Vibay

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Nhật bán tên lửa chống hạm cho ASEAN chống Trung Quốc: Mũi tên 2 đích!

ANTĐ - Chính phủ Nhật đã cho phép các công ty quốc phòng nước này tham gia “Triển lãm trang bị vũ khí quốc tế” được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 6 tại Paris nước Pháp.

Đây là cuộc triển lãm về vũ khí lục quân và hệ thống phòng không quy mô lớn nhất trên thế giới hiện nay. Được biết, tham gia cuộc triển lãm lần này có khoảng 14 doanh nghiệp Nhật và 20 doanh nghiệp Trung Quốc.


Tên lửa chống hạm siêu âm ASM-3 (trắng sáng) treo dưới cánh máy bay F-2A

Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp hai nước cùng tham dự một cuộc triễn lãm quy mô lớn tầm cỡ quốc tế như vậy. Việc này đã được giới sản xuất vũ khí thế giới quan tâm và dự đoán rằng sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản trên thị trường vũ khí quốc tế trong tương lai.

Truyền thông Nhật Bản và châu Âu đồng loạt đưa tin là công ty Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, Hitachi và Toshiba sẽ trình làng các loại xe quân dụng, thiết bị rà phá mìn và trang bị phòng hóa tại triển lãm này, còn phía Trung Quốc sẽ mang đến triển lãm những thiết bị thông tin và các sản phẩm bảo vệ an toàn dân sự.

Sau khi các công ty hàng đầu về công nghiệp quốc phòng Nhật Bản tham gia vào thị trường vũ khí quốc tế, việc họ có thể chiếm lĩnh cơ hội kinh doanh, tranh giành các đơn đặt hàng với các doanh nghiệp Trung Quốc được hay không, đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất tên lửa, trang bị vũ khí lục quân và tàu chiến Nhật Bản chiếm ưu thế hơn so với Trung Quốc về mặt kỹ thuật.

Còn báo chí Mỹ thì cho biết, Tokyo đang nghiên cứu tên lửa chống hạm tốc độ siêu vượt âm có thể dùng để ngăn chặn tàu chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc, ngoài ra, tàu ngầm thông thường của Nhật cũng có thể trở thành vũ khí răn đe đối với tàu chiến và tàu ngầm của hải quân PLA.

Những đánh giá về sức mạnh chiến đấu của tên lửa chống hạm Nhật Bản hầu như đều có cơ sở. Lực lượng tự vệ trên biển và trên không của nước này đã được trang bị một lượng lớn tên lửa chống hạm tiên tiến trong nước sản xuất, có khả năng phóng từ tất cả các phương tiện phóng trên không, trên biển và trên đất liền.

Ví dụ, Nhật đã nghiên cứu tên lửa chống hạm phóng từ trên không trung Type 80 có thể lắp đặt trên máy bay chiến đấu nội địa F-1, F-2 và máy bay F-4EJ "Phantom" do Mỹ sản xuất, tầm bắn hiệu quả 50 km, không chỉ có thể tấn công tàu mặt nước, mà nó còn có thể dùng để phá hủy các mục tiêu cố định trên mặt đất như công trình kiến trúc và cầu cống của đối phương.

Dựa trên nền tảng của Type 80, doanh nghiệp quân sự của Nhật đã phát triển thành công tên lửa chống hạm Type 88 SSM-1 (phóng trên mặt đất), Type 90 (phóng từ chiến hạm), Type 91 và Type 93 (sử dụng trên máy bay), trong đó Type 91 chủ yếu trang bị cho máy bay tuần tra chống ngầm P-3C “Orion” và máy bay chống ngầm P-X.

Tầm bắn của Type 93 đã được nâng lên gấp 2 lần thế hệ ban đầu Type 80, đồng thời nó được lắp đặt hệ thống dẫn đường ảnh hồng ngoại giai đoạn cuối do công ty Fuji Nhật Bản sản xuất, đã nâng độ chính xác của loại tên lửa này lên một bước.

Theo tạp chí quốc phòng “Jane’s Defence Weekly” của Anh, thế hệ tiếp sau Type 93 là tên lửa siêu vượt âm ASM-3 được trang bị động cơ phản lực ramjet, đồng thời được lựa chọn công nghệ tàng hình, uy lực cực mạnh.

Có thể thấy, khả năng tên lửa chống hạm của Nhật Bản không hề thua kém so với các tên lửa cùng loại của Trung Quốc, đã trở thành hệ thống tấn công ba chiều hải, lục, không quân lợi hại của Nhật Bản.


Hệ thống tên lửa bờ đối hạm SSM-1 - Type 88 của Nhật

Các chuyên gia phân tích quân sự cho biết, tên lửa chống hạm của Nhật Bản có kỹ thuật tiên tiến, độ chính xác cao, tương lai không loại trừ khả năng Tokyo sẽ bán cho các quốc gia Trung Đông và Đông Nam Á, có thể tạo ra sự cạnh tranh đối với tên lửa chống hạm của Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu.

Điều đáng nói là, ngoài việc trực tiếp đe dọa đến tàu chiến của hải quân Trung Quốc, Nhật có thể xuất khẩu các hệ thống này cho các quốc gia ASEAN có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với Trung Quốc như Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam... đối phó với chiến hạm của hải quân nước này…

Đây là điều rất dễ xảy ra, bởi vì khi đó Nhật vừa có thể làm giảm uy thế của xuất khẩu vũ khí Trung Quốc, vừa giúp các "đồng minh" đối phó với Bắc Kinh, phân tán sức mạnh của hải quân nước này. Vì vậy, hiện nay Bắc Kinh rất quan tâm đến trang bị, vũ khí của Tokyo, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu tên lửa chống hạm.

Đức Sơn
Theo News of the World

1 nhận xét:

  1. voi ban mat sang nhû am hô cua tuong phung quang thanh cong voi cai hen cua ga thi lam sao quan doi nhan dan viet nam co duoc vu khi hièn dai cua Nhat de bao ve bien dao cua to quoc

    Trả lờiXóa