Nhạc cách mạng, thường được gọi nhạc đỏ, là một dòng của tân nhạc Việt Nam gồm những bài hát sáng tác trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương, ở miền Bắc Việt Nam và vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và sau năm 1975 khi Việt Nam thống nhất. Các ca khúc nhạc đỏ thường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ kháng chiến, truyền đạt những chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và những bài hát trữ tình cách mạng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động, xây dựng. Nhạc đỏ cùng với nhạc dân ca, truyền thống là những thể loại âm nhạc duy nhất được phát trên đài phát thanh Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 ở miền Bắc. Tuy không có chủ trương kiểm duyệt công khai, nhưng âm nhạc thời kỳ trước 1975 tại miền Bắc và nhạc đỏ có sự định hướng, chỉ đạo và kiểm soát của lãnh đạo và nhà nước. Một số nhạc sĩ nhạc đỏ tiêu biểu như Phạm Tuyên, Đỗ Nhuận, Huy Du, Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu... Những ca sĩ nổi tiếng của nhạc đỏ có thể kể đến như: Quốc Hương, Trần Khánh, Trần Thụ, Trần Chất, Trung Kiên, Quí Dương, Trần Hiếu, Tiến Thành, Hữu Nội, Kiều Hưng, Thanh Huyền, Thương Huyền, Bích Liên, Tường Vi, Tân Nhân, Kim Nhớ, Kim Ngọc, Diệu Thúy, Mỹ Bình, Vũ Dậu, Lê Dung, Quang Thọ, Doãn Tần, Thúy Hà, Thanh Hoa, Thu Hiền, Trung Đức, Tuấn Phong, Quang Lý, Trọng Tấn, Đăng Dương ... Giống như các nhạc sỹ và nhạc công của miền Bắc trong thời kỳ này, họ chủ yếu được đào tạo ở nhạc viện trong nước và các nhạc viện thuộc Liên Xô và các nước Đông Âu. Trước 1945 cũng có những ca khúc vẫn được xếp vào dòng nhạc đỏ như bài Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu, một số bài hát của Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước... Nhưng phải đến khi xảy ra cuộc Chiến tranh Việt - Pháp, nhiều nhạc sĩ lãng mạn đi theo kháng chiến sáng tác những ca khúc mới thì nhạc đỏ mới thực sự hình thành. - Wikipedia
0