RFI, 02/01/2012.
Hôm 02/01/2012, truyền thông trong nước đưa tin là ông Nguyễn Văn Khương, tức nhà báo Hoàng Khương, nguyên là phóng viên báo Tuổi Trẻ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam, để điều tra về hành vi « đưa hối lộ ». Cuối tháng 11/2011, công an TPHCM đã yêu cầu báo Tuổi Trẻ thu hồi thẻ nhà báo của ông Hoàng Khương.
Theo báo chí Nhà nước, vào tháng 7 năm 2011, để viết bài đăng trên báo Tuổi Trẻ nói về hiện tượng nhận hội lộ của cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Hoàng Khương đã móc nối với một nhân vật làm trung gian để tiếp xúc và đưa hối lộ 15 triệu đồng cho một viên cảnh sát giao thông nhằm lấy lại chiếc xe gắn máy bị tạm giữ.
Trong khi đó, trên internet, mạng xã hội và blog, có các bài viết ca ngợi sự ông Hoàng Khương là nhà báo dũng cảm, có bản lĩnh, tố cáo nạn tham nhũng không khoan nhượng. Chính vì vậy, nhiều blogger còn khẳng định trước sau nhà báo Hoàng Khương sẽ bị trả thù và sẽ bị bắt.
Vẫn theo các nguồn tin này thì để dọn đường cho việc bắt nhà báo Hoàng Khương, ngày 28/11 vừa qua, công an thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn gây áp lực, yêu cầu báo Tuổi Trẻ thu hồi thẻ nhà báo của ông Hoàng Khương. Đến ngày 03/12, ông Khương bị tạm đình chỉ công tác. Trong khi đó, báo Công an Nhân dân có nhiều bài đả kích và đòi truy tố nhà báo này.
(Hết trích dẫn)
BBC, 02/01/2012
Nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, được biết đến qua nhiều bài báo điều tra khiến một số cảnh sát giao thông (CSGT) bị đình chỉ công tác, đã bị bắt tạm giam.
Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế tiến hành khám xét nhà và tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt khẩn cấp tại chỗ vào lúc 12h00 ngày 02/01/2012. Đến 14h00, ông Hoàng Khương bị đưa đi, có sự chứng kiến của đại diện báo Tuổi Trẻ và luật sư Phan Trung Hoài.
Trước đó, Công an TP.HCM đã có văn bản gửi đến Cục Báo chí - Bộ Thông tin - truyền thông và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đề nghị “kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của Nguyễn Văn Khương” (tức PV Hoàng Khương). Ngày 28.11, Báo Tuổi Trẻ đã tạm đình chỉ công tác Hoàng Khương vì “sai sót nghiệp vụ” khi viết loạt bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “CSGT giải cứu xe đua trái phép”.
Nguồn tin trong nước cho biết liên tiếp, trong hai ngày 30 và 31/12/2011, công an đã đến nhà riêng của Hoàng Khương tại quận Phú Nhuận tìm phóng viên này. Sau đó một người đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ đưa giấy mời Hoàng Khương lên cơ quan điều tra làm việc, theo lịch hẹn này tức là vào 7h30 sáng thứ ba ngày 03/01/2012.
Tuy vậy, lệnh bắt đã được thực hiện trong ngày 02/01. Được biết đây là vụ án điểm có sự chỉ đạo từ Bộ Công an tại Hà Nội.
Quá trình tác nghiệp
Vào khoảng tháng 5-2011, phóng viên Hoàng Khương được tòa soạn Tuổi Trẻ phổ biến kế hoạch triển khai tuyến bài ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông (TNGT).
Trong quá trình thực hiện, Hoàng Khương tiếp cận các đối tượng đua xe thì biết một người tên Hòa đang bị CSGT Bình Thạnh tạm giữ xe máy. Cùng thời điểm, phóng viên này có quen ông Tôn Thất Hòa, chủ DN vận tải và là cò xử lý vi phạm, quen biết rất nhiều CSGT và Khương đã giới thiệu cho ông Hòa để nhờ lấy xe ra.
Trong một lần đi cùng ông Tôn Thất Hòa và Tuấn, một chủ đầu máy kéo bị giữ xe, Hoàng Khương đã tiếp cận và chụp hình được CSGT Huỳnh Minh Đức đang ra giá tiền. Cũng ở lần gặp này ông Tôn Thất Hòa có kêu Khương nói Hòa mang tiền tới “chạy xe” luôn. Lúc người nhà Hòa mang tiền tới, Hoàng Khương đã cầm tiền đưa ông Tôn Thất Hòa để đưa cho CSGT Đức. Hình ảnh và quá trình làm việc này đã được đăng tải trên Tuổi Trẻ.
Ngày 18/11, công an TP. HCM quyết định khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, đồng thời khởi tố bị can đối với các ông Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ Đội CSGT trật tự - phản ứng nhanh), Tôn Thất Hòa và Trần Anh Tuấn. Vụ án này xuất phát từ hai bài viết của Hoàng Khương, “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Giải cứu xe đua trái phép” được thực hiện vào đầu tháng 6-2011.
Sau đó, phóng viên này cũng bị cơ quan điều tra mời lên làm việc để hỏi về những vấn đề liên quan đến vụ án. Được biết, Hoàng Khương, trong tường trình gửi Ban Biên tập Tuổi Trẻ, tự nhận rằng trong quy trình tác nghiệp do nóng lòng và những tình huống, hoàn cảnh nảy sinh đột xuất cần phản ứng và xử lí kịp thời, nên có một số hành vi có thể bị ngộ nhận là can dự quá sâu vào sự việc, chứ không “gài bẫy công an” như một số kết luận trước đó.
Phóng viên này cho rằng, trong quá trình làm việc, một số vấn đề phía công an “có những nhận xét chưa phù hợp với bản chất hành vi” của anh. Cũng trong tường trình, Hoàng Khương có nhấn mạnh: “Trong quá trình tác nghiệp, mặc dù có thể nguy hiểm đến tính mạng, uy tín cá nhân và sự an nguy của gia đình, vợ con nhưng xuất phát từ nhận thức nghề nghiệp là phải phản ánh sự việc trên mặt báo đúng sự thật nên có lúc đã nôn nóng. Nếu động cơ của Khương là để trục lợi cá nhân hoặc có những mục đích không chân chính thì chắc chắn Khương đã không nộp bài để đăng báo công khai. Cũng chính từ loạt bài của báo Tuổi Trẻ thì cơ quan điều tra mới có căn cứ khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ.”
Bản tin chính thức của Tuổi Trẻ ngày hôm nay, khi đưa tin vụ bắt ông Hoàng Khương, nhận định phóng viên này “đã thiếu sót về nghiệp vụ khi can dự vào quá trình chung chi cho Huỳnh Minh Đức”. Tờ báo xác nhận: “Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kỷ luật khiển trách, tạm đình chỉ công tác đối với Hoàng Khương.”
‘Nhập vai’ đến đâu?
Từ chuyện của Hoàng Khương, nhiều nhà báo trong nước đang đặt ra vấn đề: Phóng viên “nhập vai” đến đâu thì không phạm luật?
Trên báo Pháp Luật & Xã hội, luật sư Vũ Lợi cho rằng: "Phóng viên Hoàng Khương không có động cơ phạm tội.”
Theo ông, “Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực.”
“Tôi xin lấy ví dụ, một PV khi đi điều tra để viết bài về một tụ điểm đánh bạc chẳng hạn. Để bài viết có hồn, để nhận diện được các mánh khóe của chủ sới, để ghi hình các con bạc để làm bằng chứng, PV phải nhập vai một con bạc.”
“Nếu việc đó đã được báo cáo Ban biên tập thì không thể nói rằng PV đó vào sới để đánh bạc. Nếu Hoàng Khương không báo cáo Ban biên tập thì cũng chỉ là sai sót về qui trình…".
Tờ báo này cũng dẫn lời một người khác, luật sư Trịnh Anh Dũng từ Hà Nội, nói: “Việc làm này của PV Hoàng Khương không có dấu hiệu phạm tội Đưa hối hộ, mà còn cần phải biểu dương như là tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng."
Nhưng cũng có một số bình luận – thể hiện qua các bài trên các báo của ngành Công An - chỉ trích cách thức tác nghiệp của ông Hoàng Khương, đồng thời đề nghị xử lý theo pháp luật hành vi “gài bẫy CSGT” của nhà báo này.
Báo Công an Nhân Dân dẫn lời ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. HCM, phê bình phóng viên Hoàng Khương là “tỏ ra rất ‘thông cảm’ cho kẻ đua xe và khai thác triệt để những biểu hiện tiêu cực của người CSGT”.
Theo ông, “nhà báo có quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin, nhưng nếu anh lợi dụng nhiệm vụ được giao, cố tình vi phạm pháp luật và bị phát hiện thì tùy theo mức độ vi phạm cũng phải bị xử lý như bao người khác”.
Trên các blog và mạng xã hội như Facebook, giới nhà báo người Việt trong ngoài nước cũng đang có những thảo luận khác nhau quanh vụ án này.
(Hết trích dẫn)
Tuổi Trẻ đưa tin về việc bắt Hoàng Khương
Trưa 2-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ).
Theo quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra, phóng viên Hoàng Khương bị khởi tố do có hành vi thông qua Tôn Thất Hòa (đã bị bắt giam trước đó) để đưa 15 triệu đồng cùng các biên bản vi phạm hành chính, giấy chứng nhận đăng ký xe môtô… cho Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ CSGT của Công an Q.Bình Thạnh, cũng đã bị bắt giam) để giải quyết xe vi phạm giao thông trái quy định.
Trước đó, đầu năm 2011, trước thực trạng tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã triển khai tuyến bài “Chặn đứng thảm họa giao thông”.
Trong tuyến bài này, các phóng viên, cộng tác viên của Tuổi Trẻ đã thực hiện nhiều bài viết nêu thực trạng và tìm những giải pháp nhằm ngăn chặn thảm họa giao thông. Hoàng Khương với trách nhiệm của một phóng viên đã thực hiện nhiều bài điều tra trong tuyến bài này, trong đó có bài “CSGT giải cứu xe đua trái phép” (Tuổi Trẻ ngày 10-7).
Trong bài viết trên, phóng viên Hoàng Khương phản ánh trường hợp của Trần Văn Hòa - một thanh niên sử dụng xe máy “độ” chạy xe lạng lách đánh võng bị Công an Q.Bình Thạnh tạm giữ xe trong đợt truy quét “bão đêm” quy mô lớn.
Trong khi liên hệ giải quyết một vụ “chạy” xe vi phạm khác, Tôn Thất Hòa đã gợi ý “giải cứu” chiếc xe máy của Trần Văn Hòa và được Huỳnh Minh Đức đồng ý. Sau đó, Đức đã nhận 15 triệu đồng và trả xe vi phạm.
Ngày 28-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP có văn bản gửi báo Tuổi Trẻ và Cục Báo chí - Bộ Thông tin - truyền thông đề nghị “kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Nguyễn Văn Khương”. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kiểm tra quy trình tác nghiệp của phóng viên Hoàng Khương khi thực hiện bài “CSGT giải cứu xe đua trái phép”.
Theo tường trình của Hoàng Khương, khi thực hiện bài viết trên, phóng viên đã thiếu sót về nghiệp vụ khi can dự vào quá trình chung chi cho Huỳnh Minh Đức. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kỷ luật khiển trách, tạm đình chỉ công tác đối với Hoàng Khương.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ và gia đình phóng viên Hoàng Khương đã mời luật sư Phan Trung Hoài - trưởng văn phòng luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Phan Đức Linh - Đoàn luật sư TP.HCM - tham gia bảo vệ quyền lợi cho phóng viên Hoàng Khương ngay từ khi xảy ra vụ việc. Luật sư Phan Trung Hoài đã chứng kiến quá trình khám xét tại nhà riêng của Hoàng Khương trưa ngày 2-1.
GIA MINH
(Hết trích dẫn)
(Bút Lông's Site -02/01/2012) Xung quanh việc này, mạng xã hội FB có nhiều bình luận trái chiều (đa số của... nhà báo và CAM), BL xin trích dẫn vài điều luật để các bác tham khảo:
Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có CVQH làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ (không phụ thuộc vào người có CVQH có đồng ý hay không). Trường hợp người đưa hối lộ mới chỉ yêu cầu người có CVQH mà chưa đưa tiền, tài sản cụ thể thì tội phạm chỉ hoàn thành khi người có chức vụ đồng ý nhận của hối lộ đó.
Trường hợp người đưa hối lộ nhầm tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của mình, nhưng trên thực tế người đó không có thẩm quyền, thì người đưa hối lộ vẫn phải chịu TNHS về tội đưa hối lộ (phạm tội chưa đạt).
Về mức hình phạt, Điều 289-Bộ luật Hình sự quy định 4 khung hình phạt:
- Khung 1: quy định hình phạt tù từ 1 năm đến 6 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội không có tình tiết tăng nặng.
- Khung 2: quy định hình phạt tù từ 6 năm đến 13 năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết sau: có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ, phạm tội nhiều lần, của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, gây hậu quả nghiêm trọng khác.
- Khung 3: quy định hình phạt tù từ 13 năm đến 20 năm, đối với của hối lộ có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Khung 4: quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, áp dụng đối với các trường hợp: của hối lộ có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Ngoài bị phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung bằng tiền từ một đến năm lần giá trị của hối lộ.
Để khuyến khích việc tố giác tội nhận hối lộ, tại khoản 6-Điều 289 quy định 2 trường hợp được coi là không có tội hoặc được miễn TNHS:
+ Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
+ Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
(Hết trích dẫn)
Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những cơ sở sau đây:
Tố giác của công dân;
Tin báo của cơ quan, tổ chức;
Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
(Trích Điều 100 BLTTHS)
4. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
(Trích điều 8 BLHS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét