Phó Đô đốc Jose Luis Alano nói với hãng tin này rằng hiện chưa phát hiện có thêm hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough kể từ khi Bộ Quốc phòng Philippines buộc tội Trung Quốc hồi tuần trước đã chôn 75 khối bê tông ngầm ở dưới nước ở khu vực bãi cạn. Vùng lãnh thổ này được cả Manila và Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Theo ông Alano, các cuộc thảo luận đã được tiến hành nhằm tìm giải pháp "giải quyết" vấn đề, nhưng quyết định cuối cùng về việc liệu có hay không để loại bỏ các khối bê tông kể trên thuộc về Chính phủ Philippines chứ không phải thuộc bên quân sự.
"Việc đó đang được thảo luận, nhưng tôi không muốn nói trước về những gì sẽ được quyết định," ông Alano nói.
Quan chức này cũng cho biết thêm rằng quân đội Philippines vẫn tiếp tục giám sát các hoạt động tại khu vực nước nông.
Giới chức Philippines cảnh báo rằng việc chôn các khối bê tông có thể là một khúc dạo đầu cho các công trình xây dựng kiên cố của Trung Quốc trên vùng nước nông.
Vùng này nằm cách hòn đảo Luzon ở ngoài khơi của Philippines 220 km.
Báo Đất Việt cho biết thêm, xin trích:
Ông Alano cũng khẳng định mọi chuyện sẽ không được phép tái diễn như tại bãi Đá Vành Khăn trước đây, “Philippines không thể để mất Scaborough về tay Trung Quốc.”
Khi được hỏi liệu Philippines đã để mất bãi cạn Scarborough vào tay người Trung Quốc sau vụ việc xây cột bê tông hay không, ông Alano bác bỏ ngay lập tức.
Với câu hỏi Philippines sẽ hành động thế nào về vấn đề này, Đô đốc Alano đáp rằng: “Điều đó đang được chúng tôi thảo luận. Tôi không muốn tiết lộ trước quyết định của chúng tôi và cũng không muốn một bên nào nắm được kế hoạch”.
Ông cũng cho hay quân đội Philippines đang tiến hành “giám sát liên tục” ở bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, mọi quyền quyết định sẽ thuộc về chính phủ.
'Trung Quốc phủ nhận'
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước phủ nhận rằng Bắc Kinh đã đặt các khối bê tông, trong khi khẳng định khu vực là một phần lãnh thổ của Trung Quốc .
Bãi cạn cách đảo Hải Nam, lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc, khoảng 650 km, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết biển Đông, bao gồm các vùng biển gần bờ của các nước láng giềng.
Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với các khu vực khác nhau trên vùng biển.
Các đối đầu chủ quyền đã đang là một nguồn gây căng thẳng trong nhiều thập niên.
Philippines và Trung Quốc đã đang gặp bế tắc trong một diễn biến tranh cãi căng thẳng về chủ quyền liên quan bãi cạn Scarborough từ năm 2012.
Manila nói Trung Quốc đã thực hiện trên thực tế việc kiểm soát bãi này bằng cách neo đóng nhiều tàu ở khu vực và ngăn chặn ngư dân Philippines xâm nhập.
Vào tháng Giêng, chính phủ Manila đã yêu cầu một tòa án của Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về tính hợp lệ của các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đặt ra trên hầu hết biển Đông.
Trung Quốc đã bác bỏ động thái này, nói rằng họ muốn giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương với các bên có liên quan.
Phá thế hải giám
Báo Đất Việt viết thêm, xin trích:
Trong lúc này, Trung Quốc vẫn khăng khăng bác bỏ những cáo buộc của Philippines về việc họ đã thả những khối đá bê tông một cách bất hợp pháp xuống bãi cạn Scarborough.
"Khu vực đó nằm trong các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Nó không nằm trong sự tranh chấp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phát biểu như vậy.
Trung Quốc hiện giờ đang kiểm soát bãi cạn Scarborough. Luôn luôn thường trực quanh bãi cạn Scaborough một đội tàu hải giám cỡ lớn (thực chất là tàu quân sự được chuyển đổi đơn vị quản lý).
Đồng thời, các tàu chiến thực sự của Trung Quốc cũng đang túc trực ở bãi Đá Vành Khăn, hải quân Trung Quốc luôn tiến hành các hoạt động tuần tiễu của các biên đội tàu chiến trên Biển Đông.
Hình ảnh chụp từ máy bay cho thấy các khối bê tông nằm rải rác tại bãi cạn Scarborough - Ảnh: Bộ Quốc phòng Philippines
Suốt từ cuối năm 2012, hoạt động đánh cá của ngư dân Philippines tại khu vực bãi cạn Scaborough đã bị các tàu hải giám của Trung Quốc ngăn cản.
Tờ The Philstar ngày 2/5 dẫn nguồn tin từ một số ngư dân tại thành phố Masinloc, tỉnh Zambales cho biết Bắc Kinh đã cử một đội tàu hải giám hùng hậu đứng “dàn” sẵn trong phạm vi 24km quanh khu vực bãi cạn Scarborough. Khi các ngư dân Philippines đến đây đánh bắt, họ bị tàu hải giám Trung Quốc ngăn chặn từ xa.
Một nghi vấn được đặt ra: đến các tàu cá cỡ nhỏ cũng không thể hoạt động, liệu tàu hải quân của Philippines có thể đủ khả năng triển khai để nhổ cọc bê tông của Trung Quốc mà tránh một cuộc giao tranh trực tiếp?
Hiện tại, Philippines đã đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa quân sự, đồng thời tăng cường các hoạt động huấn luyện, diễn tập với lính thủy đánh bộ của Mỹ. Tuy nhiên, thực lực quân sự của quốc gia này không thể mang ra so sánh với Trung Quốc.
Nếu để xảy ra một cuộc giao tranh, mọi nỗ lực đưa tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ra trọng tài quốc tế sẽ đổ sông đổ bể, thậm chí, Philippines sẽ còn mất nhiều hơn trước.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/09/130911_philippines_china_island_disputes.shtml
http://www.baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tinh-hinh-bien-dong-philippines-phai-pha-the-truoc-khi-nho-coc-be-tong-bien-dong-2354631/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét