Tân Ngoại trưởng Bob Carr chọn Việt Nam là một trong số điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á
Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên trên cương vị mới của ông Carr. Điều này cho thấy Úc đánh giá cao quan hệ mang tính chiến lược với Việt Nam, thể hiện ngay trong tuyên bố của ông Carr trước chuyến đi: “Quan hệ với Việt Nam hết sức thiết yếu đối với sự can dự của chúng ta vào khu vực, nơi Việt Nam đang trở thành một chủ thể ngày càng quan trọng.”
Việt Nam và Úc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 nhưng chỉ sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết ổn thỏa thì quan hệ hai nước mới phát triển nhanh chóng. Đến năm 2009, hai nước chính thức nâng tầm quan hệ song phương lên mức “đối tác toàn diện.”
Kể từ đó đến nay quan hệ song phương vẫn không ngừng được củng cố, với bằng chứng gần đây nhất là việc Đối thoại chiến lược hỗn hợp Ngoại giao Quốc phòng Việt – Úc được tổ chức lần đầu tiên vào hạ tuần tháng Hai vừa qua tại Canberra.
Đằng sau sự xích lại gần nhau mang tính chiến lược giữa Việt Nam và Úc dường như có thấp thoáng bóng dáng của Trung Quốc.
Động lực của Việt Nam
Cuộc đối thoại chiến lược hỗn hợp được tổ chức lần đầu tiên không phải là một sự kiện mang tính đột phá, bởi lẽ hai nước từ lâu đã tổ chức các cuộc đối thoại riêng rẽ về ngoại giao và quốc phòng.
Tuy nhiên động thái này cho thấy hai nước muốn tạo ra những sáng kiến mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ chiến lược của mình trong bối cảnh tình hình khu vực đang có nhiều biến chuyển, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ trên cả hai lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng.
Đối với Việt Nam, việc thắt chặt quan hệ với Úc là một động thái mang ý nghĩa chiến lược, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ồ ạt và căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc cũng tỏ ra hiếu chiến hơn trong việc theo đuổi các yêu sách của mình.
Các lãnh đạo của Việt Nam luôn nhấn mạnh phương châm tự lực tự cường, không dựa dẫm, phụ thuộc vào nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng.Điều này thể hiện ở nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân trong thời gian qua.
Tuy nhiên những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Việt Nam dù với mục đích răn đe Trung Quốc cũng khó có thể khả thi do sự chênh lệch lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc là quá lớn, và khoảng cách đó có xu hướng ngày càng tăng khi Trung Quốc không ngừng nâng cao ngân sách quốc phòng và đầu tư mạnh mẽ hơn cho lực lượng hải quân và không quân.
Điều này dẫn tới việc Việt Nam buộc phải tìm cách kết nối với các cường quốc bên ngoài nhằm ít nhất có thể tạo ra một thế chiến lược đủ răn đe, ngăn chặn xu hướng hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời góp phần giảm thiếu tác động tiêu cực của tình trạng chênh lệch cán cân quyền lực với Trung Quốc lên an ninh quốc gia của mình.
Trong mục tiêu trên, rõ ràng Mỹ là một đối tác quan trọng đối với Việt Nam. Vì vậy thời gian qua Việt Nam đã có những nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ với Mỹ, cả trên lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên với quyết định của Mỹ chuyển hướng chiến lược sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vốn đã làm Trung Quốc phật lòng, một mối quan hệ quá thân thiết giữa Việt Nam và Mỹ có thể gián tiếp làm quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng.
Đây là điều Việt Nam không hề mong muốn khi mục tiêu duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định nhằm phục vụ mục tiêu phát triển trong nước vẫn là ưu tiên số một của Việt Nam.
Lợi ích song trùng.
Chính vì vậy trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục tìm cách phát triển quan hệ với Mỹ tới một mức độ phù hợp, thì việc Việt Nam tăng cường quan hệ với các cường quốc hạng trung như Úc là một điều hoàn toàn dễ hiểu.
Một mặt, Bắc Kinh tỏ ra ít nhạy cảm hơn đối với những thay đổi trong quan hệ giữa Việt Nam với những quốc gia như Úc. Mặt khác, những mối quan hệ này cũng mang lại những lợi ích không kém phần quan trọng cho Việt Nam.
Ví dụ, Úc đã cung cấp các chương trình đào tạo, huấn luyện sĩ quan cho quân đội Việt Nam. Liên quan đến Biển Đông, Úc đã lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải, luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, qua đó gián tiếp bác bỏ các yêu sách quá mức của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mặc dù trong nội bộ Úc đang có những tranh luận xoay quanh việc Úc nên đối xử như thế nào với một Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng quyết định gần đây của Chính phủ Úc cho phép luân chuyển 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ qua một căn cứ ở Darwin cho thấy chính quyền Úc trên thực tế dường như đang có xu hướng coi sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt về quân sự, là một thách thức cần được kiểm soát.
Chính vì vậy, Úc trong tương lai có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả ở Biển Đông, một triển vọng phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Quan hệ chặt chẽ với Úc, một đồng minh lâu đời của Mỹ ở khu vực, cũng có vai trò nâng cao sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời có thể gián tiếp tạo thuận lợi cho hợp tác quốc phòng giữa hai nước về lâu dài.
Ngoài ra, quan hệ gắn bó hơn với Úc mang lại cho Việt Nam không chỉ các lợi ích chiến lược. Thương mại song phương năm 2010 đã đạt 4,1 tỉ đôla Mỹ, và Úc giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam.
Úc cũng là một nhà cung cấp viện trợ quan trọng của Việt Nam. Trong năm tài chính 2011-12, Úc đã cung cấp cho Việt Nam hơn 145 triệu đôla Mỹ viện trợ phát triển chính thức (ODA).
Ở chiều ngược lại, Úc cũng có những lợi ích thiết thực trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Là một cường quốc hạng trung đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Úc có thể tìm thấy ở Việt Nam một đối tác giá trị để hợp tác nhằm thúc đẩy lợi ích của mình.
Lính mũ nồi đỏ của Úc thời tham gia bảo vệ hòa bình ở Đông Timor 1999: Úc luôn có sự quan tâm sâu sắc đến an ninh Đông Nam Á
Việt Nam từ lâu đã mong muốn nhìn thấy Úc đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực và coi sự tham gia của Úc vào các thể chế khu vực là một yếu tố có lợi cho ổn định và hòa bình khu vực. Ví dụ, sự ủng hộ của Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ vào việc Úc được chấp thuận trở thành thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Việt Nam cũng có thể mang lại cho Úc một nguồn hỗ trợ và một kênh thông tin – phối hợp chính sách hữu hiệu trong các dàn xếp do Asean lãnh đạo. Và đặc biệt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Việt Nam với vị trí địa chiến lược quan trọng của mình cần được Úc tính tới trong bất cứ cấu hình an ninh khu vực nào mà quốc gia này muốn hình thành trong tương lai.
Triển vọng và thách thức.
Trong tương lai, quan hệ giữa hai nước có nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế khi kim ngạch thương mại song phương hiện nay vẫn còn hạn chế. Việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả Việt Nam và Úc đều là thành viên có thể hoàn tất trong năm nay sẽ tạo một đòn bẩy để giúp hai nước củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế của mối quan hệ song phương.
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn có những thách thức mà hai nước phải vượt qua. Trước tiên đó là áp lực từ Trung Quốc, một quốc gia quan trọng mà cả Việt Nam và Úc đều muốn duy trì quan hệ tốt. Đặc biệt Trung Quốc hiện là đối tác hết sức quan trọng đối với Úc, nhất là trên lĩnh vực thương mại.
Trong tài khóa 2010/2011, kim ngạch thương mại song phương giữa Úc và Trung Quốc đạt 105 tỉ đôla Úc, trong đó xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc đạt 64,8 tỉ đôla, biến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Úc.
Chính nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là về khoáng sản và nhiên liệu, là một yếu tố quan trọng giúp cho Úc trở thành một trong những nền kinh tế phát triển hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương và vượt qua được cuộc suy thoái kinh tế thế giới vừa qua.
Chính vì vậy Úc sẽ lâm vào một thế lưỡng nan khi vừa phải bảo vệ các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, vừa phải thực hiện những biện pháp chiến lược về chính trị và an ninh nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của nước này. Trong trường hợp Úc nhận thấy lợi ích từ hợp tác với Trung Quốc quá lớn không thể hi sinh thì Úc sẽ phải điều chỉnh chiến lược, và khi đó quan hệ Việt – Úc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Thứ hai, vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa hai nước liên quan đến dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên dường như đây không phải là một vấn đề quá lớn khi Úc không quá nhấn mạnh vấn đề này trong quan hệ song phương với Việt Nam. Mặt khác, áp lực của cộng đồng người Việt lên chính phủ Úc liên quan đến vấn đề này không lớn như ở Mỹ.
Chính vì vậy, trong khi hai bên sẽ tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại về nhân quyền như là một công cụ nhằm hóa giải khác biệt, nâng cao hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thì nhiều khả năng Úc sẽ không để vấn đề này phủ bóng đen lên triển vọng lâu dài của mối quan hệ chiến lược song phương.
Tóm lại, về lâu dài triển vọng quan hệ chiến lược Việt – Úc có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên những thách thức đặt ra cho cả Việt Nam và Úc là không nhỏ khi mà cả hai nước đều phải cân bằng lợi ích an ninh với lợi ích kinh tế, đồng thời điều chỉnh quan hệ song phương trong mối tương tác với Trung Quốc.
Tuy nhiên có thể nói chiến lược tăng cường quan hệ với những cường quốc hạng trung trong khu vực như Úc cùng với Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc là một lựa chọn khả dĩ và khôn ngoan đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là trên khu vực Biển Đông.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, và hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại Đại học New South Wales, Australia. Đây là bản dịch có cập nhật và bổ sung từ bản tiếng Anh đã đăng trên East Asia Forum.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/03/120327_australia_vietnam_relationship.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét