Vibay

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Trận hải chiến giữa cảnh sát biển Việt Nam với hải quân Thái Lan năm 1993

Việc tàu chiến nước ngoài bắn chết và bắt bớ ngư dân đánh không chỉ là câu chuyện thời sự hôm nay. Những hiểm nguy trên biển vẫn ngày đêm rình rập ngư dân Việt và lực lượng chấp pháp không chỉ mới đây mà đã bao năm qua.


22 năm trước, con tàu gỗ của Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Minh Hải (nay là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau – BCHBĐBP), đang neo đậu tại bãi cạn Cà Mau làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam của Tổ quốc thì bị tàu chiến đấu của Hải quân Hoàng gia Thái Lan bất ngờ tấn công, bắn cháy, chìm tàu.

15 cán bộ chiến sĩ (CBCS) trên tàu bị bắt sống, đưa về Thái Lan giam giữ, tra khảo trong suốt 6 tháng trời. Sự việc xảy ra cách đây 22 năm vào ngày ngày 4/3/1993, trên vùng biển Cà Mau. Tôi tìm gặp lại những người lính trên tàu thời điểm ấy để nghe họ kể lại những giờ phút chống trả, quyết sinh…

Manh động vào tận bờ bắn chìm tàu ta

Ông Lâm Thanh Hóa, nguyên Thiếu tá – Hải đội trưởng Hải đội 2, BCHBĐBP Cà Mau, đang nghỉ hưu tại xã Thanh Tùng (Đầm Dơi). Chiếc ghe nhỏ chạy lạch tạch gần tiếng đồng hồ vòng vèo qua cả chục kênh rạch, mới tìm được nhà cựu chiến binh Lâm Thanh Hóa. Người đàn ông đen trũi, dáng cao gầy chạy ra bảo: “Tôi là Hóa Biên phòng!”.

Ông Hóa sinh năm 1954 ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Năm 1972 nhập ngũ vào lực lượng bến của Đoàn tàu không số tiếp nhận vũ khí ven biển Cà Mau. Sau ngày thống nhất, sang giúp nước bạn Campuchia và năm 1982 mới về nước, chính thức khoác áo CANDVT.

Ông Hóa hồi tưởng: “Ngày 4/3/1993, tôi là Thiếu tá, Hải đội trưởng Hải đội 2, CANDVT Cà Mau chỉ huy tàu trinh sát, phối hợp với biên đội tàu của Hải đoàn 28, Bộ Tư lệnh CANDVT làm nhiệm vụ bảo vệ anh ninh trật tự, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải!”.

Diễn biến sự kiện 4/3/1993 dần hình thành qua hồi ức của người Hải đội trưởng: khoảng 8 giờ sáng, tàu đang neo tại khu vực bãi cạn Cà Mau trong nhiệm vụ là tàu trinh sát, phát hiện các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, thông tin cho lực lượng tàu tuần tiễu của Hải đoàn BP 28 đang chờ tại khu vực đợi thời cơ xuất phát vây bắt. Lúc này, CBCS trên tàu vừa ăn sáng, đang chuẩn bị mồi câu cá thì xuất hiện 1 tàu chiến đấu tiến lại gần.

“Mới đầu cứ nghĩ đó là tàu Hải quân của ta bởi cách đấy mấy chục phút, tôi vừa kết thúc phiên liên lạc với Sở Chỉ huy và được thông báo là có tàu Hải quân ta hoạt động gần đó!”, ông Hóa hồn nhiên vậy rồi lắc đầu: “Nhìn qua ống nhòm, thấy lá cờ đỏ đỏ cứ nghĩ đấy là quân mình và mừng hết biết. Có mấy khi được tàu Hải quân lại gần nói chuyện?”.

Thế nhưng, cái sự mừng của Thiếu tá Hải đội trưởng Lâm Thanh Hóa và 14 cán bộ chiến sĩ CANDVT Minh Hải đã ngay lập tức biến mất, khi con tàu màu xám tiến lại gần, cờ “có tý đỏ đỏ” chỉ là viền đỏ trên dưới của cờ Thái Lan. Đồng loạt các loại súng pháo trên tàu quay nòng, nã đạn như mưa sang tàu ta…

Súng bộ binh chọi với pháo hạm

Ngay khi loạt đạn đầu tiên của tàu chiến Thái Lan bắn tung nắp khoang mũi, ông Hóa đã xác định: “Nó bắn thế này, mình hy sinh là chắc chắn” và ra lệnh cho bộ đội: “Quyết tử. Không được chạy. Nếu chết cũng chết trên vùng biển mình!”.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Trung Tính hiện đang là Thuyền trưởng tàu tuần tra của Hải đội 2, BĐBP tỉnh Cà Mau khi đó mới mang cấp hàm Trung sĩ Quân y trên tàu trinh sát vẫn giữ nguyên ký ức về buổi sáng 4/3 lịch sử ấy.

Theo ông Tính, khi đó tàu chiến đấu Thái Lan tiến sát gần nổ súng, anh em nhất loạt ôm súng vào vị trí theo khẩu lệnh chiến đấu của Hải đội trưởng. Tuy nhiên, do chỉ được trang bị súng tiểu liên AK, hỏa lực mạnh chỉ dừng lại ở khẩu 12,7 ly ở mũi tàu, 2 khẩu ĐKZ và B40 trong khi tàu đối phương phát huy tối đa hỏa lực pháo hạm 40 ly, nên đạn bắn trả không với tới.

Theo lệnh chỉ huy, tàu ta cố gắng tiếp cận tàu Thái nhưng càng vào gần họ lại càng lùi ra và tăng tốc độ chạy vòng quanh, bắn như đổ đạn.

“Anh Hóa lệnh cho chúng tôi chui hết xuống hầm tàu tránh đạn, còn lại anh ấy vừa chỉ huy vừa dùng B40 bắn trả và thuyền trưởng Hoàng lái tàu!” – Thiếu tá Tính kể vậy và lặng người: “Hồi ấy trên tàu chỉ có 2 sĩ quan là anh Hóa, anh Hoàng (thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hoàng, mới mất năm 2012 khi đang là Hải đội trưởng Hải đội 2, BCHBĐBP Cà Mau), anh Hinh (Trung tá Phạm Xuân Hinh, hiện là Chính trị viên Đồn BP Hòn Khoai, Cà Mau) lúc ấy là Trung sĩ nhưng được giao nhiệm vụ máy trưởng kiêm thuyền phó, số còn lại đều là chiến sĩ mới nhập ngũ, nên khi chỉ huy ra lệnh vậy đều xác định là sẽ trúng đạn, tất cả xung phong ở trên boong chiến đấu!”.

Nghe lại tâm sự của cấp dưới, ông Lâm Thanh Hóa cười: “Đạn mình không với tới, cứ rơi lũm bũm trên biển trong khi nó bắn rát rạt, tập trung phía trên mà chết hết à?” rồi chậm rãi: “Lúc ấy cậu Hinh là thuyền phó, tôi bắt cậu ấy xuống hầm tàu, nếu tôi và cậu Hoàng hy sinh thì còn người lái tàu!”.

Hơn 1 tiếng đồng hồ quần thảo trên biển, Thiếu tá Hóa vác B40 bắn cả chục quả đạn nhưng tàu chiến Thái dường như đoán được ý định, lùi xa tầm đạn, bắn dữ dội vào cabin lái khiến thuyền trưởng Hoàng gãy chân khụy xuống, Thiếu tá Hóa cũng bị thương vào đầu gối. Khoảng 12 giờ trưa, con tàu tơi tả vì đạn bắt đầu bốc cháy từ phía đuôi…

22 năm vẫn đầy thời sự

Thấy tàu ta bốc cháy, tàu chiến Thái Lan ngừng bắn. Thiếu tá Hóa tranh thủ tập trung bộ đội quán triệt: “Đối phương có ý định bắt sống. Chúng ta phải bảo toàn lực lượng để đấu tranh về với Tổ quốc” và cùng thống nhất danh tính “Tàu quân đội làm kinh tế”, đồng thời tiêu hủy vũ khí – tài liệu. Khoảng 12 giờ trưa tàu ta chìm, 10 CBCS còn khỏe dìu 5 người bị thương bám các vật nổi lênh đênh trên biển và được cano của Thái Lan vớt lên, người bị thương được chăm sóc y tế, xong bị dồn ra mũi tàu, trói giật cánh khủy trước những họng súng AR15…

Thiếu tá QNCN Nguyễn Trung Tính kể: “Tàu chạy được nửa ngày, thấy lính gác mỏi mệt, anh em ra hiệu nhau cứa dây trói thống nhất ám hiệu cướp súng cướp tàu, giải vây. Thế nhưng phương án này phải hủy bỏ, bởi kè ngay bên cạnh là 1 tàu chiến khác của Thái Lan, lăm lăm súng pháo dè chừng!” và rành mạch: Chạy hơn 1 ngày đêm thì về 1 căn cứ của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, anh em bị đưa lên giam cách ly, liên tục bị lấy lời khai và bị đánh đập hàng ngày!”.

Nhớ lại thời điểm ấy, Trung tá Phạm Xuân Hinh chậm rãi: “Liên tục trong hơn 1 tháng trời, ngày nào cũng bị đưa đi vặn vẹo tra hỏi về đơn vị, nhiệm vụ, hoạt động… nhưng tuyệt đối chỉ khai: Lính mới nhập ngũ đi đánh bắt cá làm kinh tế theo sự chỉ huy của thuyền trưởng, khiến đám lính gác mất kiên nhẫn, dùng báng súng đánh vào đầu gối sưng vù!” rồi cười: “May mắn gặp nhau trong lúc đi cung, anh em ai cũng hô: Cứ thế nhé! (giữ nguyên lời khai thống nhất ban đầu)”.

Riêng với cựu chiến binh Lâm Thanh Hóa, chỉ nhẩn nha: “Tôi nói tên Hòa, là Trung úy thuyền trưởng chỉ huy tàu và cấp dưới đều là chiến sĩ mới. Anh em cũng khai vậy, nên đối phương tra hỏi liên tục, ngày có khi mấy lần!”… Sau hơn tháng trời bị giam cầm trong căn cứ quân sự, toàn bộ 15 CBCS CANDVT Minh Hải được chuyển sang trại giam dân sự, ở lẫn với tù nhân hình sự và liên tục bị đưa ra Tòa án với cái gọi là “tội danh cướp biển”.

11 lần ra Tòa là 11 lần anh em cương quyết: “Chính các ông mới là cướp biển xâm phạm vùng biển Việt Nam và tấn công tàu đánh cá chúng tôi!”. Rút cục, sau 6 tháng trời giam cầm, tra hỏi và ép nhận tội nhưng không thành, bên cạnh đó là sự can thiệp tích cực của cấp trên, đầu tháng 9/1993, phía Thái Lan phải trao trả toàn bộ 15 CBCS CANDVT Minh Hải cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok và các anh trở về Tổ quốc bằng đường hàng không…

Đến vùng biển Tây Nam, tôi gặp lại những chiến binh của 22 năm trước đang bám biển Đầm Dơi, Sông Đốc, Hòn Khoai… kỳ vọng: “Bây giờ ta có đủ Hải quân, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư, Biên phòng mạnh lớn, không thiếu thốn – bất lực như chúng tôi hồi ấy” và rủ rỉ: “Sau 22 năm, chúng ta đã có đối sách – phương pháp đấu tranh với tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải. Nhưng dù thế nào thì cũng đừng để ngư dân mình bị bắt bớ tù đầy, vây bắt đẩy đuổi như mấy chục năm trước. Biển nhà mình mà để nước ngoài xâm phạm, là có lỗi với những người đã ngã xuống. Hồi chúng tôi, ai cũng xác định: Được Chính phủ, Quân đội giao cho nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, nên có chết, cũng phải chết oanh liệt cho vùng biển mình!”…

Năm 1994, Việt Nam cho lắp đặt tại bãi cạn Cà Mau – nơi xảy ra cuộc đụng độ với hải quân Thái Lan năm 1993 – một nhà giàn DK1, ký hiệu DK1/10. Nhà giàn là nơi đồn trú của binh sĩ thuộc biên chế Tiểu đoàn DK1, lúc đầu thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân Nhân dân Việt Nam, về sau trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Về mặt hành chính, bãi Cà Mau thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Cà Mau.
.
Theo THANH NIÊN ONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét