Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà thơ Lý Bạch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà thơ Lý Bạch. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

Anh Vũ Châu (Bến Anh Vũ) - Thơ Lý Bạch


Anh Vũ châu

Anh vũ lai quá Ngô giang thuỷ,
Giang thượng châu truyền Anh Vũ danh.
Anh vũ tây phi Lũng sơn khứ,
Phương châu chi thụ hà thanh thanh.
Yên khai lan diệp hương phong khởi,
Ngạn giáp đào hoa cẩm lãng sinh.
Thiên khách thử thời đồ cực mục,
Trường châu cô nguyệt hướng thuỳ minh?


Dịch nghĩa

Chim anh vũ xưa bay đến sông Ngô
Bãi trên sông mới truyền lại tên Anh Vũ
Chim anh vũ đã bay về Tây qua núi Lũng
Bãi thơm cây xanh biếc làm sao!
Khói toả ra từ lá cây lan làm gió thơm nổi dậy
Bờ liền với hoa đào, sóng gấm sinh
Lúc ấy người đi đày trông hoài cõi xa
Trên bãi dài mảnh trăng cô đơn còn soi sáng cho ai.


(Năm 760)

Lý Bạch năm 56 tuổi bị lưu đày đi huyện Dạ Lang tỉnh Quý Châu. Khi chờ đò ngang để qua sông Trường Giang, ông làm bài này.

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Sóng Ngô anh vũ xưa qua đó
Anh Vũ thành tên gọi đến giờ
Anh vũ về tây qua núi Lũng
Bãi thơm cây cối những xanh mờ
Mùi hương lan diệp lừng trong khói
Sóng gấm đào hoa gợn sát bờ
Thiên khách trông vời thôi cũng uổng
Dọi ai trăng bãi luống bơ vơ!


Nguồn: Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997

Bản dịch của Hải Đà

Sông Ngô anh vũ lướt bay qua
Anh Vũ thành xưa vẫn gọi là
Núi Lũng trời tây anh vũ khuất
Bãi thơm cây biếc chập chờn xa
Lá lan thoang thoảng lừng hương gió
Sóng gấm bập bềnh lượn sát hoa
Lữ khách hoài trông trời tít tắp
Tình ai trăng dọi sáng đêm tà?

Bản dịch của Phụng Hà

Trường Giang thuở xưa anh vũ đáp,
Anh Vũ thành tên bãi sông Ngô.
Chim dạt về tây tận non Lũng,
Cây xanh bãi rạng hương ngạt ngào.
Lan thơm trong gió, khói mờ tỏa,
Đào thắm bên bờ, sóng gấm xô.
Đi đày, khách trông vời mút mắt,
Bãi sông ai ngắm mảnh trăng cô?

Bản dịch khuyết danh

Trên bãi sông Ngô anh vũ đậu,
Giờ đây chẳng thấy bóng chim đâu.
Hay đã bay về qua núi Lũng,
Bãi thơm cây trái mướt một màu.
Hương lan theo gió ngát mơn man,
Vẫy gọi đào hoa ánh ngập tràn.
Đi đầy qua đó như không thấy,
Chỉ thấy bờ xa mãnh trăng gầy.

0

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lý Bạch


. Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.


Dịch nghĩa

Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút,
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.


(Năm 726)

Hoàng Hạc lâu ở tây nam huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Quảng Lăng nay thuộc huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô.

Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 10 giai đoạn từ 2007.

Bản dịch của Trần Trọng San

Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu
Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Phía tây bạn biệt Hạc lâu
Tháng ba trẩy xuống Dương Châu thuận dòng
Cánh buồm bóng hút màu không
Trông xa trắng xoá nước sông bên trời


Nguồn: Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Hoàng Hạc lầu xưa bạn cũ rời
Dương Châu hoa khói tháng ba xuôi
Buồm đơn bóng hút vào xanh biếc
Chỉ thấy Trường Giang chảy cuối trời

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời

Bản dịch của Nguyễn Kỷ Niệm

Bạn cũ rời tây Hoàng Hạc lâu,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Buồm đơn, bóng lẫn vào mây biếc,
Chỉ thấy Trường Giang xuôi mãi đâu...

Bản dịch của (Không rõ)

Giã lầu Hoàng Hạc bạn lìa ta
Hoa khói Dương thành tiết tháng ba
Thăm thẳm không gian buồm một cánh
Trường giang nước chảy tới trời xa...

Bản dịch của Hải Đà

Giã từ Hoàng Hạc bạn về tây
Cảnh tiết thành Dương hoa khói bay
Nhòa nhạt trời xanh buồm khuất bóng
Trường Giang cuồn cuộn tận chân mây.

Bản dịch của Nam Long

Bạn rời từ tây Hoàng Hạc lâu,
Tháng ba sương khói đến Dương Châu.
Buồm đơn hút bóng giữa trời biếc,
Duy thấy Trường Giang cuồn cuộn mau.

Bản dịch của Túc Mỡ

Hoàng Hạc hướng tây tiễn bạn già
Tháng ba hoa khói Dương Châu xa
Buồm côi dần mất chân trời biếc
Chỉ thấy Trường Giang nước chảy qua

Bản dịch của Cao Tự Thanh

Lầu Hạc về tây tiễn biệt nhau,
Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu.
Buồm côi lẩn bóng vào không biếc.
Chỉ thấy Trường Giang sóng trắng màu.

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Bạn từ lầu Hạc ra đi
Dương Châu hoa khói đương kỳ tháng ba
Xanh mờ ngập cánh buồm xa
Trường Giang hút thẳm trôi qua lòng trời

0

Tĩnh dạ tứ - Thơ Lý Bạch


Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Đầu tường trăng sáng soi,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà.

Thuở nhỏ, Lý Bạch thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông đã xa quê và xa mãi. Bởi vậy, cứ mỗi lần thấy trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê nhà.

Bản dịch của Nam Trân

Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

Nguồn: Thơ Đường (tập II), NXB Văn học, 1987

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu

Trông trăng dọi trước giường
Những ngỡ đất mù sương
Ngẩng đầu nhìn trăng tỏ
Cúi đầu nhớ cố hương

Nguồn: Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997

Bản dịch của Hải Đà

Đầu giường trăng tỏ rạng
Đất trắng ngỡ như sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.

Bản dịch của Lão Nông

Đêm nay trăng sáng rọi đầu giường
Mặt đất hình như phủ kín sương?
Ngẩng mặt nhìn trời, trăng sáng quá
Cúi đầu suy ngẫm nhớ quê hương

Bản dịch của Túc Mỡ

Ðầu giường vầng trăng gác
Trên đất phủ màn sương
Ngẩng lên nhìn trăng tỏ
Gục xuống nhớ quê hương

Bản dịch của Trúc Khê

Đầu giường ngó bóng trăng soi
Mơ màng ngỡ đám sương rơi mặt đường
Ngẩng đầu trăng sáng như gương
Cúi đầu sao nhớ quê hương ngàn trùng

Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn

Ánh trăng sáng đầu giường
Ngỡ mặt đất đầy sương
Ngẩng đầu trông trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương!

0