hoạ, âm nhạc…

“Ai có về bên bến sông Tương/ Nhắn người duyên dáng tôi thương/ Bao ngày ôm mối tơ vương…” của nhạc sĩ Thông Đạt, hay Kiều của Nguyễn Du, “Sông Tương một giải nông sờ/ Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia” cũng là sông Tương này. Chữ Tương, tiếng Hẹ (Hakka) phát âm là “siong”, tiếng Quảng Đông là “seong”, tiếng quan thoại là “xiāng”. Trong Chinh phụ ngâm, những vần thơ hết sức đẹp, cũng lấy cảnh sông nước Hồ Động Đình:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng…


Hồ Động Đình trong truyền thuyết Hồng Bàng


Bản đồ vị trí Động Đình hồ

Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
“Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục.

Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải….”
Nước Sở có từ bao giờ?
Khi truyền thuyết xuất hiện trong Lĩnh Nam chích quái thế kỷ 14, tất cả những địa danh, nhân danh từ Đế Minh, Lộc Tục, Xích Quỷ… đến Hồ Tôn, Hồ Bắc, Hồ Nam, Động Đình Hồ… là tên thuần Hán. Tất cả nằm tại địa bàn nước Sở, tức khu vực Động Đình Hồ.

Vương đầu tiên của người Việt là Kinh Dương Vương, có thể hiểu đó là “vương của châu Kinh và châu Dương”?

Đất Kinh, mang tên loại cỏ Kinh mọc thành bụi cao, đa số dân thuộc chi Âu, đại diện là Âu Cơ, đọc theo phát âm Mường và Quảng Đông là Ngu Kơ, ưa sống miền núi rừng. Bây giờ, địa bàn của châu Kinh là tỉnh Hồ Bắc.
Đất Dương có dân thuộc chi Lạc, đại diện là Lạc Long Quân, ưa sống miền biển. Địa bàn châu Dương gồm các tỉnh ven biển: Giang Tây, An Huy, Chiết Giang, và Giang Tô.

Cả hai đại chi Âu và Lạc, thuộc chủng Yueh/Việt. Mỗi đại chi lại có hàng trăm tiểu chi. Khoa nhân chủng học ngày nay gọi nhóm này là Austro-Asiatic = người châu Á phương Nam, khác với Mongoloid, người châu Á phương Bắc, chính là chủng Hoa Hạ.

Theo chính sử Trung Hoa, Châu Thành Vương (1042-1021 TCN) phong cho Hùng Dịch tước tử ở nước Sở, còn gọi là nước Kinh, để cai trị và ngăn chặn quấy phá của dân “man di” Yueh/Việt ở địa phương. Đây là lần đầu tiên người Trung Hoa thiết lập chế độ phong kiến (phong đất cho thuộc hạ, họ hàng). Đây cũng là lần đầu tiên người Hoa Bắc chính thức chinh phục miền đất phía Nam sông Dương Tử.
Trong 800 năm, từ đầu thế kỷ 11 TCN đến khi bị Tần Thuỷ Hoàng diệt năm 223 TCN, nhà họ Hùng đưa nước Sở từ một miền phên dậu thành một chư hầu hùng mạnh có lúc lấn cả thiên tử nhà Châu, và suýt trở thành “thủ lãnh đại ca” của Xuân Thu Ngũ Bá.

Năm 740-689 TCN, khoảng đầu thời Xuân Thu, nhà Châu bắt đầu suy, nước Sở cường thịnh dù vẫn bị người Hoa Hạ chế diễu “Vua Sở như con khỉ biết đội mũ”. Lãnh tụ của Sở là Hùng Thông tự ý xưng Vương, tức Sở Vũ Vương. Từ đó trở đi, tiếp theo hàng chục đời, lãnh tụ nước Sở bao giờ cũng có họ Hùng và tước Vương. Hùng Dịch, Hùng Thông, Hùng Sì, Hùng Cừ… chữ Hùng 雄 viết y hệt như trong “Hùng Vương” của Việt Nam.

Sau khi diệt các nước Việt nho nhỏ chung quanh, năm 333 TCN nước Sở thôn tính thêm hai nước Việt rất lớn cũng thuộc chi Lạc ở ven biển: nước Ngô Việt (Câu Tiễn) và U Việt (Phù Sai). Tuy rất văn minh, đã đúc thuyền đồng, trống đồng, luyện thép (như hai nhà luyện kiếm nổi tiếng là Mạc Tà và Can Tương), nhưng chỉ lo đánh đấm và trả thù nhau nên bị Sở diệt.

Quốc tịch” dân Sở

Đại thần/thuộc hạ của Châu Thành Vương đều là người chủng Hoa Hạ. Hai người Sở nổi tiếng, thi sĩ Khuất Nguyên, tác giả Ly Tao, và Hạng Võ, mà người Việt giới bình dân đều rành nhờ… tuồng cải lương Hồ Quảng Hạng Võ biệt Ngu Cơ – “Tấm thân lấp biển vá trời/ Thanh gươm yên ngựa một đời dọc ngang”. Tây Sở Bá Vương Hạng Võ người chủng Hoa Hạ, Ngu Cơ chủng Việt, chi Âu.

Không riêng gì Sở, dân “man di” miệt Nam Dương Tử đa số là Yueh/Việt. Nên khi hai nước Trịnh, nước Vệ có chiến tranh, quân dân hai bên leo lên mặt thành nói chuyện thả dàn, không cần thông dịch viên toà án. Sử không thèm ghi xem bọn dân đen nói chuyện chi. Mời nhau ăn một miếng trầu, rủ rê xuống ruộng dâu [1] , đánh trống đồng hay hát bài “Việt nhân ca” [2] .

Chi tiết trên chứng tỏ đánh nhau là chuyện của lãnh chúa Hoa Hạ, còn dân Việt tỉnh bơ ví dầu nói chuyện trời trăng. Điều này rất quan trọng nhưng độc giả lướt qua vù vù như cưỡi máy bay, yên chí mình đang đọc truyện về dân Tàu. In hệt hồi Tần Thuỷ Hoàng sai Triệu Đà, người Hoa thứ thiệt, đi “bình định” vùng Lĩnh Nam. Khi nhà Tần yếu, Triệu Đà xưng làm vua Nam Việt, nhưng dân vẫn cứ là giống Việt “man di”.

Tiếng nước Sở ngày nay đã bị Hoa hóa nhưng giọng nói của dân Hồ Bắc, Hồ Nam vẫn còn giữ thổ âm của tiếng Sở ngày xưa. Người Hoa gọi đó là giọng Hồ Quảng (nơi phát xuất… cải lương Hồ Quảng). Hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây gọi là tỉnh Việt. Tiếng Quảng Đông còn gọi là Việt ngữ. Kịch nghệ ở Quảng Đông và Hương Cảng gọi là Việt kịch. Thức ăn của Quảng Đông là Việt thái (tsai). Xin để ý: dân tộc Việt Nam là một thành phần trong khối Yueh/Việt. Nhưng không bao iờ là toàn khối chủng Yueh/Việt cả. Vì vậy những thành tích/khám phá có dính líu đến “người Việt” về phương diện nhân chủng/khảo cổ/văn hoá/… đào bới được ở khắp vùng châu Á không luôn luôn có nghĩa thuộc về người Việt Nam ở Việt Nam. Ngay cả nền văn hoá Hoà Bình thuộc thời đồ đá mới tuy tìm thấy ở tỉnh Hoà Bình, nhưng giới khoa học rất thận trọng, họ không coi nền văn hoá này là của người Việt Nam vì thời đó chưa có nước Việt Nam và người Việt Nam. Ai à chủ nhân thực sự của văn hóa Hoà Bình, vẫn là một câu hỏi.

Chiến tranh

Sử Tà không ghi chép đời sống của dân bản địa. Bộ Đông Châu liệt quốc toàn tả lãnh tụ xưng hùng xưng bá. Chỉ biết từ đời Xuân Thu Chiến Quốc 722 TCN đến khi Sở bị Tần diệt năm 223TCN là một thời kỳ hỗn loạn. Dân ở phía Nam sông Dương Tử chịu cảnh binh đao, tàn sát, cướp bóc… hông biết bao nhiêu mà kể. Chính biến, đảo chánh, giành ngôi, phế lập, âm mưu, cướp bóc, lãnh chúa… iên giới các “nước” thay đổi. Có nước bị giải thể. Hàng ngàn nước bị chia cắt, sát nhập lúc vào nước này, lúc vào nước kia.

Khi Tần Thuỷ Hoàng, “gồm thâu lục quốc” (Hàn, Nguỵ, Sở, Triệu, Tề, Yên) một cuộc chiến khủng khiếp kéo dài 9 năm biến giải đất mênh mông từ trung nguyên [3] xuống nam Dương tử thành một lò sát sinh khổng lồ.

Gia đình lãnh chúa bị tận diệt đã đành, dân chúng lớp bị giết hàng khối, lớp chạy tan tác trước sức đồng hoá của chủng Hoa Hạ, của chiến tranh, hạn hán, mất mùa... Miền đất chưa bị vó ngựa chủng Hoa rớ tới, chính là vùng mênh mông phía Nam và Tây nước Sở. Bây giờ là vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Quế Châu, đồng bằng sông Hồng… Lúc đó chưa miền nào có tên như bây giờ. Muốn đi tới miền này phải vượt qua dãy Đại Ngũ Lĩnh hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, hoàn toàn không hợp với người Hoa Hạ chỉ quen chinh chiến và sống vùng sa mạc. Trong Đường về Trùng Khánh, dù đã là năm 1942, tác giả Hàn Tố Âm (Han Suyin) vẫn tả Quế Châu như một vùng rừng núi hoang vu gần như không có ai tới, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, chỉ có một số người miền núi sinh sống. Thật ra trong quá khứ ngàn năm trước, miền này đã đón nhận hoặc là miền chuyển tiếp rất nhiều đợt chạy loạn.

Bộ mặt của lịch sử Trung Hoa, không phải chỉ ngon lành nào Hồng lâu mộng, nào Tây du ký, tứ đại giai nhân, thi thánh thi bá… Bộ Đông Châu liệt quốc ghi lại 400 năm loạn lạc, cho thấy mạng dân đen (Hoa cũng như Việt) như bèo: Tề Hiếu Công chôn sống hơn hai trăm nội thị và cung nhân trong mồ của cha mình. Mồ của Tần Mục Công táng theo 177 người. Ngô vương Hạp Lư đánh bẫy hơn một vạn nam nữ để tuẫn táng cho con gái. Không hiếm những người tỉnh táo, lệnh doãn Tôn Thúc Ngao di chúc “Dân nước Sở ta khổ vì việc chiến tranh đã lâu, chúa công nên nghĩ lại mà khiến cho dân được an nghỉ”. Nếu chúa công nghe lời can gián, nước Sở chắc không bị Tần diệt, và bộ mặt địa lý/chính trị của nước Trung Hoa có thể đã khác.

Chiến tranh/nạn đói thời An Lộc Sơn cũng được ghi lại trong 1.500 bài thơ của Đỗ Phủ, nổi tiếng thi hào mà không cần chạy theo chéo áo giai nhân [4] . An Lộc Sơn đánh vào Trường An, Đường Huyền Tông chạy trốn, Dương Quí Phi thắt cổ. Trong 8 năm, dân số nhà Đường, kiểm kê năm 754 từ 52.8 triệu người chỉ còn 16.9 triệu.

Lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng cần tới 70 ngàn người xây cất, con số chôn sống không rõ. Nhà văn Hàn Tố Âm, dù gia đình khá giả ở Bắc Kinh (cha người Bỉ, mẹ người Hoa) cũng nhắc lại điều khủng khiếp ám ảnh bất cứ đứa trẻ Trung Hoa nào: chiến tranh và thiên tai “ba năm liền không có một giọt mưa”. Dân chết đủ kiểu. Kể cả chết đói. Vỏ cây cũng không còn. Ai còn đi được, đều cố đứng dậy hay lết bằng đầu gối.

Dân Sở thuộc chủng gì?

Dù Kinh Dương Vương là một người thật, hay chỉ là một biểu tượng trong truyền thuyết Hồng Bàng, cũng đều là một pha trộn hai giòng máu Âu và Lạc. [5] Đây là mật mã cốt lõi của truyền thuyết:
· Hai chi Âu-Lạc sống chung ở vùng Động Đình Hồ,
· Cùng dắt díu nhau di tản, và đoạn cuối
· Buồn hơn bất cứ chuyện tình nào: Âu-Lạc phân ly. Thế kỷ 14, tác giả Lĩnh Nam chích quái ghi tất cả biến cố bi tráng trên vào mươi hàng đặt tên “Truyền thuyết Hồng Bàng”. Thời bây giờ, không chắc có cây bút nào có thể viết ngắn/nhiều ý nghĩa đến vậy.

Độc giả có thể kiểm chứng bằng nghiên cứu hay đọc những nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử, thì thấy từng chi tiết của truyền thuyết vẫn còn in dấu trên tình trạng đa sắc tộc và sự hoà huyết, hỗn hợp ngôn ngữ của cư dân có mặt trên mảnh đất Việt Nam. Lịch sử dựng nước của các quốc gia châu Á: Đài Loan, Phi Luật Tân, Nhật, Triều Tiên, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam,… đều có những điểm giông giống nhau: hỗn loạn, chia cắt, đánh chiếm, tận diệt, lấn đất, di cư, hoà huyết…

“Nước” Xích Quỷ biến đi đâu?

Không biến đi đâu hết. Ở đâu còn nguyên đó. Đất cũ người cũ. Thêm người mới khoác áo văn hoá mới. Nhìn trên bản đồ, bờ cõi nước Xích Quỷ hầu như phân nửa bờ phía Nam sông Dương Tử: Bắc giáp Động Đình Hồ vĩ tuyến 29 Bắc, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành) vĩ tuyến 11 Nam, phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên) kinh tuyến 105 Đông, phía Đông giáp bể Nam Hải, kinh tuyến 118 Đông. Tổng cộng diện tích của Xích Quỷ khoảng 2.900.000 cây số vuông. Diện tích Việt Nam bây giờ là 331,688 cây số vuông.

Tại sao thình lình không gian của Lạc Long Quân tức Hùng Vương thứ nhất rộng lớn đến thế, đời Hùng Vương thứ 18 khi bị Thục Phán diệt, chỉ còn lại đồng bằng sông Hồng?

Di cư

Như trên đã nói, một cuộc di tản rất lớn xảy ra, kéo dài hàng mấy trăm năm, trước/sau khi nước Sở bị diệt vong. Đám chi Âu, chi Lạc chạy khỏi địa bàn nước Sở. Khi đi, mang theo tất cả những truyền thuyết tổ tiên đến địa bàn mới. Ngay như tên người Việt bây giờ vẫn tự gọi: người Kinh - để phân biệt với người Thượng - có thể tên châu Kinh đất cũ còn trong ký ức.

Có lẽ nên hiểu truyền thuyết Hồng Bàng là cổ sử của chủng Yueh/Việt, hơn là cổ sử riêng của Việt Nam. Biên cương rộng lớn của Xích Quỷ hé mở đôi điều, nếu hiểu theo quan sát và quan niệm của tác giả truyền thuyết Hồng Bàng về thời lưu cư ở Động Đình Hồ:

1. Chủng Việt, khác với chủng Hoa Hạ
2. Hễ đồng chủng, là cùng một “nước”
3. Có rất nhiều bộ tộc Việt sống xen kẽ trên cùng địa bàn Xích Quỷ
4. Vì xen kẽ, nên mượn qua mượn lại truyền thuyết/cổ tích của nhau
5. Người/tiếng Việt đi tới đâu, biên giới Xích Quỷ đi đến đó
6. Người Trung Hoa bây giờ cũng là một pha trộn = Hoa Hạ + Việt, cả DNA và tiếng nói.
7. Lãnh tụ đầu tiên Lạc Long Quân hoàn toàn thuộc chủng Việt, mang hai giòng máu Âu và Lạc, không lai một chút Hoa Hạ nào hết.

Có “nước” Xích Quỷ không?

Không. Bởi vì:
· Xích Quỷ: chỉ là địa bàn lớn chứa chủng Việt, gồm hàng trăm (hay ngàn) bộ lạc/thị tộc, tình trạng “văn minh” tuỳ vùng.
· Nước Sở: nhỏ hơn, chứa các nhóm Âu-Lạc.
· Đồng bằng sông Hồng: nhỏ hơn nữa, là một trong những nơi dừng chân cuối cùng của dân Âu/Lạc di tản. Nơi đó cũng đã có người ở từ trước.

Nước Thái Lan, nước Lào, chi Âu, tình cảnh rất giống Việt Nam. Thái chỉ mới thành lập quốc gia từ thế kỷ 13. Lào lập nước trễ hơn Thái chừng nửa thế kỷ. Cả hai chạy ngược chạy xuôi tìm đất và choảng nhau với dân bản địa. Có những bộ tộc rất oai hùng, nhưng lại không thành lập nổi một quốc gia, ví dụ sắc tộc Karen, sắc tộc H’Mong, và hàng ngàn bộ tộc hiện diện trên đất Trung Hoa, bị Hán hoá hoặc có danh nghĩa “khu tự trị”, nhưng mức độ độc lập luôn là câu hỏi.
“Con Rồng cháu Tiên”

Xin thú thật, là một học trò yêu môn lịch sử, nghe “con rồng cháu tiên, dân Việt mình… siêu hơn dân tộc khác” rất êm tai. Nhưng hôm nay ôn lại những trang sử, bàng hoàng nhận ra một bài học khác: nước Việt sinh ra trong ly loạn, những đoàn người đầu tiên đã cố gắng phi thường mới hội được nước Việt như ngày nay.

Cảm xúc trước sự huyền bí của lịch sử là một cảm xúc đẹp. Tuy vậy, kiểu hãnh diện mơ màng “con Rồng cháu Tiên” nhưng không biết rằng nước Việt được tạo dựng trong điêu linh, có thể làm biến dạng suy tư của người Việt: làm đứt đoạn, xa rời hẳn với quá khứ. Nếu có đôi điều đặc biệt đáng hãnh diện, đó là trong số hậu duệ của chủng Việt, không có quốc gia nào nắm níu tên “Việt” ngoại trừ dân tộc Việt Nam; và sau gần 3000 năm thăng trầm, sức sống bền bỉ, chấp nhận hoà huyết, sáng tạo tiếng nói, dũng mãnh chống ngoại xâm, mềm dẻo giữ độc lập… mỗi ngày là mỗi cố gắng gượng dậy từ những tang thương dù không hề biết cuối con đường cay đắng hay vinh quang: đó mới là kho báu đích thực và bài học vô cùng quí giá tổ tiên để lại.


Phật Đản 2007, California
© 2007 talawas

[1]Câu 507, Kiều trả lời Kim Trọng khi chàng Kim eo sèo đòi “sex”:
Ra tuồng trên Bộc trong dâu,Thì con người ấy ai cầu làm chi!
Sông Bộc: nơi trai gái chủng Việt chiều chiều rủ nhau xuống bãi dâu tình tự nên có thành ngữ “Trên Bộc trong dâu”, Nguyễn Du tiên sinh viết theo quan niệm nhà Nho hồi đó, tức cấm đoán nhiều thứ lủng củng.

[2]Nhiều thông tin khác nhau về bài “Việt nhân ca”:
- Dân ca của người Choang
- Bài hát của dân Việt thời Ngô Việt giao tranh. Vương tử Sở là Ngạc Quân Tử Tích thích bài hát nên nhờ chuyển thành Sở từ. Cũng là bài hát trong phim Dạ yến/The Banquet với Chương Tử Di.
[3]Miền đất giữa Hoàng Hà và Dương Tử.
[4]Đỗ Phủ: tất cả thơ của ông tả cảnh chiến tranh thời An Lộc sơn. Ví dụ: Bài “Vô gia biệt” (Cuộc ly biệt của kẻ không nhà), ông ước "Có ngôi nhà lớn muôn gian để che chở cho kẻ nghèo khắp thiên hạ. Bao giờ nhà lớn sừng sững hiện ra, riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được". Ông bôn ba khắp nơi dâng kế cứu dân cứu nước. Không ngờ về đến nhà mới hay con trai đã chết đói.

[5]Nguyên Nguyên, “Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương”.
0