Vibay

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Khi sự thống trị thế giới của Mỹ bị thách thức

Lê Ngọc Thống, Viet-stuies.

Sự trở lại của Mỹ ở châu Á-TBD, dư luận thế giới không bất ngờ, nhưng có lẽ bất ngờ nhất chính là Trung Quốc. Thực sự mà nói hành động của Trung Quốc ở khu vực châu Á-TBD vừa qua không khiến Mỹ lo sợ, bất an. Mỹ coi Trung Quốc hành động ở đó như một “cuộc biểu tình có dấu hiệu bạo loạn” và vì thế sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-TBD với rất nhiều hành động quả quyết, đầy tự tin và mau lẹ được coi như là sự triển khai lực lượng để đàn áp không hơn không kém.



Căn cứ không quân Mỹ ở đảo Okinawa, phía tây nam Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Nếu như năm 2005 trong bài nói chuyện với các tướng lĩnh của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tướng Trì Hạo Điền có thái độ và các phương thức hành động chống Mỹ-đang giữ ngôi bá chủ thế giới, mà ý tưởng rất ghê gớm, quyết liệt thì cuốn sách “Giấc mơ Trung Quốc – Tư duy nước lớn và định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ (2010) của đại tá Lưu Minh Phúc-giáo sư, Giám đốc Viện Nghiên cứu xây dựng quân đội, thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc (vừa xuất bản tại Bắc Kinh đã trở thành sách bán chạy nhất không hẳn vì hay, mà vì đánh đúng tâm lý AQ của dân tộc đang muốn làm bá chủ) là tác phẩm đầu tiên của Trung Quốc công khai tuyên bố nước này đặt mục tiêu trong thế kỷ XXI sẽ trở thành quốc gia lớn mạnh nhất thế giới, thay Mỹ lãnh đạo thế giới (hầu như không có một phản ứng trái chiều nào từ cuốn sách này, trừ một vài người mà tôi đã được đọc, trong đó có cựu Đại tá không quân Đới Húc-Một chuyên gia bình luận quân sự nổi tiếng của Trung Quốc mà tôi rất nể phục) đã hoàn tất công việc trang bị “Tư duy nước lớn” cho toàn thể công dân Trung Hoa vĩ đại và kích động chưa từng thấy. Đọc xong sách này nhà báo Jeffrey Schmidt thốt lên: “Trung Quốc đã tháo găng tay và đang thách thức sự thống trị thế giới của Mỹ”.Tất nhiên đây chỉ là những quan điểm, phát ngôn của họ (cũng như của tờ Thời báo Hoàn Cầu) không phải là quan điểm chính thống của nhà nước Trung Hoa, có điều nó được công khai phổ biến rộng rãi khiến dư luận quan tâm và nghi ngờ: Phải chăng đó cũng là mong muốn mà nhà nước Trung Hoa không thể nói ra công khai? Hay cũng chỉ là một cách để trút tức giận vào Hoa Kỳ khi bị chèn ép, áp bức mà không thể nào giải tỏa?

Mơ ước được bá chủ thế giới không có gì là xấu, điều đó chứng tỏ ý thức vươn lên của một quốc gia, dân tộc. Nhưng ước mơ bá chủ thế giới được bộc lộ công khai với thái độ hung hăng và ngạo mạn, chủ quan duy ý chí như vậy thì được coi là tham vọng. Tham vọng, bởi lẽ lật đổ ngôi bá chủ của Mỹ đâu phải dễ dàng như thế.

Có thể nói kể từ sau trận đụng độ với Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên thì Trung Quốc hầu như luôn thực hiện sách lược né tránh đối đầu với Mỹ. Cuộc chiến tranh lạnh đang xảy ra một mất một còn thì Trung Quốc tấn công Liên Xô nhằm gửi một thông điệp cho Mỹ và khối NATO rằng: Chúng tôi và họ ̶ Liên Xô cùng các nước trong phe XHCN ̶ không liên quan, không cùng ý thức hệ, hãy trừ Trung Quốc ra. Do phải giúp Việt Nam chống Mỹ để tạo ra một vùng đệm an toàn, sau khi Việt Nam thống nhất, biết không thể điều khiển Việt Nam như Triều Tiên, năm 1979 Trung Quốc tấn công Việt Nam. Cuộc tấn công này không có ý nghĩa gì về mục tiêu quân sự, thậm chí thất bại nhưng mục tiêu chính trị thì Trung Quốc đã đạt được: “Trung Quốc và Việt Nam là kẻ thù và tất nhiên sẽ là bạn với Mỹ”. Họ đã hy sinh hàng chục vạn binh lính và tình hữu nghị láng giềng để được làm bạn với Mỹ, được Mỹ không cấm vận, được hưởng “tối huệ quốc”, được yên ổn làm ăn, “giấu mình chờ thời” gần 3 thập kỷ trong khi Việt Nam như thế nào thì ai cũng biết.

Dưới sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc, gần 3 thập kỷ cải cách đổi mới, Trung Quốc đã trở thành một trong các trung tâm kinh tế thế giới. GDP năm 2010 vượt Nhật và chỉ xếp thứ 2 sau Mỹ. Quả là một sự phát triển thần kỳ về tốc độ tăng trưởng kinh tế khiến thế giới nể phục. Các báo Trung Quốc phấn khởi đăng một loạt bài viết có đầu đề đại để như “30 năm nữa Trung Quốc và Mỹ sẽ đổi vai trò cho nhau”, “Con bướm đang đập cánh tại Trung Quốc”. Người Trung Quốc say sưa tới mức mụ mẫm với con số GDP đã và sẽ đạt được, với viễn cảnh cái ngày Trung Quốc “mở mày mở mặt”, “nói gì làm nấy” ...Giới hiếu chiến lập tức hoanh hoang, sốt ruột tới mức thậm chí phê phán nhà cầm quyền là nhu nhược thiếu cứng rắn với Mỹ…

Muốn soán ngôi Mỹ mà hành động rất “cải lương”; muốn có lực lượng quân sự hùng mạnh nhưng không để đánh Mỹ mà để Mỹ “sợ” mà đừng đánh mình (té ra ông Đại tá con trời này cũng biết sợ Mỹ, không dám đụng Mỹ cơ đấy!) vậy thì quả là “giấc mơ”, không thể là đường lối chiến lược của Đảng CS Trung Quốc.

Điều mọi người quan tâm hơn cả là đường lối chiến lược của ĐCS TQ khi sự thay đổi vị trí quán quân GDP giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã dẫn đến những biến chuyển chính trị, quân sự của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế như thế nào. Sự biến chuyển chính trị đó là gi? Trước hết Trung Quốc không cần “giấu mình chờ thời” theo sách lược của Đặng Tiểu Bình, tức là thời cơ xưng hùng xưng bá đã đến. Về quân sự-yếu tố quyết định để đạt được mục tiêu chính trị, tất nhiên phải xây dựng và phát triển hết sức có thể để bảo đảm răn đe và trấn áp bằng vũ lực khi cần. Đặc biệt chú ý xây dựng một lực lượng Hải quân hùng mạnh, mở rộng các khu vực “lợi ích cốt lõi”, độc chiếm Biển Đông-Biển Nam Trung Hoa tiến tới chia đôi châu Á-TBD như đã từng đề nghị với Mỹ. Sau đó, tất nhiên ý tưởng lật đổ Mỹ không phải là điều mà giới lãnh đạo Bắc Kinh không hướng tới. Rõ ràng Trung Quốc có tham vọng bá chủ khu vực và thế giới là thật chứ không chỉ dư luận.

Không rõ ở Trung Quốc các chiến lược vạch ra trong đó coi dư luận như một công cụ hay chính dư luận vạch ra chiến lược? Chỉ biết rằng chiến lược trên khu vực Châu Á-TBD; các hành động phối hợp để tổ chức thực hiện đường lối chiến lược đó tỏ ra chủ quan duy ý chí, nóng vội.

Vì: Thứ nhất, Trung Quốc căn cứ vào đâu để hành động như thời gian qua khiến cho khu vực nổi sóng, thành điểm nóng, thách thức địa vị thống trị của Mỹ mà thế giới quan tâm? Vì có GDP bằng và có thể vượt Mỹ ư?

Năm 1840 GDP của Trung Quốc thời nhà Thanh chiếm 33% GDP toàn cầu, gấp 6 lần GDP nước Anh. Thế mà Trung Quốc lại bị các cường quốc châu Âu xâu xé. Nhà Thanh có hơn 1 triệu binh sĩ, thế mà bị 4000 lính viễn chinh Anh Quốc đánh cho đại bại, phải ký Hiệp ước Nam Kinh (8-1842) nhục nhã. Năm 1894 dù đã bị các nước phương Tây xâm lược nửa thế kỷ, GDP của Trung Quốc vẫn lớn gấp 9 lần GDP của Nhật, thế mà trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ, Trung Quốc vẫn thua to, bị Nhật chiếm mất 2 đảo Đài Loan, Bành Hồ và phải bồi thường cho Nhật 200 triệu lạng bạc. Như vậy GDP lớn không có nghĩa là quốc lực lớn. Cấu tạo ngành nghề làm nên GDP nước Mỹ và Nhật Bản gồm toàn những ngành quan trọng như hàng không, du hành vũ trụ, máy tính, công nghệ sinh học, đóng tàu, chế tạo máy, nông nghiệp hiện đại... Ưu thế quân sự số một thế giới của họ là nhờ vào các ngành đó. Còn cấu tạo GDP của Trung Quốc thì không được như vậy cho nên kéo theo việc trang bị vũ khí luôn bị thua kém. Dù cho giới quân sự Trung Quốc có thổi phồng sức mạnh quân sự của họ đến mấy thì người diều hâu, hiếu chiến nhất, có tính cách AQ nhất cũng phải thừa nhận: So với Mỹ thì chưa là cái gì. Thậm chí so với Nhật Bản họ vẫn chưa vượt nổi. Nên nhớ, với nền công nghiệp của Nhật khi chuyển sang trạng thái phục vụ chiến tranh thì hàng loạt trang bị vũ khí hiện đại sẽ ra đời trong một thời gian ngắn kể cả VKNT. Chẳng hạn như với việc có máy bay F35A, Nhật sẽ biến thành F35B (cất cánh thẳng đứng) trong phút chốc và lập tức sẽ có ngay 3 tàu sân bay tấn công loại Hyuga, trong khi Trung Quốc đang còn chưa mua nổi cáp hãm đà. Vậy khi sức mạnh quân sự thua kém người thì không thể thực hiện mưu đồ ngay được.

Thứ hai, chẳng có một nguyên lý chiến tranh, lật đổ nào mà không xảy ra đối đầu sống mái cả. Đời nào Mỹ để cho Trung Quốc “soán ngôi” dễ dàng như vậy. Năm 1938, 5 siêu cường Đức, Nhật, Liên Xô, Mỹ, Anh tranh nhau bá chủ, thế là một cuộc chiến tranh thế giới lần 2 xảy ra đẫm máu. Kết quả còn lại 2 siêu cường Liên Xô và Mỹ. Một cuộc chiến tranh lạnh xảy ra đến lạnh cả sống lưng nếu chỉ cần một bên thiếu kiềm chế là cả thế giới bị hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân. Kẻ chiến thắng cuối cùng là Mỹ. Từ năm 1991 lại đây dù ai có thích hay không thích Mỹ thì cũng phải thừa nhận: Mỹ là siêu cường số 1, bá chủ thế giới. Sau sự kiện tháng 9/2001, với danh nghĩa chống khủng bố, Mỹ đã làm tất cả mọi thứ cần thiết để bảo vệ ngôi vị bá chủ của mình. Cứ nhìn vào trên bản đồ thế giới, nơi nào Mỹ có mặt để đánh giá xem địa chính trị, địa kinh tế nơi đó như thế nào. Bất cứ quốc gia nào thách thức vị trí bá chủ của Mỹ đều bị giáng trả bằng mọi cách kể cả vũ lực. Tại sao dù phải thắt chặt ngân sách quốc phòng nhưng ở khu vực Châu Á-TBD của Mỹ lại tăng? Tại sao lực lượng quân sự của Mỹ ở đây được tăng cường vượt trội so với Trung Quốc? Câu trả lời là Trung Quốc. Trung quốc đã có dấu hiệu cho thấy thách thức vị trí bá chủ của Mỹ. Mỹ hiện diện ở châu Á-TBD không phải để chơi mà để kiềm chế, kiểm soát Trung Quốc và trấn áp bằng bạo lực khi cần. Đó là quy luật tất yếu không phải bàn cãi. Thực ra Mỹ muốn gì ở Trung Quốc? Mỹ muốn Trung Quốc giàu nhưng không mạnh. Vì Trung Quốc là nơi sản xuất hàng tiêu dùng cho dân Mỹ, là nơi cho Mỹ vay tiền và tư bản Mỹ bóc lột. Mỹ muốn Trung Quốc theo “luật chơi”(do Mỹ đề ra, chắc thế). Chính vậy Mỹ không muốn tiến hành “Chiến tranh lạnh” với Trung Quốc. Hãy xem, có hơn 90% thương mại của Trung Quốc đều đi qua đường biển, đặc biệt hầu hết nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc đều phải qua Biển Đông và eo biển Malacca. Trong khi đó Trung Quốc gần như dựa hoàn toàn vào Mỹ trong việc bảo vệ an toàn hàng hải cho mình, Trung Quốc chưa có đủ khả năng để làm việc đó. Vậy nếu Mỹ phong tỏa, mà cũng chỉ cần chiêu ấy thôi (chiến tranh lạnh thì Mỹ có kinh nghiệm vô cùng phong phú, thiếu gì chiêu) thì Trung Quốc chỉ có sụp đổ. Đối với Mỹ, Trung Quốc dễ chơi hơn Nga hàng trăm lần. Thực sự mà nói hành động của Trung Quốc ở khu vực châu Á-TBD vừa qua không khiến Mỹ lo sợ, bất an. Mỹ coi Trung Quốc hành động ở đó như một “cuộc biểu tình có dấu hiệu bạo loạn” và vì thế sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-TBD với rất nhiều hành động quả quyết, mau lẹ được coi như là sự triển khai lực lượng để đàn áp không hơn không kém. Mỹ chơi không đẹp, Mỹ chèn ép, Mỹ vân vân và vân vân không cần biết. Trung Quốc ở vị trí của Mỹ xem, thế giới sẽ ra bả cám hết, được như Mỹ là phúc.

Trước tình hình này Trung Quốc phải làm gì để ít nhất cũng cân bằng thế và lực ở khu vực châu Á-TBD? Việt Nam nằm ở một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Có được Việt Nam thì Trung Quốc ít nhất cũng cân bằng với Mỹ về thế. Quan trọng là có được Việt Nam bằng cách nào. Tấn công xâm lược Việt Nam ư? Hay là liên minh hữu nghị thật sự? Đó là việc của giới lãnh đạo 2 nước mà chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ có một dấu ấn mới? Tuy nhiên Việt Nam không dại gì nghiêng về Mỹ để chống Trung Quốc và cũng chẳng có ngây thơ ngả theo Trung Quốc để chống Mỹ. Việt Nam không có nhu cầu làm bá chủ thế giới. Việt Nam muốn là bạn với tất cả trên tinh thần tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau.

Suy cho cùng, nếu trật tự quyền lực mà đa cực thì điều gì xảy ra? Chắc chắn thế giới sẽ vô cùng bất ổn. May thay có Mỹ ở vị trí bá chủ với tiềm lực kinh tế, quân sự vượt trội. Nếu Mỹ không chiếm ưu thế về quân sự thì các cường quốc như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước khác sẽ hành động cư xử với nhau sẽ không như hiện nay. Trung Quốc cũng không “hiền hòa” với các nước ASEAN như hiện nay. Ai là bá chủ còn phải được thế giới chấp nhận, công nhận. Máu xương và những bài học của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 và cuộc chiến tranh lạnh còn nguyên giá trị. Hãy cảnh giác với những mầm móng gây nên bất ổn, nguồn gốc của chiến tranh.

Lê Ngọc Thống

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-1-12

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét