28/11/2012- Trong tầng lớp thượng lưu chính trị của Nhật Bản và Trung Quốc có những người hiểu được nguy cơ tiếp diễn sút giảm tồi tệ hơn nữa trong quan hệ song phương của hai nước vì cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku-Điếu Ngư. Nhưng cả Tokyo và Bắc Kinh đều chịu áp lực nặng nề từ dư luận, nếu không phải là chủ nghĩa dân tộc thì cũng có xu hướng cực đoan. Người Nhật và người Trung Quốc đều chờ đợi sự nhượng bộ của nhau trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, tuy nhiên chẳng bên nào sẵn sàng chịu nhường bước, - chuyên viên Andrey Ivanov từ Viện Nghiên cứu Quốc tế của MGIMO nhận xét.
Trung Quốc - Nhật Bản đun sôi nước biển Đông Á
“Trong cuộc trò chuyện tin cậy, các chuyên viên Trung Quốc ngỏ ý rằng dành cho việc nối lại đối thoại bình thường, thì điều cần thiết là phía Nhật Bản phải đi tới một nhượng bộ nhỏ: cần công nhận có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Điếu Ngư. Người Trung Quốc tin chắc là làm như vậy chẳng có gì phức tạp, bởi Tokyo dường như đã công nhận hiện hữu tranh chấp ngay từ năm 1970, trong cuộc hội đàm với các ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Cả hai vị lãnh đạo này đã đồng ý một cách khôn ngoan rằng nên chuyển việc tranh chấp này cho các thế hệ tương lai giải quyết. Và bây giờ, theo các chuyên viên Trung Quốc nói, hẳn cũng có thể làm như vậy được. Vướng mắc là ở chỗ các chuyên viên và giới ngoại giao Nhật Bản luôn phủ nhận rằng thời nào đó Tokyo từng công nhận sự tồn tại của cuộc tranh chấp lãnh thổ, và khẳng định là bây giờ Nhật Bản không thể làm điều đó”.
Từ chối thừa nhận hiện có cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, phía Nhật Bản vin vào ý kiến công luận trong nước, sẽ bất bình nếu có nhượng bộ như vậy và sẽ đòi bãi nhiệm nội các.Ngoài ra, người Nhật e rằng ngỏ lời xác nhận có tranh chấp với Trung Quốc tức là sẽ tạo cớ để Trung Quốc nêu sách cứng rắn hơn đòi trả lại các hòn đảo. Trên thực tế nỗi e ngại này không phải là thiếu căn cứ, như thí dụ cho thấy chính từ nước Nhật, qua cuộc tranh cãi vì quần đảo Nam Kuril. Chỉ cần một lần hồi cuối những năm 1980, ông Gorbachev thừa nhận có vấn đề, là người Nhật lập tức xiết chặt lập trường cứng rắn hơn. Rồi tiếp đến một lần vào đầu năm 2000, Tổng thống Putin thừa nhận sự hiện hữu Tuyên bố chung Xô-Nhật năm 1956 và khả năng lý thuyết trao cho Nhật Bản 2 trong số 4 hòn đảo sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình như là cử chỉ thiện chí, thế là Tokyo khăng khăng nhất loạt đòi trả lại toàn bộ 4 hòn đảo”.
Như đang thấy, dường như theo phương pháp “suy bụng ta ra bụng người”, hiện giờ người Nhật hiểu rằng người Trung Quốc cũng có thể làm như vậy, và sau khi Tokyo công nhận có tranh chấp, Bắc Kinh sẽ bắt đầu mở rộng tăng cường áp lực để đòi trả lại đảo Điếu Ngư. Lo ngại viễn cảnh đó, chính quyền Nhật Bản bác bỏ khả năng thừa nhận đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Càng ngày quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc càng tiếp tục xấu đi.
Ở Tokyo, người ta nhìn thấy giải pháp cho vấn đề không phải là ở bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh bằng con đường thỏa hiệp và nhân nhượng, mà trong hướng phát triển hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và củng cố tiềm năng quốc phòng. Tuy nhiên, đây là con đường đầy rẫy nguy hiểm cho Nhật Bản, cũng như đem lại cho thế giới những hậu quả rắc rối bất ổn nghiêm trọng, - chuyên viên Nga Andrei Ivanov đánh giá.
“Ở Nhật Bản đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc củng cố Hải quân, đối trọng với sự tăng cường nhanh chóng của hải quân Trung Quốc. Người ta đã bắt đầu nói cả về khả năng xem lại hàng loạt điều khoản trong Hiến pháp Nhật Bản, để dành tự do cho quân đội Nhật Bản trong hiệp lực quốc phòng tập thể cùng với Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc. Sự củng cố liên minh quân sự Nhật-Mỹ sẽ trở thành "món quà" khó chịu đối với Trung Quốc. Nhưng cả với chính Nhật Bản cũng không tránh khỏi đối mặt với nhiều vấn đề hơn”.
Hiện trạng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương củng cố khối chống Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ kích động Bắc Kinh tiếp tục tăng cường lực lượng vũ trang của mình, - chuyên viên Ivanov phân tích. Mức tăng chi phí cho nhu cầu quân sự có thể gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Dễ đoán rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ đổ hết tội lỗi cho chính sách thù địch của Hoa Kỳ và Nhật Bản, và điều đó kéo theo đợt bùng phát mới của tinh thần chống Nhật và chống Mỹ trong xã hội Trung Quốc. Tiếp theo hiển nhiên sẽ không tránh khỏi tăng cường vị thế của phái dân tộc và giới quân sự ở nước này, thiên về hô hào giải quyết vấn đề bằng sức mạnh. Quá trình tương tự cũng sẽ diễn ra tại Nhật Bản. Bởi viễn cảnh cắt đứt tất yếu quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc sẽ giáng đòn đau vào nền kinh tế Nhật Bản. Kết quả là, không thể loại trừ khả năng quyền hành thuộc về phái dân tộc ở Nhật Bản và thậm chí Tokyo sẽ từ bỏ qui chế phi hạt nhân đã tự nguyện nhận lấy trước đây. Tất cả những điều đó có thể xảy ra khá nhanh. Và giả sử quan hệ Nhật-Trung chuyển sang giai đoạn đối đầu quân sự, thì như vậy cũng đồng nghĩa với "ngày tận thế”. Ít nhất, sẽ cáo chung mô hình quan hệ liên quốc gia, mà ngày nay đang được xem là cơ sở của trật tự thế giới, - chuyên viên Nga dự báo.
Theo Tiếng nói nước Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét