19/3/12-Không quân Nhân dân Việt Nam là một bộ phận của Quân chủng PKKQ, trực thuộc Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời tổ quốc Việt Nam.
Tạp chí Airforce Monthly đã có bài viết về sự hình thành và phát triển của Không quân Nhân dân Việt Nam, chủ yếu tập trung vào trang bị chiến đấu cơ qua các thời kỳ.
Báo Đất Việt giới thiệu nội dung bài viết:
Ra đời và phát triển
Hình thành
Ngày 3/3/1955, Bộ Quốc phòng ký quyết định số 15/QDA thành lập Ban nghiên cứu sân bay do đồng chí Đặng Tính phụ trách, nằm dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng.
Để chuẩn bị đội ngũ xây dựng lực lượng, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng bắt đầu lựa chọn, gửi học sinh ra nước ngoài đào tạo chuẩn bị sự thành lập của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Tháng 3/1956, đợt đầu gồm 110 người đi ra nước ngoài. Trong đó, một nhóm gồm 50 người do đồng chí Phạm Dưng phụ trách cử đi học lái tiêm kích MiG-17.
Nhóm còn lại (60 người) chia làm hai: một nhóm do đồng chí Phạm Đình Cương phụ trách đi học lái máy bay vận tải Ilyushhin Il-14 và Li-2 ở Liên Xô; nhóm còn lại do đồng chí Đào Đình Luyện chỉ huy học lái máy bay ném bom hạng nhẹ Tu-2 ở Học viện Không quân số 2 (Trường Xuân, Trung Quốc).
Sau này, đồng chí Phạm Dưng được giao nhiệm vụ phụ trách nhóm huấn luyện máy bay Li-2 và trực thăng Mi-4, đoàn tiêm kích MiG-17 giao lại cho đồng chí Đào Đình Luyện.
Ngoài chương trình đào tạo phi công, đội ngũ kỹ thuật, bảo dưỡng, dẫn đường bắt đầu tham gia khóa huấn luyện do nước bạn tổ chức.
Ngày 21/3/1958, Bộ Quốc phòng ký quyết định số 047/ND thành lập Bộ tư lệnh Không quân. Ngày 24/1/1959 thành lập Cục Không quân dựa trên Ban nghiên cứu sân bay và cục hàng không dân dụng do đồng chí Đặng Tính làm cục trưởng.
Ngày 1/5/1959, Trung đoàn Không quân vận tải đầu tiên 919 chính thức thành lập tại sân bay Gia Lâm. Trang bị chủ yếu của đoàn bay lúc đó gồm: vận tải cơ Li-2, Il-14, An-2.
Ngày 22/10/1963, Cục Không quân sát nhập Bộ tư lệnh Phòng không thành Quân chủng Phòng không – Không quân. Lực lượng khi đó của không quân gồm: trung đoàn vận tải 919 và đoàn bay huấn luyện 910.
Đơn vị máy bay chiến đấu đầu tiên của không quân là trung đoàn tiêm kích 921 (Sao Đỏ) được thành lập ngày 30/5/1963. Đơn vị được trang bị 33 máy bay tiêm kích MiG-17 và 3 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-15UTI. Lúc này, đội ngũ và phi công đơn vị vẫn đang huấn luyện ở Mông Tự, Trung Quốc.
Thời kỳ mở rộng
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 6/8/1964, phi công và máy bay của 921 di chuyển về nước chuẩn bị cho cuộc chiến tranh gay go ác liệt phía trước.
Giai đoạn đầu, Không quân Việt Nam chủ yếu sử dụng tiêm kích MiG-17 đánh chặn lạc hậu hơn nhiều so với máy bay Mỹ. Phải tới cuối năm 1965 Liên Xô bắt đầu viện trợ tiêm kích mạnh hơn MiG-21F-13 cho Việt Nam. Những năm tiếp theo, Việt Nam còn nhận thêm các biến thể MiG-21PF/PFM/MF.
Cùng với việc trang bị thêm máy bay, các đơn vị chiến đấu được mở rộng. Ngày 4/8/1965, Trung đoàn không quân tiêm kích 923 (đoàn Yên Thế) thành lập được trang bị máy bay MiG-17.
Ngày 24/3/1967, Quân chủng Phòng không – Không quân quyết định thành lập sư đoàn 371 với đội hình ba trung đoàn: tiêm kích 921/923 và vận tải 919.
Năm 1966, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam một số tiêm kích J-6 nhưng mãi tới năm 1969, số máy bay này mới về tới Việt Nam. Với số J-6 này, Việt Nam thành lập trung đoàn tiêm kích 925.
Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ (1964 – 1972), Không quân Nhân dân Việt Nam dù chỉ được trang bị hai loại tiêm kích chủ lực MiG-17, MiG-21 những đã giành hàng trăm chiến thắng trong trận đánh không đối không với Không quân, Hải quân Mỹ trang bị nhiều chủng loại máy bay hiện đại.
Đặc biệt, Không quân Nhân dân Việt Nam lập nên kỳ tích được cả thế giới ngưỡng mộ, thán phục khi ba lần hạ “đo ván” siêu pháo đài bay B52 – niềm tự hào Không quân Mỹ thời điểm đó.
Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được không ít khí tài, trang bị của quân VNCH trong tình trạng tốt, có thể sử dụng được ngay.
Riêng số máy bay thu giữ được lên tới hàng trăm chiếc gồm: tiêm kích F-5, cường kích A-37, vận tải cơ C-130/C-119/C-47, trực thăng UH-1/CH-47, trinh sát cơ...
Với các “chiến lợi phẩm” này, trong năm 1975 Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập trung đoàn máy bay chiến đấu 935, 937 và trung đoàn trực thăng 917, 918 sử dụng máy bay thu giữ của VNCH. Cũng trong năm này, hai sư đoàn không quân mới 372/370 cùng lúc được thành lập.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, hai sư đoàn 372/370 trang bị kiểu máy bay thu được của VNCH đã tham gia hỗ trợ tích cực hỏa lực mặt đất, tiêu diệt hàng nghìn tên Khơ Me đỏ cùng phương tiện cơ giới.
Hiện đại hóa và tiến thẳng lên hiện đại
Cuối những năm 1980, do thiếu phụ tùng linh kiện thay thế, các chiến đấu cơ, vận tải cơ, trực thăng thu được từ VNCH lần lượt ngừng hoạt động. Ngoài ra, Không quân Nhân dân Việt Nam đứng trước một thực tế, vũ khí trang bị do Liên Xô viện trợ (tiêm kích MiG-21, cường kích Su-22) đã lỗi thời, lạc hậu.
Trước tình hình đó, dù ngân sách quốc phòng hạn hẹp nhưng Việt Nam cố gắng nỗ lực từng bước thực hiện hiện đại hóa một phần vũ khí trang bị cho không quân, tăng cường sức chiến đấu bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Giai đoạn năm 1994-1995, Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga mua 12 chiến đấu cơ Sukhoi Su-27. Trong đó, gồm 7 chiếc biến thể chiến đấu Su-27SK và 5 biến thể huấn luyện chiến đấu Su-27UBK. Tuy nhiên, phía Nga trong chuyến bay vận chuyển 2 Su-27UBK bị tai nạn, nên họ đã đền lại 2 chiếc chiến đấu cơ Su-27PU (biến thể đời đầu Su-30).
Tiếp đến, năm 2004, Việt Nam ký hợp đồng mua 4 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2V từ Nga. Đây là loại chiến đấu cơ hiện đại, có khả năng thực hiệm nhiệm vụ tấn công tiêu diệt mục tiêu trên không, trên mặt đất, trên biển. Vào thời điểm đó, Su-30MK2V là loại máy bay hiện đại nhất của Không quân Nhân dân Việt Nam.
--> Dòng Su-30 của Việt Nam trong cuộc đối đầu với các loại chiến đấu cơ
Năm 2009, Việt Nam thỏa thuận với Nga mua 8 Su-30MK2V. Đầu năm 2010, Việt Nam ký tiếp hợp đồng mua 12 Su-30MK2V. Dự kiến, quá trình chuyển giao hoàn tất trong giai đoạn 2011-2012.
Bên cạnh việc mua sắm chiến đấu cơ thế hệ mới, trong điều kiện ngân sách chưa đủ khả năng để thay thế một cách nhanh chóng, toàn bộ máy bay thế hệ cũ. Việt Nam đã hợp tác với Ấn Độ hiện đại hóa tiêm kích đánh chặn MiG-21bis lên tiêu chuẩn Bison – gói nâng cấp cuối cùng đối với dòng tiêm kích huyền thoại này.
Đối với cường kích cánh cụp – cánh xòe Su-22. Những năm 1980, Việt Nam được Liên Xô viện trợ một số biến thể Su-22M, đưa vào biên chế trung đoàn 923 (đóng tại sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa).
Đầu những năm 1990, Việt Nam mua thêm các biến thể Su-22M3/UM3/M4 từ một số nước ở khu vực Đông Âu. Đặc biệt, Su-22M4 là biến thể được nâng cấp mạnh, trang bị nhiều khí tài điện tử thế hệ mới. Nó có khả năng mang tên lửa – bom có điều khiển.
Huấn luyện phi công
Trở thành người phi công Không quân Nhân dân Việt Nam là ước mơ của hàng triệu thanh niên Việt Nam. Nhưng con đường đi không hề dễ, mỗi năm có khoảng 3.000 thí sinh đăng ký dự tuyển phi công lái máy bay quân sự. Tất cả phải trải qua vòng kiểm tra ngặt nghèo gồm:
- Vòng 1: khám về ngoại hình, chiều cao, cân nặng...
- Vòng 2: kiểm tra 12 bộ dây thần kinh, các loại chuyên khoa nội, ngoại, chụp, chiếu, soi…thí sinh phải ngồi ghế quay kiểm tra chức năng tiền đình. Tiếp đó, thí sinh ngồi buồng khí áp trong môi trường thiếu oxy giống như trên độ cao 300-500m.
Thông thường, chỉ khoảng 1/20 số thí sinh đăng ký vượt qua được yêu cầu trên để dự thi vào trường sĩ quan không quân. Sau đó, chỉ còn 1/3 vượt qua vòng thi chính thức thành học viên trường sĩ quan.
Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên con đường đầy thử thách, trong trường học viên học 2 năm đầu lý thuyết, chính trị, rèn luyện thể lực đặc biệt. 3 năm còn lại, học viên bắt đầu tập bay từ đơn giản tới phức tạp.
Ban đầu, học viên bay huấn luyện cơ bản tại trung đoàn 920 (đoàn Cam Ranh), trang bị 18 máy bay cánh quạt Yak-52 và 10 chiếc Aerostar S A lak-52 (theo một số nguồn tin thì Việt Nam được Romania tặng năm 2009).
Nếu hoàn thành tốt khóa học này, học viên sẽ chuyển sang bay huấn luyện nâng cao tại trung đoàn 910 trang bị các máy bay phản lực Aero L-39. Vượt qua hai giai đoạn huấn luyện này, học viên sẽ tốt nghiệp và chuyển tới đơn vị chiến đấu, vận tải phù hợp. Tại đó, phi công trẻ phải trải qua huấn luyện để bay trên các máy bay khác.
http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Tap-chi-nuoc-ngoai-noi-ve-su-phat-trien-cua-khong-quan-VN/20123/195813.datviet
Thật tiếc là khi trừng phạt Pol-pot thì ta lại lỏng lẻo biên giớ phía bắc để lũ Tàu đánh phá các tỉnh biên giới. Thiệt hại vô cùng lớn và đau đớn….ko biết là các nhà lãnh đạo có rút ra đc bài học gì thêm sau lần cắn trộm của giặc Tàu đó
Trả lờiXóa