14/05/12- Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước, tác giả: Liên Hoàng, Asia Times Online
Tháng trước, hải quân Hoa Kỳ có cuộc diễn tập năm ngày với các lực lượng hải quân Việt Nam về hàng hải, y học và các kỹ năng lặn tại cảng Đà Nẵng ở miền trung Việt Nam, cùng một số chương trình hòa nhạc và thể thao.
Tuy các buổi gặp gỡ không tương tự như cuộc diễn tập quân sự mà Lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ đã tiến hành với Philippines trong cùng một tuần, nhưng đó là cách nhẹ nhàng hơn mà Việt Nam đang tìm kiếm trong cuộc đấu tranh để dành một chân trong vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông.
Việt Nam đang nhắm vào mục đích làm thế nào để cân bằng giữa hai đối tác quan trọng nhất, Trung Quốc và Hoa Kỳ – cả hai vốn đều đóng vai trò quan trọng trong tình hình nhiều rắc rối ở Biển Đông. Các tuyến đường vận chuyển quan trọng và tài nguyên thiên nhiên, đáng chú ý nhất là dầu khí, đã biến vùng biển này thành vùng biển gây tranh cãi trong nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam dường như đã bị khóa chặt hơn về phía Trung Quốc trong những năm gần đây, cái gọi là chiến lược “trục” châu Á của Hoa Kỳ có vẻ như đã xuất hiện một cách tình cờ đối với Hà Nội.
Sự lớn mạnh nhanh chóng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc đã làm cho các nước Đông Nam Á xáo trộn tìm kiếm các liên minh khác để thay thế. Trong trường hợp của Việt Nam, điều này đồng nghĩa với việc củng cố lại sự hỗ trợ từ phía Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và đặc biệt là Hoa Kỳ, một cựu thù trong cuộc chiến tranh trước đây.
Hoạt động hải quân chung của hai nước tại Đà Nẵng là bằng chứng mới nhất về sự thay đổi trong mối quan hệ Việt-Mỹ. Mặc dù không trực tiếp chiến đấu, nhưng các buổi đào tạo hàng năm đã giúp mối quan hệ giữa hai nước dần phát triển hơn kể từ khi họ bắt đầu vào năm 2010.
Năm ngoái, phía Việt Nam đã đóng góp nhiều vào các buổi diễn tập, và năm nay, Hoa Kỳ đã gửi loại tàu chiến tốt và lớn hơn đến Việt Nam: chiến hạm [USS Blue Ridge thuộc loại chủ lực của Hạm đội 7], tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường [USS Chafee] và tàu cứu hộ [USNS Safeguard].
Đối với Hoa Kỳ, chuyến thăm này gửi đi một thông điệp rằng sự hiện diện quân sự của họ đang được chào đón ở châu Á. Đó là tính chính danh mà Hoa Kỳ cần phải có để bảo vệ những lợi ích của họ trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông và lợi ích mà ai cũng ngầm hiểu về việc đối trọng vị thế đang lên của Trung Quốc.
Với sự yểm trợ của Mỹ ở phía sau, Việt Nam có thể chống cự lại một cách táo bạo hơn đối với người hàng xóm khồng lồ phương Bắc. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không thể táo bạo hơn Philippines. Philippines đã tổ chức diễn tập chiếm lại một hòn đảo bị chiếm và giàn khoan dầu trong cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ hồi tháng Tư vừa qua.
Hợp tác chiến lược của Việt Nam với Hoa Kỳ tế nhị hơn, và có lẽ Việt Nam muốn như thế, để họ có thể được xem là hành động một cách độc lập trong khi vẫn giữ các hướng mở với phía Trung Quốc.
“Tốt hơn có cả Hoa Kỳ và Trung Quốc ở vùng này, chứ không phải là do một nước nào chi phối tất cả”, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra nói. “Việt Nam không muốn làm các mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc xấu đi, nhưng họ cũng không muốn nó quá tốt”.
Các hành động cân bằng này thể hiện sự khác biệt trong tầng lớp lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa một phía là những thành viên nghiêng về phương Tây, và một phía là những người vẫn muốn giữ chặt mối quan hệ với các đồng chí có chung hệ tư tưởng ở phía Bắc.
Từ năm 2005, Trung Quốc và Việt Nam đã lặp đi lặp lại rằng họ có thể duy trì mối quan hệ này bằng hình thức hai nước cùng tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ, theo sau một thỏa hiệp phân chia Vịnh Bắc Bộ hồi năm 2000.
Nhưng phân định Bắc Bộ chỉ bao gồm một phần nhỏ trong vùng Biển Nam Trung Hoa, nơi Việt Nam gọi là Biển Đông. Ở nhiều nơi khác trong vùng biển đang có nhiều tranh chấp này thì các thỏa thuận đã chứng minh vẫn còn lắm khó khăn trước mặt. Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tranh giành chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Xa hơn về phía nam là tranh chấp ở quần đảo Trường Sa giữa nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Đài Loan, Brunei và Malaysia.
Sở hữu các hòn đảo này đồng nghĩa với việc kiểm soát một số tuyến đường biển bận rộn nhất và nguồn thủy sản lớn nhất thế giới. Khu vực này cũng được cho là chứa đựng nguồn năng lượng khổng lồ. Hồi tháng Tư, hãng thông tấn Reuters loan báo một công ty Philippines đã đề xuất rằng khu vực Bãi Cỏ Rong [Reed Bank] có thể chứa đựng lượng khí đốt nhiều gấp năm lần so với các ước tính ban đầu.
Trung Quốc lớn tiếng rằng họ sở hữu phần lớn diện tích biển ở Biển Đông, và họ bảo vệ vùng biển họ coi là của họ với những va chạm thường xuyên với các đối thủ nhỏ hơn trong khu vực. Trong tháng Tư vừa qua, Trung Quốc đã thả 21 ngư dân Việt Nam sau khi giam giữ họ bảy tuần với cáo buộc xâm phạm chủ quyền. Chưa đầy một năm trước đó, Trung Quốc cũng đưa ra cáo buộc tương tự khi hai lần cắt dây cáp tàu của Việt Nam trong lúc các tàu này đang thực hiện nhiệm vụ thăm dò năng lượng trong vùng Biển Đông.
Gần đây hơn, Việt Nam đã cố gắng khẳng định chủ quyền bằng cách gửi các nhà sư ra quần đảo Hoàng Sa để xây chùa. Việt Nam cũng tiến hành các cuộc tập trận hải quân và tuần này đã khánh thành bức tượng anh hùng Trần Hưng Đạo ở khu vực đảo Hoàng Sa. Đồng thời, phía Trung Quốc đang cố gắng phát triển và tổ chức các tour du lịch đến quần đảo Hoàng Sa.
Ngoại giao đu dây
Những thời điểm như thế này, Hoa Kỳ có thể được xem là một chỗ dựa đặc biệt hấp dẫn đối với Hà Nội. Nhưng Việt Nam đã không làm đủ để thu hút người Mỹ. Mặc dù Việt Nam có một số ít quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm cả với phía Trung Quốc, nhưng đối tác chiến lược với Hoa Kỳ đã bị đình trệ vì các vấn đề liên quan đến nhân quyền.
Hai Thượng nghị sĩ John McCain và Joe Lieberman đã trích dẫn những quan ngại về nhân quyền hồi tháng Một khi đi thăm nước này và đã từ chối yêu cầu của Việt Nam về mối hợp tác cung cấp các thiết bị quốc phòng. Vấn đề này không có chiều hướng khá hơn, sau chuyến thăm của hai thượng nghị sĩ, Việt Nam đã bắt giữ một nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt và mở rộng các vụ bắt giữ những bloggers ôn hòa có các bài viết chống Trung Quốc về vụ tranh chấp ở Biển Đông.
Thứ Sáu vừa qua [11 tháng Năm] đánh dấu Ngày Nhân quyền Việt Nam ở Hoa Kỳ, và đã tập hợp lại các nhà hoạt động cùng với các nhà lập pháp để thảo luận về các tiến trình mà Hoa Kỳ có thể thực hiện được đối với Việt Nam.
Về phần mình, Washington có riêng đường dây ngoại giao để đi với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc trong tháng này. Chuyến đi của bà không mấy sáng sủa, không chỉ bởi Hoa Kỳ mở cửa đón tiếp một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc mà còn bởi mối quan ngại về vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Trong khi Hoa Kỳ kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông thì Trung Quốc lại phàn nàn rằng Hoa Kỳ đang củng cố các đối thủ của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á.
Đối thoại với Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai trụ cột chính trong cách xử lý của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, như Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, đã mô tả.
Mặc dù cả Trung Quốc và Việt Nam “khá cẩn thận để không cho cuộc xung đột này vượt khỏi tầm kiểm soát”, Storey nói rằng Việt Nam vẫn còn 3 chiến lược khác là xây dựng quân sự, quốc tế hóa tranh chấp và quay sang dựa vào Hiệp hội 10 nước thành viên của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Học giả Trung Quốc Andrew Nathan, giáo sư tại Đại học Columbia ở Hoa Kỳ, đồng ý rằng một cuộc xung đột quân sự rất khó xảy ra. Ông lưu ý thêm rằng ngoài các chi phí ngoại giao, sử dụng vũ lực sẽ là một cơn ác mộng trên hàng trăm hòn đảo, đá ngầm, các rạn san hô, và sẽ không giúp thêm điều gì để loại bỏ các quốc gia khác ra khỏi cuộc tranh chấp. Dù vậy, Trung Quốc vẫn đang tăng cường hải quân của họ và qua đó họ củng cố vị thế của họ bên bàn thương lượng.
Các đồng minh của Việt Nam trong ASEAN mang thêm những vấn đề của họ đến trong cuộc tranh cãi.
Trong một thời gian dài, Việt Nam đã đi theo vết xe của Philippines, nhưng Philippines có sự ủng hộ quân sự mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ và hiện đang gặp bế tắc trong việc phản đối Trung Quốc trong vòng một tháng qua.
Những căng thẳng ở Scarborough Shoal [Trung Quốc gọi là Hoàng Nham] vẫn tiếp tục mà không có cách giải quyết cũng như không có bạo lực diễn ra, và điều này cần phải chờ xem có thể tiếp tục hay không khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra tại Manila. Đồng thời, các công ty năng lượng của Trung Quốc và Philippines đang thảo luận về các dự án thăm dò chung ở Bãi Cỏ Rong.
Philippines là quốc gia mạnh mẽ nhất trong lập trường thống nhất chống lại Trung Quốc, nhưng các nước thành viên ASEAN khác tỏ ra ngần ngại khi họ có thể mất nguồn viện trợ và đầu tư tại Trung Quốc.
Lập trường thống nhất mà Việt Nam và Philippines muốn dường như là một bản Tuyên bố về cách Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông. Trung Quốc đã ký một phiên bản của Tuyên bố này hồi năm 2002 với các nước ASEAN, trong đó có bốn nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Nhân kỷ niệm 10 năm từ ngày bản Tuyên bố chung ra đời sắp tới, ASEAN đang sửa đổi lại bản này để đưa cho Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu Hiệp hội này sẽ thêm ràng buộc nào vào bản Tuyên bố chung này hay không, hay họ chỉ đơn giản tìm cách tiếp tục trôi nổi vô định trên biển.
Hoàng Liên là một phóng viên tự do chuyên về khu vực Đông Nam Á. Kết nối với cô tại Twitter.com/lienh.
http://phiatruoc.info/?p=7788
Nguồn: http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/NE12Ae01.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét