Vibay

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

CNOOC: 'Gọi thầu (9 lô dầu khí) tiến triển tốt đẹp'

17/7/12- Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết việc mời thầu quốc tế "tiến triển tốt đẹp" ở chín lô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và có cả công ty ở Mỹ bày tỏ quan tâm.


Các lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu

Ngày 23/6, CNOOC thông báo chào thầu quốc tế tại các lô dầu khí trong khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, khiến Hà Nội lên tiếng cực lực phản đối.

Việt Nam nói rằng khu vực thông báo mở thầu quốc tế này "nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982" và "hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp".

Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm hôm thứ Ba 17/7 nói với các phóng viên bên lề một hội thảo về đầu tư Mỹ-Trung ở Bắc Kinh: "Việc mời thầu diễn ra suôn sẻ... chúng tôi đang tiến hành theo đúng quy trình".

Ông Vương còn 'tiết lộ' với giới nhà báo: "Tôi có thể nói rằng một số công ty ở Hoa Kỳ đã bày tỏ quan tâm".

Việt Nam trước đó nói một số lô dầu khí mà Trung Quốc gọi thầu "phi pháp" đã được giao cho các công ty nước ngoài, như Nga, Ấn Độ và Mỹ.

Chín lô dầu khí nói trên nằm trong một khu vực rộng trên 160.000 cây số vuông, ở độ sâu từ 300-4.000 mét. Trong đó bảy lô nằm trong bể trầm tích mà Trung Quốc gọi là Trung Kiến Nam (Phú Khánh) ngoài khơi miền Trung Việt Nam và hai nằm trong các bể Vạn An và Nam Vi Tây (Tư Chính-Vũng Mây).

Chính sách phát triển

CNOOC là công ty mẹ của công ty CNOOC Ltd., được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong và New York.

Ông Vương Nghi Lâm không nói rõ chi tiết về các "đối tác tiềm năng" của CNOOC, nhưng theo Reuters, những gì ông phát biểu cũng tương đồng với lập trường của chính phủ Trung Quốc trong việc phát triển khu vực Biển Đông được cho là giàu nguồn lợi thiên nhiên.

Phát ngôn mới nhất này chắc chắn sẽ tiếp tục làm căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục leo thang.

Việt Nam đã có các hợp đồng làm ăn với một số công ty nước ngoài như Exxon Mobil của Mỹ, Gazprom của Nga và ONGC của Ấn Độ tại các lô trên.

Nguồn lợi dầu khí chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập quốc gia của Việt Nam.

Hoàng Tân Hoa, một chuyên gia từ công ty tư vấn năng lượng IHS, nhận xét: "Một số lô [mà Trung Quốc gọi thầu] nằm trong vùng biển tranh chấp. Trong khi PetroVietnam khuyến cáo không nên tham gia, thì tôi cho rằng ít công ty nước ngoài sẽ muốn mạo hiểm".

Giới phân tích nói rằng có chăng thì chỉ các công ty độc lập hạng trung vốn không có nhiều quyền lợi ở cả Việt Nam và Trung Quốc có thể tham gia đấu thầu.

Thế nhưng, ngay cả các công ty nhỏ cũng sẽ phải cân nhắc kỹ nếu cần phải ra quyết định đầu tư.

Họ nhắc lại trường hợp tập đoàn Harvest Natural Resources đã ký hợp đồng với Trung Quốc để thăm dò khai thác một khu vực 6,2 triệu acres ở Biển Đông từ năm 1996, nhưng khu vực này Việt Nam đã giao thầu cho tập đoàn Talisman Energy của Canada.

Kết quả là công ty Mỹ quyết định không đầu tư gì đáng kể cho tới khi nào hai nước Việt Nam và Trung Quốc đạt thỏa thuận về vùng biển tranh chấ́p nói trên.

Tương tự, các công ty làm ăn với Việt Nam cũng cầm chừng, thậm chí có công ty rút đi như BP của Anh sau khi nhận cảnh báo của Trung Quốc.

Đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc đang dâng cao, sau khi Trung Quốc điều 30 tàu cá tới đánh bắt tại khu vực Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Ấn Độ dính sâu hơn tranh chấp dầu khí?

17/7/12- Truyền thông Ấn Độ nói Tổng Công ty dầu khí Quốc gia nước này, ONGC, vẫn đang khảo sát ở lô 128, thuộc trong chín lô dầu khí mà Trung Quốc đang gọi thầu.


ONGC được cho là đã đồng ý tiếp tục tìm kiếm ở lô 128 thêm hai năm

Vài tháng trước, ONGC loan báo quyết định rút khỏi lô 128 trong dự án khai thác với Việt Nam.

Lý do tập đoàn này nêu ra với phía Việt Nam là trữ lượng tiềm tàng tại lô 128 thấp hơn dự kiến, chứ không nói gì về "sức ép" từ Trung Quốc.

Nhưng tuần này, truyền thông Ấn Độ nói ONGC quyết định sẽ khảo sát tiếp tục ở lô 128 thêm hai năm nữa.

Phía Ấn Độ cũng nói một phần “đáng kể” của lô 128 nằm trong chín lô mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang mời thầu.

Ở lại hai năm

Tham gia đầu tư cùng PetroVietnam là OVL, công ty con đầu tư hải ngoại của ONGC.

OVL hiện có 45% cổ phần tại lô 6.1 thuộc bể Nam Côn Sơn và 100% ở lô 128.

Tờ báo kinh doanh Ấn Độ, Mint, dẫn lời nguồn giấu tên từ OVL nói chính phủ Việt Nam “yêu cầu chúng tôi ở lại thêm hai năm và cho thêm dữ liệu để cải thiện tiềm năng tìm kiếm”.

“Chúng tôi đang nghiên cứu dữ liệu. Quyết định này tốt thôi vì không phải gánh thêm trách nhiệm.”

“Giai đoạn hai năm đã bắt đầu và OVL sẽ tiếp tục ở lô này,” theo nguồn giấu tên.

Theo báo Mint, cả OVL và Bộ Ngoại giao Ấn Độ đều không có bình luận chính thức.

Một tờ báo khác, Indian Express, cũng dẫn nguồn giấu tên nói PetroVietnam đã đề nghị các điều khoản mới để thuyết phục OVL duy trì việc tìm kiếm ở lô 128.

Ấn Độ phải nhập khẩu hơn 80% cho nhu cầu năng lượng, khiến nước này ở trong tình thế cạnh tranh với Trung Quốc trong cuộc đua tìm tài nguyên.

Theo một phúc trình, BP Energy Outlook 2030, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lần lượt là nền kinh tế và tiêu thụ năng lượng lớn nhất và lớn thứ ba thế giời vào năm 2030.

Trong khi đó, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết việc mời thầu quốc tế "tiến triển tốt đẹp" ở chín lô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và có cả công ty ở Mỹ bày tỏ quan tâm.

Hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm hôm thứ Ba 17/7 nói với các phóng viên bên lề một hội thảo về đầu tư Mỹ-Trung ở Bắc Kinh: "Việc mời thầu diễn ra suôn sẻ... chúng tôi đang tiến hành theo đúng quy trình".

Ông Vương còn 'tiết lộ' với giới nhà báo: "Tôi có thể nói rằng một số công ty ở Hoa Kỳ đã bày tỏ quan tâm".

Trước đó, PetroVietnam nói tại chính khu vực mà CNOOC đang mời thầu, PetroVietnam đã có hợp tác với ONGC của Ấn Độ, Gazprom của Nga, ExxonMobil của Mỹ.

Hội nghị Asean

Tờ Indian Express ghi nhận việc lần đầu tiên Ấn Độ đi xa hơn lời kêu gọi thông thường về “tự do đi lại” ở Diễn đàn Khu vực Asean tuần rồi tại Campuchia.

Tại hội nghị này, Ấn Độ không hài lòng khi nước láng giềng Pakistan ngả theo Trung Quốc, nói rằng các tranh chấp lịch sử cần được giải quyết song phương và không cần áp dụng luật biển quốc tế.

Kết quả là Ấn Độ ra tuyên bố cứng rắn hơn một chút, nói rằng họ “đã theo dõi các diễn biến ở Biển Đông”.

“Ấn Độ ủng hộ tự do đi lại, tiếp cận tài nguyên theo nguyên tắc của luật quốc tế. Các nguyên tắc này cần được tất cả tôn trọng,” Ấn Độ tuyên bố ở hội nghị Phnom Penh.
Nguồn giấu tên nói tuyên bố này chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc mời thầu dầu khí dính líu đến lô 128.

Việt - Ấn ‘gắn bó và tin cậy’

Sự ở lại của ONGC và tuyên bố phần nào cứng rắn hơn của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh cả Việt Nam và Ấn Độ đang thắt chặt quan hệ.

Trong ngày 17/7 ở Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ: Những định hướng tương lai”.

Thông Tấn xã Việt Nam tuyên bố quan hệ hai nước “càng trở nên gắn bó và tin cậy”.

Tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị hai nước “tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ” trong các vấn đề, đặc biệt là tranh chấp Biển Đông.

Trong khi đó, ông Rajiv Bhatia, Giám đốc Hội đồng Đối ngoại Ấn Độ, đơn vị đồng tổ chức hội thảo, nói Ấn Độ quan tâm đến những diễn biến ở Biển Đông.

“Những diễn biến gần đây trên Biển Đông liên quan đến Trung Quốc và một số nước ASEAN, cũng như Mỹ, là mối quan tâm của Ấn Độ,” ông nói.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120717_india_viet_china_oil.shtml

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/07/120717_cnooc_bid.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét