Một binh sĩ Philippines trong cuộc tập trận chung đổ bộ chiếm đảo của quân đội Hoa Kỳ-Philippines – Nguồn: AFP
Giám đốc công ty du lịch Trung Quốc Ou Nanxi chưa bao giờ nhìn thấy những bãi biển đẹp như vậy trong chuyến đi thăm các hòn đảo nhỏ chưa có người ở thuộc quần đảo Hoàng Sa. Cô cho rằng các du khách Trung Quốc sẽ đổ xô đăng ký các chuyến du lịch ở Biển Đông vì: “Nơi đó thật đẹp và đó là lãnh thổ của Trung Quốc”.
Nhưng Việt Nam không đồng ý với điều đó.
Quần đảo này trước đây của Việt Nam đã bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974 và ngày nay, Trung Quốc tuyên bố mình có quyền khai thác toàn bộ nguồn tài nguyên của quần đảo này.
Không chỉ có Việt Nam, các nước như Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền của mình trên một số hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhưng riêng Trung Quốc đòi chủ quyền gần hết khu vực Biển Đông rộng gần 2 triệu km2.
Gần đây Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu phát triển du lịch tại Hoàng Sa và xây một cầu cảng trên đảo Drummond, một động thái cho thấy Trung Quốc bắt đầu tăng cường khẳng định chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông.
Theo một số chuyên gia, có lẽ một cuộc đụng độ Đông - Tây sẽ là không tránh khỏi do Hoa Kỳ tuyên bố sẽ bảo vệ quyền tự do thương mại và hàng hải cho tất cả các quốc gia châu Á tại một trong những khu vực có hoạt động hàng hải sầm uất nhất trên thế giới này.
“Trung Quốc đã tự đẩy chính mình vào cuộc đối đầu này”, Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc dự án Đông Bắc Á của nhóm nghiên cứu International Crisis Group (ICG), nhận xét.
Theo bà, Trung Quốc đã chứng tỏ với dư luận trong nước rằng nước này sẽ chuyển sang chính sách cứng rắn. Trong báo cáo mới nhất của mình, nhóm ICG nhận định rằng trong những năm gần đây đã xuất hiện thêm rất nhiều các cuộc đối đầu giữa các lực lượng hải quân tại khu vực này.
Năm ngoái, Bắc Kinh dịu giọng sau khi căng thẳng trong khu vực đã đẩy các nước đến việc tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ.
Nhưng theo nhóm ICG chính “ tình trạng phân công chồng chéo và thiếu tính liên kết” giữa các cơ quan của nội bộ chính phủ Trung Quốc đã khiến tình hình Biển Đông căng thẳng hơn.
Trong cuộc đối đầu gần đây nhất, các tàu của Trung Quốc và Philippines đã đối đầu trong vòng gần 3 tuần lễ sau khi Philippines chặn các tàu đánh cá Trung Quốc vì đánh bắt hải sản trong khu vực bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Hôm qua, Philippines buộc tội Trung Quốc vi phạm thỏa thuận không gây hấn kí kết năm 2002 sau khi tàu hải giám Trung Quốc ngăn cản hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc tại bãi cạn này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích của Biển Đông dựa theo cách diễn giải của nước này về lịch sử mà không theo luật quốc tế hiện hành và điều đó đã khiến các quốc gia láng giềng của nước này kịch liệt phản đối và giận dữ.
Hoa Kỳ muốn các cuộc tranh chấp về chủ quyền được giải quyết bằng con đường thương lượng ngoại giao. Nhưng Hoa Kỳ lại là đồng minh của một số đối thủ của Trung Quốc và hiện đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân với Philippines và Việt Nam.
Ở phía đông bắc, quân đôi Mỹ đang tiến hành tập trận thường niên với quân đội Hàn Quốc còn hải quân Trung Quốc và Nga đang tập trận chung trên biển Hoàng Hải.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng thế giới nên biết “Trung Quốc đang làm gì với chúng tôi. Nếu chúng tôi bị đối xử như vậy thì các nước có lớn bằng hoặc nhỏ hơn cũng sẽ bị (Trung Quốc) đối xử theo cách tương tự”.
Các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ khiến dư luận Trung Quốc nghi ngờ Washington có âm mưu ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Zhu Zhenming tại Học viện xã hội học Vân Nam, Trung Quốc, thông qua các cuộc tập trận của mình, Hoa Kỳ có ý định “dùng các quốc gia Đông Nam Á có hiềm khích với Trung Quốc để đối đầu với Trung Quốc và đạt mục tiêu kìm hãm Trung Quốc của mình".
Việc các vụ việc tương tự vụ chạm trán tại bãi cạn Scarborough xuất hiện ngày càng nhiều “sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ bất ngờ mà có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự hoặc ngoại giao. Đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi một bên sẽ bắn vào bên kia và sẽ có thương vong”, nhà nghiên cứu Ian Storey của Học viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nhận xét.
Zhang Yulan, chuyên gia về Đông Nam Á của Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng thương lượng sẽ giúp ngăn chặn xung đột. “Sự hiếu chiến hiện nay của Trung Quốc là do các quốc gia láng giềng như Philippines và Việt Nam gây ra”, ông Zhang nói.
Một số chuyên gia về chính sách ngoại giao cho rằng chỉ có sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của hải quân Mỹ thì mới ngăn được Trung Quốc lấn tới về Biển Đông.
Hai tác giả Patrick Cronin và Robert Kaplan nhận định trong bản báo cáo cho Trung tâm vì nền an ninh mới của Hoa Kỳ rằng Biển Đông sẽ là “ tiêu điểm chiến lược quyết định tương lai vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương”.
Trên đảo Hải nam, nữ giám đốc Ou không bày tỏ nghi ngờ gì về người sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
“Tôi hiểu trong nhiều năm sẽ có các cuộc tranh chấp, nhưng tôi chắc rằng chúng sẽ được giải quyết thông qua hòa giải vì Trung Quốc mạnh hơn tất cả các quốc gia đó”, cô nói.
http://infonet.vn/the-gioi/bien-dong-ai-moi-la-ke-hieu-chien-nhat/a20286.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét