Vibay

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lên tiếng về nghĩa trang cao cấp 1.400 tỷ

NÊN DÀNH 1400 TỈ ĐỒNG NGÂN SÁCH XÂY “NGHĨA TRANG CAO CẤP” ĐỂ QUY TẬP HÀI CỐT 2000 LIỆT SĨ VÔ DANH CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC TRUNG QUỐC Ở MẶT TRẬN VỊ XUYÊN, HÀ GIANG


Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viếng mộ liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên ở Hà Giang

Đầu tháng 2-2018 này, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến việc ngân sách công dành 1400 tỉ đồng xây dựng nghĩa trang cho cán bộ cao cấp và người có công ở Hà Nội. Thiết nghĩ, chỉ còn ít ngày nữa là tới dịp kỷ niệm 17-2 cách đây gần bốn chục năm, quân và dân chúng ta đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở mặt trận biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc.

Cho đến nay, sau gần 40 năm, chỉ tính riêng mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang vẫn còn tới 2000 liệt sĩ vô danh chưa được quy tập hài cốt về nghĩa trang. Vậy, nên chăng Nhà nước hãy dành 1400 tỉ đồng nói trên để quy tập hài cốt 2000 liệt sĩ và xây dựng Khu tưởng niệm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc đặt tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang để đồng bào cả nước tới đó tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới này.

Trước đó, năm 2016 báo chí đã đưa tin, ngày 14-7-2016, tại Hà Nội, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang đã tổ chức buổi gặp mặt 600 đại biểu cựu chiến binh tham gia chiến dịch chống quân xâm lược Trung Quốc ở mặt trận Vị Xuyên cách đây gần 40 năm.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch công bố những con số: Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới Vị Xuyên thuộc 9 sư đoàn chủ lực; hơn 9.000 thương - bệnh binh cùng nhiều đơn vị bộ đội trực tiếp tham chiến, đẩy lùi sự xâm lấn của quân Trung Quốc. Đến nay vẫn còn hơn 2000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt; nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách; nhiều mộ liệt sỹ chưa có tên trong nghĩa trang.

Cũng tháng 7-2016, tôi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa trong Đoàn công tác Hội Nhà văn đã lên Vị Xuyên, Hà Giang thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trên điểm cao 468 ở mặt trận biên giới khốc liệt này và dưới đây là 3 bài thơ tôi viết trong chuyến đi đã in trên Tạp chí Thơ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nguyễn Việt Chiến

HAI NGÀN TAY SÚNG CHỐT TRÊN ĐỒI NÀY

Các anh nằm lại Vị Xuyên
Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này
Nén hương đầu gió khói lay
Khói hương chia khắp bia này mộ kia

Âm dương hai ngả cách chia
Hai ngàn tay súng đi về tận đâu
Mẹ ơi! Đất nước thương đau
Chúng con nằm lại núi sâu rừng già

Hai ngàn trái tim xót xa
Hai ngàn câu hát tình ca tắt rồi
Hai ngàn nỗi nhớ mồ côi
Hai ngàn ngọn lửa quên đời trong đêm

Các anh nằm lại Vị Xuyên
Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này
Các anh vẫn mãi còn đây
Đội hình đánh giặc bao ngày không quên

Thưa mẹ, sớm nay bình yên
Hai ngàn gương mặt hồn nhiên hiện về…
14-7-2016

NĂM ẤY, VỊ XUYÊN

Năm ấy dọc sông Lô
Cả một rừng gỗ Mộc Miên được hạ xuống
Xẻ làm áo quan

Sau trận đánh cuối cùng, các anh nằm lại với Hà Giang
Mưa biên thùy đưa các anh từ Vị Xuyên xuống núi
Gió biên thùy tiễn các anh vào đất

Bên kia biên giới hoa Mộc Miên nở
Còn bên này biên giới gỗ Mộc Miên xẻ làm áo quan
Sông Lô bình thản trôi qua hai miền đất như không có chuyện gì…
12-7-2016

VỊ XUYÊN NGÀY GIỖ TRẬN 12/7

Những cựu binh năm ấy
Ngược về chiến trường xưa
Trái tim như lửa cháy
Chưa nguôi quên bao giờ

Bao người con ngã xuống
Bên sông Lô những ngày
Như Mộc Miên hoa rụng
Đỏ một trời đạn bay

Trên Vị Xuyên, Thanh Thủy
Các anh quyết tử rồi
Sống bám trụ cùng đá
Chết hóa thành đá thôi

Ba mươi hai năm trước
Trời Vị Xuyên đạn bay
Đất Vị Xuyên máu đổ
Nhức nhối đau thương này

Bao lớp người giữ đất
Hồn thiêng trong cỏ cây
Vô danh không cần kể
Công lao với đất dầy

Lên Hà Giang chợt thấy
Giời như gần đất hơn
Ông cao xanh trên ấy
Thương dân, có thấy buồn?

Ta buồn nỗi giặc giã
Trăm năm bạn lẫn thù
Tình người dễ hóa đá
Trong bạo tàn hoang vu

Ta đau nỗi chúng sinh
Oán thù mong hóa giải
Mà sao đến muôn đời
Hận biên cương còn mãi

Chúng đừng mong thôn tính
Một dải biên cương này
Máu thiêng bao người lính
Vẫn sục sôi đâu đây

Vị Xuyên ngày giỗ trận
Bao lớp người lên đây
Màu áo xanh lính trận
Điệp trùng dưới ngàn mây

Người chết đã hóa đá
Người sống hóa ngàn cây
Rưng rưng một màu lá
Phủ xanh non nước này.

12-7-2016

Theo Xuân Diện Hán Nôm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét