Bốn thập kỷ trước đây, anh lính trẻ Kerry lần đầu tiên thu hút sự chú của toàn thể nước Mỹ khi là người lãnh đạo phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.
Từng là một binh sĩ nhận được nhiều giải thưởng vì những đóng góp cho chính phủ Mỹ như huy chương Ngôi Sao Bạc, Ngôi Sao Đồng và 3 huy chương Trái Tim Đỏ Tía (Purple Hearts) nhưng John Kerry lại trở thành phát ngôn viên của Hội cựu binh Mỹ chống chiến tranh.
John Kerry diễn thuyết phản đối chiến tranh Việt Nam trong chương trình Meet the Press ngày 18/4/1971.
Kerry đặc biệt trở nên nổi tiếng trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện năm 1971 khi dám nhìn thẳng xuống các quan chức chính phủ Mỹ và yêu cầu: “Những người lãnh đạo đất nước này ở đâu? ...Ước gì Chúa lòng thành có thể xóa đi những ký ức của chúng tôi về cuộc chiến đó, cũng nhanh chóng như chính quyền này đã xóa bỏ ký ức của họ về chúng tôi”.
Vài tuần sau, Kerry lần đầu tiên xuất hiện trên Chương trình 60 Phút (60 Minutes) của đài truyền hình CBS News để phỏng vấn về cuộc chiến Việt Nam. Lúc đó ông 27 tuổi, mặc quần quần jean bạc phếc và mái tóc dày rậm rạp đặc trưng của thập niên 1970.
42 năm sau, ngày 29/9/2013, Kerry quay trở lại chương trình này cho cuộc phỏng vấn lần thứ 5 và cũng nói về cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng với mối liên hệ tới Syria.
Khi được hỏi đã áp dụng cuộc chiến Việt Nam như thế nào trong trường hợp này, Kerry cho biết ông đã cố gắng truyền tải thông điệp với nước Mỹ về Syria theo cách minh bạch nhất và giải mật tối đa thông tin có thể liên quan tới sự dính líu của Mỹ ở Syria.
“Tôi đặc biệt phải lưu tâm chính vì cuộc chiến ở Việt Nam. Khi đó chính phủ đã nói dối nhân dân Mỹ suốt nhiều năm liền và đó là nơi đã lấy đi quá nhiều mạng sống vì các nhà lãnh đạo đã không công bằng với chúng ta”.
“Bạn không muốn bị mắc kẹt trong một cuộc chiến”, Kerry nói thêm. “Đó là những gì đã xảy ra ở Việt Nam và đang xảy ra ở Syria. Vì thế, chúng tôi đã rất cẩn trọng”.
Henry Schuster, người sản xuất Chương trình 60 Phút và trực tiếp tham gia tổ chức cuộc phỏng vấn với Kerry ngày 29/9 nói rằng, di sản từ hoạt động phản chiến là thứ vẫn tiếp tục đeo đuổi Ngoại trưởng Mỹ và có thể sẽ vẫn luôn luôn như vậy.
“Đó là một phần của cuộc đời ông”, Schuster nói. “Chắc chắn ông ấy sẽ luôn luôn được hỏi và buộc phải suy nghĩ về nó”.
Nguồn: CBS News
Tiếng Việt: Soha News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét