Vibay

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Châu Âu ‘không xin xỏ’ Trung Quốc

(BBC-31/10/11) Hai ngày trước khi từ nhiệm, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet nói việc quỹ cứu trợ của Châu Âu tìm cách huy huy động thêm tiền từ Trung Quốc là một điều ‘hoàn toàn bình thường’.

Trong một cuộc phỏng vấn với Stephanie Flanders, biên tập viên kinh tế của BBC, ông Trichet bác bỏ những ý kiến cho rằng các quốc gia trong khu vực đồng euro đang phải ‘xin xỏ’ tiền cứu trợ từ phía Trung Quốc.


Bình luận của Trichet diễn ra trong bối cảnh người đứng đầu Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) đang có cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc trong một nỗ lực để củng cố năng lực tài chính của quỹ cứu trợ.


Klaus Regling, giám đốc điều hành EFSF, đã đi Bắc Kinh, nơi ông sẽ tìm kiếm một khoản cam kết trị giá 100 tỷ đôla từ phía Trung Quốc.


Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến Vienna hôm Chủ nhật ngày 30/10 để bắt đầu chuyến thăm chính thức Áo trước khi nhóm G20 có cuộc họp thượng đỉnh quan trọng ở thành phố nghỉ mát Cannes của Pháp vào ngày 3/11 và 4/11.


Chuyến thăm này là lần thứ hai ông Hồ đến Châu Âu trong vòng một năm trong bối cảnh các lãnh đạo Châu Âu hồi tuần trước đã kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào quỹ cứu trợ của khu vực để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng.


Tuy nhiên, Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu đã giảm nhẹ hy vọng về một bước đột phá ở hội nghị thượng đỉnh G20. Ông nhấn mạnh rằng đầu tư của Trung Quốc vào quỹ cứu trợ của Châu Âu không nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị.


Chuẩn bị thay tướng


Jean-Claude Trichet, chủ tịch người Pháp của ECB, sẽ về hưu và bàn giao công việc cho Thống đốc ngân hàng trung ương Ý Mario Draghi vào thứ Ba ngày 1/11.


Theo các nhà phân tích, nhiệm kỳ tám năm của Trichet tại ECB có lẽ sẽ được nhớ đến với cuộc khủng hoảng công Châu Âu, măc̣ dù bốn năm đầu trong nhiệm kỳ của ông, nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng với một tốc độ đáng nể trong khi lạm phát vừa phải và hệ thống tài chính ổn định.


"Đến bây giờ họ (các chính phủ khu vực đồng euro) mới nhận ra rằng những quy tắc được lập ra cho khu vực cần được thực thi một cách chặt chẽ."

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet

Một số nhà phân tích các buộc ECB không phản ứng đủ nhanh với cuộc khủng hoảng. Trichet bác bỏ những lời phê phán này và chỉ ra rằng ECB là ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới cung cấp đủ thanh khoản cho hệ thống tài chính vào năm 2007.


Lên điều hành ECB trong một thời kỳ tương đối yên tĩnh, giờ đây Trichet trao lại chiếc ghế của mình cho Mario Draghi trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung Châu Âu đang đối diện với cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay.


Trichet nói với BBC rằng cuộc khủng hoảng có thể vượt qua được trong khi vẫn còn nhiều công việc khó khăn phía trước.


“Chúng tôi biết chúng tôi đang đi đâu, nhưng chúng ta phải tính đến các cơn bão, và chúng ta đang ở trong một cơn bão với quy mô toàn cầu,” ông nói.


Siêu Mario

Hội nghị thượng đỉnh eurozone

Khu vực đồng euro đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi đồng euro ra đời


Người kế nhiệm Trichet sẽ có buổi làm việc cuối cùng ở Rome hôm Thứ Hai ngày 31/10. Ông sẽ lo lắng theo dõi tình hình trái phiếu chính phủ và cổ phiếu các ngân hàng sau khi các thị trường mở cửa sau kỳ nghỉ cuối tuần.


Trong bối cảnh hỗn loạn trên chính trường và tình hình tài chính của Ý, Ngân hàng trung ương Ý được xem là một trong những định chế vẫn giữ được uy tín quốc tế.


Được mọi người gọi là 'Siêu Mario', Mario Draghi đã giúp Ngân hàng trung ương Ý lấy lại uy tín kể từ khi ông lên nắm quyền điều hành sáu năm trước đây sau khi uy tín ngân hàng bị hoen ố trong một vụ tai tiếng dính đến người tiền nhiệm của ông là Antonio Fazio.

Fazio bị cáo buộc giao dic̣h nội bộ và có thể vẫn tiếp tục ra tòa.

Trước đó, Draghi đã cảnh báo rằng ECB, vốn đang mua khối lượng lớn trái phiếu của Chính phủ Ý trong những tuần gần đây, không thể tiếp tục làm như thế vô thời hạn.


Tâm lý ‘bỏ qua’


Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Chủ tịch Jean-Claude Trichet cũng nhận định rằng lẽ ra Hy Lạp phải được kiểm tra kỹ lưỡng hơn trước khi nước này gia nhập vào khối sử dụng đồng euro.


“Đến bây giờ họ (các chính phủ khu vực đồng euro) mới nhận ra rằng những quy tắc được lập ra cho khu vực cần được thực thi một cách chặt chẽ,” ông nói.


Trước đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nói trên truyền hình Pháp rằng Hy Lạp lẽ ra không nên được chấp nhận vào khu vực đồng tiền chung vào năm 2001.


Trichet nói rằng Hy Lạp được chấp nhận vào khối sử dụng đồng euro trong bối cảnh Châu Âu đang có tâm lý ‘bỏ qua’.


“Tâm lý bỏ qua, tâm lý bỏ qua của các thị trường, tâm lý bỏ qua mà tôi cũng phải nói là của các chính phủ với tư cách cá nhân và cùng một khối, cứ để mọi việc xảy ra như thế,” ông nói.

1 nhận xét:

  1. "Đến bây giờ họ (các chính phủ khu vực đồng euro) mới nhận ra rằng những quy tắc được lập ra cho khu vực cần được thực thi một cách chặt chẽ."

    Trả lờiXóa