Vibay
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Người Hung Nô: Từ bộ lạc du mục đến đế chế hùng mạnh uy hiếp Trung Hoa

Là bộ lạc du mục sống rải rác ở những vùng sa mạc hoang vu phía Bắc, song người Hung Nô từng có thời lập nên một đế chế hùng mạnh nhờ sự lãnh đạo của một vị thủ lĩnh kiệt xuất.


Hung Nô là tên gọi chung chỉ các bộ lạc du mục ở khu vực Trung Á thời kỳ cổ đại. Địa bàn sống của họ chủ yếu tại các khu vực thuộc miền nam Siberia, miền tây Mãn Châu và các tỉnh, khu tự trị ngày nay của Trung Quốc là Nội Mông, Cam Túc và Tân Cương.

Nguồn gốc dân tộc này cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn, do phần lớn những gì chúng ta biết được về người Hung Nô chủ yếu đến từ các tư liệu lịch sử bằng tiếng Hán. Sử ký của Tư Mã Thiên thì cho rằng người Hung Nô là các hậu duệ của con trai của vua Kiệt – vị vua cuối cùng của nhà Hạ – triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, do những khác biệt và xung đột nội bộ nên họ đã di tản lên cư trú ở những vùng thảo nguyên phía bắc:

Suốt thời Xuân Thu – Chiến Quốc, Hung Nô vẫn là những bộ lạc liên kết lỏng lẻo với nhau, dưới sự cai trị của các tộc trưởng gọi là thiền vu. Sau khi nhất thống Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng đã gấp rút xây dựng Vạn Lý Trường Thành, đồng thời cử các tướng lĩnh bắc phạt, đẩy lui các bộ lạc Hung Nô đến tận các vùng lãnh thổ xa xôi, sát biên giới với nước Nga hiện nay.

Trong hơn một thập kỷ, người Hung Nô không hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với phương Nam. Nhưng điều này đã thực sự thay đổi khi các bộ lạc Hung Nô ở phương Bắc được thu về một mối dưới sự lãnh đạo của Mặc Đốn – vị thiền vu vĩ đại nhất trong lịch sử.

Thống lĩnh Hung Nô

Mặc Đốn thiền vu (Modu Chanyu, sinh vào khoảng 234 trước CN) là con trai cả của thiền vu Đầu Mạn. Ngay từ nhỏ, Mặc Đốn đã sớm thể hiện tư chất gan dạ và dũng cảm, được cho là người sẽ kế vị cha mình trong tương lai. Song thiền vu Đầu Mạn (Touman Chanyu), vì sủng ái một người vợ bé và con trai của người này, nên đã rắp tâm phế trưởng lập thứ bằng việc đưa Mặc Đốn đến làm con tin cho bộ tộc Nguyệt Chi.

Theo sử liệu từ Trung Quốc, Đầu Mạn đã phát động chiến tranh với bộ tộc Nguyệt Chi để trừ khử chính con trai của mình. Nhưng do đã dự cảm từ trước về một điều chẳng lành, Mặc Đốn đã tranh thủ vào đúng đêm Đầu Mạn tấn công vào lãnh thổ của Nguyệt Chi để đánh cắp một con ngựa và chạy về Hung Nô.

Đầu Mạn thiền vu thấy Mặc Đốn đột nhiên trở về thì như ngồi trên đống lửa, nhưng ngoài mặt, ông vẫn khen con trai mình dũng cảm và giao cho chỉ huy một đội kỵ binh 10.000 quân. Mặc Đốn hiểu rõ mưu gian của cha mình nhưng vẫn tỏ ra không biết gì.

Nắm được binh lực trong tay, Mặc Đốn dùng kỷ luật thép để huấn luyện đội kỵ binh trở thành những chiến binh trung thành, răm rắp tuân theo lệnh thủ lĩnh. Ông sáng tạo ra một tấm lệnh bài gọi là “minh đích”, và ra lệnh cho quân sĩ hễ chỉ “minh đích” vào đâu thì phải nhất loạt bắn tên vào đó, sai lệnh sẽ chém không tha.

“Mặc Đốn lấy minh đích tự bắn con ngựa tốt của mình, tả hữu có kẻ không dám bắn, Mặc Đốn bèn chém kẻ không bắn ngựa tốt. Được mấy chốc, lại lấy minh đích tự bắn người vợ yêu của mình, tả hữu có vẻ sợ, không dám bắn, Mặc Đốn lại chém kẻ đó. Được mấy chốc, Mặc Đốn ra săn, lấy minh đích bắn con ngựa tốt của thiền vu, tả hữu đều bắn con ngựa đó.”

Tư Mã Thiên – Sử Ký

Một lần nọ, Đầu Mạn thiền vu rủ con trai đi săn bắn bên ngoài. Chớp được dịp ngàn vàng để ra tay, Mặc Đốn mang theo thủ hạ bám theo sau, và chờ đúng thời cơ để ra lệnh “minh đích” bắn vào Đầu Mạn thiền vu. Chỉ trong chớp mắt, Đầu Mạn Thiền Vu chỉ kịp thét lên một tiếng thì toàn thân đã dính đầy tên chi chít như lông nhím. Hạ thủ được cha mình, Mặc Đốn ngay lập tức giành lấy ngôi thiền vu, trở thành bá chủ Hung Nô thống lĩnh toàn bộ khu vực phía bắc rộng lớn.

Chinh phạt thảo nguyên

Biết tin Mặc Đốn lên ngôi, bộ tộc Đông Hồ muốn dò xét thực lực của Hung Nô thế nào, nên đã liên tục phái xứ giả sang bắt Mặc Đốn phải nộp nhiều cống phẩm quý như ngựa chạy ngàn dặm từ thời thiền vu Đầu Mạn, đến cả các vợ bé của mình. Mặc Đốn bề ngoài tỏ ra nhún nhường, quy phục những yêu sách trên, song đã ngấm ngầm chuẩn bị lực, chuẩn bị chinh phạt Đông Hồ.

Được một thời gian, Đông Hồ lại sai sứ đến xin được lấy một khoảng đất không người ở, rộng ngàn dặm ở giữa lãnh thổ Hung Nô. Có được cái cớ để động binh, Mặc Đốn bèn họp các bầy tôi, tuyên bố: “Đất là cái gốc của nước, sao lại cho nó!” và chính thức phát động chiến tranh.

Người Đông Hồ lúc trước coi nhẹ Mặc Đốn nên chủ quan, không kịp sắm sửa binh mã. Nhờ đó, đội quân thiện chiến của Hung Nô dễ dàng đại phá Đông Hồ, bắt được vô số người và gia súc đem về nước.

Thừa thắng, Mặc Đốn tiếp tục đem quân chinh phạt và đánh bại các bộ tộc Nguyệt Chi, Lâu Phiền ở phía Nam, thu hồi lại hết phần lãnh thổ mà nhà Tần cưỡng chiếm trước kia, thậm chí đánh đến tận phần lãnh thổ phía Nam sông Hoàng Hà, sát với lãnh thổ của người Hán. Người Hán bấy giờ đang lâm vào cuộc nội chiến giữa Hạng Vũ và Lưu Bang, nên hoàn toàn bất lực trước sự tung hoành của quân Hung Nô.

Cho đến năm 203 TCN, Mặc Đốn đã chinh phạt hoặc thu phục toàn bộ các bộ lạc du mục ở phương Bắc dưới quyền lãnh đạo của Hung Nô, mở rộng lãnh thổ của mình đến một mức độ lớn chưa từng có từ trước đến nay. Người Hung Nô sau 1.000 năm lang bạt giờ đã hình thành nên một đế chế hùng mạnh, trở thành đối thủ của các triều đại Trung Hoa suốt một thời gian dài sau đó, thậm chí có lúc còn lấn lướt, uy hiếp.

Theo DÂN VIỆT
0

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Tần Thủy Hoàng và "cú lừa" ê chề dẫn tới sự diệt vong của nhà Tần

Đặt niềm tin quá lớn vào một kẻ bất tài đột lốt “đại sư”, Tần Thủy Hoàng đã “đốt sách chôn nho”, triều đại nhà Tần cũng vì đó mà diệt vong chỉ sau hơn hai thập kỷ.


Sau khi thống nhất Trung Quốc, một trong những việc được Tần Thủy Hoàng quan tâm và thực hiện đầu tiên là đả kích các phần tử trí thức.

Vào năm 213 trước công nguyên, nghe theo lời Lý Tư, Tần Vương tiến hành đốt sách, thực hiện chính sách ngu dân.

Tiếp đó đến năm 212 trước công nguyên, vì bị các phương sĩ lừa đảo đến mức lú lẫn, mụ mị, Tần Thủy Hoàng phẫn nộ quyết “chôn nho” và giết hết các phần tử trí thức.


Hình ảnh mô tả lại cảnh tượng hỗn loạn, đau đớn trong vụ "đốt sách chôn nho" để lại nhiều oán than dưới triều Tần.

Tần Vương “mụ mị” vì thuốc trường sinh bất lão

Nguyên nhân dẫn đế sự kiện Tần Vương “chôn nho” vào năm 212 trước công nguyên, vốn không liên quan đến các bậc nho sinh.

Trang tin jpgushi.com (Trung Quốc) dẫn các tài liệu lịch sử cho rằng, vì phẫn nộ với một phương sĩ có tên Lô Sinh, Tần Thủy Hoàng đã trút cơn thịnh nộ lên các nho sinh.

Những năm cuối cùng của thời kỳ Chiến Quốc, tại những nước nhỏ như Yên (nay là Hà Bắc), Tề (Sơn Đông) có một nhóm người gọi là phương sĩ.

Những người này tự nhận mình có một năng lực siêu nhiên, có thể nói chuyện với thần tiên, dự đoán tương lai, có thể xin thân tiên linh dược giúp con người trường sinh bất lão.

Tần Thủy Hoàng sau khi quy giang sơn về một mối, đã thống nhất đường xá, chữ viết, nhưng trong lòng vẫn chưa thỏa mãn. Điều khiến ông còn bận tâm, là tìm cho được phương thuốc trường sinh bất tử.



Để thực hiện tâm nguyện này, Tần Vương một mặt bình thiên hạ, thể hiện uy đức của mình với thần dân, một mặt vời phương sĩ khắp nơi, giúp mình có được loại thần dược này.

Năm 218 trước công nguyên, sau một chuyến phong thiền đến núi Thái Sơn, phương sĩ Từ Phúc đã trình lên quân vương, rằng “trên biển đông có ba ngọn núi thần có thần tiên sinh sống và có thần dược giúp trường sinh bất tử.

Tôi đã từng đến đó, thần tiên nói rằng phải hiến đồng nam đồng nữ và cả nhân công, mới có thể đổi được thuốc tiên.”

Tần Thủy Hoàng nghe vậy, liền cho Từ Thức cùng 3000 đồng nam đồng nữ, mang theo ngũ cốc lương thực và người làm công, tìm đường ra biển.

Tuy nhiên, sau chuyến đi này, bề tôi thân cận của Tần Vương “một đi không trở lại”. Sau này, có truyền thuyết cho rằng ông đã sang Nhật Bản.


Chân dung hoàng đế Tần Thủy Hoàng - người đã cho xây Vạn Lý Trường Thành, "đốt sách chôn nho" chỉ vì nghe lời nói bậy của Lô Sinh.

Năm 215 trước Công nguyên, Hoàng đế nhà Tần lại tiếp tục “đông du” đến Kiệt Thạch (nay là Tần Hoàng Đảo), Tại đây, ông sai phương sĩ Lô Sinh tìm cách bái kiến thần tiên.

Tuy nhiên, sau khi từ biển trở về, Lô Sinh không đem theo được thuốc trường sinh bất lão, mà chỉ đem theo được một cuốn “sách tiên”, trong đó có viết: “Diệt Tần Giả, Hồ Dã”.

Lúc bấy giờ, tộc người Hung Nô được gọi là người Hồ. Tần Thủy Hoàng xem qua “tiên thư”, liền cho rằng tộc người này chính là mối đe dọa lớn nhất đối với nhà Tần.

Ngay lập tức, Tần Vương xuất 30 vạn đại quân, cử con trai trưởng trợ giúp Tô Vi thị giám quân sĩ, Bắc tiến chinh phạt quân Hung Nô, chấm dứt nguy cơ nhà Tần diệt vong. Trong khi đó, ở phía Nam, ông cũng cho xây dựng Vạn Lý Trường Thành để phòng người Hồ xâm nhập.



Tần Thủy Hoàng cho rằng từ đó về sau có thể vô lo vô nghĩ. Tuy nhiên sau này, nhân tố khiến Tần diệt vong không phải người Hồ, mà là con nhỏ của ông Hồ Hợi.

Đại nhân Trịnh Huyền đời Đường cho rằng: “Hồ giả, Hồ Hợi, Tần nhị thế chi danh”, “Hồ” trong “sách tiên” mà Lô Sinh mang về chính là Hồ Hợi, chứ không phải người Hung Nô.

… bị lừa dẫn đến “đốt sách chôn nho”

Năm 212 trước công nguyên, Lô Sinh tiếp tục lừa Tần Thủy Hoàng một lần nữa: “Thần nhiều lần bái thần tiên cầu xin thần dược nhưng không được, là do có một thứ đang cản trở.

Bây giờ, có một cách là người nên ẩn dật, giấu kín mọi hành động của mình, không được để ai biết để tránh ác quỷ, khi ác quỷ đi rồi, chân nhân sẽ xuất hiện.

Chân nhân đi xuống nước không ướt, đi vào lửa không cháy, có thể đi mây cưỡi gió, sống mãi cùng trời đất, hy vọng Hoàng đế sống thật “tĩnh”, nhất cử nhất động đều không được để ai biết, sẽ có được thuốc tiên.”

Tần Thủy Hoàng nghe xong, liền làm theo những cách Lô Sinh bày cho. Nếu có bất cứ ai nói ra nơi ở của Hoàng đế, ngay lập tức bị khép tội chết.

Lô Sinh sau khi lừa được nhà vua, liền bắt tay với một phương sĩ khác là Hầu Sinh. Hai người này sau đó mượn danh vua, tự cao tự đại, tham quyền đa dục.

Mọi việc trong thiên hạ từ lớn đến nhỏ, lúc này đều do mình Lô Sinh đứng ra quyết định, lấy hình phạt tử hình để củng cố uy quyền, không ai dám hé răng phản đối hay làm phật ý Lô.

Sau một thời gian, Lô Sinh nghiệm ra rằng, nếu để quá lâu mà phương thuật không ứng nghiệm, ắt sẽ bị Tần Vương xử tội chết, liền tìm đường bỏ trốn.

Biết mình bị lừa một vố đau, Tần Thủy Hoàng nổi trận lôi đình. Ông cho rằng mình đã nuôi ong tay áo, hậu đãi một lũ phương sĩ để tìm thần dược, cuối cùng lại bị phỉ báng, lừa lọc ê chề.

Ngay cả những nho sinh cũng bị Tần Vương cho là “nghị luận, bàn tán” về ông, dùng những lời lẽ ma quỷ để mê hoặc người khác.

Trong cơn thịnh nộ, Tần Vương ra lệnh bắt giữ và thẩm vấn các nho sinh, số người bị liên đới lên đến hơn 460 người. Tất cả đều bị khép tội chết, vì phỉ báng nhà vua.


Các nho sinh bị bắt vì tội phỉ báng Tần Vương.

Theo Trương Dũng, tác giả của bài viết “Đại sư giả mạo: Lô Sinh lừa Tần Thủy Hoàng dẫn đến việc đốn sách chôn nho”, đăng tải trên trang Phượng Hoàng (Trung Quốc), Lô Sinh chính là nguyên nhân dẫn tới vụ việc “đốt sách chôn nho” ám ảnh suốt một thời kỳ lịch sử.

Hậu thế cũng cho rằng, triều Tần chỉ tồn tại vẻn vẹn hơn 2 thập kỷ, phần lớn nguyên nhân có liên quan đến “đại sư giả mạo” Lô Sinh và cuốn "sách tiên" mang về từ biển.

Nguồn: https://ttvn.vn/doi-song/tan-thuy-hoang-va-cu-lua-e-che-dan-toi-su-diet-vong-cua-nha-tan-20150816221723538.htm
0

Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

"Tam Quốc Diễn Nghĩa" đã hư cấu hình tượng Quan Vũ đến mức nào?

Phải tới 600 năm sau thời đại của Khổng Tử, Trung Hoa mới xuất hiện vị “Võ thánh” nổi tiếng, đó chính là Quan Vũ nhà Thục Hán, người được mệnh danh là “Tam giới phục ma đại đế”.

Bị hậu nhân hiểu lầm về tướng mạo?

Trung Hoa có một thời kỳ “trọng văn, khinh võ” nên từ những đấng minh quân như vua Thuấn, vua Nghiêu… cho tới những nhà văn hóa nổi tiếng như Khổng Tử, Mạnh Tử đều là văn sĩ.

Phải tới 600 năm sau thời đại của Khổng Tử, Trung Hoa mới xuất hiện vị “Võ thánh” nổi tiếng, đó chính là Quan Vũ nhà Thục Hán, người được mệnh danh là “Tam giới phục ma đại đế”.

Quan Vũ, tự là Vân Trường, tên chữ là Trường Sinh, là một hảo hán nổi tiếng xuất thân từ đất Hà Đông (nay thuộc Sơn Tây – Trung Quốc).

Qua các tư liệu lịch sử và các hình tượng nghệ thuật, hậu thế vẫn thường tưởng tượng ông là người “mặt như hai quả táo nối nhau, mắt xếch, mày tằm.”

Liệu đây có phải là dung mạo thực sự của vị “Võ thánh” này? Một số nhà nghiên cứu khẳng định, tướng mạo này có nhiều khả năng là lấy các hình tượng anh hùng trong truyện cổ tích để hậu thế dễ hình dung.

Tạp kịch thời xưa cũng thường xây dựng hình tượng Quan Vũ mặt đỏ, Bao Chửng mặt đen. Nước da màu hồng này rất có thể là do Sơn Tây có nghề làm muối, người dân phải “ăn sóng nằm gió” nên có nước da như vậy.

Cũng có thể do Quan Công là biểu tượng cho nghĩa khí và lòng trung thành, nên thường hình dung là mặt màu đỏ hồng, còn Bao Chửng biểu tượng cho thiết diện vô tư, nên dùng mặt đen.

Mắt xếch được coi là nét đặc trưng của người Mông Cổ. Trong nghệ thuật sân khấu, ánh mắt của Quan Vũ lúc khép hờ suy tư, còn phần lớn là đôi mắt trừng lớn để thể hiện khí khái anh hùng.

Thời xưa, các nhân vật được tái hiện trên sân khấu thường vẽ lông mày nối liên hình sóng. Tuy nhiên, theo quan niệm thẩm mỹ thời sau, loại lông mày này thiếu sự uy nghiêm, nên đổi thành mày tằm.

Như vậy, dung mạo mà hậu thế vẫn thường hình dung về Quan Vũ phần lớn đều do ảnh hưởng từ các tạo hình nghệ thuật và thay đổi theo quan niệm thẩm mỹ của từng thời.


Hình tượng của nhân vật lịch sử Quan Vũ đã được hư cấu nhiều trong tiểu thuyết của La Quán Trung.

Quan Vũ có cùng Lưu Bị và Trương Phi “kết nghĩa vườn đào”?

Sau khi bị đánh bật khỏi quận Trác, Lưu Bị về quê cũ tập hợp lực lượng, lại kết nghĩa với hai vị đồng hương Quan Vũ và Trương Phi cùng mưu nghiệp lớn.

Khi đó, Lưu Bị cùng Vũ và Phi chiêu binh mãi mã, thống lĩnh tam quân, khởi binh làm chủ một phương. Sau này, những anh hùng hậu thế vẫn thường ngưỡng mộ noi theo nghĩa khí “kết nghĩa vườn đào” của ba vị anh hùng Tam Quốc.
Nhưng cho tới nay, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi có thực sự kết nghĩa kim lang hay không, vẫn là một ẩn số lịch sử gây nhiều tranh cãi.

“Tam Quốc chí” phần “Quan Vũ truyện” có viết: “Chúa (Lưu Bị) thân thiết với hai người (Quan Vũ, Trương Phi) như anh em, còn ngủ chung giường. Hai vị này cũng ngày đêm hầu hạ, không quản khó nhọc.”

Phần “Trương Phi truyện” trong đó cũng viết: “Vũ hơn Phi mấy tuổi, nên Phi thường coi như anh.”

Như vậy, theo “Tam Quốc chí”, thì tình cảm giữa ba người chỉ đơn thuần là “thân như anh hem”, chứ không đề cập tới chuyện kết nghĩa. Trương Phi cũng vì Quan Vũ nhiều tuổi nên kính nể như anh, chứ không nói hai người là huynh đệ, càng không đề cập đến Lưu Bị.

Bí ẩn về thanh đao nổi tiếng

Nhắc tới Quan Vũ, hậu thế sẽ luôn liên tưởng tới một đấng anh hào mặt đỏ, râu dài, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao, oai phong cưỡi trên ngựa Xích Thố.

Tuy nhiên, việc “Thanh Long Yển Nguyệt đao” có tồn tại thực sự hay không, cho tới nay cũng chưa được giải mã. Miêu tả lại cảnh Quan Vũ chém đầu Nhan Lương, “Quan Vũ truyện” có viết:

“Vào năm Kiến An thứ 5, Tào công (Tào Tháo) chinh phạt phía đông. Tiên chúa (Lưu Bị) đến chỗ Viên Thiệu xin hàng, Thiệu liền giao tranh với Tào. Tào công cùng Quan Vũ thân chinh ra trận.

Thiệu cử Đại tướng quân Nhan Lương tấn công Bạch Hà thành thuộc Đông Quận của quan Thái Thú Lưu Diên. Tào công cho Trương Liêu, Quan Vũ chỉ huy mũi tiến công. Vũ trông thấy Nhan Lương chỉ huy, phi ngựa tiến đến, một dao chém bay đầu Nhan Lương”

Như vậy, “Quan Vũ truyện” trước sau đều không nói tới việc Quan Vũ dùng binh khí gì. Trong khi đó, loại binh khí “Yển Nguyệt đao” (thanh đao hình bán nguyệt) mãi cho tới thời Tống mới xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, vũ khí mà Quan Vũ sử dụng rất có khả năng là một loại mâu, thương, kết hợp với đoản đao để chém đầu đối thủ.

Mặc dù là một tác phẩm sát với lịch sử, nhưng về một số yếu tố, đặc biệt là sự tồn tại của Thanh Long Yển Nguyệt đao, rất có thể là sự hư cấu của La Quán Trung trong “Tam Quốc diễn nghĩa”.


Sự xuất hiện của Yển Nguyệt đao bên cạnh Quan Vũ cũng đặt ra nhiều nghi vấn bởi đến tận đời Tống, tức là khoảng 700 năm sau thời Tam Quốc, loại binh khí này mới xuất hiện.

Vì một câu nói mà mang họa sát thân

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” hồi 66, khi bàn tới chuyện trấn thủ Kinh Châu có viết: “Vân Trường chưa kịp trả lời, Chu Thương ở dưới thềm quát lên rằng: Đất đai trong thiên hạ, người nào nhân đức thì được ở, có phải của riêng Đông Ngô đâu?

Vân Trường sầm mặt đứng ngay dậy, giằng lấy thanh long đao của Chu Thương đang vác, đứng ra giữa sân, đưa mắt cho Chu Thương và quát rằng: Đây là việc nhà nước, sao mi nói lôi thôi, bước ngay!” Chi tiết này chứng tỏ Quan Vũ là một người thẳng thắn, bộc trực.

Sau này, Gia Cát Lượng muốn phía đông hòa Tôn Quyền, phía Bắc phạt Tào Tháo, nhưng Quan Vũ phản đối. Khi Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, Tôn Quyền tiếp tục tung ra một quân bài hôn nhân chính trị khác, khi sai sứ giả tới xin Vũ gả con gái cho con trai mình.

Thế nhưng, Quan Vũ thiếu tầm nhìn chính trị, bản thân lại xem thường Tôn Quyền nên hoàn toàn không quan tâm đến chiến lược lớn mà Lưu Bị và Khổng Minh đề ra.

Thậm chí, Quan Vũ đã mắng chửi sứ giả của Tôn Quyền rằng - "Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử?” (ý nói dòng họ Tôn Quyền là “nòi chó”, không xứng đáng với con gái mình).

Nếu Quan Vũ khi đó chịu gả con gái cho con trai Tôn Quyền, rất có liên minh Tôn – Lưu đã hình thành, cũng đã chinh phạt được Tào Tháo ở phía Bắc, thậm chí sau này còn có thể có được Đông Ngô.

Tuy nhiên, câu nói trên không những làm hỏng nước cờ của Lưu Bị, Khổng Minh, mà còn mang tới cái họa sát thân cho người anh hùng cả đời “đội trời đạp đất” này.

Về chuyện Quan Vũ thua trận, Trần Thọ có viết: “Quyền khi đó ở Giang Lăng, ép Vũ gả con gái cho con trai mình. Vũ cự tuyệt, Quyền sau đó khởi binh chém đầu Vũ.”

Ở đây có nhắc tới chuyện “chém đầu”, là nhắc tới cái chết của Quan Vũ khi bị Tôn Quyền bắt được lúc thất thủ Kinh Châu.
Trong “Thục thư” cũng có ghi chép: “Quyền giết được cha con Quan Vũ, muốn chiêu hàng Lưu, Tào. Có người khuyên rằng không thể nuôi sói trong nhà, chưa diệt được Tào Tháo thì ắt còn họa lớn.”

Như vậy, có khả năng sau khi Quan Vũ thất thủ, chạy khỏi Giang Lăng chưa đầy hai, ba trăm dặm, bị Tôn Quyền bắt giết.
“Ngô thư” lại viết: “Tôn Quyền sai Phan Chương theo sát đường đi nước bước của Quan Vũ, cho quân mai phục, Vũ tới thì lập tức chém đầu. Sau này Quyền đem thủ cấp của Vũ cho Tào công, Vũ được truy phong hiệu “Trung nghĩa hầu”.

Cho tới ngày nay, vẫn có nhiều giả thiết xoay quanh cái chết của vị “Võ thánh” này.


Cái chết của Quan Vũ cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi.

Nghi án Quan Vũ "thèm muốn" vợ Lữ Bố, tranh người đẹp cùng Tào Tháo

Trong tác phẩm của mình, Bùi Tùng Chi từng trích một đoạn “Thục ký”: “Tào Công cùng Quan Vân Trường, bộ tướng của Lưu Bị bao vây Lã Bố ở Hạ Phì.

Quan Vân Trường nói với chúa công (Tào Tháo) rằng: Bố sai Tần Nghi Lộc đem dâng thư cầu cứu, lại còn cầu xin chúa công hãy thu nhận thiếp của hắn làm tín vật. Chúa công đồng ý.

Về sau khi sắp phá được thế vây thành, Tần Nghi Lộc lại nhiều lần đến tiếp tục cầu xin, mong được dâng người đẹp.”
Nhiều giả thiết cho rằng người vợ của Lữ Bố chính là Điêu Thuyền. Cũng theo “Thục ký”, Quan Vũ nhiều lần đề nghị Tào Tháo ban cho vợ của Lữ Bố. Tào trước thì đồng ý, tuy nhiên sau khi thấy dung nhan người đẹp, lại công khai giữ làm thiếp, thất hứa với Vũ.

Được hậu thế thờ phụng

Quan Vũ được tôn là vị Võ thánh giáng trần trợ uy, được cả Phật giáo và Đạo giáo phụng thờ. Sau khi qua đời, đầu được táng tại Lạc Dương, Hà Nam (khu lăng mộ Quan Lâm), mình táng tại núi Ngọc Tuyền, Đương Dương, Hồ Bắc.

Người đương thời cảm về đức nghĩa của Ngài, hàng năm thờ cúng rất chu đáo.

Trải qua các thời đại, ông từng được truy phong là “Trung Huệ Công”, sau là “Nghĩa Dũng Vũ An Vương”, tới thời nhà Minh – Thanh, vị quan võ này tiếp tục được tôn làm “Đế quân”, thờ phụng như một vị Võ thánh.

Cho tới hiện nay, thương nhân Trung Quốc nhiều người vẫn thờ phụng Quan Công, coi ông như một biểu tượng của sự anh hùng và lòng tín nghĩa.

Theo Tri Thức Trẻ
0

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Đại mỹ nhân Tây Thi không hề có thật?

Các sách lịch sử, kể cả "Sử ký" của Tư Mã Thiên, đều không nhắc một chữ về Tây Thi, dù nàng được cho là nhân vật làm tiêu vong cả một đất nước.
Ai cũng biết Tây Thi là người đứng đầu trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa thời cổ đại Trung Hoa. Những huyền thoại về nhan sắc của Tây Thi từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho không ít những tác phẩm văn chương. Chính vì vậy, nếu như nói rằng Tây Thi không có thực, chỉ là sự hư cấu của các truyền thuyết dân gian thì có lẽ nó sẽ gặp phải sự phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, điều đó lại hoàn toàn có thực. Lật giở tất cả sử sách từ cổ chí kim, người ta không hề tìm thấy bất cứ ghi chép nào về nàng mỹ nhân họ Thi này…

Có 5 căn cứ chứng tỏ Tây Thi chỉ là một nhân vật hoàn toàn hư cấu. Thứ nhất, theo ghi chép của những sử liệu đáng tin cậy nhất thì từ hai cuộc chiến tranh giữa Ngô và Việt cho tới việc Việt Vương Câu Tiễn sau khi bại trận phải tới nước Ngô làm con tin, nếm mật nằm gai trong thân phận một kẻ nô lệ rồi sau này trả được mối thù mất nước, tất cả đều được ghi chép rất rõ ràng. Tuy nhiên, những sử liệu này lại hoàn toàn không có một từ nào nhắc tới Tây Thi.

Sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên cũng chép rõ kết cục của Phạm Lãi rằng: “Phạm Lãi mang theo gia quyết và đồ đệ cưỡi thuyền ra biển rồi không về nữa… Khi tới đất Tề thì định cư ở đó, cha con làm ăn buôn bán, trở thành người giàu có nổi tiếng khắp vùng. Người trong thiên hạ gọi là Đào Chu Công”. Rõ ràng, Sử Ký không có một chữ nào nhắc tới Tây Thi.


Tây Thi trên phim

“Sử ký” được viết cách thời kỳ Xuân Thu không xa, và với một nhân vật đóng vai trò quan trọng như Tây Thi trong cuộc chiến tranh Ngô – Việt, Tư Mã Thiên không thể nào lờ đi như vậy được. Do vậy, ở đây chỉ có một khả năng duy nhất chính là Tây Thi không hề tồn tại.
Thứ hai, Tây Thi vốn là danh từ mà người cổ đại dùng để chỉ những người con gái đẹp nói chung chứ không phải là tên gọi. Điều này có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ trong các sách của chư tử thời Tiên Tần. Trong đó, quan trọng nhất là một câu trong sách “Quản tử”, cuốn sách xuất hiện trước cả thời Việt Vương Câu Tiễn tới 200 năm: “Mao tường, tây thi là từ dùng để chỉ những người con gái đẹp trong thiên hạ vậy”. Tây Thi là cô gái con nhà chặt củi sống ở nước Việt, thời Việt Vương Câu Tiễn, vì vậy, có lý do gì lại khiến cô mỹ nhân lừng danh thiên hạ này xuất hiện trong một cuốn sách xuất hiện trước đó cả trăm năm?

Thứ ba, sự việc Việt Vương Câu Tiễn sử dụng Tây Thi làm “mỹ nhân kế” không thấy được ghi chép trong các sử sách thời Tiên Tần. Chỉ tới thời Đông Hán, mới xuất hiện tác phẩm tên là “Việt tuyệt thư” mới bắt đầu gán cho Tây Thi trọng trách nặng nề là làm suy bại nước Ngô. Trong sách này có chép: “Việt tìm được mỹ nữ Tây Thi, Trịnh Đán rồi sai đại phu là Văn Chủng mang tới hiến cho Ngô Vương Phù Sai”.

Cũng từ tác phẩm này trở đi, việc Tây Thi trở thành một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh giữa Ngô và Việt mới bắt đầu thịnh hành và đi vào các truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, không giống như “Sử ký”, “Việt tuyệt thư” hoàn toàn không phải là một cuốn sử. Hơn nữa, đến tác giả của tác phẩm này cho tới nay vẫn chưa xác định được. Do vậy, việc lấy nội dung sách “Việt tuyệt thư” để khẳng định sự tồn tại của Tây Thi là không đáng tin cậy.

Thứ tư, một trong những người thường được coi là tác giả của “Việt tuyệt thư” là Viên Khang và Ngô Bình, hai văn nhân thời Đông Hán. Thời kỳ này còn có một tác giả khác tên là Triệu Diệp, trong tác phẩm “Ngô Việt xuân thu” đã hoàn thiện nốt câu chuyện đã được hai tác giả họ Viên và họ Ngô viết trong tác phẩm của mình, khiến câu chuyện “mỹ nhân kế” càng thêm hoàn chỉnh. Người đời sau căn cứ vào các tác phẩm “Việt tuyệt thư” và “Ngô Việt xuân thu” biến thành những truyền thuyết đẫm màu sắc huyền thoại về mỹ nhân Tây Thi.

Các bia ký ở địa phương, theo những truyền thuyết này càng thêm mắm thêm muối, biến những câu chuyện vốn được hư cấu về Tây Thi biến thành những câu chuyện có thực. Quan trọng hơn, vấn đề nằm ở chỗ, trong khi “Sử ký” và những cuốn chính sử khác không có lấy một dòng về Tây Thi thì vì sao Viên Khang, Ngô Bình và Triệu Diệp lại có thể biết được chuyện này và kể lại một cách lâm li, khúc chiết đến thế?

Cuối cùng, các ông vua Trung Quốc mỗi khi mất nước là ngay lập tức lại tìm một người phụ nữ, và thường là những người phụ nữ đẹp để làm vật hy sinh, cho rằng, ông ta có mất nước cũng là vì bị người phụ nữ đẹp kia mê hoặc. Vì vậy, người Trung Quốc mới có câu thành ngữ rất phổ biến là: “Phụ nữ là nguồn gốc của sự mất nước”.

Theo quan niệm này thì có lẽ, việc người đời sau nghĩ ra mỹ nhân kế trong cuộc chiến tranh Ngô – Việt cũng chỉ là một cách để bảo vệ cho Ngô Vương Phù Sai. Còn đương nhiên, Tây Thi chỉ là một nhân vật hư cấu để thực hiện mỹ nhân kế, minh họa cho quan điểm “Phụ nữ là nguồn gốc của sự mất nước” mà thôi.

Theo Phunutoday
0