Luật sư (LS) Paul Reichler thuộc công ty Luật Foley Hoag (Mỹ), trưởng đoàn luật sư bảo vệ quyền lợi cho Philippines trong vụ kiện đường chín đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc (TQ) đưa ra nhiều lập luận vững chắc bảo vệ cho Philippines trong vụ kiện này.
Philippines và Mỹ tập trận đổ bộ (PHIBLEX 14) trong ba tuần từ ngày 18.9 cách bãi cạn Scarborough 220 km. Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo đó, các lập luận cốt lõi của Philippines như sau:
- Đường chín đoạn trái với luật pháp quốc tế như trong UNCLOS và không thể hiện các đặc quyền biển của TQ giới hạn trong lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
- Philippines cũng như TQ và các quốc gia ven biển khác ở biển Đông có các đặc quyền ở vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.
- Bãi cạn Scarborough chỉ là đá. Như định nghĩa trong mục 121 của UNCLOS, thực thể địa lý ở biển là đá chỉ được hưởng đặc quyền về lãnh hải chứ không được hưởng đặc quyền về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vì vậy vùng nước ngoài 12 hải lý tính từ bãi cạn (trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển đảo Luzon của Philippines) đều thuộc đặc quyền của Philippines chứ không phải của TQ.
- Trong tám thực thể địa lý ở biển Đông TQ đang chiếm giữ có năm thực thể địa lý là bãi đá ngầm hoặc chỉ là phần nổi khi thủy triều xuống không được hưởng đặc quyền biển nào. Ba thực thể còn lại là đá chỉ được hưởng quyền lãnh hải 12 hải lý. Tóm lại, các đặc quyền về biển của TQ ngoài 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này ở biển Đông rất hạn chế.
Về phía Trung Quốc, họ đã từ chối tham gia vụ kiện này. Tuy nhiên, các trọng tài quốc tế sẽ xem xét các bản đồ, hải đồ và các nghiên cứu học thuật về các thực thể đảo mà Philippines đưa ra. Họ có thể thuê các chuyên gia để tư vấn. Họ cũng sẽ xem xét các luật, nghị định, tuyên bố và giải thích của TQ về đường chín đoạn cũng như các tuyên bố về chủ quyền biển của TQ ở biển Đông, luật sư Paul Reichler cho biết.
Theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, phân xử trọng tài tính từ lúc mở đầu đến khi kết thúc thường mất 3-5 năm. Tòa đã thông qua các quy tắc tố tụng. Tòa đã yêu cầu Philippines nộp biên bản biện hộ vào ngày 30/4/2014. Phía bên bị kiện cũng sẽ có thời gian tương tự để chuẩn bị biên bản biện hộ, tuy nhiên Trung Quốc không tham gia vụ kiện nên thời gian tố tụng có thể sẽ được rút ngắn.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, Philippines đang có nhiều lợi thế hơn so với Trung Quốc, "Philippines sẽ có thể trình bày lập luận của mình vào nội dung chính của vụ kiện ngay sau khi các rào cản pháp lý được khắc phục. Nếu tôi đang ở vào vị trí của Philippines bây giờ tôi sẽ hạnh phúc hơn so với trường hợp tôi ở vị trí của Trung Quốc", Schofield,một học giả về Luật Biển, hiện là giáo sư tại đại học Wollongong, người Úc cho biết.
Schofield cho rằng Hội đồng Trọng tài 5 thành viên được thành lập bởi Tòa án Quốc tế về Luật Biển để thụ lý vụ kiện là không có gì để chê trách, đồng thời hy vọng vụ kiện sẽ không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị.
Học giả Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận xét thêm, nếu một phán quyết thuận lợi với Philippines được đưa ra, Manila sẽ tự tin hơn trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp, ví dụ như Bãi Cỏ Rong (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang là đối tượng Trung Quốc, Đài Loan, Philippines cùng tuyên bố "chủ quyền".
Theo Pháp luật TP.HCM, Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét