Vibay

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Ba cán bộ môi trường bị bắt liên quan đến Formosa Hà Tĩnh

Công an Việt Nam bắt ba cán bộ môi trường ở Hà Nội vì gian dối trong xử lý rác tại nhà máy Formosa, cho rằng họ làm hồ sơ khống để thu lợị.


Nhà máy Formosa Hà Tỉnh

Truyền thông Việt Nam hôm 12/12 loan tin Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 người nguyên là cán bộ của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 (URENCO 10), gồm ông Ngô Xuân Hiếu, nguyên Giám đốc, ông Bùi Trí Bình, nguyên Phó giám đốc và ông Tống Ngọc Thanh, nguyên cán bộ phòng kinh doanh, về hành vi lập khống giấy tờ, thủ tục xử lý rác thải tại Formosa Hà Tĩnh.

Báo Công an Nhân dân nói một đại lý ở Hà Tĩnh đã ký hợp đồng với công ty Formosa để thu gom, xử lí rác thải. Sau đó, đại lí này ký hợp đồng với số cán bộ trên của URENCO 10 thuê xử lí rác thải của Formosa.

Tuy nhiên, khi vận chuyển rác ra Hà Nội, nhóm cán bộ trên không đưa rác về công ty để xử lý mà lập chứng từ khống gây thiệt hại hàng tỷ đồng rồi đưa ra ngoài xử lý nhằm thu lợi, báo Công an Nhân dân cho biết thêm.

Báo Dân trí nói cơ quan công an xác định từ 2013 - 2015, nhóm cán bộ trên ký các hợp đồng thu gom, xử lý ba bên, nhưng hoàn thiện hồ sơ khống, thu về không xử lý ở công ty mục đích để thu lời.

Nhà hoạt động vì môi trường Nguyễn Thiện Nhân ở Bình Dương nói với VOA rằng việc bắt ba cán bộ này cho thấy có bàn tay của Formosa cấu kết với các viên chức nhà nước trong việc che đậy thảm họa môi trường:

“Đây chỉ là những cán bộ thuôc công ty bên ngoài Formosa, nhưng họ cấu kết với Formosa để xử lý chất thải, nhưng thực tế là họ không xử lý, mà chỉ hợp thức hóa giấy tờ cho cái gọi là xử lý đó. Mặt khác, họ còn rút tiền từ ngân sách nhà nước qua việc xuất hóa đơn khống. Tôi nghĩ chắc chắn công ty Formosa có nhúng tay vào việc này và cần thiết phải điều tra luôn cả công ty Formosa để làm rõ và xử lý triệt để.”

Thảm họa biển miền trung xảy ra hồi năm ngoái khi nhà máy thép của hãng Formosa của Đài Loan đặt ở Hà Tĩnh gặp sự cố khi vận hành thử, xả thải độc hại trái phép làm cá chết hàng loạt ở tỉnh này và 3 tỉnh khác.

Ônh Nhân nói qua đó cho thấy có hành vi gian lận trong việc Formosa xử lý chất thải:

“Thường chính quyền rất ngại đụng đến Formosa một cách trực tiếp và chỉ đụng đến các cán bộ kinh tế liên quan mà thôi. Trên giác độ quan sát của người dân thì chúng ta thấy rõ rằng đây là một hành vi gian lận để chôn giấu chất thải của nhà máy Formosa mà không xử lý.”

Tháng 6/2016, Formosa đã nhận trách nhiệm về vụ này và chấp nhận bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.

Từ đó đến nay, nhà chức trách Việt Nam đã phát tiền đền bù cho những người bị ảnh hưởng nhưng nhiều người vẫn chỉ trích rằng số tiền đền bù và sự minh bạch của chính phủ về vụ ô nhiễm còn chưa thỏa đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét