Vibay

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Hun Sen nổi giận trước tin Asean chia rẽ

04/4/12-Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thể hiện thái độ giận dữ trong cuộc họp báo bế mạc hội nghị thượng đỉnh Asean tại thủ đô Phnom Penh của nước này.


Hun Sen bác bỏ Campuchia chịu áp lực của Trung Quốc về Biển Đông

Ông bác bỏ thông tin cho rằng Asean đã bị chia rẽ về cách tiến hành các cuộc đàm phán về Quy tắc hành xử chung của các nước tại Biển Đông (COC). Ông cũng phủ nhận Campuchia, với tư cách chủ nhà, đã cố tìm cách đưa vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức.

“Có lẽ một số người nghĩ rằng trong suốt Hội nghị thượng đỉnh Asean này đã có sự khác biệt về quan điểm giữa Asean và Trung Quốc. Đó là suy nghĩ sai lầm,” ông nói và cho biết tất cả các bên đều cam kết giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.

“Điều làm tôi ghét nhất là họ nói Campuchia bị Trung Quốc gây sức ép. Campuchia là chủ tịch Asean và Campuchia có quyền đưa ra nghị trình,” ông nói thông qua phiên dịch viên.

‘Bất đồng sâu sắc’

Trước đó, trong thông cáo chung của hội nghị, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đã cam kết đẩy mạnh các nỗ lực giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.

Thông cáo này được đưa ra khi Hội nghị thượng đỉnh Asean bế mạc hôm thứ Tư ngày 4/4.

Lãnh đạo 10 nước Asean ‘tái khẳng định tầm quan trọng’của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC và cam kết thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau tại vùng biển tranh chấp.


Philippines đã thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh Asean ở Phnom Penh

“Chúng tôi nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường các nỗ lực đảm bảo thực thi một cách đầy đủ và có hiệu quả DOC dựa trên những quy tắc hướng dẫn thực hiện,” thông cáo chung viết.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì những ngôn từ như thế cũng từng được sử dụng trong thông cáo bế mạc Thượng đỉnh Asean hồi năm ngoái và các năm trước đó. Điều này thể hiện sự bế tắc trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc.

“Đây là một thông cáo yếu nhưng có thể hiểu được khi chúng ta biết rằng Asean không thể tìm được tiếng nói chung về Biển Đông,” Pavin Chachavalpongpun, một nhà ngoại giao Thái Lan đã nghỉ hưu và hiện đang là chuyên gia tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với hãng tin AFP.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có chuyến thăm Campuchia ngay trước thềm Thượng đỉnh Asean – một động thái mà nhiều nhà quan sát cho rằng là gây áp lực đối với Phnom Penh để nước này sử dụng vai trò chủ tịch Asean của mình để làm chậm lại các cuộc đàm phán về Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Ablert del Rosario cho biết đã có ‘bất đồng sâu sắc’ tại phiên họp hôm thứ Ba ngày 3/4 về việc liệu có nên mời Trung Quốc tham gia vào soạn thảo COC hay không.

Campuchia rất muốn đưa Trung Quốc vào quá trình soạn thảo bộ quy tắc này nhưng các nước Philippines, Thái Lan và Việt Nam muốn Asean cùng thống nhất về một bộ quy tắc ứng xử trước khi đưa ra cho Trung Quốc để đàm phán.

“Chúng tôi phải đưa ra kết luận trong nội bộ Asean trước rồi sau đó chúng tôi mới có thể đàm phán với Trung Quốc,” Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nói với các phóng viên hôm 4/4.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề cập đến vấn đề Biển Đông tại Thượng đỉnh Asean hôm thứ Tư ngày 4/4, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.

Thủ tướng Dũng đề nghị Asean tiếp tục duy trì ‘tiếng nói chung’ và sớm thống nhất về nội dung cơ bản của COC để từ đó đối thoại với Trung Quốc.

Ông cũng yêu cầu các bên giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luâṭ pháp quốc tế mà đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/04/120404_asean_divided_scs.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét