Bộ Quốc phòng Mỹ đang đề xuất việc nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài và thị trường đang được hướng tới một số quốc gia ở châu Á.
(ĐVO) Theo đó Lầu Năm Góc đã thực hiện một số thay đổi nhằm loại bỏ sự rườm rà trong các thủ tục pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng ra nước ngoài được dễ dàng hơn.
Trong một bài phát biểu tại Viện Hòa Bình Mỹ ở Washington ngày 28/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết “Chúng tôi đang làm việc với chính phủ để đơn giãn hóa các quyết định xuất khẩu. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc theo dõi doanh số bán hàng ưu tiên của chúng ta trong tương lai”.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang yêu cầu Bộ Ngoại Giao, Quốc hội loại bỏ các rào cản trong việc xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng ra nước ngoài.
Một phần của chiến lược mới này của Lầu Năm Góc nhằm xây dựng đối tác chiến lược với một số quốc gia, đặc biệt là châu Á.
Thông điệp này của Lầu Năm Góc đã được Bộ trưởng Panetta nhấn mạnh trong chuyến thăm đến Singapore, Việt Nam và Ấn Độ hồi đầu tháng 6/2012.
Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Panetta cho biết, Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cùng với lãnh đạo Ấn Độ xây dựng sáng kiến sửa đổi các thủ tục pháp lý làm cho hoạt động thương mại quốc phòng giữa hai nước trở nên đơn giản hơn, đáp ứng nhiều hơn và hiệu quả hơn các đơn hàng từ Ấn Độ.
Mục tiêu của chương trình này là để tăng tốc độ trong việc đáp ứng các yêu cầu mua hàng quốc phòng của các chính phủ nước ngoài.
Trong cuộc họp báo tại New Delhi ngày 6/6/2012, Bộ trưởng Panetta cho biết: “Chúng tôi đang làm việc và cố gắng có được những thay đổi nhằm loại bỏ một số rào cản liên quan đến các quy định pháp luật trong xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài”.
Lầu Năm Góc có kế hoạch cắt giảm 487 tỉ USD ngân sách quốc phòng trong thập kỷ tới. Vì vậy, cơ quan này tin rằng việc gia tăng doanh số bán hàng quân sự ra nước ngoài có thể giữ vững sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng trong nước.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập “Quỹ mua sắm quốc phòng đặc biệt” nhằm dự đoán các chương trình mua sắm dài hạn theo yêu cầu của các đối tác.
Ngoài ra, bộ này còn đề xuất sáng kiến lập một quỹ cho phép Lầu Năm Góc lập kế hoạch sửa chữa các thiết bị quốc phòng dài dạn theo yêu cầu của đối tác.
Mỹ đã ban hành “Luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí” vào năm 1976 nhằm kiểm soát và hạn chế việc xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ quốc phòng ra nước ngoài. Ngoài ra, luật này củng quy định các nước mua vũ khí của Mỹ không được phép chuyển giao cho bên thứ 3 dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, Mỹ còn ban hành luật cấm xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng cho một số quốc gia như Trung Quốc, Iran…
Tuy nhiên, đạo luật này cũng không ngăn cản được các công ty quốc phòng Mỹ lén lút tham gia vào các dự án “béo bở” của nước ngoài. Vụ Pratt & Whitney Canada bị Chính phủ Mỹ phạt 75 triệu USD vì đã xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng cho chương trình trực thăng Z-10 của Trung Quốc là một minh chứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét