13/9/12-(Petrotimes) - Hết Bắc Kinh, giờ lại đến Đài Bắc liên tục có những động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa. Phải chăng Trung Quốc đại lục và Đài Loan đang “câu kết” trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông?
Điều gì đang diễn ra trên đảo Ba Bình?
Không kể những lần xâm phạm chủ quyền Trường Sa của Việt Nam trước đây, chỉ trong vòng một tháng qua, Đài Loan đã tiếp tục có hàng loạt những hành động tương tự tại đảo Ba Bình, từ cử các nhóm sinh viên, học giả tới các nghị sĩ đến Trường Sa, rồi đỉnh điểm là cuộc tập trận bắn đạn thật hiện đang diễn ra tại đây.
Ngày 4/9, Đài Loan bắt đầu cho tập trận bắn đạn thật tại đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo kế hoạch, cuộc tập trận do lực lượng tuần duyên Đài Loan tiến hành sẽ kéo dài 5 ngày.
Sau khi khẳng định là cuộc tập trận nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng trước tình hình căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, chính quyền Đài Bắc thậm chí còn không ngần ngại tỏ ý thị uy khi thông báo cho các nước khác là phải tránh xa khu vực đảo Ba Bình trong thời gian diễn ra cuộc tập trận. Riêng về cuộc tập trận sai trái này, ngày 23-8 vừa qua, Việt Nam đã chính thức phản đối và yêu cầu Đài Loan phải hủy bỏ ngay kế hoạch tập trận này.
Không chỉ phô trương uy thế về mặt quân sự, trong những tuần qua, Đài Loan đã liên tiếp có những động thái về mặt chính trị để khẳng định chủ quyền của họ trên toàn Biển Đông cũng như quyền kiểm soát thực tế của họ trên hòn đảo này.
Sự kiện mới nhất vừa được Đài Bắc thông báo hôm 4/9, ba nghị sĩ Đài Loan đã bay đến đảo Ba Bình nhằm thị sát cuộc tập trận. Trước đó vài ngày, ba lãnh đạo cao cấp phụ trách vấn đề an ninh của Đài Loan đã đích thân ghé thăm đảo vào hôm 31/8. Theo thông tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, được AFP trích dẫn, thì ba nhân vật sừng sỏ đó là Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Hồ Vi Chân, Bộ trưởng Nội vụ Lý Hồng Nguyên và Chỉ huy lực lượng tuần duyên Vương Tiến Vượng.
Theo nguồn tin trên, thì cùng với các quan chức khác, ba nhân vật nói trên đã ghé đảo để tuyên bố chủ quyền “không thể chối cãi” của Đài Loan trên toàn bộ các quần đảo ở Biển Đông, nhưng đồng thời kêu gọi các bên tạm gác tranh chấp để cùng nhau khai thác nguồn lợi của khu vực, một lập luận chẳng khác gì quan điểm thường xuyên được Trung Quốc đưa ra.
Trước đó, Đài Loan cũng đã cho nhiều dân biểu ra đảo để khẳng định chủ quyền, rồi cho các nhóm học giả và nhà nghiên cứu đi ra xem xét tình tình, rồi đề ra sáng kiến nghiên cứu khoa học trong vùng…
Mới đây, Báo Le Monde Diplomatique (Pháp) đã đánh giá đảo Ba Bình sẽ là một trong 5 điểm nóng ở Biển Đông. Nằm tại vị trí gần như trung tâm Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 600km, cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 500km và cách bãi cạn Scarborough khoảng 800km, đảo Ba Bình được đánh giá là một trong những vị trí kinh tế và chiến lược.
Tờ Asia Times dẫn lời Giáo sư Trường Hải quân Mỹ James Holmes nói rằng: “Đảo Thái Bình đủ lớn để trở thành một trung tâm hậu cần”. Theo ông Holmes, nếu Trung Quốc chiếm được quyền kiểm soát đảo này thì đỡ được nửa đường đến eo biển Malacca, eo biển nằm trên tuyến đường giao thông rất quan trọng từ châu Âu, châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Nam Á và Đông Á. Tầm quan trọng của tuyến đường qua eo biển Malacca có thể sánh ngang với kênh đào Suez hoặc Panama.
Từ tháng 10/1956, Đài Loan dùng vũ lực giành quyền kiểm soát đảo Ba Bình của Việt Nam và hiện đang tranh chấp toàn phần ở Trường Sa. Thời gian gần đây, khi tình hình Biển Đông sôi động, những nhà cầm quyền Đài Loan kêu gọi tăng cường vai trò quân đội trong phòng vệ đảo. Hồi tháng 4/2012, sau chuyến đi đến đảo Ba Bình, Nghị sĩ Quốc Dân đảng Lâm Úc Phương đã đề nghị tăng cường pháo cao xạ và súng cối trên đảo. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng Đài Loan đã thông qua dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng chuyển vũ khí ra đảo. Khoảng cách từ Ba Bình đến thành phố Cao Hùng khoảng 1.600km, từ lâu được xem như một giới hạn của Đài Bắc trong việc kiểm soát đảo. Tuy nhiên, cũng tháng 5 vừa qua, Đài Loan thành lập phi đội không quân đặc biệt có khả năng đến đảo Ba Bình trong vài giờ. Từ những động thái trên, giới quan sát nhận xét: “Từ khi Đài Loan dùng vũ lực chiếm Ba Bình thì ít khi có thể hiện như thế. Thành ra có một cái gì đó khác thường trong khi Biển Đông ngày càng nổi sóng”.
Năm 2006, Đài Loan xây đường băng dài khoảng 1.150m trên đảo Ba Bình, đủ để đáp ứng được các loại máy bay lớn như Hercules C-130, trước sự phản đối của Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines. Có tin cho biết Đài Loan còn định kéo dài đường băng thêm 500m. Nếu kế hoạch này được thực hiện, chẳng những các loại máy bay C-130 có thể đáp an toàn hơn mà còn mang một ý nghĩa khác. Tờ The Diplomat (trụ sở tại Nhật) gần đây dẫn lời một quan chức an ninh giấu tên cho biết đường băng sau khi được kéo dài có thể tiếp nhận máy bay tuần tra trên biển P-3C “Orion” mà Đài Loan đã đặt mua 12 chiếc cũ của Mỹ từ năm 2007.
Những diễn biến trên Ba Bình mặc dù không ồn ào nhưng ngày càng quyết liệt khiến người khác phải chú ý. Những vụ đụng độ xảy ra trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong 2 năm trở lại đây làm cho nhiều người bỏ quên sự quan trọng của đảo Ba Bình. Biển lặng xung quanh Ba Bình không có nghĩa tầm quan trọng của nó giảm đi. Xem ra Đài Loan luôn ý thức được mình đang làm gì.
Giải mã hành động của Đài Loan
Tại sao sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, giờ Đài Loan lại muốn khuấy động Biển Đông vốn đang bị Trung Quốc làm cho dậy sóng? Có thể nói, trong số các nước và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Đài Loan được đánh giá là khá kín tiếng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, sự im lặng này bắt đầu bị phá vỡ. Đài Loan liên tục có những hành động cho thấy hòn đảo này sẵn sàng can dự vào khu vực Biển Đông đang bị tranh chấp gay gắt. Theo các nhà phân tích, hành động phô trương thanh thế về quân sự, kèm theo việc quảng bá một cách rầm rộ các chuyến thăm đều nhằm mục tiêu nhắc nhở rằng, Đài Loan là một trong những bên có liên can trong vấn đề Biển Đông, cho nên không thể gạt họ ra bên lề các cuộc đàm phán. Có điều là các hành động của Đài Loan lại có tác dụng “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp vào lúc căng thẳng đang bùng lên giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
Ngày 7/8, Thiếu tướng La Thiệu Hoa, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố Đài Bắc sẽ tăng cường quân sự trên đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam). Tuy thông tin cụ thể không được tiết lộ chính thức, nhưng báo chí Đài Loan từ cuối tháng 7-2012 đưa tin các loại vũ khí được chuyển đến đảo Ba Bình gồm các khẩu trọng pháo nòng 40mm và súng cối nòng 120mm. Việc chuyển vũ khí được thực hiện sau khi Ủy ban Quốc phòng Đài Loan hồi tháng 5/2012 thông qua dự luật yêu cầu Bộ Quốc phòng chuyển vũ khí ra đảo Ba Bình. Trước đó, Đài Loan thành lập đội không vận có khả năng đến Trường Sa trong vòng vài giờ.
Cũng theo giới quan sát, chính sách “một Trung Quốc” mà Bắc Kinh theo đuổi là rào cản khiến Đài Loan có nguy cơ bị loại ra khỏi hầu hết các cuộc thảo luận quốc tế liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, đầu tháng 8/2012, James Chou - quan chức cấp cao thuộc Bộ Đông Á - Thái Bình Dương của Đài Loan - đã lên tiếng khẳng định chủ quyền “không thể tranh cãi” của Đài Bắc tại Biển Đông và bày tỏ mong muốn của Đài Loan được tham gia các cuộc thảo luận đa phương nhằm giải quyết tranh chấp ở khu vực này. Việc James Chou cho rằng, “bất cứ giải pháp nào mà không có mặt của Đài Loan đều là đáng tiếc”, cùng với các hành động gần đây từ phía Đài Bắc, khiến giới quan sát đặt một câu hỏi lớn về động cơ của Đài Loan.
Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu phải chịu áp lực từ đảng đối lập khi cuối tháng 7/2012, truyền thông Đài Loan cho biết, người phát ngôn của Đảng Dân Tiến (DPP) đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính quyền đương nhiệm không phản bác việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Đây được coi là một trong những nhân tố dẫn tới việc Đài Loan phải phá vỡ sự im lặng trước đây.
Tuy nhiên, Dean Cheng - chuyên gia về Đài Loan và Trung Quốc của Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ) - cho rằng, còn nhiều lý do khác nữa khiến Đài Loan phải lên tiếng: thứ nhất, vấn đề Biển Đông hiện thu hút rất nhiều sự chú ý, nên đã đến lúc tất cả các bên phải lên tiếng đòi chủ quyền của mình. Thứ hai, Tổng thống Mã Anh Cửu muốn tận dụng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) để ngầm chứng minh rằng, Đài Loan khác Trung Quốc ở chỗ hòn đảo này có trách nhiệm và không muốn làm tình hình thêm căng thẳng. Hơn thế, Đài Loan muốn chứng tỏ họ có tư cách hợp pháp để tham gia các cuộc thảo luận nào liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Đài Loan sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách và thậm chí là cả hiểm nguy. Chuyên gia Dean Cheng nói: “Một trong những thách thức mà có thể Đài Loan phải đối mặt là việc Bắc Kinh tăng cường đe dọa quân sự đối với Đài Bắc”.
Khi Đài Loan bắt đầu lên tiếng về vấn đề Biển Đông, các nghi vấn đặt ra không chỉ xoay quanh việc nước này “được-mất” như thế nào mà còn là liệu Bắc Kinh và Đài Bắc có hợp tác với nhau trong vấn đề Biển Đông hay không? Mặc dù người đứng đầu Cục An ninh Nội địa vùng lãnh thổ Đài Loan tuyên bố trong một cuộc họp báo hồi tháng 5-2012 rằng, “không có chuyện Đài Loan sẽ hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”, nhưng gần đây, Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đài Loan Khưu Nghi và các nghị sĩ thuộc Quốc Dân Đảng đã lên tiếng kêu gọi Đài Loan và Trung Quốc hợp tác để khai thác tài nguyên Biển Đông.
Tờ Asia Times mới đây đăng bài của tác giả Brendan OReilly cho biết, cả Đài Loan và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền ở đường lưỡi bò và cả hai đều nhất trí rằng, chủ quyền ở Biển Đông thuộc về “người Trung Quốc”.
Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa trong thời Pháp thuộc, có một trạm khí tượng do Pháp xây dựng. Cuối năm 1946, lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã chiếm đóng đảo Ba Bình, nhưng năm 1950 đã rút đi. Đến năm 1956, Đài Loan quay lại chiếm đảo Ba Bình và đặt tên là đảo Thái Bình, và mặc nhiên biến đảo này thành một loại “pháo đài”, với cả một đường bay có thể tiếp nhận loại máy bay vận tải hạng nặng.
(Năng lượng Mới số 154, ra thứ Ba ngày 11/9/2012)
Petrotimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét