Vibay

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

HỒNG NGỌC – Bồ Tùng Linh


Ông cụ họ Phùng người Quảng Bình có một con trai tên chữ là Tương Như. Hai bố con cùng là Chư sinh. Ông Phùng tuổi gần sáu mươi, tính ương ngạnh mà nhà vẫn thiếu thốn. Trong khoảng vài năm, vợ và con dâu lại cùng mất cả, việc cơm nước đều phải tự làm lấy.

Một đêm, Tương Như ngồi dưới bóng trăng, chợt thấy người con gái láng giềng từ bên kia tường nhòm sang. Chàng nhìn thấy đẹp, đến gần thấy hé cười, lấy tay vẫy, không đến, cũng không di, cố nài mãi mới trèo thang sang. Liền ăn nằm với nhau. Hỏi họ tên, cô gái nói:

– Thiếp là con gái nhà láng giềng, tên là Hồng Ngọc.

Chàng rất yêu, xin cùng nàng tính chuyện lâu dài. Cô gái nhận lời. Từ đấy, đêm đêm thường đi lại, được độ nửa năm. Một đêm, ông Phùng thức dậy, nghe có tiếng con gái cười nói, nhòm vào gian nhà của con thì nhìn thấy cô gái. Giận lắm, gọi chàng ra mắng:

– Ðồ súc sinh, làm cái trò gì thế? Cửa nhà sa sút như thế, còn không biết chịu khó gìn giữ, lại còn học thói đàng điếm ư? Người ta biết ra thì phẩm hạnh của mày còn ra gì nữa! Dẫu người ta không biết thì tuổi thọ của mày cũng giảm.

Chàng quỳ xuống nhận lỗi, khóc xin hối cải. Ông cụ mắng cô gái:

– Con gái không biết giữ phép buồng khuê, đã nhuốc mình lại làm nhuốc cả người. Nếu việc vỡ lở ra, hẳn không chỉ một mình nhà này xấu hổ.

Mắng xong, bực tức trở về nhà ngủ. Cô gái chảy nước mắt nói:

– Lời bố quở trách thật là thẹn nhục! Duyên phận hai ta thôi thế là hết.

Chàng nói:

– Còn cha, con không được tự quyết định. Nếu nàng còn có tình, thời nên cố gắng ngậm tủi làm lành.

Cô gái muốn quyết tuyệt. Chàng nghe, sa nước mắt. Cô gái lại khuyên giải, nói:

– Thiếp với chàng không có lời của mối lái, không có lệnh của cha mẹ, chỉ là trèo tường chui gạch mà theo nhau, thì sao có thể cùng nhau đầu bạc được? Vùng này có một người tốt đôi với chàng, có thể hỏi làm vợ.

Chàng phàn nàn nhà nghèo, cô gái nói:

– Tối mai xin đợi, tôi sẽ mưu tính cho.

Ðêm hôm sau, cô gái quả nhiên đến, bỏ bốn mươi lạng bạc ra tặng chàng, nói rằng:

– Cách đây sáu mươi dặm, ở thôn Ngô có người con gái họ Vệ, tuổi đã mười tám, còn cao giá nên chưa ai lấy; chàng đưa nhiều tiền thì ắt phải xong việc.

Nói xong, từ biệt mà đi. Chàng tựa lúc thuận tiện, thưa với bố, muốn xin đi xem mặt, nhưng câu chuyện số tiền thì giấu đi, không dám nói cho bố biết. Ông Phùng tự lượng nhà nghèo, lấy cớ đó gạt đi. Chàng lại tìm lời ôn tồn nói với bố cứ thử đến xem cho biết thôi. Ông cụ gật đầu.

Chàng bèn thuê đầy tớ và người ngựa đi đến nhà họ Vệ. Vệ vốn là người làm ruộng. Chàng gọi ra ngoài nói chuyện riêng. Vệ biết chàng là con nhà dòng, lại thấy dáng vẻ đàng hoàng, trong bụng đã bằng lòng, nhưng còn ngại chàng kỳ kèo tiền nong chăng.

Chàng nghe ông cụ nói ngập ngừng, đã biết , bàn dốc tiền trong túi ra, bày trên bàn. Vệ mừng, nhờ người học trò bên láng giềng đứng giữa, viết tờ giấy đỏ mà giao ước với nhau. Chàng vào nhà chào lạy cụ, thấy nhà cũng chật hẹp, cô gái đứng nấp sau mẹ. Chàng đưa mắt nhìn, tuy ăn mặc xuềnh xoàng mà thần sắc tinh anh rực rỡ, bụng mừng thầm. Vệ mượn tạm nhà bên để tiếp đãi chàng rể và nói:

– Công tử không cần đón dâu, đợi may được ít quần áo sẽ đưa đến tận nơi

Chàng liền hẹn ngày rồi về, nói dối với bố rằng:

– Họ Vệ mến nhà ta dòng dõi thanh bạch nên không đòi tiền.

Ông cụ cũng mừng.

Ðến ngày hẹn, Vệ quả đưa cô gái đến. Cô gái siêng năng dè sẻn, lại thuần tục nết na, tình nghĩa vợ chồng thật là thắm thiết. Hơn hai năm sau, sinh được một con trai, đặt tên là Phúc Nhi.

Nhân ngày tết Thanh Minh, bố con đi thăm mộ, gặp kẻ thân hào trong huyện họ Tống. Tống nguyên làm quan Ngự Sử trong triều, phạm tội tham tang, phải cách chức về làng, những vẫn giương oai hà hiếp người. Hôm đó cũng đi thăm mộ về, thấy cô gái cho là đẹp, hỏi người trong thôn biết là vợ chàng. Nghĩ Phùng là học trò nghèo, đem nhiều của ra dụ dỗ, có thể làm cho đổi lòng. Liền sai người bắn tin cho chàng. Chàng nghe thấy, giận hiện ra mặt, rồi lại nghĩ thế không địch nổi với Tống, bàn nén giận làm vẻ tươi cười, về nói với bố. Ông Phùng giận lắm, chạy ra trước mặt người nhà họ Tống, trỏ trời vạch đất mắng nhiếc tàn tệ. Tên người nhà ôm đầu lủi đi mất. Họ Tống cũng tức giận, sai mấy đứa xông vào nhà chàng, đánh cả bố lẫn con, làm sôi sùng sục. Cô gái nghe thấy, bỏ con xuống giường, xoã tóc chạy ra kêu cứu. Chúng bèn cướp lấy, khiêng lên rồi ầm ầm kéo đi. Hai bố con bị đánh sụm, rên rĩ trên đất; đứa bé khóc oe oe trong nhà. Hàng xóm láng giềng cùng thương hại, xóc đỡ đặt lên giường. Qua ngày sau, chàng chống gậy mới đứng lên được, còn ông cụ thì tức giận không ăn rồi thổ huyết mà chết.

Chàng lăn khóc, ẵm con đi kiện Ðốc Phủ. Kiện hầu khắp mọi nơi, rút cục vẫn không thắng, sau lại nghe nói vợ không chịu khuất phục mà chết, lại càng đau xót. Khí oan đầy bụng, không lối nào giãi bày được. Thường nghĩ muốn đón đường đâm Tống chết, nhưng lo đầy tớ nó đông, con nhỏ, lại không gửi được. Ngày đêm buồn bã nghĩ ngợi, hai mắt không chớp nổi.

Chợt có một người đàn ông đến viếng nhà, râu quăn, hàm bạnh, xưa nay chưa từng quen. Chàng mời ngồi, toan hỏi họ tên quê quán, khách đã vội nói trước:

– Ông có cái thù người ta giết mất bố, cướp mất vợ mà không báo ư?

Chàng ngỡ là người của Tống sai đến dò hỏi, nên chỉ trả lời ậm ừ cho xong. Khách giận, mắt trợn tròn muốn rách khóe, liền bước ra nói:

– Tôi tưởng anh là người, nay mới biết anh là thằng hèn không đáng đếm xỉa.

Chàng xét thấy có cái gì là lạ, liền quỳ xuống, kéo áo khóc nói rằng:

– Thực ra vì sợ là người nhà họ Tống đến dò la, nay xin giãi bày hết tâm can. Cái điều nằm gai nắm mật của tôi, kể đã nhiều ngày rồi vậy; chỉ thương hòn máu trong bọc này, sợ rồi tuyệt tự mất. Ngài là bậc nghĩa sĩ, liệu có thể vì tôi mà làm chàng Chữ Cu được chăng?

Khách nói:

– Ðó là việc của đàn bà con gái, tôi không làm được. Cái việc ông muốn nhờ người, xin hãy tự làm lấy, còn cái việc ông muốn tự làm thì tôi xin làm thay cho.

Chàng nghe nói, đập đầu xuống đất. Khách chẳng thèm ngoái lại, bỏ đi ra. Chàng chạy theo hỏi họ tên, đáp rằng:

– Việc không xong, không oán; việc xong không nhận ơn.

Rồi đi liền.

Chàng sợ vạ đến mình, ẵm con đi trốn.

Ðến đêm, cả nhà họ Tống đang ngủ, có người vượt qua mấy lần tường, giết ba cha con nhà Ngự Sử với một thị tì, một con dâu. Nhà họ Tống làm tờ trạng cáo quan, quan rất kinh hãi. Tống cố vu cho Tương Như. Vì thế quan cho lính đi bắt chàng. Chàng trốn không ai biết là đi đâu, vì thế càng cho là thật. Ðầy tớ nhà họ Tống cùng với nhà quan đi lùng khắp nơi, đêm đến núi Nam Sơn, nghe có tiếng trẻ khóc, lần tìm ra được, liền trói mang về. Ðứa bé càng khóc dữ, chúng liền giật lấy vứt đi. Chàng oan ức muốn chết. Khi gặp quan lệnh ở huyện, quan hỏi tại sao giết người? Chàng thưa:

– Thực là oan! Nhà họ Tống chết về đêm, tôi ra đi từ ban ngày; vả lại ẵm đứa nhỏ khóc oe oe như vậy thì leo tường giết người sao được?

Quan lệnh nói:

– Không giết người sao lại đào tẩu?

Chàng đuối lý, không biện bạch được nữa. Liền giam vào ngục. Chàng khóc nói rằng:

– Tôi chết cũng không tiếc nhưng đứa bé mồ côi kia có tội tình gì?

Quan lệnh nói:

– Mày giết con người ta đã nhiều, thì giết con mày còn oán gì nữa?

Chàng bị lốt áo mũ nho sinh lại bị cùm kẹp, đánh đập khổ sở nhưng cung không xưng nhận điều gì.

Quan lệnh đêm hôm ấy nằm ngủ bỗng nghe có vật gì cắm phập vào giường, kêu bần bật thành tiếng, sợ quá kêu lên. Cả nhà giật mình thức dậy, xúm lại đốt đuốc soi, thấy một con dao ngắn lưỡi sắc nhọn sáng loáng, găm vào giường, sâu xuống gỗ đến hơn một tấc, chặt cứng không thể rút ra được. Quan lệnh trông thấy, sợ hết hồn vía, cho người cầm giáo đi lùng khắp nơi cũng không thấy tung tích gì cả. Bụng cũng nản, lại nghĩ: người nhà họ Tống đã chết rồi, không có gì phải kiềng họ nữa, bèn trình bẩm lên quan trên để giải oan cho chàng rồi tha về.

Chàng về đến nhà, trong hũ không còn một đấu gạo,một mình một bóng ngồi trông bốn bức tường mà thôi. May được nhà hàng xóm thương xót cho ăn uống, tạm bợ sống qua ngày. Nghĩ đến cái thù lớn đã trả được thì mừng đến tươi tỉnh lại; nhưng nghĩ đến cái hoạ thảm khốc, suýt nữa chết cả một nhà thì nước mắt lại đầm đìa sa xuống; lại nghĩ nửa đời nghèo xác dòng dõi không ai nối, thì ở nơi vắng người bỗng khóc rống lên, khản cả tiếng không tự nén giữ được.

Như thế chừng nửa năm, việc bắt bớ cũng nhạt dần, bèn kêu xin với quan huyện được mang hài cốt họ Vệ về. Chôn cất xong, đau xót muốn chết. Một mình trằn trọc trên giường, nghĩ không còn cách gì để sống.

Bỗng có người gõ cửa, chàng chú lắng nghe, thấy ngoài cửa có tiếng một người đang nói chuyện với trẻ con. Chàng vội dậy, dòm xem thì hình như một người con gái. Cánh cửa vừa mở, liền hỏi:

– Cái oan lớn đã được rửa, may không việc gì chứ?

Tiếng nói nghe quen lắm,mà trong lúc thảng thốt không thể nhớ được. Ðánh lửa soi thì ra Hồng Ngọc, dắt một đứa nhỏ cười đùa ở dưới đầu gối. Chàng chẳng kịp hỏi, ôm lấy cô gái mà khóc oà. Cô gái cũng thảm đạm lắm. Rồi đẩy đứa bé mà nói:

– Mày quên bố mày rồi ư?

Ðứa bé nắm lấy áo cô gái, mắt chòng chọc nhìn chàng. Chàng nhìn kỹ thì ra Phúc Nhi. Giật mình kinh hãi, khóc mà nói rằng:

– Sao con lại về đây được?

Cô gái nói:

– Nói thực với chàng, trước kia thiếp nói là con gái bên láng giềng là nói dối đấy, thiếp thực là hồ. Nhân đi đêm thấy tiếng trẻ khóc trong hang, liền bế về nuôi ở Tần. Nghe nạn lớn đã yên nên đem con về cùng chàng đoàn tụ.

Chàng gạt nước mắt lạy tạ. Ðứa bé ngồi trong lòng cô gái y như nương tựa vào mẹ đẻ, thật không nhận ra bố nữa. Trời chưa sáng, cô gái đã trở dậy. Hỏi thì đáp:

– Kẻ hèn mọn này muốn đi đây.

Chàng chưa mặc áo, quỳ ở đầu giường, khóc không ngẩng mặt lên được nữa. Cô gái cười nói rằng:

– Thiếp nói dối chàng đấy. Nay nhà đương gây dựng lại, không thức khuya dậy sớm sao được?

Rồi phát cỏ, quét dọn, làm như đàn ông vậy. Chàng lo nhà nghèo túng, không thể đủ ăn. Cô gái nói:

– Chỉ xin chàng cứ việc buông màn đọc sách không phải hỏi đến thiếu đủ, may không đến nỗi chết đói nào.

Rồi bỏ tiền sắm khung cửi dệt vải, lại thuê vài mươi mẫu ruộng, mướn người cày cấy, vác phạng đi phát tranh, kéo lá lợp nhà, hàng ngày như thế, coi là việc thường. Làng xóm nghe nói có vợ hiền càng vui lòng giúp đỡ. Chừng nửa năm sau, cảnh nhà thịnh vượng, như thể một nhà giàu lớn.

Một hôm chàng nói:

– Sau lúc tro tàn, nhờ mình tay trắng gây dựng lại, nhưng còn một việc chưa được thoả mãn, biết làm thế nào?

Hỏi là việc gì, chàng đáp:

– Kỳ thi sắp đến, mà khăn áo chưa lấy lại được?

Cô gái cười nói:

– Trước đây thiếp đã lấy bốn lạng vàng gửi lên quan quảng văn đã lấy lại được tên vào sổ. Ðợi chàng nhắc thì đã lỡ lâu rồi còn gì?

Chàng càng cho là thần. Khoa ấy, chàng đỗ thi Hương. Bấy giờ tuổi vừa ba mươi sáu, ruộng tốt liền bờ, nhà cửa cao rộng. Cô gái người vẫn mảnh dẻ tưởng như gió thổi là bay, mà làm lụng quá con nhà nông. Tuy mùa đông rét buốt vẫn chịu khó làm, mà bàn tay vẫn mềm mại như mỡ đông. Tự nói là ba mươi tám tuổi, người ta trông chỉ chừng đôi mươi.

Dịch Giả : ĐỖ NGỌC TOẠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét