Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tác phẩm văn học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tác phẩm văn học. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Vợ chồng A phủ - Tô Hoài

Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lý (1) Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tầng đá trước cửa, cạnh tầu ngựa.

Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi. Người ta nói: nhà Pá Tra làm thống lý, ăn của dân nhiều , đồn Tây lại cho muối về bán, giầu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuộc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải con gái thống lý: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lý.

Mỵ về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, không nhớ, cũng không ai nhớ. Những người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mỵ về làm người nhà quan thống lý.

(1) Tổ chức cai trị của đế quốc Pháp trước đặt chức thống lý cho bọn chức việc người Mông, cũng như chánh thổng, lý trưởng ở xuôi, phìa ở làng Thái.

Ngày xưa bố Mỵ lấy mẹ Mỵ không đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lý, bố của thống lý Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho nhà chủ nợ một nương ngô. Ðến tận khi hai vợ chồng về già mà cũng chưa xong nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.

Cho tới năm ấy Mỵ đã lớn, Mỵ là con gái đầu lòng. Thống lý đến bảo bố Mỵ: - Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xoá hết nợ tho.
Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, tiếc ngô, nhưng cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mỵ bảo bố rằng:
- Con đã biết cuốc nương làm ngô, con làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.

Tết năm ấy, tết vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái, bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách.
Trai đứng nhắn cả chân vách đầu buồng Mỵ.

Một đêm, khuya Mỵ nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hẹn của người yêu. Mỵ hồi hộp lặng lẽ quờ tay lên, gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ. Một ngón đeo nhẫn. Người yêu Mỵ đeo nhẫn ngón tay ấy. Mỵ nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay bắt Mỵ bước ra.
Mỵ vừa bước ra, lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mỵ rồi bịt mắt cõng Mỵ đi.

Sáng hôm sau, Mỵ mới biết mình đang ngồi trong nhà thống lý. Họ nhót Mỵ vào buồng.
Ngoài vách kia, tiếng nhạc sinh tiền cúng ma rập rờn nhảy múa.
A Sử đến nhà bố Mỵ.
A Sử nói:
- Tôi đã đem con gái bố về cúng trình ma nhà tôi. Bây giờ tôi đến cho bố biết. Tiền bạc để cưới, bố tôi bảo đã đưa cả cho bố rồi (1)
Rồi A Sử về. Ông lão nhớ câu nói của thống lý dạo trước; cho con gái về nhà thống lý thì trừ được nợ. Thế là cha mẹ ăn bạc nhà giàu kiếp trước, bây giờ người ta bắt con trừ nự. Không làm thế nào khác được rồi.
Có đến mấy tháng, đêm nào Mỵ cũng khóc.

Một hôm, Mỵ trốn về nhà, hai tròng mắt còn đỏ hoe. Trông thấy bố, Mỵ quì, úp mặt xuống đất, nức nở. Bố Mỵ cũng khóc, đoán biết lòng con gái:
- Mày về chào lậy tao để mày đi chết đấy à? Mày chết nhưng nợ tao vẫn còn quan lại bắt trả nợ. Mày chết rồi, không lấy ai làm nương ngô, trả được nợ, tao thì ốm yếu quá rồi. Không được, con ơi!

(1) người Mông có tục cướp vợ trai gái yêu nhau, bằng lòng nhau (có khi chỉ anh con trai muốn lấy người con gái giữa đêm cùng một số bạn trai khác, đến nhà hiếm). Người con trai giữa đêm cùng một số bạn trai khác, đến nhà người yêu, bí mật "cướp" đi. Hôm sau, người trai trở lại báo tin cho bố người gái ấy là tôi đã cướp được con gái ông làm vợ. Thế là phong tục bắt bố phải nhận lời. Cưới lối "cướp" như thế, người tai mất rất ít tiền.
Thường mùa xuân ăn Tết, con trai hay đi "cướp" vợ. Ðó là phong tục vui, thanh niên rất thích. Bây giờ vẫn thường xảy ra.

Mỵ chỉ bưng mặt khóc. Mỵ ném nắm lá ngón(1) xuống đất. Nắm lá ngón Mỵ đã đi tìm hai trong rừng. Mỵ vẫn giấu trong áo. Thế là Mỵ không đành lòng chết. Mỵ chết thì bố Mỵ còn khổ hơn bao nhiêu lần bây giờ.
Mỵ lại trở lại nhà thống lý.

Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mỵ chết. Nhưng Mỵ cũng không còn nghĩ đến Mỵ có thể ăn lá ngón tự tử. ở lâu trong cái khổ, Mỵ cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.
Mỵ cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, lúc nào cũng nhớ lại những việc giống nhau, mỗi năm một mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cách tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế. Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mỵ càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. ở
buồng Mỵ nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông ấy mà trông ra. Ðến bao giờ chết thì thôi.
Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên các nhà kho.
Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đốt những những lều quanh nương để
sưởi lửa. ở Hồng Ngài, người ta thành lệ, cứ ăn tết thì gặt hái vừa đoạn, không kể ngày tháng. ¡n tết thì gặt hái vừa đoạn, không kể ngày tháng. ¡n tết thế cho kịp mưa xuân xuống, đi vỡ nương mới.

(1) một thứ thuốc độc

Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, rét
càng dữ.
Nhưng trong các làng Mông Ðỏ, những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xoè như con bướm sặc sỡ. Hoa thuốc phiện nở trắng lại nở màu đỏ hau, đỏ thậm, rồi nở mầu tìm man mát. Ðám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà.
Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mỵ nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi.

"Mày có con trai con gái
Mày đi nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu"

Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.
ở mỗi đầu làng đều có một mỏm đất phẳng làm sân chơi chung ngày tết. Trai gái, trẻ con ra sân ấy tụ tập đánh pao, dánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy.

Cả nhà thống lý ăn xong bữa cơm tết cúng ma. Xung quanh chiêng đánh ầm ỹ, người ốp đồng vẫn nhảy lên xuống, rung bần bật. Vừa hết bữa cơm tiếp ngay cuộc rượu bên bếp lửa.

Ngày tết, Mỵ cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mỵ lịm mặt đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mỵ đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mỵ thổi sáo giỏi. Mùa xuân đến, Mỵ uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mỵ uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ hết núi này sang núi khác.

Rượu tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mỵ không biết. Mỵ vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mỵ mới đứng dậy. Nhưng Mỵ không bước ra đường. Mỵ từ từ vào buồng.
Chẳng năm nào A Sử cho Mỵ đi chơi hết.
Bấy giờ Mỵ ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Từ nay Mỵ thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mỵ trẻ, Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mỵ không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chì thấy nước mặt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

" Anh ném pao
Em không bắt
Em không yêu
Quả pao rơi rồi..."

A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trằng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn đương rình bắt nhiều người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mỵ nói.
Bây giờ Mỵ cũng không nói. Mỵ đến góc nhà, lấy ông mỡ, sắn một miếng, bỏ thêm voà đĩa đèn cho sáng.
Trong đầu Mỵ đang rập rờn tiếng sáo. Mỵ muốn đi chơi. Mỵ cũng sắp đi chơi. Mỵ quấn lại tóc. Mỵ với tay lấy cái váy hoa vắt phía trong vách. A Sử sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. A Sử nhìn quanh thấy Mỵ rút thêm cái áo.
A Sử hỏi:
- Mày muốn đi chơi à?
Mỵ không nói. A Sử cũng không hỏi thêm. A Sử bước lại, nắm Mỵ, lấy thắt lưng trói tay Mỵ. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trới đứng Mỵ vào cột nhà. Tóc Mỹ xoã xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột. Mỵ không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong. A Sử thắt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi phẩy tay tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại.

Trong bóng tối, Mỵ đứng im như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn. Mỵ vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mỵ đi theo những cuộc chơi. "Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào!" Mỵ vùng bước đi. Nhưng chân đau không cựa được. Mỵ không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mỵ thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này, lúc trai đang đến gò vách làm hiệu, rủ người yêu dỡ vách ra rừng chơi. Mỵ nín khóc, Mỵ lại bồi hồi.
Cả đêm Mỵ phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại tràn trề tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sửa xa xa. Mỵ lúc mê, lúc tình. Cho tới khi trời tang tảng rồi không biết sáng từ bao giờ.
Mỵ bàng hoàng tỉnh. Buổi sáng âm âm trong cái nhà gỗ rộng. Vách bên cũng im ắng. Không nghe tiếng lửa réo trong lò nấu lợn. Không một tiếng động. Không biết bên buông quanh đấy, các chị vợ anh, vợ chú của A Sử có còn ở nhà, không biết tất cả những người đàn bà khốn khổ sa vào nhà quan đã được đi chơi hay cũng đang phải trói như Mỵ. Mỵ không thể biết.
Ðời người đàn bà lấy chồng nhà giàu ở Hồng Ngài, một đời người chỉ biết đi theo đuổi con ngựa của chồng. Mỵ chợt nhớ lại câu chuyện người ta vẫn kể: đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến, vợ chết rồi. Mỵ sợ quá, Mỵ cựa quậy. Xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây chói xiết lại, đâu đứt từng mảnh thịt.

Có tiếng xôn xao phía ngoài. Rồi một đám đông vào nhà. Thống lý Pá Tra xuống ngựa vứt cương cho "thị sống" (một chức việc đi hầu thống lý như người làm mõ thời trước) dắt ngựa vào tàu. Nghe như bọn họ khiêng theo con lợn, hoặc một người phải trói, vừa vứt huỵnh xuống đất, cứ thở phò phò. A Sử chệnh choạng vào buồng. áo rách toạch một mảnh vai. Cái khăn xéo trắng loang lổ máu, xụp xuống quanh trán. A Sử nằm lăn ra giường. Thống lý Pá Tra bước vào. Theo sau thống lý, một lũ "thống quán" (Một chức việc như phó lý) "xéo phải" (như trưởng thôn) và bọn thị sống vẫn thường ra vào hầu hạ, ăn thịt uống rượu, hút thuốc phiện nhà thống lý.
Có người bấy giờ mới nhìn thấy Mỵ phải trói đứng trong cột. Nhưng cũng không ai để ý. Họ xúm lại quanh giường A Sử.
Pá Tra, tay vẫn cầm cái roi ngựa, lại từ từ đi ra. Mỵ nhắm mặt lại, không dám nhìn. Mỵ chỉ nghe hình như có tiếng ông thống lý gọi người ra ngoài. Mỵ hé nhìn ra, thấy chị dâu bước tới. Người chị dâu ấy chưa già, nhưng cái lưng quanh năm phải đeo thồ nặng quá, đã còng rạp xuống. Người chị dâu đến cởi chói cho Mỵ. Sợi dây gai bắp chân vừa lỏng ra, Mỵ ngã sụp xuống. Chị dâu khẽ nói vào tai Mỵ:
- Mỵ! đi hái thuốc cho chồng mày.
Mỵ quên cả đau đứng lên. Nhưng không nhích chân lên được. Mỵ phải ôm vai chị dâu. hai người khổ sở dìu nhau bước ra. Vào rừng tìm lá thuốc, Mỵ nghe nói lại, mới biết A Sử đi chơi bị đánh vỡ đầu.
Nửa đêm qua, A Sử vào làng tìm đến đám tiếng sáo, tiếng khèn. Nhiều
chàng trai làng ấy vào các làng khác, chơi quay, thổi sáo suốt ngày, chập tối vừa tan xong chầu rượu trong nhà, bây giờ vẫn còn chưa chịu tan về. Lúc A Sử và chúng bạn kéo đến, không còn ai chơi trong nhà. Nhưng người ra người vào còn dập dìu quanh ngõ.
A Sử đứng ngoài, tức lắm. Nó bàn với lũ khác, doạ đánh bọn trai lạ bám quanh nhà, khiến bọn A Sử bị vương không thể vào được.
Bọn A Sử ném vào vách. Ông bố trong nhà ra chửi. Vẫn ném. Ông lão vào trong cửa, bắn ra hai phát súng. Thế là tan những đám hẹn.
Nhưng cũng chưa người trai nào vội về. Họ tản vào các nhà quen trong xóm. Ðợi sáng mai lại lên sân đánh pao với con gái trong xóm.
Bọn A Sử cũng không chịu để cánh kia yên. Sáng sớm, khi họ vừa ra đầu ngõ, bọn A Sử đã kéo đến gây sự. A Sử đi trước, nạm vòng bạc rủ xuống tua chỉ xanh đỏ, chỉ riêng con cái nhà quan trong làng mới được đeo. A Sử hùng hổ bước ra. Bọn kia đứng dồn cả lại, xôn xao.
- Lũ phá đám ta hôm qua đây rồi.
- A Phủ đâu! A phủ đánh chết nó đi!
Một người to lớn chạy vụt ra, vung tay ném con quay thẳng vào mặt A Sử. Con quay gỗ ngát lăng vào giữa mặt. Nó vừa kịp bưng tay lên, A Phủ đã xộc tới, nắm vòng cổ, kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp. Người làng nghe tiếng hò hét đổ ra. Bọn trai làng lạ tản hết lên rừng. Mấy người đuổi đón đầu A Phủ.

A Phủ bị bắt sống, trói gô chân tay lại. Vừa lúc thồng s lý Pá Tra tới. Chúng nó xọc ngang cái gậy, khiêng A Phủ mang về ném xuống giữa nhà thống lý.
Mỵ đi hái được lá thuốc về, thấy trong nhà càng đông hơn lúc nãy. Ngoài sân, dưới gốc đào lại buộc thêm mấy con ngựa lạ.
Mỵ đi cửa sau vào, lé mặt nhìn thấy một người to lớn quỳ trong góc nhà. Mỵ đoán đấy là A Phủ.
Bọn chức việc cả vùng Hồng Ngài đến nhà thống lý dự đám kiện.
Các lý dịch, quan làng thống quán, xéo phải, đội mũ quấn khăn, xách gậy, cưỡi ngựa kéo đến xử kiện và ăn cỗ.
Trong nhà thống lý đã bày ra năm bàn đèn. Khói thuốc phiện tuôn ra các lỗ cửa sổ tun hút xanh như khói bếp. Cả những người chức việc bên làng A Phủ cũng tới. Chỉ bọn trai làng ấy phải ngồi khoanh tay cạnh A Phủ, vì họ bị gọi sang hầu kiện. Bọn chức việc nằm dài cả trên khay đèn.
Suốt từ trưa cho tới hết đêm, mấy chục người hút. Trên nhất là thống lý Pá Tra. Thống lý hút xong một đợt năm điếu, đến người khác, lại người khác, cứ thế lần lượt xuống tới bọn đi gọi người về dự kiện.
Chỉ có đàn bà ngồi trong buồng và đi bên ngoài dòm ngó đám xử kiện và A Phủ quỳ chịu tội ở xó nhà, không được dự tiệc hút ấy.
Một loạt người vừa hút xong, Pa Tra ngồi dậy, vuốt ngược cái đầu trọc dài, kéo đuôi tóc ra đằng trước, cất gọng lè nhè gọi:
- Thằng A Phủ ra đây.
A Phủ ra quỳ giữa nhà. Lập tức, bọn trai làng xô đến, trước nhất, chắp tay lạy lia lịa lên thống lý rồi quay lại đánh A Phủ.
A Phủ quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá...
Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Người đánh, kể, chửi , lại hút. Khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn qua các lỗ cửa sổ. Rồi Pá Tra lại ngóc cổ lên, vuốt tóc, gọi A Phủ... Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút.

Trong buồng bên cạnh, Mỵ cũng thức suốt đêm, im lặng ngồi xoa thuốc dấu cho A Sử. Lúc nào Mỵ mỏi quá, cựa mình, những chỗ lằn trói trong người lại đau ê ẩm. Mỵ lại gục đầu nằm thiếp. A Sử đạp chân vào mặt Mỵ. Mỵ choàng thức, lại nhặt nắm lá thuốc xoa đều đều trên lưng chồng.

Ngoài nhà vẫn rên lên từng cơn kéo thuốc phiện, như những con mọt nghiến ghỗ kéo dài, giữa tiếng người khóc, tiếng người kể lào xào, và tiếng đấm đánh huỳnh huỵch.

Sáng hôm sau, đám kiện đã xong. Mấy người chẳng biết từ bao giờ, ngủ ngáy ngay bên khay đèn. Bọn xéo phải đang bắc cái chảo đồng và xách ấm nước ra nấu thêm lạng thuốc để hút ban ngày cho các quan làng thật tình, các quan làng còn một tiệc ăn cỗ nữa.

Thống lý mở tráp, lấy ra một trăm đồng bạc hoa xoè bày lên mặt tráp, rồi nói:
- Thằng A Phủ kia, mày đành người thì làng xử mày phải nộp vạ cho người phải mày đánh là hai mươi đồng, nộp cho thống quán năm đông, mỗi xéo phải hai đồng, mỗi người đi gọi các quan làng về hầu kiện năm hào. Mày phải mất tiền mời các quan hút thuốc từ hôm qua tới nay. Lại mất con lợn hai mươi cân, chốc nữa mổ để các quan làng ăn vạ mày. A Phủ, mày đánh con quan làng, đáng lẽ làng xử mày tội chết, nhưng làng tha cho mày được sống mà nộp vạ. Cả tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, mày phải chịu một trăm bạc trắng. Mày không có trăm bạc thì tao cho mày vay để mày ở nợ. Bao giờ có tiền trả thì tao cho mày về, chưa có tiền trả thì tao bắt mày làm con trâu cho nhà tao. Ðời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi. A Phủ! Lại đây nhận tiền quan cho vay.

A Phủ lê hai cái đầu gối sưng bạnh lên như mặt hổ phù. A Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp, trong khi Pá Tra đốt hương, lầm rầm khấn gọi mà về nhận mặt người vay nợ. Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng chỉ nhặt làm phép lên như thế rồi lại để ngay xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lại trút cả bạc vào trong tráp.
Con lợn vừa bắt về cho A Phủ thết làng ăn vạ đã kêu eng éc ngoài sân. Ðếm tiền rồi, A Phủ không phải quỳ, phải đánh nữa.
A Phủ đứng lên cầm con dao, chân đau bước tập tễnh, cùng với trai làng ra chọc tiết làm thịt lợn hầu làng.
Trong nhà, thuốc phiện vẫn hút rào rào.

Thế là từ đấy A Phủ phải ở trừ nợ cho nhà quan thống lý. Ðốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò chăn ngựa, quanh năm một thân một mình rong ruổi ngoài gò rừng. A Phủ đương tuổi sức lực. Ði làm hay đi săn cái gì cũng phăng phăng. Không còn có lúc nào trở về làng bên. Nhưng A Phủ cũng chẳng muốn trở về làm gì bên ấy.

A Phủ cũng không phải người bên ấy. Bố mẹ đẻ A Phủ ở Hắng Bìa. Năm xưa, làng Hắn Bìa phải một trận bệnh đậu mùa, nhiều trẻ con, cả người lớn chết, có nơi chết cả nhà. Còn sót lại có một mình A Phủ. Có người làng đói bắt A Phủ đem xuống bán đổi lấy thóc của người Thái dưới cánh đồng. A Phủ mới mười một tuổi, nhưng A Phủ gan bướng, không chịu ở cánh đồng thấp.

A Phủ trốn lên núi, lưu lạc đến Hồng Ngài. Ði làm cho nhà người, lần nữa mùa này sang mùa khác. Chẳng bao lâu A Phủ đã lớn, biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo.

A Phủ khoẻ, chạy nhanh như ngựa. Con gái trong làng nhiều cô mê. Nhiều người nói: "Ðứa nào được A Phủ cũng bằng được con trâu tốt trong nhà.

Chẳng mấy lúc mà giàu". Người ta ao ước đùa thế thôi chứ phép rượu cũng chẳng to hơn phép làng, còn tục lệ cưới xin, mà A Phủ không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc, A Phủ không thể lấy nổi vợ.
Tuy nhiên, đang tuổi chơi, trong ngày tết đến, A Phủ chẳng có quần áo mới như nhiều trai khác, A Phủ chỉ có độc một chiếc vòng bằng sợi dây đồng vía lằn trên cổ. A Phủ cứ cùng trai làng đem sáo, khèn, đem con quay và quả pao, quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong vùng.
Vì thế sinh sự đánh nhau ở Hồng Ngài.

Một năm kia, phải khi đang đốt rừng. Hổ gấu từng đàn ra phá nương, bắt mất nhiều bò ngựa. Nhà thống lý lúc nào cũng đầy ngựa trong tàu trước cửa, đầy lưng bò đứng chen chân trong cột cửa, và dê, chó, lợn nằm quanh nhà. Ngày nào cũng lũ lượt hàng mấy chục con đi nương ăn. Bây giờ gặp khi rừng đói, mỗi lần bò ngựa đi nương, A Phủ phải ở lại trong rừng.
A Phủ ở lều hàng tháng ngoài nương. Ðêm đến, dồn bò ngựa về nằm chầu nhau ngủ quanh lều.

Mấy ngày A Phủ mê mải đi bẫy dím, không đếm được ngựa. Hôm ấy vào rừng thấy vết chân hổ. A Phủ vội phóng ngựa chạy vờn quanh đàn, dồn chúng quấn lại để đếm. A Phủ đếm lại mấy lần. Thiếu một con bò. A Phủ nhào vào rừng, lần theo lốt chân hổ, tìm được con bò đã bị hổ ăn thịt, chỉ còn lại một nửa mình nằm ngay dưới cây thông cụt.

A Phủ nhặt mấy miếng thịt rơi quanh đấy rồi vác nốt nửa con bò về. Nghĩ bụng: "Con hổ này to lắm. Hay còn ngưởi thấy mùi hôi quanh đây. Ta về lấy súng đi tìm, thế nào cũng bắn được".
Về đến nhà, A Phủ lẳng vai ném nửa con bò xuống gốc đào trước cửa. Pá Tra bước ra hỏi:
- Mất mấy con bò?
A Phủ trả lời tự nhiên:
- Tôi về lấy súng. Thế nào cũng bắn được. Con hổ này to lắm.
- Pá Tra hất tay, nói:
- Quân ăn cướp mất bò tao. A Sử đâu! Ðem súng đi lấy con hổ về.
Rồi Pá Tra quay lại, bảo A Phủ:
- Mày ra ngoài kia, lấy vào đây một cái cọc, một cuộn dây mây. Tao trói mày chỗ kia. Bao giờ chúng nó bắn được con hổ về thì mày khỏi phải chết. Nếu không bắn được con hổ về thì tao cho mày đứng chết ở đấy.
A Phủ cãi:
- Tôi được con hổ ấy còn nhiều tiền hơn con bò.
Pá Tra cười:
- Lấy cọc dây mây vào đây!ư
Không nói nữa, như con trâu đã đóng lên tròng. A Phủ lẳng lặng ra vác chiếc cọc gỗ rồi lấy cuộn dây mây trên gác bếp xuống. Tự tay A Phủ đóng cọc xuống bên cột, Pá Tra đẩy A Phủ vào chân cột, hai tay bắt ôm quặt lên. Rồi dây mây cuốn từ chân lên vai, chỉ còn cổ và đâu lúc lắc được.

Ðàn bà trong nhà, mỗi khi đi qua đều cúi mặt. Không một ai dám hỏi. Cũng không một ai dám nhìn ngang mặt.
Ðến đêm, A Phủ cúi xuống, nhay đứt hai vòng mây, nhích dãn dây trói một bên ta. Nhưng trời cũng vừa sáng. Pá Tra quảng thêm một vòng tròng lọng vào cổ. Thế là A Phủ không cúi, không còn lắc được nữa.

A Sử và lĩnh dõng của thống lý đi đuổi, mấy ngày không lùng bắt được con hổ. Thì cũng mấy ngày A Phủ phải trói đứng góc nhà. Ðằng kia, bếp lò bung ngô cao ngang đầu người vẫn hừng hực đỏ rực. Môi hôm hai buổi, người ta ra người vào ăn uống tấp nập. A Phủ đứng nhắm mắt, cho tới đêm khuya.

Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn. Nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mỵ cũng đến chết héo. Mỗi đêm, Mỵ dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần.

Thường khi đến gà gáy, Mỵ dậy ra bếp sưởi một lúc thật lâu, các chị em trong nhà mới bắt đầu ra dóm lò bung ngô, nấu cháo lợn.

Mỗi đêm, nghe tiếng phù phù thổi bếp, a Phủ lại mở mắt. Ngọn lửa bùng lên, cùng lúc ấy Mỵ cũng nhìn sang, thấy mắt A Phủ trừng trừng. Mới biết nó còn sống. Mấy đêm nay như thế.

Nhưng Mỵ vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. nếu A Phủ là cái xác chết đứng chết đấy, cũng thế thôi. Mỵ vẫn trở dậy, vẫn sưởi, Mỵ chỉ biết, chỉ còn ở với ngọn lửa. Có đêm A Sử chợt về thấy Mỵ ngồi đấy, A Sử ngứa tay đánh Mỵ ngã xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mỵ vẫn ra sưởi như đêm trước.

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mỵ trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mỵ trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hóm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mỵ chợt nhớ đêm năm trước, A Sử trói Mỵ, Mỵ cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người ta chết, chết đau, chết đối, chết rét, phải chết. Ta là thân phận đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ ... Mỵ phảng phất nghĩ như vậy.

Ðám than đã vạc hẳn lửa. Mỵ không thổi cũng không đứng lên. Mỵ nhớ lại đời mình. Mỵ tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó bố con thống lý sẽ đổ là Mỵ đã cởi trói cho nó, Mỵ liền phải trói thay vào đấy. Mỵ chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, nhưng làm sao Mỵ cũng không thấy sợ...

Trong nhà tối bưng, Mỵ rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mỵ tưởng như A Phủ biết có người bước lại... Mỵ rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi như rắn thở, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mỵ cũng hốt hoảng. Mỵ chỉ thì thào được một tiếng "Ði đi..." rồi Mỵ nghẹn lại. A Phủ khuỵu xuống không bước nổi.
Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vung lên, chạy.
Mỵ đứng lặng trong bóng tối.
Trời tối lắm. Mỵ vẫn băng đi. Mỵ đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc.
Mỵ thở trong hơi gió thốc lạnh buốt:
- A Phủ cho...
A Phủ chưa kịp nói, Mỵ lại vừa thở vừa nói:
- ở đây chết nất,
A Phủ chợt hiểu.
Hai người đỡ nhau lao xuống dốc núi.

Hai người đi ròng rã hơn một tháng. Họ truyền trên những triền núi cao ngất, lốm đốm nhà, thấp thoáng ruộng, đất đỏ, suối trắng tinh, trông thấy trước mặt mà đi mấy ngày chưa tới. Từ Hồng Ngài xuống qua vùng ruộng ở Mường Quài của người thái, từ Nậm Cất sang Chống Chia, từ Chống Chia qua dốc Lùng Chùng Phủng lại trở về bờ sông Ðà phía giữa châu Phù Yên sang châu Mai Sơn, chỗ đầu mối giao thông của ngoài vùng tự do vào khu du kích của các dân tộc Thái, Dao, Mèo bên kia sống. Rồi họ về trong những làng Mông Ðỏ hẻo lánh vùng Phìa Sa. Xa lắm rồi, thống lý không đuổi được nữa... họ nghĩ thế.

Ròng rã, ăn rau rừng, củ nâu, mộc nhĩ, vừa hết mùa mưa, tới Phìn Sa.
Hai người tới Phìn Sa, ở đấy không ai biết đấy là A Phủ, người ở nợ nhà thống lý. Người ta ngỡ đấy là hai vợ chồng trong một nhà đông anh em ở bên kia dốc Lùng Chùng Phủng, nương vỡ được ít mà miệng ăn thì nhiều, anh em, vợ chồng phải chia ra, đem nhau đi tìm ăn nơi khác.

Hai người nhận là vợ chồng. Mà thật thì A Phủ và Mỵ đã thành vợ chồng.
0

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lý Bạch


. Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.


Dịch nghĩa

Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút,
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.


(Năm 726)

Hoàng Hạc lâu ở tây nam huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Quảng Lăng nay thuộc huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô.

Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 10 giai đoạn từ 2007.

Bản dịch của Trần Trọng San

Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Phía tây bạn biệt Hạc lâu
Tháng ba trẩy xuống Dương Châu thuận dòng
Cánh buồm bóng hút màu không
Trông xa trắng xoá nước sông bên trời


Nguồn: Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Hoàng Hạc lầu xưa bạn cũ rời
Dương Châu hoa khói tháng ba xuôi
Buồm đơn bóng hút vào xanh biếc
Chỉ thấy Trường Giang chảy cuối trời

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

Bản dịch của Nguyễn Kỷ Niệm

Bạn cũ rời tây Hoàng Hạc lâu,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Buồm đơn, bóng lẫn vào mây biếc,
Chỉ thấy Trường Giang xuôi mãi đâu...

Bản dịch của (Không rõ)

Giã lầu Hoàng Hạc bạn lìa ta
Hoa khói Dương thành tiết tháng ba
Thăm thẳm không gian buồm một cánh
Trường giang nước chảy tới trời xa...

Bản dịch của Hải Đà

Giã từ Hoàng Hạc bạn về tây
Cảnh tiết thành Dương hoa khói bay
Nhòa nhạt trời xanh buồm khuất bóng
Trường Giang cuồn cuộn tận chân mây.

Bản dịch của Nam Long

Bạn rời từ tây Hoàng Hạc lâu,
Tháng ba sương khói đến Dương Châu.
Buồm đơn hút bóng giữa trời biếc,
Duy thấy Trường Giang cuồn cuộn mau.

Bản dịch của Túc Mỡ

Hoàng Hạc hướng tây tiễn bạn già
Tháng ba hoa khói Dương Châu xa
Buồm côi dần mất chân trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang nước chảy qua

Bản dịch của Cao Tự Thanh

Lầu Hạc về tây tiễn biệt nhau,
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu.
Buồm côi lẩn bóng vào không biếc.
Chỉ thấy Trường Giang sóng trắng màu.

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Bạn từ lầu Hạc ra đi
Dương Châu hoa khói đương kỳ tháng ba
Xanh mờ ngập cánh buồm xa
Trường Giang hút thẳm trôi qua lòng trời

0

Tĩnh dạ tứ - Thơ Lý Bạch


Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Đầu tường trăng sáng soi,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà.

Thuở nhỏ, Lý Bạch thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông đã xa quê và xa mãi. Bởi vậy, cứ mỗi lần thấy trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê nhà.

Bản dịch của Nam Trân

Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Nguồn: Thơ Đường (tập II), NXB Văn học, 1987

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Trông trăng dọi trước giường
Những ngỡ đất mù sương
Ngẩng đầu nhìn trăng tỏ
Cúi đầu nhớ cố hương

Nguồn: Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997

Bản dịch của Hải Đà

Đầu giường trăng tỏ rạng
Đất trắng ngỡ như sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.

Bản dịch của Lão Nông

Đêm nay trăng sáng rọi đầu giường
Mặt đất hình như phủ kín sương?
Ngẩng mặt nhìn trời, trăng sáng quá
Cúi đầu suy ngẫm nhớ quê hương

Bản dịch của Túc Mỡ

Ðầu giường vầng trăng gác
Trên đất phủ màn sương
Ngẩng lên nhìn trăng tỏ
Gục xuống nhớ quê hương

Bản dịch của Trúc Khê

Đầu giường ngó bóng trăng soi
Mơ màng ngỡ đám sương rơi mặt đường
Ngẩng đầu trăng sáng như gương
Cúi đầu sao nhớ quê hương ngàn trùng

Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Ánh trăng sáng đầu giường
Ngỡ mặt đất đầy sương
Ngẩng đầu trông trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương!

0

BÀNH HẢI THU – Bồ Tùng Linh

Nho sinh ở Lai Châu, là Bành Hiếu Cồ, học ở cơ ngơi khác cách nhà khá xa. Trung thu không về kịp, một mình hiu quạnh, nghĩ trong thôn chẳng có ai trò chuyện được. Chỉ có chàng thư sinh họ Khâu là danh sĩ trong huyện, nhưng vốn có tật kín, Bành thường khinh bỉ.

Trăng lên, càng thấy buồn tênh, cực chẳng đã đành viết thiếp mời Khâu. Rượu nửa chừng, có một người gõ cửa lạch cạch, tiểu đồng chạy ra xem thì là một thư sinh muốn yết kiến chủ nhân. Bành đứng lên cung kính mời khách vào. Vái chào xong, cùng ngồi quanh chiếu rượu, hỏi họ hàng quê quán, khách đáp:
– Tiểu sinh người Quảng Lăng, cùng họ với ngài, tên chữ là Hải Thu. Gặp đêm trăng đẹp thế này, ở nhà trọ càng buồn khổ. Nghe tiếng ngài là bậc cao nhã, bèn đường đột yết kiến.
Nhìn xem, người ấy áo vải mà sạch sẽ chỉnh tề, nói cười phong lưu. Bành mừng lắm nói:
– Vậy ra là người đồng tông với tôi. Ðêm nay là cái đêm gì mà gặp được khách quý thế này
Liền sai rót rượu, khoản đãi như bạn thân từ trước. Xem, khách dường như cũng rất khinh Khâu, Khâu ngẩng lên bắt chuyện, thì ngạo mạn không đáp lễ. Bành thẹn thay cho Khâu, bèn đánh lảng câu chuyện, xin hát trước một khúc dân ca cho vui. Rồi ngửa mặt dặng hắng lần nữa, hát khúc Hào Sĩ Phù Phong, cùng nhau vui cưới.
Khách nói:
– Tiểu sinh không biết hát, không lấy gì đáp lại khúc dương xuân của ngài. Xin nhờ người hát thay được chăng?
Bành đáp:
– Xin vâng.
Khách hỏi:
– Ở thành Lai Châu này có danh kỹ nào không?
Bành trả lời:
– Không có.
Khách nín lặng hồi lâu rồi bảo tiểu đồng:
– Ta vừa gọi một người đến ở ngoài cửa, hãy ra dẫn vào đây!
Tiểu đồng đi ra, quả thấy một cô gái đang loanh quanh ngoài cửa. Nàng khoảng đôi tám, xinh đẹp như tiên. Bành ngạc nhiên hết sức, kéo nàng cùng ngồi. Cô gái mặc áo màu lá liễu, choàng khăn màu vàng, hương thơm sực nức bốn bên.
Khách an ủi:
– Lặn lội ngàn dặm tới đây, thật phiền nàng quá!
Cô gái mỉm cười vâng dạ. Bành lấy làm lạ, gạn hỏi, khách đáp:
– Quê quán khổ nỗi không có giai nhân, tiểu nhân vừa phải gọi cô này trên thuyền ở Tây Hồ đến đây.
Ðoạn bảo nàng:
– Khúc Chàng Bạc Tình cô vừa hát ở trên thuyền hay lắm, xin hát lại lần nữa.
Cô gái hát rằng:

Chàng bạc tình,
Tắm ngựa ao xuân nọ,
Tiếng người xa,
Tiếng ngựa bỏ.
Trời sông cao,
Trăng núi nhỏ,
Ngoảnh đầu đi không về,
Trong sân trời rạng tỏ.
Chẳng oán xa nhau nhiều,
Sầu hội vui ít có,
Ngủ nơi nao?
Ðừng như bông theo gió.
Cho dù chẳng phong hầu,
Chớ về Lâm Cùng đó!

Khách lấy cây sáo ngọc dắt trong tất ra hoà theo tiếng hát, hết khúc thì sáo cũng dừng.

Bành sửng sốt khen mãi không thôi, rồi hỏi:
– Từ Tây Hồ đến đây đâu chỉ ngàn dặm? Thế mà trong phút chốc vời đến được, chẳng là tiên hay sao?
Khách đáp:
– Ðâu dám nói đến tiên, nhưng có thể coi muôn dặm gần như ngoài cửa. Ðêm nay trăng gió trên Tây Hồ đẹp hơn mọi khi nhiều, không lẽ không đến xem một chuyến? Ngài theo chơi được chăng?
Bành đang để tâm xem sự lạ liền nhận lời đáp:
– Rất hân hạnh.
Khách hỏi:
– Ngài đi thuyền hay cưỡi ngựa?
Bành nghĩ ngồi thuyền nhàn nhã hơn bàn nói:
– Xin cho đi thuyền.
Khách bảo:
– Nơi đây gọi thuyền hơi xa, trên sông Ngân hẳn có người chở đò.
Bèn giơ tay vẫy lên không, gọi:
– Thuyền ơi! thuyền xuống đây! Bọn tôi muốn đến Tây Hồ, không sẳn tiền thưởng đâu.
Lát sau, một chiếc thuyền hoa từ trên không lướt xuống, khói mây quấn quýt. Họ cùng lên thuyền. Thấy một người cầm bơi chèo ngắn, đoạn cuối gài kín lông chim dài, hình dáng như cái quạt lông, phẩy một cái là gió mát vi vu. Thuyền dần dần lên tít mây xanh, nhằm hướng Nam lướt tới, vùn vụt như tên.
Khoảnh khắc thuyền đã hạ xuống nước. Chỉ nghe sáo đàn rộn rã, chiêng trống vang lừng. Ra khỏi khoang nhìn, trăng in khói sóng, thuyền chơi họp chợ, người lái buông chèo, mặc thuyền tự trôi. Nhìn kỹ, quả là Tây Hồ thật.
Khách lấy ra từ sau khoang món nhắm lạ và rượu ngon, vui vẻ đối ẩm. Lát sau, một chiếc thuyền lầu tới gần rồi đi sát ngay bên cạnh. Nhòm qua song cửa thấy trong thuyền có hai người đang cười rộ bên bàn cờ.
Khách đưa chén rượu mời cô gái, nói:
– Cạn chén, rồi đưa cô về.
Trong lúc cô gái nâng chén, Bành bịn rịn bồi hồi, chỉ sợ nàng đi mất, bàn lấy chân bấm khẽ. Nàng đưa mắt liếc ngang, Bành càng xao xuyến, xin hẹn ngày gặp lại.
Cô gái nói:
– Nếu chàng có lòng thương, cứ hỏi tên Quyên Nương là ai cũng biết.
Khách lấy ngay khăn lụa của bành trao cho nàng, bảo:
– Tôi thay ông ấy đính ước lời hẹn ba năm sau.
Ðoạn khách đứng lên, đặt cô gái trên lòng bàn tay nói:
– Tiên chăng! tiên chăng!
Rồi kéo cửa sổ thuyền bên, bỏ cô gái sang. Mắt cửa chỉ bằng cái đĩa nàng ép mình trườn vào, không cảm thấy bị chật hẹp chút nào. Lát sau nghe thuyền bên có tiếng nói:
– Quyên Nương tỉnh rồi!
Tức thì thuyền ấy chèo đi ngay. Xa trông thuyền nọ đã ghé bến, người dưới thuyền kéo cả lên bờ, Bành bỗng mất hứng chơi, bèn nói với khách muốn lên bờ cùng xem qua đây đó. Vừa mới thương lượng, thuyền đã tự cập bờ, nhân đó bỏ thuyền lên bộ dạo quanh chừng hơn một dặm. Khách đến sau, dắt một con ngựa, bảo Bành giữ lấy. Rồi khách lại đi ngay, dặn rằng:
– Ðợi tôi mượn thêm hai con ngựa nữa.
Mãi không thấy khách đến, đường đã vắng người, ngìng trông trăng đã xế về Tây, trời đã sắp rạng. Khâu cũng không biết đi đường nào. Bành dắt con ngựa tới lui, không biết nên đi hay ở. Khi giong cương cho ngựa tới nơi đậu thuyền thì cả người lẫn thuyền đều chẳng thấy đâu. Bành nghĩ lưng túi rỗng không, càng thêm lo sợ. Trời đã sáng rõ, thấy trên mình ngựa có một túi nhỏ, thò tay xem, được ba bốn lạng bạc, bèn mua thức ăn rồi cứ đợi, bất giác gần trưa. Bành tính chi bằng hỏi thăm Quyên Nương dần dà sẽ hỏi được tin Khâu nhưng khi hỏi đến tên Quyên Nương thì chẳng một ai biết cả. Bành cụt hứng buồn tênh, hôm sau lên đường. Ngựa chạy tốt, may không liệt nhược, nửa tháng về tới nhà.
Lúc ba người cưỡi thuyền bay lên, tiểu đồng về báo:
– Ông chủ đã lên tiên rồi!
Cả nhà đau buồn khóc lóc, nghĩ rằng không về nữa. Bành về tới nhà, buộc ngựa bước vào, người nhà sửng sốt mừng rỡ, xúm lại hỏi han, bấy giờ Bành mới kể hết những sự lạ. Nhân nghĩ chỉ một mình về quê quán, e bên nhà Khâu nghe tin sẽ đến gạn hỏi, bèn răn người nhà chớ nói rộng ra. Trong lúc chuyện trò, Bành kể đến lai lịch con ngựa. Mọi người nghe nói của tiên cho bàn kéo cả ra chuồng xem. Tới nơi chẳng thấy ngựa đâu, chỉ thấy chàng Khâu bị buộc cạnh chuồng ngựa bằng giây cương cỏ. Ai nấy kinh hãi quá sức, gọi Bành đến xem. Thấy Khâu gục đầu dưới máng cỏ, mặt mày xám ngắt, hỏi không nói, duy hai mắt lúc nhắm lúc mở mà thôi. Bành thấy bất nhẫn quá,sai người cởi giây cương vực lên giường.
Khâu như người mất hồn, đổ nước cháo nóng cho, nuốt được chút ít, giữa đêm hơi tỉnh vội đòi ra nhà tiêu. Xốc nách nách đưa đi. Khâu xón ra được mấy cục phân ngựa. Lại cho ăn uống tí chút, bấy giờ mới nói được, Bành đến bên giường hỏi han, Khâu kể:
– Sau khi rời thuyền, hắn dẫn tôi đi nói chuyện phiếm. Ðến chỗ vắng, hắn vỗ đùa vào gáy, tôi liền mê mẩn ngã lăn ra. Nằm phục giây lát, nhìn lại thấy mình đã hoá ngựa. Tâm trí vẫn tỉnh táo nhưng không nói được. Thật là chuyện vô cùng nhục nhã, không sao nói với vợ con được. Xin bác chớ tiết lộ.
Bành nhận lời, sai người hầu thắng ngựa đưa Khâu về.
Từ đấy Bành không sao quyên được Quyên Nương. Ba năm sau, vì có người anh rể làm chức quan Phán ở Dương Châu, Bành nhân đến thăm. Châu này có Lương công tử là chỗ thân quen với Bành, mở tiệc mời chàng đến uống rượu. Trong tiệc có mấy đào hát đều đến vái chào. Công tử hỏi đến Quyên Nương, người nhà thưa là bị ốm.

Công tử giận dữ nói:
– Con tiện tỳ cao ngạo thanh giá, hãy mang thừng trói đem đến đây!
Bành nghe đến tên Quyên Nương, giật mình hỏi là ai. Công tử đáp:
– Nó là con hát số một ở Quảng Lăng. Cậy có chút tiếng tăm mới dám kiêu căng vô lễ.
Bành ngờ tên họ ngẫu nhiên trùng nhau, nhưng lòng vẫn xúc động hồi hộp, chỉ mong được thấy mặt ngay. Lát sau, Quyên Nương đến, công tử hầm hầm kể tội.

Bành nhìn kỹ, quả là người đã gặp trong tiết trung thu, bèn thưa với công tử:
– Cô này là chỗ tôi quen biết cũ, mong ông tha thứ
Quyên Nương đưa mắt ngắm Bành, dường như cũng ngạc nhiên.

Công tử chưa vội hỏi kỹ đã sai người mời rượu. Bành hỏi:
– Khúc Chàng Bạc Tình nàng còn nhớ chăng?
Quyên Nương càng kinh hãi, chăm chú nhìn Bành rồi mới hát khúc xưa. Lắng nghe, đúng là tiếng hát đêm trung thu năm ấy.
Rượu tàn, công tử sai nàng chăn gối hầu khách. Bành nắm lấy tay nàng hỏi:
– Lời hẹn ba năm hôm nay mới thực hiện được chăng?
Quyên Nương đáp:
– Năm xưa theo người đi chơi thuyền Tây Hồ, em uống chưa được mấy chén đã như say. Trong lúc choáng váng bị một người nhấc đem đến một thôn nọ. Một tiểu đồng dẫn em vào nhà trên chiếu rượu có ba người, chàng là một trong số đó. Sau lại đi thuyền đến Tây Hồ , người ta mới đưa em về thuyền cũ qua mắt cửa sổ. Mỗi khi nhớ lại lúc cầm tay ân cần, cứ bảo là mộng ảo. Nhưng khăn lụa còn đây, em vẫn gói kỹ cất đi.
Bành kể nguyên do rồi cùng nhau than thở. Quyên Nương ngả mình vào lòng Bành, nức nở nói:
– Tiên đã làm mối, xin chàng đừng cho em là kẻ phong trần đáng vứt bỏ mà thôi không nghĩ đến người đang ở trong bể khổ này.
Bành đáp:
– Lời hẹn trên thuyền chưa ngày nào tôi lãng quên.

Sáng hôm sau, thưa chuyện với công tử, lại vay mượn quan Biệt giá ngàn vàng, xoá sổ cho nàng rồi đưa nhau về quê. Tình cờ đến cơ ngơi nọ, nàng vẫn nhận ra nơi uống rượu năm nào.

BỒ TÙNG LINH
0

HỒNG NGỌC – Bồ Tùng Linh


Ông cụ họ Phùng người Quảng Bình có một con trai tên chữ là Tương Như. Hai bố con cùng là Chư sinh. Ông Phùng tuổi gần sáu mươi, tính ương ngạnh mà nhà vẫn thiếu thốn. Trong khoảng vài năm, vợ và con dâu lại cùng mất cả, việc cơm nước đều phải tự làm lấy.

Một đêm, Tương Như ngồi dưới bóng trăng, chợt thấy người con gái láng giềng từ bên kia tường nhòm sang. Chàng nhìn thấy đẹp, đến gần thấy hé cười, lấy tay vẫy, không đến, cũng không di, cố nài mãi mới trèo thang sang. Liền ăn nằm với nhau. Hỏi họ tên, cô gái nói:

– Thiếp là con gái nhà láng giềng, tên là Hồng Ngọc.

Chàng rất yêu, xin cùng nàng tính chuyện lâu dài. Cô gái nhận lời. Từ đấy, đêm đêm thường đi lại, được độ nửa năm. Một đêm, ông Phùng thức dậy, nghe có tiếng con gái cười nói, nhòm vào gian nhà của con thì nhìn thấy cô gái. Giận lắm, gọi chàng ra mắng:

– Ðồ súc sinh, làm cái trò gì thế? Cửa nhà sa sút như thế, còn không biết chịu khó gìn giữ, lại còn học thói đàng điếm ư? Người ta biết ra thì phẩm hạnh của mày còn ra gì nữa! Dẫu người ta không biết thì tuổi thọ của mày cũng giảm.

Chàng quỳ xuống nhận lỗi, khóc xin hối cải. Ông cụ mắng cô gái:

– Con gái không biết giữ phép buồng khuê, đã nhuốc mình lại làm nhuốc cả người. Nếu việc vỡ lở ra, hẳn không chỉ một mình nhà này xấu hổ.

Mắng xong, bực tức trở về nhà ngủ. Cô gái chảy nước mắt nói:

– Lời bố quở trách thật là thẹn nhục! Duyên phận hai ta thôi thế là hết.

Chàng nói:

– Còn cha, con không được tự quyết định. Nếu nàng còn có tình, thời nên cố gắng ngậm tủi làm lành.

Cô gái muốn quyết tuyệt. Chàng nghe, sa nước mắt. Cô gái lại khuyên giải, nói:

– Thiếp với chàng không có lời của mối lái, không có lệnh của cha mẹ, chỉ là trèo tường chui gạch mà theo nhau, thì sao có thể cùng nhau đầu bạc được? Vùng này có một người tốt đôi với chàng, có thể hỏi làm vợ.

Chàng phàn nàn nhà nghèo, cô gái nói:

– Tối mai xin đợi, tôi sẽ mưu tính cho.

Ðêm hôm sau, cô gái quả nhiên đến, bỏ bốn mươi lạng bạc ra tặng chàng, nói rằng:

– Cách đây sáu mươi dặm, ở thôn Ngô có người con gái họ Vệ, tuổi đã mười tám, còn cao giá nên chưa ai lấy; chàng đưa nhiều tiền thì ắt phải xong việc.

Nói xong, từ biệt mà đi. Chàng tựa lúc thuận tiện, thưa với bố, muốn xin đi xem mặt, nhưng câu chuyện số tiền thì giấu đi, không dám nói cho bố biết. Ông Phùng tự lượng nhà nghèo, lấy cớ đó gạt đi. Chàng lại tìm lời ôn tồn nói với bố cứ thử đến xem cho biết thôi. Ông cụ gật đầu.

Chàng bèn thuê đầy tớ và người ngựa đi đến nhà họ Vệ. Vệ vốn là người làm ruộng. Chàng gọi ra ngoài nói chuyện riêng. Vệ biết chàng là con nhà dòng, lại thấy dáng vẻ đàng hoàng, trong bụng đã bằng lòng, nhưng còn ngại chàng kỳ kèo tiền nong chăng.

Chàng nghe ông cụ nói ngập ngừng, đã biết , bàn dốc tiền trong túi ra, bày trên bàn. Vệ mừng, nhờ người học trò bên láng giềng đứng giữa, viết tờ giấy đỏ mà giao ước với nhau. Chàng vào nhà chào lạy cụ, thấy nhà cũng chật hẹp, cô gái đứng nấp sau mẹ. Chàng đưa mắt nhìn, tuy ăn mặc xuềnh xoàng mà thần sắc tinh anh rực rỡ, bụng mừng thầm. Vệ mượn tạm nhà bên để tiếp đãi chàng rể và nói:

– Công tử không cần đón dâu, đợi may được ít quần áo sẽ đưa đến tận nơi

Chàng liền hẹn ngày rồi về, nói dối với bố rằng:

– Họ Vệ mến nhà ta dòng dõi thanh bạch nên không đòi tiền.

Ông cụ cũng mừng.

Ðến ngày hẹn, Vệ quả đưa cô gái đến. Cô gái siêng năng dè sẻn, lại thuần tục nết na, tình nghĩa vợ chồng thật là thắm thiết. Hơn hai năm sau, sinh được một con trai, đặt tên là Phúc Nhi.

Nhân ngày tết Thanh Minh, bố con đi thăm mộ, gặp kẻ thân hào trong huyện họ Tống. Tống nguyên làm quan Ngự Sử trong triều, phạm tội tham tang, phải cách chức về làng, những vẫn giương oai hà hiếp người. Hôm đó cũng đi thăm mộ về, thấy cô gái cho là đẹp, hỏi người trong thôn biết là vợ chàng. Nghĩ Phùng là học trò nghèo, đem nhiều của ra dụ dỗ, có thể làm cho đổi lòng. Liền sai người bắn tin cho chàng. Chàng nghe thấy, giận hiện ra mặt, rồi lại nghĩ thế không địch nổi với Tống, bàn nén giận làm vẻ tươi cười, về nói với bố. Ông Phùng giận lắm, chạy ra trước mặt người nhà họ Tống, trỏ trời vạch đất mắng nhiếc tàn tệ. Tên người nhà ôm đầu lủi đi mất. Họ Tống cũng tức giận, sai mấy đứa xông vào nhà chàng, đánh cả bố lẫn con, làm sôi sùng sục. Cô gái nghe thấy, bỏ con xuống giường, xoã tóc chạy ra kêu cứu. Chúng bèn cướp lấy, khiêng lên rồi ầm ầm kéo đi. Hai bố con bị đánh sụm, rên rĩ trên đất; đứa bé khóc oe oe trong nhà. Hàng xóm láng giềng cùng thương hại, xóc đỡ đặt lên giường. Qua ngày sau, chàng chống gậy mới đứng lên được, còn ông cụ thì tức giận không ăn rồi thổ huyết mà chết.

Chàng lăn khóc, ẵm con đi kiện Ðốc Phủ. Kiện hầu khắp mọi nơi, rút cục vẫn không thắng, sau lại nghe nói vợ không chịu khuất phục mà chết, lại càng đau xót. Khí oan đầy bụng, không lối nào giãi bày được. Thường nghĩ muốn đón đường đâm Tống chết, nhưng lo đầy tớ nó đông, con nhỏ, lại không gửi được. Ngày đêm buồn bã nghĩ ngợi, hai mắt không chớp nổi.

Chợt có một người đàn ông đến viếng nhà, râu quăn, hàm bạnh, xưa nay chưa từng quen. Chàng mời ngồi, toan hỏi họ tên quê quán, khách đã vội nói trước:

– Ông có cái thù người ta giết mất bố, cướp mất vợ mà không báo ư?

Chàng ngỡ là người của Tống sai đến dò hỏi, nên chỉ trả lời ậm ừ cho xong. Khách giận, mắt trợn tròn muốn rách khóe, liền bước ra nói:

– Tôi tưởng anh là người, nay mới biết anh là thằng hèn không đáng đếm xỉa.

Chàng xét thấy có cái gì là lạ, liền quỳ xuống, kéo áo khóc nói rằng:

– Thực ra vì sợ là người nhà họ Tống đến dò la, nay xin giãi bày hết tâm can. Cái điều nằm gai nắm mật của tôi, kể đã nhiều ngày rồi vậy; chỉ thương hòn máu trong bọc này, sợ rồi tuyệt tự mất. Ngài là bậc nghĩa sĩ, liệu có thể vì tôi mà làm chàng Chữ Cu được chăng?

Khách nói:

– Ðó là việc của đàn bà con gái, tôi không làm được. Cái việc ông muốn nhờ người, xin hãy tự làm lấy, còn cái việc ông muốn tự làm thì tôi xin làm thay cho.

Chàng nghe nói, đập đầu xuống đất. Khách chẳng thèm ngoái lại, bỏ đi ra. Chàng chạy theo hỏi họ tên, đáp rằng:

– Việc không xong, không oán; việc xong không nhận ơn.

Rồi đi liền.

Chàng sợ vạ đến mình, ẵm con đi trốn.

Ðến đêm, cả nhà họ Tống đang ngủ, có người vượt qua mấy lần tường, giết ba cha con nhà Ngự Sử với một thị tì, một con dâu. Nhà họ Tống làm tờ trạng cáo quan, quan rất kinh hãi. Tống cố vu cho Tương Như. Vì thế quan cho lính đi bắt chàng. Chàng trốn không ai biết là đi đâu, vì thế càng cho là thật. Ðầy tớ nhà họ Tống cùng với nhà quan đi lùng khắp nơi, đêm đến núi Nam Sơn, nghe có tiếng trẻ khóc, lần tìm ra được, liền trói mang về. Ðứa bé càng khóc dữ, chúng liền giật lấy vứt đi. Chàng oan ức muốn chết. Khi gặp quan lệnh ở huyện, quan hỏi tại sao giết người? Chàng thưa:

– Thực là oan! Nhà họ Tống chết về đêm, tôi ra đi từ ban ngày; vả lại ẵm đứa nhỏ khóc oe oe như vậy thì leo tường giết người sao được?

Quan lệnh nói:

– Không giết người sao lại đào tẩu?

Chàng đuối lý, không biện bạch được nữa. Liền giam vào ngục. Chàng khóc nói rằng:

– Tôi chết cũng không tiếc nhưng đứa bé mồ côi kia có tội tình gì?

Quan lệnh nói:

– Mày giết con người ta đã nhiều, thì giết con mày còn oán gì nữa?

Chàng bị lốt áo mũ nho sinh lại bị cùm kẹp, đánh đập khổ sở nhưng cung không xưng nhận điều gì.

Quan lệnh đêm hôm ấy nằm ngủ bỗng nghe có vật gì cắm phập vào giường, kêu bần bật thành tiếng, sợ quá kêu lên. Cả nhà giật mình thức dậy, xúm lại đốt đuốc soi, thấy một con dao ngắn lưỡi sắc nhọn sáng loáng, găm vào giường, sâu xuống gỗ đến hơn một tấc, chặt cứng không thể rút ra được. Quan lệnh trông thấy, sợ hết hồn vía, cho người cầm giáo đi lùng khắp nơi cũng không thấy tung tích gì cả. Bụng cũng nản, lại nghĩ: người nhà họ Tống đã chết rồi, không có gì phải kiềng họ nữa, bèn trình bẩm lên quan trên để giải oan cho chàng rồi tha về.

Chàng về đến nhà, trong hũ không còn một đấu gạo,một mình một bóng ngồi trông bốn bức tường mà thôi. May được nhà hàng xóm thương xót cho ăn uống, tạm bợ sống qua ngày. Nghĩ đến cái thù lớn đã trả được thì mừng đến tươi tỉnh lại; nhưng nghĩ đến cái hoạ thảm khốc, suýt nữa chết cả một nhà thì nước mắt lại đầm đìa sa xuống; lại nghĩ nửa đời nghèo xác dòng dõi không ai nối, thì ở nơi vắng người bỗng khóc rống lên, khản cả tiếng không tự nén giữ được.

Như thế chừng nửa năm, việc bắt bớ cũng nhạt dần, bèn kêu xin với quan huyện được mang hài cốt họ Vệ về. Chôn cất xong, đau xót muốn chết. Một mình trằn trọc trên giường, nghĩ không còn cách gì để sống.

Bỗng có người gõ cửa, chàng chú lắng nghe, thấy ngoài cửa có tiếng một người đang nói chuyện với trẻ con. Chàng vội dậy, dòm xem thì hình như một người con gái. Cánh cửa vừa mở, liền hỏi:

– Cái oan lớn đã được rửa, may không việc gì chứ?

Tiếng nói nghe quen lắm,mà trong lúc thảng thốt không thể nhớ được. Ðánh lửa soi thì ra Hồng Ngọc, dắt một đứa nhỏ cười đùa ở dưới đầu gối. Chàng chẳng kịp hỏi, ôm lấy cô gái mà khóc oà. Cô gái cũng thảm đạm lắm. Rồi đẩy đứa bé mà nói:

– Mày quên bố mày rồi ư?

Ðứa bé nắm lấy áo cô gái, mắt chòng chọc nhìn chàng. Chàng nhìn kỹ thì ra Phúc Nhi. Giật mình kinh hãi, khóc mà nói rằng:

– Sao con lại về đây được?

Cô gái nói:

– Nói thực với chàng, trước kia thiếp nói là con gái bên láng giềng là nói dối đấy, thiếp thực là hồ. Nhân đi đêm thấy tiếng trẻ khóc trong hang, liền bế về nuôi ở Tần. Nghe nạn lớn đã yên nên đem con về cùng chàng đoàn tụ.

Chàng gạt nước mắt lạy tạ. Ðứa bé ngồi trong lòng cô gái y như nương tựa vào mẹ đẻ, thật không nhận ra bố nữa. Trời chưa sáng, cô gái đã trở dậy. Hỏi thì đáp:

– Kẻ hèn mọn này muốn đi đây.

Chàng chưa mặc áo, quỳ ở đầu giường, khóc không ngẩng mặt lên được nữa. Cô gái cười nói rằng:

– Thiếp nói dối chàng đấy. Nay nhà đương gây dựng lại, không thức khuya dậy sớm sao được?

Rồi phát cỏ, quét dọn, làm như đàn ông vậy. Chàng lo nhà nghèo túng, không thể đủ ăn. Cô gái nói:

– Chỉ xin chàng cứ việc buông màn đọc sách không phải hỏi đến thiếu đủ, may không đến nỗi chết đói nào.

Rồi bỏ tiền sắm khung cửi dệt vải, lại thuê vài mươi mẫu ruộng, mướn người cày cấy, vác phạng đi phát tranh, kéo lá lợp nhà, hàng ngày như thế, coi là việc thường. Làng xóm nghe nói có vợ hiền càng vui lòng giúp đỡ. Chừng nửa năm sau, cảnh nhà thịnh vượng, như thể một nhà giàu lớn.

Một hôm chàng nói:

– Sau lúc tro tàn, nhờ mình tay trắng gây dựng lại, nhưng còn một việc chưa được thoả mãn, biết làm thế nào?

Hỏi là việc gì, chàng đáp:

– Kỳ thi sắp đến, mà khăn áo chưa lấy lại được?

Cô gái cười nói:

– Trước đây thiếp đã lấy bốn lạng vàng gửi lên quan quảng văn đã lấy lại được tên vào sổ. Ðợi chàng nhắc thì đã lỡ lâu rồi còn gì?

Chàng càng cho là thần. Khoa ấy, chàng đỗ thi Hương. Bấy giờ tuổi vừa ba mươi sáu, ruộng tốt liền bờ, nhà cửa cao rộng. Cô gái người vẫn mảnh dẻ tưởng như gió thổi là bay, mà làm lụng quá con nhà nông. Tuy mùa đông rét buốt vẫn chịu khó làm, mà bàn tay vẫn mềm mại như mỡ đông. Tự nói là ba mươi tám tuổi, người ta trông chỉ chừng đôi mươi.

Dịch Giả : ĐỖ NGỌC TOẠI
0