(GDVN - 15/01/2012) - Trong điều kiện thông tin hóa, phương pháp tiến hành chiến tranh đã có nhiều thay đổi, cần phát triển tư tưởng tấn công.
Tờ “Quốc phòng Trung Quốc” cho biết, tấn công và phòng ngự là 2 loại hình cơ bản của tác chiến. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, tỷ lệ thành công đột phá đối với phòng ngự rất thấp, điều này vừa là do bên phòng ngự có ưu thế “địa lợi”, vừa do bên tấn công thiếu khả năng tấn công tầm xa.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, do sự xuất hiện của các vũ khí trang bị kiểu mới như máy bay, xe tăng, bên tấn công có nhiều thủ đoạn tấn công hơn và khả năng tấn công mạnh hơn, vai trò của tác chiến tiến công tăng lên.
Đến nay, sau khi làn sóng thông tin hóa thâm nhập toàn diện vào xã hội, trong đó có lĩnh vực quân sự, nếu bị phát hiện tức là sẽ bị tiêu diệt, tác chiến ở ngoài khu vực phòng thủ ngày càng trở thành hiện thực, khả năng phản kích của bên phòng ngự chịu sự hạn chế rất lớn, khả năng tấn công sẽ trở thành nhân tố chính quyết định sự thành bại của chiến tranh.
Các cuộc chiến tranh cục bộ quy mô tương đối lớn như chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo, chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq đều kết thúc với bên tấn công thắng, bên phòng ngự thua.
Chiến tranh trong điều kiện thông tin hóa, các đặc điểm như lập thể ba chiều của bên tấn công, tấn công kiểu “không tiếp xúc” của phương thức tác chiến, tấn công tầm xa (vượt đường chân trời) của lực lượng tấn công, “xa, cao, nhanh, chuẩn” của vũ khí tấn công…, làm cho những vật cản trên bộ (mặt đất) đã mất đi tác dụng ảnh hưởng đối với bên tấn công.
Bên phòng ngự hầu như không thể tiếp tục thực hiện được ý định “lợi dụng địa hình địa vật”, thông qua trận địa từ trên cao gây sát thương lớn và tiêu hao sinh lực địch. Đồng thời, điều này cũng khiến cho sách lược và phương pháp tác chiến phòng ngự truyền thống như hướng tấn công địch mặc định, vũ khí và binh lực tập trung, thực hiện lấy “tĩnh” chế “động”, tấn công chính xác… mất đi tác dụng.
Ngoài ra, nguồn lực vật tư trong chiến tranh thông tin tiêu hao to lớn, cũng làm cho cách làm trước đây của bên phòng ngự - dùng tác chiến lâu dài để tìm cách xoay chuyển tình thế - đã không còn hiện thực, tác chiến tấn công nhanh mang tính quyết định đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu.
Vì vậy, trong chiến tranh tương lai diễn ra trong điều kiện thông tin hóa, cần coi trọng tác chiến ở thế tấn công, cho dù là tác chiến phòng ngự cũng cố gắng đạt được chiến lược phòng ngự tích cực, chủ động.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Bao-Trung-Quoc-Quan-doi-can-phat-trien-tu-tuong-tan-cong/97441.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét