Chuyên gia các vấn đề hải dương và luật quốc tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Vương Hàn Linh cho rằng, tuần tra định kỳ ở vùng biển tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông sẽ giúp cho ngư dân Trung Quốc được bảo vệ và tăng cường “sự kiểm soát của Bắc Kinh”.
Phải thay đổi chiến lược "giấu mình"
Theo Vương Hàn Linh thì “Tuần tra trên biển định kỳ ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Đông, có nghĩa là đã thay đổi chính sách phòng thủ bị động trước đây, chuyển sang thực thi các hành động chủ động bảo vệ lợi ích trên biển của mình”.
Tờ “Liên hợp Buổi sáng” Singapore cho biết, biên đội trên biển của Tổng đội Nam Hải – Hải giám Trung Quốc vừa hoàn thành cuộc tuần tra định kỳ trên biển Đông lần thứ ba trong năm 2012, đồng thời phát hiện hơn 30 giàn khoan dầu khí nước ngoài.
Theo bài báo, các dấu hiệu cho thấy, gần đây Trung Quốc liên tiếp thể hiện quyết tâm “bảo vệ chủ quyền” các vùng biển, thể hiện thái độ cứng rắn về mặt ngoại giao, muốn “phản hồi lại những lời kêu gọi bảo vệ chủ quyền từ trong nước”.
Phân cục Nam Hải (biển Đông) của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc vừa có thông báo chính thức cho rằng, biên đội tuần tra trên biển của Hải giám Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, đã tiến hành đến gần quan sát và theo dõi các đảo, bãi đá, bãi cạn... trên biển Đông.
Trong đợt tuần tra lần này, biên đội của Tổng đội Nam Hải – Hải giám Trung Quốc không phát hiện ra bất cứ tàu quân sự, tàu công vụ chính phủ, tàu thăm dò và khảo sát khoa học nào của nước ngoài, nhưng lại phát hiện ra hơn 30 giàn khoan dầu khí.
Báo Singapore cho rằng, sau khi tuyên bố với bên ngoài rằng đã phát hiện ra những giàn khoan dầu khí này, việc làm tiếp theo của Trung Quốc như thế nào chắc chắn sẽ gây sự chú ý.
Tại Trung Quốc, những lời kêu gọi điều chỉnh chiến lược “giấu mình”, cứng rắn trong vấn đề tranh chấp biển Đông đang không ngừng gia tăng.
Cần thành lập "Đặc khu biển Đông"
Được biết, vấn đề biển Đông là một trong những vấn đề nóng của kỳ họp “Lưỡng hội” vừa qua của Trung Quốc.
Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, Phó Tổng thư ký Học hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng La Viện cho rằng, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi biển quốc gia của Trung Quốc, cần phải tập hợp các lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền, thành lập ra Lực Cảnh sát bờ biển quốc gia.
Tại “Lưỡng hội”, La Viện còn đề xuất 5 biện pháp trong đó có thành lập “Đặc khu biển Đông” nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, nguyên Bí thư tỉnh Phúc Kiến Trần Minh Nghĩa thì đề xuất, Trung Quốc cần thành lập Bộ Hải dương nhằm “tăng cường chiến lược biển như phát triển ngành hàng không vũ trụ”.
Tàu Ngư chính Trung Quốc có tải trọng 2.500 tấn, dài 108 m, rộng 14 m, khả năng chạy liên tục 6.000 hải lý, tốc độ tối đa có thể đạt 22 hải lý/giờ.
Ngoài ra, trong thời gian kỳ họp “Lưỡng hội”, tờ “Nhân Dân Nhật báo bản nước ngoài” có bài bình luận nhan đề “Can đảm và mưu lược đi trước một bước” cho rằng, ngoại giao Trung Quốc hiện nay vẫn đối mặt với thách thức nghiêm trọng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải có sáng tạo trong giải quyết những vấn đề nan giải, biến ứng phó bị động thành “ra tay” chủ động, “phòng ngự hay phản kích bị động hoàn toàn không phải luôn gặp may, mà phải đi trước một bước, có khi lại làm thay đổi toàn bộ ván cờ”.
Chuyển hướng dư luận trong nước trong vụ Bạc Hy Lai?
Sau khi kết thúc “Lưỡng hội”, Trung Quốc mạnh mẽ tuyên bố tăng cường tuần tra ở vùng biển xung quanh đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) và biển Đông – những khu vực có tranh chấp, cộng với việc Phó Tổng đội trưởng Tổng đội Hải giám Ngô Bình cho biết phải tiếp tục tăng cường tuần tra bảo vệ chủ quyền định kỳ ở các vùng biển “do Trung Quốc quản lý”, khiến cho dư luận đặc biệt chú ý tới các động thái “bảo vệ chủ quyền trên biển” của Trung Quốc.
Có chuyên gia phân tích cho rằng, những động thái chính thức lần này là nhằm đáp ứng những lời kêu gọi bảo vệ chủ quyền biển ở trong nước, đồng thời chuyển sự chú ý của dư luận khi tranh cãi về vấn đề phải trái từ việc Bạc Hy Lai bị cách chức.
Báo chí Trung Quốc cũng dẫn các nguồn tin cho biết, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đang có tiến triển thuận lợi, có kế hoạch triển khai trong năm nay (2012) và địa điểm triển khai là biển Đông.
Trong khi đó, tờ "Phương Đông" ngày 20/3 dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Hải dương và Ngư chính tỉnh Quảng Đông, Tổng đội trưởng Tổng đội Ngư chính tỉnh Quảng Đông Lưu Vật Khai cho biết, dự kiến vào tháng 6 năm nay, Tổng đội Hải giám Quảng Đông sẽ trở thành lực lượng hải giám địa phương đầu tiên của Trung Quốc sở hữu trang bị chấp pháp hàng không, tức máy bay trực thăng không người lái.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Thanh-lap-Dac-khu-bien-Dong-Trung-Quoc-chuyen-huong-vu-Bac-Hy-Lai/133777.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét