Tàu ngầm hạt nhân USS Oklahoma City trước khi được điều đến căn cứ hải quân ở đảo Guam - Ảnh: US Navy
Theo mạng Quân sự châu Á, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có nhiều tàu ngầm hạt nhân đang hoạt động mạnh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ sở hữu sức mạnh vượt trội với hạm đội tàu ngầm hạt nhân đóng ở căn cứ quân sự tại đảo Guam. Tuy nhiên, hàng loạt quốc gia châu Á khác cũng đã sở hữu hoặc đang phát triển lực lượng tàu ngầm của mình. Một cuộc chạy đua vũ trang nóng bỏng đang diễn ra dưới làn nước lạnh giá của Thái Bình Dương.
Mỹ biểu dương lực lượng hùng hậu
Theo AP, Mỹ đã triển khai nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tại khu vực Đông Á. Sau khi thành lập đội tàu ngầm số 15 đóng tại căn cứ hải quân Apra trên đảo Guam năm 2001, Washington triển khai thêm ba tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles để do thám xung quanh eo biển Đài Loan và các vùng nước ở Thái Bình Dương.
Năm 2008, hải quân Mỹ bổ sung tàu ngầm hạt nhân Ohio được trang bị tên lửa hành trình vào đội tàu ngầm số 15. Đây là lớp tàu ngầm được trang bị 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn 3.100km, có khả năng chiến đấu cực kỳ hiệu quả.
“Chỉ cần di chuyển vài trăm kilômet từ phía tây đảo Guam là tàu Ohio đã có thể uy hiếp các mục tiêu ở eo biển Đài Loan” - chỉ huy tàu Ohio David Hale khẳng định.
Cuối tháng 9-2010, căn cứ Apra lại tiếp nhận tàu ngầm tấn công hạt nhân tiên tiến nhất Hawaii lớp Virginia. Giới quân sự đánh giá đây là “bảo vật” trong đội tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Tàu ngầm hạt nhân này có thể lặn sâu tới 243m, mang theo 24 quả ngư lôi nặng 2 tấn, có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Giới phân tích cho rằng với tàu Hawaii, Washington đang muốn chốt chặn mọi con đường tiến ra Thái Bình Dương của Bắc Kinh.
Cuộc chiến nhằm kiểm soát các vùng biển châu Á ngày càng trở nên sôi động dưới lòng Thái Bình Dương khi Washington đưa tàu ngầm hạt nhân USS Oklahoma City trị giá 2 tỉ USD, một trong những tàu ngầm lớn và hiện đại nhất thế giới, đến đảo Guam vào năm 2011. “Chúng tôi không có đối thủ” - chỉ huy tàu USS Oklahoma City, đô đốc Andrew Peterson, tỏ ra đầy tự tin.
Tàu ngầm hạt nhân USS Oklahoma City được trang bị ngư lôi ADCAP, tên lửa Tomahawk, tên lửa chống tàu thủy Harpoon và nhiều loại mìn. Chỉ huy lực lượng tàu ngầm của hạm đội Thái Bình Dương, chuẩn đô đốc Frank Caldwell, khẳng định với tàu ngầm USS Oklahoma City, lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ “dẫn đầu thế giới về kỹ thuật tàu ngầm”.
Những “tay chơi” khác
- Ấn Độ đang bỏ tiền thuê tàu ngầm hạt nhân ISN Chakra của Nga trong vòng 10 năm để phát triển công nghệ tàu ngầm hạt nhân nội địa của mình.
- Úc đang tranh luận về khoản ngân sách quốc phòng 36 tỉ USD để nâng cấp một tàu ngầm của mình.
- Nhật đang tăng cường hạm đội tàu ngầm từ 8 lên 16 chiếc.
- Hàn Quốc đang bán tàu ngầm cho Indonesia.
- Các quốc gia như Malaysia, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Singapore, thậm chí là Bangladesh cũng đang có kế hoạch sở hữu tàu ngầm thế hệ mới.
Theo India Times
Trung Quốc - “tay chơi” mới
“Cuộc chạy đua vũ trang đang trở nên gay gắt. Đây không chỉ đơn thuần là cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn là cuộc đua giữa các đối thủ khác” - AP dẫn lời giáo sư Lyle Goldstein, thuộc Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc ở Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định.
Tàu ngầm khó bị phát hiện và khó tiêu diệt, có thể tấn công tàu chiến và các mục tiêu khác trên mặt nước. Do đó, tàu ngầm là ưu tiên hàng đầu trong tuyến phòng thủ bờ biển của các quốc gia trong khu vực. Số tàu ngầm chạy bằng nhiên liệu thông thường đang ngày càng xuất hiện nhiều dưới lòng Thái Bình Dương.
Mỹ đã không còn “một mình một chợ” nữa. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang đổ tiền vào chương trình mở rộng và hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm 60 chiếc của mình. “Bắc Kinh đặt trọng tâm chính vào chương trình tàu ngầm. Hạm đội tàu ngầm của lực lượng hải quân Trung Quốc hiện nay là một trong những mũi nhọn của quân đội Trung Quốc. Mối đe dọa của họ đang lớn dần” - ông Goldstein nhận định.
Trong đội tàu ngầm của Trung Quốc có chín tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Báo cáo năm 2011 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chủ lực của đội tàu ngầm Trung Quốc là tàu lớp Song (Tống) chạy bằng diesel, song Bắc Kinh đang phát triển thêm loại tàu ngầm hạt nhân lớp Jin (Kim) được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có tầm bắn đến 7.400km.
Thế hệ tàu ngầm lớp Song được ứng dụng công nghệ tạo áp lực đẩy không tiếng động đặc biệt và được trang bị các tên lửa hành trình hạm đối hạm. Theo các chuyên gia Mỹ, loại tàu ngầm này có khả năng hoạt động sâu dưới mặt nước trong nhiều tuần liền mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào. Từ năm 2002, Lầu Năm Góc đã không khỏi lo ngại khi Trung Quốc điều động bảy tàu ngầm lớp Song cho hạm đội Bắc Hải.
Năm 2003, Trung Quốc hạ thủy 13 tàu ngầm thuộc các lớp khác nhau, trong đó có hai tàu lớp Yuan (Nguyên) chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là thế hệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mô phỏng tàu ngầm lớp Song và lớp Kilo của Nga.
MỸ LOAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét