Vibay

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Việt Nam chế tạo thành công sơn hấp thụ sóng radar

BBC 16/12/2011 - Sơn hấp thụ sóng radar dùng cho máy bay tàng hình và thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp là hai trong số các sản phẩm quốc phòng mới mà quân đội Việt Nam nói đã 'chế tạo thành công'.


Tàu chiến Việt Nam. Ảnh: BBC

Một bản tin trên báo Quân đội Nhân dân nói các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự vừa 'nghiên cứu chế tạo thành công loại sơn hấp thụ sóng radar'.

Đây là "loại vật liệu đặc biệt dùng để sơn phủ lên bề mặt các mục tiêu quân sự nhằm bảo vệ mục tiêu trước sự phát hiện, định vị của radar đối phương".

Sử dụng loại sơn này có thể tăng ngụy trang cho các vũ khí và trang thiết bị di động, thí dụ như chiến đấu cơ 'tàng hình'.

Báo chí cho hay việc chế tạo sơn 'tàng hình' được thực hiện thông qua thay đổi hệ chất kết dính; các chất độn dẫn điện, từ cũng như các tham số cấu trúc của màng phân tử…

Loại sơn hấp thụ sóng radar mới này có ký hiệu PD/RAP-MEH. Nó được cho là "nâng cao khả năng ngụy trang đối với các thiết bị trinh sát, phát hiện và điều khiển sử dụng bức xạ sóng radar trong dải băng X (từ 8 đến 12GHz)".
Sơn PD/RAP-MEH có màu đen.

Các báo còn đưa nhiều chi tiết kỹ thuật như thành phần composite, các chỉ số về khả năng hấp thụ sóng radar, và thời gian sống của sơn sau khi pha trộn…

Điều đặc biệt là loại sơn này có thể sản xuất bằng nguyên liệu trong nước và "công nghệ chế tạo không quá phức tạp", giá thành lại rẻ hơn nhập ngoại.

Quân đội Việt Nam được nói sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất loại sơn này.

Thỏi nhiên liệu tên lửa

Trong khi đó, các chuyên gia của Viện Thuốc phóng-Thuốc nổ thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cũng cho hay 'đã nghiên cứu chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195 trong điều kiện phòng thí nghiệm'.
Thỏi nhiên liệu này dùng cho động cơ hành trình hỏa tiễn phòng không, từ tầm ngắn đến các loại tên lửa cấp chiến dịch, chiến lược.

Báo của quân đội Việt Nam cũng đánh giá rằng, bởi vì "công nghệ sản xuất thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp rất phức tạp và luôn được các quốc gia giữ bí mật" nên việc chế tạo thành công thỏi nhiên liệu tên lửa hỗn hợp 9X195 có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội Việt Nam.

Tham vọng của Việt Nam là trong tương lai có thể tự sản xuất các tổ hợp tên lửa phòng không, mà xưa nay vốn được mua từ Nga và một số quốc gia khác.

Đầu tháng 12, từ 1/12-5/12, Quân chủng Phòng không-Không quân của quân đội Việt Nam vừa có đợt diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tại trường bắn TB1, Lục Ngạn, Bắc Giang.

Tại đây, quân chủng phòng không đã kiểm tra kết quả huấn luyện năm 2011 cho các đơn vị tên lửa, pháo phòng không, tên lửa tầm thấp và ZCY-23, bắn nghiệm thu khí tài tên lửa C125-2TM và luyện tập bắt mục tiêu cho Đoàn tên lửa phòng không C-300.

Lần đầu tiên hệ thống hỏa tiễn hiện đại S-300 được đưa vào tham gia diễn tập.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/12/111216_army_new_products.shtml

sơn hấp thụ sóng radar

Viện Hóa học-Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) vừa nghiên cứu chế tạo thành công loại sơn hấp thụ sóng radar để có thể ứng dụng vào các tàu chiến, máy bay...
Sơn hấp thụ sóng radar là loại vật liệu đặc biệt dùng để sơn phủ lên bề mặt các mục tiêu quân sự nhằm bảo vệ mục tiêu trước sự phát hiện, định vị của radar đối phương.

Quân đội nhiều nước rất chú trọng nghiên cứu sản xuất các loại sơn hấp thụ sóng radar mới thông qua thay đổi hệ chất kết dính; các chất độn dẫn điện, từ cũng như các tham số cấu trúc của màng... Sơn hấp thụ sóng radar là một trong những biện pháp quan trọng để ngụy trang, tăng tính sống còn cho vũ khí trang bị kỹ thuật.

Các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học-Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) vừa nghiên cứu chế tạo thành công loại sơn hấp thụ sóng radar có ký hiệu PD/RAP-MEH sử dụng để sơn phủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật nhằm giảm thiểu thiết diện phản xạ hiệu dụng, nâng cao khả năng ngụy trang của vũ khí trang bị kỹ thuật đối với các thiết bị trinh sát, phát hiện và điều khiển sử dụng bức xạ sóng radar trong dải băng X (từ 8 đến 12GHz).


Các máy bay của Việt Nam sẽ có khả năng chiến đấu cao hơn, nếu được phủ lớp sơn hấp thụ sóng radar.

Sơn PD/RAP-MEH được chế tạo từ loại vật liệu tổn hao tổ hợp điện từ tổng hợp trên cơ sở composit của polypyrol và bari ferit.

Sơn có màu đen. Một số thông số kỹ thuật chủ yếu của sơn PD/RAP-MEH gồm: Độ nhớt quy ước: 65; thời gian khô bề mặt: 2 giờ, thời gian khô cấp 1: 8 giờ; hàm lượng chất rắn 73,2%; độ cứng: 0,23; độ bền uốn: 2mm.

Khả năng hấp thụ sóng radar trong khoảng 8 đến 12GHz (ứng với độ dày màng sơn 1mm) lớn hơn 94%. Thời gian sống của sơn sau khi pha trộn từ 2,5 đến 3 giờ...

Nguyên liệu để sản xuất sơn hấp thụ sóng radar PD/RAP-MEH có thể chủ động trong nước, trong khi công nghệ chế tạo không quá phức tạp. Qua thực tế cho thấy, sơn có thể ứng dụng tốt trong một số lĩnh vực với giá thành rẻ hơn so với sản phẩm nhập ngoại, nên việc sản xuất thành công có ý nghĩa rất quan trọng, cần tiếp tục mở rộng.

Như vậy, trong một tương lai gần, các máy bay chiến đấu, tàu chiến...của quân đội ta sẽ sớm được ứng dụng lớp sơn phủ hấp thụ sóng radar để tăng cường khả năng chiến đấu cũng như tàng hình với radar đối phương.

http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Viet-Nam-che-tao-son-hap-thu-song-radar/201112/182485.datviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét