Vibay

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Giàn khoan làm biến đổi quan hệ Việt - Trung

"Sau sự kiện giàn khoan lần này, dù muốn hay không quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tất yếu đã chuyển sang một giai đoạn mới khác hẳn 23 năm trước kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ", ông Chu Công Phùng bình luận.


Ông Chu Công Phùng, nguyên Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (1987 - 1991), nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar giai đoạn 2009-2012 trò chuyện cùng Tuần Việt Nam.
Trong họa có phúc

Thưa ông Chu Công Phùng, xin ông cho biết, trong cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo với Trung Quốc lần này, Việt Nam đã có được những bài học gì?

Theo tôi, có một số điều đáng suy ngẫm sau đây.
Thứ nhất: Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, dân tộc Việt Nam muôn người như một lại đoàn kết tạo thành một khối thống nhất. Hơn 90 triệu trái tim dân chúng Việt Nam và kiều bào ngoài nước đang hướng về Biển Đông.

Thứ hai: Trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc, tuy Trung Quốc "to giọng", nhưng họ không giành được sự ủng hộ nào từ dư luận quốc tế, kể cả Đài Loan có chung lập trường với Trung Quốc về Biển Đông.

Ngược lại, chúng ta đã giành được sự ủng hộ của dư luận từ các nước lớn Mỹ, Nhật, Tây Âu, Ấn Độ, Úc... và hầu hết các nước ASEAN. Chưa bao giờ trên trang web của Nhà Trắng lại xuất hiện một kiến nghị rất hay, đề nghị chính phủ Mỹ trừng phạt Trung Quốc vì đã đặt giàn khoan 981 ở thềm lục địa Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2014 đã thu hút hơn 130.000 chữ ký. Theo quy định của Mỹ, một kiến nghị đạt được 100.000 chữ ký thì trong vòng 30 ngày sẽ được chính quyền Tổng thống Obama xem xét.

Thứ ba: Kể từ sau sự kiện 1/5/2014, trên các báo chữ, báo mạng, tạp chí liên tiếp xuất hiện các bài biết phê phán Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, kiến nghị Chính phủ kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Giàn khoan Hải Dương 981 cũng đã xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn và môn Sử năm nay. Cá nhân tôi rất ủng hộ ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại Quốc hội ngày 28/5/2014 về việc cần sớm có Luật biểu tình: "có những cuộc biểu tình không phù hợp, nhưng cũng có nhiều cuộc biểu tình phù hợp. Việc sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân là điều hoàn toàn phù hợp".

Thứ tư: "Trong họa có phúc", đây là cơ hội để ta điều chỉnh chính sách ứng phó, giảm lệ thuộc vàoTrung Quốc trước mắt và tương lai lâu dài.

Những ngày qua, phát biểu của lãnh đạo các cấp, các ngành tại các diễn đàn trong và ngoài nước đã cho thấy, cùng với việc sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế và chuẩn bị các phương án bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta đã tính đến các giải pháp kinh tế giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. 

Những ngày qua, mỗi khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam tiến đến giàn khoan Hải Dương 981 mà TQ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, lập tức có một "phi đội" tàu TQ bao vây để cản trở, đâm, dùng vòi rồng xịt. Ảnh: Tư liệu Cảnh sát biển


Nếu ngừng hợp tác kinh tế, TQ sẽ thiệt hơn

Theo ông, các diễn biến trên biển sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh tế, giao thương giữa hai nước?
- Trong kỳ họp lần này, các ĐBQH đã bàn thảo về các phương án ứng phó trong tình huống Trung Quốc đóng cửa khẩu biên giới, giảm và ngừng các hoạt động hợp tác kinh tế, đầu tư tại Việt Nam. Tôi xin lưu ý:

Thứ nhất, trong buôn bán với Trung Quốc, 2/3 số lượng hàng hóa buôn bán là tiểu ngạch (mậu dịch biên giới), chỉ có 1/3 là chính ngạch. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ chiếm 30 % tổng xuất khẩu với thế giới, trong đó chủ yếu là hàng nông sản, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam với thế giới. Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc như thiết bị máy móc, nguyên vật liệu may mặc... thì đều có thể nhập từ các thị trường khác. Đồng thời, trong quan hệ thương mại, Trung Quốc luôn xuất siêu sang Việt Nam, vì vậy nếu Trung Quốc đóng cửa khẩu biên giới, bên thiệt hại hơn không phải là bên nhập siêu.

Thứ hai, đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam chỉ chiếm 3% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam. Nếu như thiếu 3% FDI đó, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển bình thường.

Theo số liệu của Bộ Công thương tháng 4/2014, trong 10 dự án lớn của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam thì tiến độ nhiều dự án chậm trễ, đội vốn, gây tranh cãi. Nếu như Trung Quốc ngừng các dự án thầu này, lẽ đương nhiên hai bên đều thiệt hại, nhưng họ sẽ chịu thiệt hại trước tiên.

Tôi cũng xin cung cấp thêm một thông tin, Trung Quốc là nước đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Myanmar với 14,2 tỉ USD, chiếm 30,6% tổng số vốn FDI nước ngoài tại Myanmar, nhưng cuối năm 2011 để bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia, chính phủ Myanmar đã tuyên bố hủy bỏ dự án đập thủy điện khổng lồ Myitsone trên sông Irrawaddy thuộc Bang Kachin giáp biên giới Trung Quốc trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc là chủ đầu tư và đã làm xong 1/3 công trình. Phía Trung Quốc tuy phản ứng gay gắt trước quyết định này của chính phủ Myanmar, nhưng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" tiếp tục đầu tư vào các dự án khác.

Đã đến lúc cân nhắc kiện TQ

Theo ông, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế không?

- Các bạn đã biết, suốt tháng qua nhiều phát biểu của lãnh đạo cấp cao, các Bộ, Ngành nhất là các ĐBQH đều phê phán gay gắt hành động xâm phạm của Trung Quốc với nước ta, đồng thời đề xuất phương án kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế như Philippines đã làm.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, dùng pháp lý quốc tế khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Ngoài ra, trong các Bộ Luật về biển được quốc tế sử dụng, Bộ Luật cổ La Mã quy định, trong tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các bên liên quan, nếu trong vòng 50 năm một trong hai bên tranh chấp không lên tiếng khởi kiện bên kia, thì lẽ đương nhiên chủ quyền sẽ thuộc về bên kia. Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 40 năm rồi. Chúng ta càng để lâu không kiện Trung Quốc sẽ càng bất lợi.

Tin tức cho hay, ngày 4/6/2014, Tòa án trọng tài quốc tế ở The Hague, Hà Lan thông báo sẽ lấy ngày 15/12 là ngày Trung Quốc nộp bản phản biện đáp lại văn bản dài gần 4.000 trang của Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 3/2013. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang ngược khẳng định: "Lập trường của Trung Quốc không có gì thay đổi, Bắc Kinh không chấp nhận và không tham gia trong tố tụng trọng tài có liên quan tới Philippines".

Việc Trung Quốc không dám tranh luận trước tòa chỉ càng làm cho Trung Quốc bị cô lập trên quốc tế, đồng thời khiến vụ kiện của Philippines nhanh chóng được Tòa án quốc tế hoàn tất và sẽ sớm đưa ra phán quyết cuối cùng. Nếu phán quyết này có lợi cho phía Philippines, đây sẽ là một đòn ngoại giao giáng mạnh vào Trung Quốc, và sẽ là một chiến thắng vang dội cho Philippines về pháp lý.

Về đề nghị của Trung Quốc "gác tranh chấp, cùng khai thác" ở Biển Đông, thay cho trả lời, tôi xin cung cấp thông tin cho các bạn rõ hơn tình hình.

Từ năm 1992, Trung Quốc công bố "phương châm 16 chữ" của họ về khai thác chung với các nước láng giềng là "chủ quyền thuộc ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát, lợi ích phân hưởng"(chủ quyền thuộc tôi, gác lại tranh cãi, cùng nhau khai thác, chia sẻ lợi ích). Sau đó họ viết ngắn lại là "các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát" nhưng dưới tiền đề "chủ quyền thuộc ngã".

Nực cười thay, đã là "chủ quyền thuộc ngã" thì còn khai thác chung làm gì nữa? Trung Quốc đã đem công thức này mời chào Việt Nam và các nước Đông Nam Á có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, nhưng cho tới nay chưa có quốc gia nào dám nhận lời "cùng khai thác" tài nguyên biển với Trung Quốc ở vùng tranh chấp mà phải chấp nhập tiền đề "chủ quyền thuộc ngã"? Thực chất là Trung Quốc muốn "gác tranh chấp, cùng khai thác" tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và lãnh hải của các nước Đông Nam Á mà theo cách nghĩ của Trung Quốc đó là vùng tranh chấp vì nằm trong "đường lưỡi bò" do họ tự vẽ ra.

Ngoài ra, thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy, các dự án "khai thác chung" tài nguyên biển giữa một số quốc gia đã bộc lộ những hệ quả đáng tiếc, thua thiệt cả về chủ quyền cả về kinh tế cho những quốc gia nhỏ bé, ít vốn hơn bởi lẽ "thỏa thuận tạm thời" sẽ thành "thỏa thuận vĩnh viễn" và "lợi thế" bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh.

Ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau sự kiện này?


Tôi cho rằng sau sự kiện 1/5/2014 lần này, dù muốn hay không quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc tất yếu đã chuyển sang một giai đoạn mới khác hẳn 23 năm trước kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ.


Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 22/5/2014 tại Philippines đã làm nức lòng đồng bào cả nước: "Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ".


Xin hỏi ông câu cuối cùng, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn tới xâm phạm vùng biển Việt Nam, cố tình gây hấn. Tình hình khi đó sẽ ra sao?


Các lãnh đạọ các cấp Việt Nam đã nói rõ, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, giải quyết mọi vấn đề tồn tại giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình.

Xin cảm ơn ông!



Hoàng Hường(thực hiện)
Tuần VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét