Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012
Người Việt ở Moscow kêu cứu
18/7/12- BBC nhận được nhiều cuộc điện thoại của công nhân may Việt Nam ở Moscow nói họ bị đánh đập và ngược đãi.
Những người gọi điện thoại nói họ nằm trong số 160 công nhân làm việc tại một xưởng may của hãng mang tên Vinastar và họ phải làm việc tới 16-18 tiếng mỗi ngày.
Một trăm người trong số này đang đòi về Việt Nam nhưng không được chủ lao động, người họ nói tên Tuân, cho phép.
"Có những hôm chúng tôi phải làm việc tới bốn, năm giờ sáng," một nam giới nói.
"Mỗi tháng kiếm được 7-8.000 rúp thì ăn đã hết 6.000.
"Có những người làm hai năm chưa có đồng nào gửi về Việt Nam.
"Khi đi chúng tôi xác định đi làm nuôi gia đình, con cái, giờ đi làm không công."
Trong số những người đang lao động tại Vinastar có người đi qua Công ty Đầu tư Xây dựng Cổ phần số 1 ở Hà Nội.
'Lò tống tiền'
BBC được biết đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam cũng đã tới xưởng may nhưng bất đồng giữa chủ lao động và người làm công từ Việt Nam vẫn không được giải quyết.
Mẹ của một trong các lao động Việt Nam ở Moscow nói con bà và hàng trăm người khác sống như 'thời nguyên thủy' ở Moscow.
Bà Phạm Thị Nhi, 50 tuổi, nói con gái bà đã sang Nga làm nghề may từ một năm nay nhưng không kiếm được xu nào và giờ còn phải nhờ gia đình gửi tiền chuộc để có thể về lại Việt Nam.
Bà Nhi cũng nói cô Doãn Thị Mỹ, 27 tuổi, và con rể bà Nguyễn Tiến Sáng, 35 tuổi, đã bị đánh và đưa đi trong ngày 17/7.
Theo bà Nhi, con gái bà đã bị lừa "bán cho côn đồ" ở Nga vì công ty đưa người đi không thông qua Bộ Lao động Việt Nam.
Bà cũng nói hợp đồng làm việc tám tiếng với mức lương 400-500 đô một tháng sang tới Nga đã bị bác đi và người lao động phải ký hợp đồng làm việc 12 giờ một ngày với mức lương thấp hơn.
Tuy nhiên trên thực tế các công nhân may cáo buộc có những hôm họ chỉ được ngủ ba tiếng mỗi ngày trong khi phải ăn đồ 'thiu thối'.
Bà Nhi cũng nói bà đã liên hệ với các cơ quan của Việt Nam trong đó có Bộ Ngoại giao và Bộ Công an nhưng cho tới nay tình hình có vẻ tồi tệ hơn.
Bà nói về thân nhân đang ở Nga:
"Hai vợ chồng nó đi nó để lại đứa con nhỏ hai năm cho tôi nuôi.
"Bây giờ chúng nó đánh đập, bóc lột sức lao động và lại bắt chuộc người như vậy thì tiền đâu.Người nông dân không có.
"Nói đúng nghĩa nó là cái lò tống tiền chứ không phải công ty gì nữa.
"Bây giờ cứ mỗi công nhân cực khổ không chịu được ra về là phải bằng ấy tiền.
"Thậm chí có công nhân làm ở đó bốn năm rồi mà không có tiền gửi về cho gia đình.
"Vợ không tin chồng, bỏ chồng vì chồng không gửi tiền về, nghĩ là chồng đi theo gái."
Tình trạng công nhân Việt Nam bị ngược đãi khi sang lao động tại Nga không phải là chuyện hiếm.
Nhiều người tới Nga với visa du lịch và ở lại làm việc trong nhiều năm.
Nguồn: BBC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét