Vibay

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Thế giới giật mình với hộ chiếu in hình lưỡi bò của Trung Quốc

25/11/2012- Bản đồ hình lưỡi bò mà Trung Quốc cho in trên hộ chiếu phổ thông của nước này đang gây phản ứng- thậm chí đến mức gay gắt- của các nước.


Các tuyên bố và hành động đáp trả

áng ngày 22.11, cả hai nước Việt Nam và Philippines gần như cùng lúc lên tiếng chính thức phản đối Trung Quốc trước ý định in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của nước này.

Ông Lương Thanh Nghị - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - nhấn mạnh, việc làm này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông.

“Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những nội dung sai trái in trên hộ chiếu phổ thông điện tử nói trên” - ông Lương Thanh Nghị cho biết.

TS Nguyễn Duy Chiến- Trưởng ban Biên giới của Chính phủ- cho biết: "Quan điểm của tôi cũng giống với quan điểm phản đối của Bộ Ngoại giao. Rõ ràng như thế chứ không có gì phải nói thêm cả".

Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines - ông Raul Hernandez - khẳng định, Manila không thể bỏ qua hành động này của Trung Quốc cũng như cho phép nước này tiếp tục lưu hành loại hộ chiếu in hình bản đồ xâm phạm chủ quyền của Philippines.

Phản ứng của Philippines được xem là mạnh mẽ nhất, khi AFP dẫn lời ông Hernandez tuyên bố: “Hộ chiếu sẽ được sử dụng bởi các công dân Trung Quốc và nếu Philippines cho phép lưu hành chúng thì chẳng khác nào đã mặc nhiên công nhận chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở toàn bộ biển Đông”.

Sự lo âu của Philippines có vẻ vượt quá xa hiện thực, vì thông lệ ngoại giao quốc tế chưa bao giờ công nhận một tấm bản đồ in trên hộ chiếu lại xác nhận được chủ quyền của nước đó. Tấm bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc chưa được ai công nhận thì lại càng vô giá trị hơn. Trong mưu toan này, người ta chỉ có thể chấp nhận hình ảnh tấm bản đồ ấy như một vật trang trí không hơn không kém.

Hãng thông tấn AP hôm 23.11 đưa tin, Đài Bắc trích lời các giới chức thuộc Ủy ban Hoa Lục của Đài Loan nói rằng, hành động này của Trung Quốc hoàn toàn bất chấp thực tế và chỉ tạo thêm tranh chấp.

Ủy ban Hoa Lục cho hay, Đài Loan không thể chấp nhận bản đồ này. Các nhà lập pháp ở Đài Bắc đều nói rằng, hành vi khiêu khích này của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho các mối quan hệ song phương.

Ngoài ra, sáng ngày 23.11, Đài Loan phát hiện tấm bản đồ này chồng lên hai địa danh nổi tiếng của Đài Loan là Nhật Nguyệt Đàm (Sun Moon Lake) và Thanh Thủy Đoạn Nhai (Cingshui Cliff). Nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự việc này.

Chính quyền Ấn Độ là nước mới nhất có ngay hành động đáp trả- theo BBC. New Dehli ngày 22.11 cho hay, Chính phủ Ấn Độ không hài lòng với cách làm của Trung Quốc, sau khi có tin chính quyền Trung Quốc cấp hộ chiếu có bản đồ ôm trọn Arunachal Pradesh và Aksai Chin hiện do Ấn Độ làm chủ, nhưng Trung Quốc tuyên bố là của mình.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh ngay lập tức cho biết, họ sẽ phát hành thị thực có hình bản đồ gồm bang Arunachal Pradesh và vùng Aksai Chin cho công dân Trung Quốc đến xin visa.

Sẽ không thể có tiền lệ

Hành động tự phát của Trung Quốc chỉ có thể giải thích từ những sự kiện mà nước này từng làm và từng thất bại. Những diễn tiến liên tục trong thời gian gần đây cho thấy, mỗi ngày ý đồ bành trướng của Bắc Kinh thêm lộ liễu hơn. Trung Quốc thèm khát biển Đông đến độ bất chấp những giá trị phổ quát nhất trên trường ngoại giao quốc tế. Ít nhất 2 lần Bắc Kinh mang tiền bạc làm sức ép trên bàn hội nghị ASEAN đối với nước chủ nhà Campuchia, buộc Phnom Penh 2 lần gây mất uy tín của ASEAN khi không đồng thuận được về vấn đề biển Đông.

Theo báo chí phương Tây, hành động đó có tác dụng ngược khi gián tiếp làm nảy sinh cuộc gặp gỡ giữa Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei vào ngày 12.12 sắp tới- trong khuôn khổ bàn thảo và tìm giải pháp cho vấn đề biển Đông. Đây là một nỗi chua chát đối với Trung Quốc, khi rõ ràng sự vận động của Bắc Kinh đối với Campuchia là vô ích.

4 nước ASEAN đang tự tìm cho mình hướng đi, bất chấp sự tròng trành của các thành viên còn lại. Hội nghị 4 nước sắp tới tại Manila nói lên sự thật rằng Trung Quốc đã sai lầm khi đem binh thư của thời Chiến quốc ra áp dụng vào thế kỷ của vệ tinh và hàng không mẫu hạm.

Việc cho in bản đồ hình lưỡi bò lên hộ chiếu của người dân Trung Quốc là một canh bạc tháu cáy nguy hiểm. Sau những nỗ lực hù dọa, mua chuộc hay áp lực để chiếm bằng được biển Đông không thành công, đã khiến Trung Quốc liều lĩnh làm một việc ngoài khả năng tiên liệu.

Phản ứng bất lợi trước tiên đối với Trung Quốc là tạo nên tiếng nói chung của những nước bị đường lưỡi bò chồng lấn. Trước đây, khi Trung Quốc có những hành động riêng rẽ ức hiếp các nước trong khu vực thì phản ứng của từng nước không giống nhau.

Cả thế giới cũng giật mình

Trước đây, vấn đề biển Đông được báo chí phương Tây xem như chuyện địa phương, thì ngay sau khi tin tức cho in tấm bản đồ lên hộ chiếu đã làm nhiều tờ báo nổi tiếng giật mình. Rõ ràng, khi báo chí phương Tây nhập cuộc, ''trái banh'' khó lòng còn nằm trong ''chân'' Trung Quốc.

Nhật báo Anh Financial Times cho rằng, các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền không thể chấp nhận trước việc các viên chức ngoại giao vào cửa khẩu của họ bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất- nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.

Báo Financial Times còn trích dẫn lời một nhà ngoại giao cao cấp công tác tại Bắc Kinh (xin giấu tên) cho rằng, việc in yêu sách chủ quyền ngay trên hộ chiếu là "một sự leo thang khá nghiêm trọng, vì Trung Quốc đang phát hành hàng triệu hộ chiếu mới loại này, và hộ chiếu dành cho người lớn có giá trị trong 10 năm".

Một tờ báo nước ngoài so sánh việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu của Trung Quốc với tấm bảng lớn đặt ngay trước bàn hải quan khi du khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, được viết bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp và Trung có nội dung: "Chào mừng các bạn đến với Việt Nam! Bạn có biết Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hay không?".

Hai cách chứng minh chủ quyền, nhưng khác nhau về trình độ. Tấm hộ chiếu kia chỉ tuyên truyền trong dân chúng của họ, còn bảng tuyên ngôn bằng 4 thứ tiếng kia đang nói cho cả thế giới biết sự thật, bất kể họ thuộc quốc tịch nào.

Còn một điều nữa quan trọng hơn rất nhiều, ngay cả khi Việt Nam không cần làm gì cả! Đó là khi Trung Quốc đưa con bài hộ chiếu ra thì chính là lúc họ tự mình đánh thức giấc ngủ của nhân dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Tổng hợp từ AFP, BBC, RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét