(BBC-08/12/2011)Tin cho hay Việt Nam vừa ký hợp đồng mua thêm hai chiến hạm Gepard của Nga để nâng cao năng lực hải quân.
Hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin từ Triển lãm Hàng hải và Hàng không Langkawi, Malaysia, nói hợp đồng thứ hai này được ký tại chính nơi triển lãm với tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport.
Trong năm nay, Việt Nam đã nhận hai tàu chiến Gepard 3.9 do nhà máy đóng tàu Zelenodolsk Gorky sản xuất theo một hợp đồng ký từ năm 2006.
Hai tàu chiến đời mới này, có tên là Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ, được coi như các chiến hạm đầu đàn của hải quân Việt Nam.
Thông tin về việc ký kết hợp đồng thứ hai đã được ông Sergei Rudenko, Phó giám đốc nhà máy Zelenodolsk Gorky, xác nhận với Interfax hôm thứ Tư 8/12.
Interfax dẫn lời Phó Giám đốc Nhà máy Zelenodolsk Gorky Sergei Rudenko rằng nếu hai tàu Gepard đầu tiên của Việt Nam được trang bị các tên lửa hiện đại nhất hiện nay của Nga thì hai tàu tiếp theo sẽ được "trang bị thêm các thiết bị chống ngầm".
Thiết bị chống tàu ngầm
Ông Rudenko cũng cho hay ngoài Việt Nam, 'một số nước Đông Nam Á khác' cũng quan tâm tới loại tàu hộ tống hiện đại này.
Ông được dẫn lời nói: "Chúng tôi đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia. Họ cũng đang muốn mua hai chiếc tàu loại này".
Được biết giá trị mỗi chiếc Gepard 3.9 có thể lên tới trên 150 triệu đôla.
Tổng cộng tại hội chợ Langkawi, nhà xuất khẩu vũ khí của Nga đã ký hợp đồng tổng trị giá 36 tỉ đôla với 70 quốc gia, hơn năm ngoái là 1 tỷ.
Theo ông Rudenko, hai chiếc Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ được trang bị hỏa tiễn tấn công, trong khi hai chiếc mà Việt Nam mới ký hợp đồng mua sẽ có thêm thiết bị chống tàu ngầm và các vũ khí khác.
Tàu hộ tống Gepard 3.9 sử dụng công nghệ tàng hình (Stealth technology), có khả năng hiện diện tối thiểu trên màn hình radar của đối phương.
Hai tàu đã giao cho Hải quân Việt Nam là thế hệ Gepard đời mới nhất của nhà máy Zelenodolsk, mất tới hai năm rưỡi để chế tạo từ mẫu đang hoạt động thuộc lớp Project 11661.
Ngoài các hộ tống hạm Gepard nói trên, Việt Nam còn có một số tàu tuần tra và tàu mang tên lửa khác, đa phần cũng mua từ Nga.
Tính năng kỹ thuật của Gepard 3.9
Gepard 3.9 có khả năng hoạt động độc lập cũng như có thể tác chiến với cả tàu ngầm và tàu chiến, tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Gepard 3.9 rẽ nước 2.100 tấn, dài 102,2m, rộng 13,1m, mớn nước cao 3,8m.
Tốc độ tối đa 28 hải lý/ giờ.
Tầm hoạt động 5.000 hải lý.
Độ dài của một chuyến đi: 20 ngày.
Sử dụng turbine dùng cả dầu và khí gas có thể đi 5.000 dặm mà không cần tiếp nhiên liệu.
Hệ thống vũ khí
Gepard 3.9 được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Uran gồm 4 bệ phóng, mỗi bệ có 16 quả tên lửa chống tàu nổi Kh - 35E.
Một súng 76,2 mm AK-176M đặt ở mũi tùi dùng để chống mục tiêu trên mặt nước, mặt đất và máy bay tầm thấp có tốc độ bắn 60-120 phát mỗi phút, tiêu diệt mục tiêu ở cự ly trên 15km và bay cao 11,5km.
3 tên lửa pháo phòng không cao tốc Palma-SU có thể đánh chặn đồng thời 6 mục tiêu ở cự ly 200-8.000m và bay cao 3.500m, thời gian phản ứng của hệ thống là 3,5s.
Các pháo AO-18KD 30mm có tầm bắn xa 200-4.000 m và bắn cao đến 3.000 m. Cơ số đạn 1.500 viên đạn xuyên giáp, phá-mảnh hoặc cháy. Các khẩu pháo có tốc độ bắn tối đa 10.000 phát một phút.
2 súng máy 30mm AK-630 M.
2 ống phóng ngư lôi 533 mm.
1 dàn 12 ống phóng rocket RBU-6000 chống ngầm.
Ngoài ra, Gepard có thể mang theo một máy bay trực thăng hải quân Ka-28 hoặc máy bay trực thăng KA-31 ở đuôi tàu có nhiệm vụ chính là chống ngầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét