Vibay

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Mỹ Châu : “Nữ hoàng” có chất giọng liêu trai

Một trong những đặc điểm của các nghệ sỹ thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương, đó là mỗi giọng ca đều có cái riêng, không nhầm lẫn vào đâu được, mỗi khi vừa cất lên là người nghe nhận ra ngay. Và khi nhắc đến những giọng ca đặc biệt thuộc thế hệ này thì không thể nào không nhắc đến Mỹ Châu, một giọng ca và phong cách ca “lạ” mà đến hiện tại vẫn thuộc hàng “độc bộ thiên hạ”.

Hồi trước, dù nghệ sỹ cải lương được nổi tiếng, được nhiều người ái mộ, thế nhưng cái định kiến “xướng ca vô loài” vẫn còn nặng lắm. Các bậc làm cha làm mẹ, nhất là ở miền quê, ngại cho con đi làm đào hát. Bởi thế, có nhiều nữ nghệ sỹ cải lương khi khởi nghiệp phải trốn gia đình theo gánh hát. Dù vậy, cũng có một số trường hợp đặc biệt mà ở đó cái nghiệp nghệ sỹ cải lương được sự chấp nhận và chọn lựa của mẹ cha. Nghệ sỹ Mỹ Châu thuộc trong số những trường hợp đặc biệt này.

Phần đọc về Nghệ Sỹ Mỹ Châu


Trích đoạn Người Tình Trên Chiến Trận

  1. Trích đoạn 1 - Người tình trên chiến trận
  2. Trích đoạn 2 - Người tình trên chiến trận
  3. Nguyên tuồng


Con đường mẹ chọn …

Mỹ Châu tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sinh năm 1950 tại làng quê Thủ Thừa tỉnh Long An. Cũng như hầu hết các nghệ sỹ cải lương nổi danh thời đó, Mỹ Châu xuất thân trong gia đình nghèo khổ. Cha mất sớm, mẹ của Mỹ Châu phải một thân một mình tảo tần nuôi đàn con thơ. Mẹ Mỹ Châu vốn rất mê cải lương. Bà đã sớm nhìn thấy tiềm năng của con gái nên quyết lòng cho con trở thành đào hát. Được biết, một hôm bà đã vào tận lớp học của Mỹ Châu để xin với cô giáo cho con bà nghỉ học theo gánh hát, khi cô bé Nguyễn Thị Mỹ Châu mới lên 11 tuổi. Cuộc đời gạo chợ nước sông của Mỹ Châu bắt đầu từ đó.

Cũng như hầu hết nghệ sỹ nổi danh cùng thời, Mỹ Châu phải leo lên từng bậc thang của sự nghiệp. Tức là, buổi đầu khi tham gia sân khấu cải lương, Mỹ Châu chỉ được giao ngâm thơ hậu trường hay đóng vai phụ. Tổ nghiệp bắt đầu mỉm cười với Mỹ Châu khi mà vào năm 1962, Mỹ Châu đã tạo được dấu ấn qua bài vọng cổ Bá Nha-Tử Kỳ được phát trên đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, Mỹ Châu được mời về làm đào chánh ở đoàn Thủ Đô 2 khi chưa đầy 13 tuổi.

Tiếng tăm Mỹ Châu càng được vang dội khi vào năm 1965 cô về đóng cặp với nam nghệ sỹ Minh Cảnh ở đoàn Kim Chung. Khi ấy, Minh Cảnh đã là một nghệ sỹ trứ danh. Nhờ đó, Mỹ Châu cũng có cơ hội học hỏi và trưởng thành hơn trong nghề ca diễn khi đóng chung với một nghệ sỹ đàn anh tầm cỡ như thế.

Nói về giọng ca, Minh Cảnh và Mỹ Châu là hai cái “lạ” thời đó. Giọng ca Minh Cảnh lả lướt, lạng bẻ, được xem là cách tân, khác biệt với lối ca chân phương của các bậc tiền bối như Út Trà Ôn hay Hữu Phước. Giọng ca Mỹ Châu trầm hơn mức bình thường, buồn man mác. Cả hai đều ca rất điêu luyện, du dương. Một trầm, một bổng đã cùng nhau ru hồn khán giả. Đến hiện tại, người mộ điệu vẫn còn say đắm với một Mỹ Châu trong vai tiểu thơ Phùng Cẩm Loan và một Minh Cảnh trong vai lãng tử Vương Hồ Vũ trong vở tuồng kiếm hiệp trứ danh Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn. Đây là hai vai để đời của đôi nghệ sỹ này, đến hiện tại mà chưa thấy có ai vượt qua.

Công lao khó nhọc trau dồi của Mỹ Châu cuối cùng cũng đã được ghi nhận khi mà vào năm 1967, tức năm 17 tuổi, Mỹ Châu được trao giải Thanh Tâm, một giải thưởng do ký giả Trần Tấn Quốc chủ trì, được xem là giải thưởng danh giá nhất trong giới cải lương tính đến hiện tại.

Nữ hoàng hai ngôi

Mỹ Châu có những vai để đời trong nhiều vở cải lương xã hội. Người mộ điệu hầu như không chấp nhận ai khác ngoài Mỹ Châu trong các vai Lan (Tìm lại cuộc đời), Hiếu (Khách sạn hào hoa), Nàng Hai (Nàng hai Bến Nghé) … Tuy nhiên, khi nhắc đến Mỹ Châu là người ta nghĩ ngay đến danh hiệu “Nữ hoàng kiếm hiệp” bởi cô đã thành công với rất nhiều tuồng thuộc thể loại này: Khi rừng mới sang thu, Tâm sự loài chim biển, Bóng hồng sa mạc, Kiếm sỹ dơi, Sở vân cứu vợ, Tiêu Anh Phụng, Thanh Xà Bạch Xà, Trang tử thử vợ, Võ Tòng sát tẩu, Anh hùng xạ điêu, Giữa chốn bụi hồng, Kiếp nào có yêu nhau, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Băng Tuyền nữ chúa, Trăng nước Lạc Dương thành, Người tình trên chiến trận, Trảm Trịnh Ân… Nhiều lắm không thể nào kể hết được. Và gần đây nhất, Mỹ Châu cũng đã thêm vào “bộ sưu tập” những vai diễn tuồng cổ, kiếm hiệp của mình bằng hai vai Võ Tắc Thiên và vai Ngọc Hân công chúa …

Có lẽ tổ nghiệp đã tạo ra một Mỹ Châu dành cho các vai kiếm hiệp. Mỹ Châu ngoài đời dịu dàng bao nhiêu thì khi xuất hiện trên sân khấu lại oai phong bấy nhiêu. Một cái liếc mắt, một cái chỉ tay của Mỹ Châu trên sân khấu đều rất oai phong, mà lại là oai phong rất tự nhiên, không gượng ép. Bởi thế, Mỹ Châu rất thích hợp cho các vai cổ trang, kiếm hiệp. Trên thực tế, có những nghệ sỹ có bộ dáng không thích hợp với vai kiếm hiệp, nên dù có cố gắng tỏ ra oai phong cũng không khỏi để lộ chút gượng ép. Còn Mỹ Châu thì giỏi vũ đạo, có tướng oai phong một cách rất tự nhiên. Nhờ dáng vẻ oai phong đó, Mỹ Châu đóng vai giả trai cũng hết chỗ chê.

Những vai diễn cổ trang, kiếm hiệp của Mỹ Châu thì có rất nhiều. Đó là một Tiêu Anh Phụng oai hùng, hết lòng vì nước vì tình trong vở diễn cùng tên. Đó là một tiểu thư Phùng Cẩm Loan trang đài, gặp nghịch cảnh tình yêu nhưng phải kiên cường chịu đựng để giữ đúng nghĩa tình nhân thế, trong vở Mùa thu trên Bạch Mã Sơn. Đó là một người đẹp Cát Mộng Thùy Dương lận đận với tình yêu trong vở Tâm sự loài chim biển. Đó là một Lý Thần Phi sống lây lất trong cảnh đui mù để chờ ngày được minh oan trong vở Bao Công tra án Quách Què. Đó là một Công chúa Ngọc Hân kiên cường vượt bao trở ngại bên cạnh anh hùng Nguyễn Huệ, trong vở Tâm sự Ngọc Hân …

Đặc biệt, vai Ngọc Hân công chúa, có thể nói, đây là vai diễn thể hiện đầy đủ nhất những nét đặc trưng của Mỹ Châu. Theo kịch bản, thì khi về làm vợ Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Công chúa Ngọc Hân bị vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc nghi ngờ là gián điệp của nhà Lê. Màn hay nhất là lúc Nguyễn Nhạc dẫn quân đến tư dinh Nguyễn Huệ để bắt tội Ngọc Hân. Khi ấy, người đóng vai Ngọc Hân thường mặc bộ áo dài Việt Nam theo kiểu xưa. Kiểu áo dài này rất sang trọng quý phái. Những nữ nghệ sỹ khác khi đóng Ngọc Hân, thì thường chỉ có thể tận dụng được nét quý phái của chiếc áo dài để có cách diễn sang trọng quý phái.

Còn Mỹ Châu thì khác. Với phong cách diễn oai phong một cách tự nhiên, Mỹ Châu thể hiện được sự oai vệ kiên cường bên cạnh nét quý phái của nàng công chúa. Với giọng ca trầm buồn nhưng không bi lụy, Mỹ Châu đã thể hiện được bản lĩnh của một Ngọc Hân công chúa: dù vô cùng đau khổ nhưng vẫn kiên cường vì chồng, vì đại nghĩa. Đây là một lớp diễn rất khó, và Mỹ Châu đã thành công. Cách diễn của Mỹ Châu đã tạo được khuôn mẫu cho vai diễn này: một người phụ nữ sang trọng, dịu dàng có một tinh thần kiên cường không kém bậc nam nhi.

Một vai diễn để đời khác của Mỹ Châu mà không thể nào không nhắc đến : A Khắc Thiên Kiều trong vở Người tình trên chiến trận. Câu chuyện xoay quanh cuộc chinh phạt nước Tây Hạ của người Mông Cổ. Là con gái của viên đại tướng A Khắc Lữ, A Khắc Thiên Kiều cũng là một viên tướng chinh phạt kiêu hùng. Thế nhưng, khi đến xâm lăng Tây Hạ, A Khắc Thiên Kiều đã chịu một lúc hai nỗi đau lớn. Về huyết thống, Thiên Kiều phát hiện ra rằng mình là người Tây Hạ, và giờ đây cô đã cùng đoàn quân Mông Cổ ngoại bang về tàn phá quê cha đất tổ. Còn trong tình yêu, Thiên Kiều cũng gặp bất hạnh khi không được trọn vẹn mối tình với chàng trai Tây Hạ tên Cổ Thạch Xuyên.

Thế nhưng, là một nữ tướng quen chinh chiến, quen cuộc đời “Ngày chinh phạt đêm ngủ trên yên ngựa”, A Khắc Thiên Kiều dẫu có đau khổ thì cũng không thể bi lụy như nhi nữ thường tình. Với phong cách diễn oai vệ và giọng ca truyền cảm đầy chất bi hùng, Mỹ Châu đã cho khán giả cảm nhận được nỗi đau xé lòng nhưng không yếu đuối thường tình của một viên nữ tướng. Có thể nói, trong vở Người tình trên chiến trận, giọng ca Mỹ Châu đã « tung hoành » một cách ngoạn mục.

Nữ hoàng tân cổ giao duyên

Mỹ Châu có một giọng ca và phong cách ca “lạ” . Mỹ Châu có giọng đồng pha kim, trong đó đồng nhiều kim ít. Bởi thế, giọng của Mỹ Châu trầm. Nhưng cái đáng nói là, Mỹ Châu không có làn hơi dồi dào, nên khi ca giọng Mỹ Châu có vẻ trầm hơn mức bình thường. Trong ca vọng cổ, để ca hay, người nghệ sỹ đòi hỏi phải có chất giọng trời cho, làn hơi dồi dào. Mỹ Châu chỉ có chất giọng trời ban mà thiếu làn hơi dồi dào. Thế mà, chính từ cái thiếu đó Mỹ Châu đã làm nên chuyện. Mỹ Châu đã thành công khi tạo được cái riêng độc nhất của mình.

Cái riêng đầu tiên của Mỹ Châu đó là cách vô vọng cổ. Thường thì các danh ca vọng cổ xưa nay, dù hơi dài hơi ngắn, cũng cố gắng vô vọng cổ một cách thật ngọt. Người học ca vọng cổ cũng vậy, cũng phải làm sao vô vọng cổ cho ngọt, cho mướt. Giọng ca Mỹ Châu thuộc hàng được yêu mến nhất, thành công nhất, nhưng cái lạ là cách vô vọng cổ của Mỹ Châu có vẻ hơi “chướng”.

Chẳng hạn như trong vở tuồng "Người tình trên chiến trận", khi vô vọng cổ: “Cũng như anh em là kẻ ngày chinh phạt, đêm ngủ trên yên ngựa. Vào hiểm ra nguy chưa bao giờ biết sợ, sao bỗng nhiên nghe lạnh buốt cả ….tâm … hồn”. Thường để vô vọng cổ cho ngọt, thì nghệ sỹ lên cao chữ “cả” rồi hạ dần xuống chữ “tâm” để xuống thấp hơn ở chữ “hồn”. Thế nhưng, Mỹ Châu thì lại khác.

Ở câu vọng cổ này, Mỹ Châu vô một cách “ngang ngang”, không hạ từ cao độ dần thấp xuống như mọi người. Chưa hết, thường thì khi xuống vọng cổ câu như trên, giữa chữ “cả”, chữ “tâm” và chữ “hồn” phải có một khoảng cách để người nghệ sỹ “ơ ơ” rồi dần dần hạ xuống. Khoảng cách này dài ngắn tùy vào làn hơi và cách ca của mỗi người. Thế nhưng, phải làm sao không cho ngắn quá để tránh tạo cảm hát “chướng” tai, cảm giác “hụt hơi”.

Thế mà Mỹ Châu lại vô vọng cổ theo kiểu giữa ba chữ “cả tâm hồn” dường như không có khoảng cách. Nếu một giọng ca khác mà xuống vọng cổ kiểu này thì nghe cụt hứng ngay. Thế mà không hiểu tại sao, với giọng ca Mỹ Châu thì kiểu xuống đó nghe rất ngọt và rất lạ tai. Điều đó cho thấy một sự luyện tập rất công phu và trình độ ca thượng thừa của Mỹ Châu. Và cũng cho thấy, cái lạ, cái sáng tạo nghiêm túc luôn được đòi hỏi trên sân khấu cải lương.

Một điều đặc biệt nữa ở Mỹ Châu, đó là cô đã góp thêm một loại dây nữa cho sân khấu cải lương: “dây Mỹ Châu”. Số là, trong những năm 1980, khi đạo diễn Huỳnh Nga dựng vở Khách sạn hào hoa, Mỹ Châu đóng đào chánh tên Hiếu. Khi xuống vọng cổ: “Bước lênh đênh trôi dạt đến … đô … thành”, thì Mỹ Châu ca thành “Bước lênh đênh trôi dạt đến … Sài…Gòn”. Xuống vọng cổ mà có hai chữ cuối là hai dấu huyền thì cực kỳ khó ca. Nhưng với Mỹ Châu thì khác bởi giọng ca và cách ca của cô hoàn toàn phù hợp để xuống ngọt và lạ hai dấu huyền ở cuối câu như vậy.

Và khi tập tuồng, như lời Mỹ Châu tâm sự, do muốn dưỡng hơi, nên Mỹ Châu không ca hết sức như bình thường. Vì thế, giọng ca của Mỹ Châu khi ấy thấp hơn dây “hò tư” (Dây chánh đào) mà cũng chẳng phải “hò ba”. Cái giọng “lỡ ba lỡ tư” này đã buộc thầy đờn phải xuống dây cho phù hợp. Danh cầm Hoàng Thành khi ấy bèn chế theo kiểu hết sức thủ công một dụng cụ kèm thêm vào phím đờn ghi ta phím lõm để đờn giọng phù hợp với Mỹ Châu. Nghe lạ tai, đạo diễn Huỳnh Nga đã đề nghị cả Mỹ Châu và Hoàng Thành giữ luôn tông nhạc đó. Và thế là, “dây Mỹ Châu” xuất hiện, được khán giả chấp nhận và tồn tại đến ngày nay.

Bên cạnh ca cổ nhạc, Mỹ Châu ca tân nhạc cũng rất hay, rất lạ. Thêm vào đó, với giọng trầm, Mỹ Châu hò nghe rất êm tai như hò Huế vậy. Tất cả đã tạo nên một giọng ca Mỹ Châu độc nhất vô nhị. Và giọng ca cũng chính là thế mạnh của Mỹ Châu, một thế mạnh mà Mỹ Châu đã biết khai thác đúng mức và có hiệu quả, nhất là trong các bài tân cổ giao duyên.

Tóm lại, khi nhắc đến giọng ca Mỹ Châu, người mộ điệu trước tiên nhớ đến một giọng ca lạ, trầm buồn, nỉ non, điêu luyện và có độ thẩm thấu cao. Với giọng ca này, Mỹ Châu đã được mời thu âm và ghi hình không biết bao nhiêu bài vọng cổ, đặc biệt là thể loại tân cổ giao duyên.

Có thể kể ra một số bài tiêu biểu sau : Trương Chi Mỵ Nương, Bà Mẹ Gò Công, Chuyện Tình Hoa Muốn Biển, Cô lái đò, Tình đôi ta, Đêm tàn bến ngự, Đồi tím hoa sim, Đừng nói xa nhau, Ga chiều, Giận hờn, Hàn Mặc Tử, Hòn vọng phu, Kiếp cầm ca, Lỡ yêu rồi, Lối về xóm nhỏ, Lòng mẹ, Một người đi, Mưa nửa đêm, Nếu hai đứa mình, Người em Vĩ Dạ, Ở hai đầu nỗi nhớ, Sầu Lẻ Bóng, Sợi nhớ sợi thương, Bông hồng cài áo…. Nhiều lắm, không thể nào kể hết được.

Chỉ riêng trang tự điển mạng Wikipedia Tiếng Việt đã liệt kê gần 400 bài tân cổ giao duyên do Mỹ Châu thể hiện. Đây là một liệt kê dài nhất đối với tất cả các nghệ sỹ cải lương được trang mạng này ghi nhận, tính đến hiện tại. Với tất cả những điều đó, Mỹ Châu xứng đáng được mệnh danh là “Nữ hoàng tân cổ giao duyên”.

Mỹ Châu không có làn hơi dồi dào, giọng không mạnh, nhưng đã biết rèn luyện để biến điểm yếu thành cái hay, cái lạ riêng của mình. Và Mỹ Châu đã thành công, đã đóng góp thêm một trường phái ca, phong cách ca mới cho sân khấu cải lương. Trường phái ca Mỹ Châu hiện chưa có người kế thừa.

Thành công của giọng ca Mỹ Châu đến mức mà, mỗi khi nhắc đến các giọng ca nữ bậc nhất của sân khấu cải lương thời vàng son, thì người ta không thể nào không nhắc đến Mỹ Châu. Trường hợp của Mỹ Châu là một tấm gương cho các thế hệ nghệ sỹ trẻ ngày nay trong việc tìm tòi sáng tạo ra cái lạ, cái hay riêng, chứ không chỉ rập khuôn sáo mòn, bắt chước người đi trước.

Nguồn: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét