Người ta nói nhiều đến Ninh Thuận là nơi nhiều nắng gió nhưng ít ai biết rằng đằng sau đó là một vẻ đẹp quyến rũ, khiến lòng người xốn xang, đã chót đến không muốn quay trở về.
NHỮNG BẤT NGỜ Ở VÙNG NẮNG GIÓ NINH THUẬN
Ninh Thuận bị kẹp giữa hai địa danh thu hút khách du lịch nổi tiếng cả nước là Nha Trang (Khánh Hòa) và Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận), cách đó không xa về phía tây là một Đà Lạt đầy mộng mơ luôn quá tải người mỗi dịp nghỉ lễ, nên từ lâu vùng đất nắng gió này dường như bị thiệt thòi hơn những người hàng xóm. Đối với người miền Bắc, mỗi khi có cơ hội đặt chân vào miền Trung, phần nhiều họ thường lựa chọn Đà Nẵng, Nha Trang. Còn với Ninh Thuận, trong mắt họ chưa phải là điểm đến hấp dẫn, nhất là đối với các gia đình trong kỳ nghỉ hè.
Khoảng cách từ TP.HCM đến thành phố Phan Rang - Tháp Chàm của Ninh Thuận là 350 km, nhưng nếu lựa chọn đường hàng không vào Cam Ranh (Khánh Hòa) thì đường đi rất thuận tiện, chỉ 65 km từ sân bay để về vùng đất đầy nắng gió.
Chúng tôi đến Phan Rang (Ninh Thuận) thời điểm khi Hà Nội đang là cuối thu. Đây là lần thứ tư tôi đặt chân tới xứ sở nắng gió. Có một chút bất ngờ, Ninh Thuận đâu chỉ là vùng đất khô cằn, hạn hán như những gì tôi được biết trước đó. Thậm chí, trong ngày cuối trước khi ra sân bay Cam Ranh để trở về, tôi còn thấy rích rắc những hạt mưa phùn vương trên tóc.
Người có kinh nghiệm, đọc nhiều thường nói đùa câu cửa miệng: “Nắng như Phan, gió như Rang”, ý nói thành phố thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận đầy nắng, gió. Tới đây, dù ra khỏi địa phận Phan Rang thì bất kỳ nơi nào của tỉnh này vẫn luôn ngập gió. Ninh Thuận cũng là nơi có nắng nhiều nhất cả nước, nắng từ sáng tới tối, nắng cháy da.
Thời điểm đầu tháng 11, khi miền Bắc bắt đầu đón những đợt gió mùa Đông Bắc thì tại Ninh Thuận vẫn nắng rực rỡ. Biển Ninh Thuận xanh không khác gì “người hàng xóm” Nha Trang và có những khu vực còn được tô thêm vẻ đẹp bởi những con sóng trắng xóa xếp thành hàng liên tiếp xô bờ. Đứng từ trên cao tại vịnh Vĩnh Hy, một cảm giác bồng bềnh, cuốn hút khó tả. Tôi cứ đứng đó ngẩn ngơ mãi, thực sự không muốn về.
Vào mỗi đợt cao điểm kỳ nghỉ dưỡng mùa hè, các gia đình hay giới trẻ thường chọn Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc làm nơi thăm thú, du ngoạn bởi sự nổi tiếng về biển. Theo thông tin từ tỉnh Ninh Thuận, nơi đây hiện chủ yếu đón khách quốc tế trên các chuyến bay charter từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc. Họ bay tới Cam Ranh rồi từ đó tới đây chỉ phải di chuyển thêm 65 km. Khách Việt lại rất ít nếu so với các địa phương khác. Với những người không thích sự ồn ào, náo nhiệt vùng đất này hẳn là một lựa chọn hợp lý cho cả du lịch nghỉ dưỡng lẫn du lịch khám phá.
Đồi cát Sơn Hải tuyệt đẹp ở Mũi Dinh
Mũi Dinh là một trong những điểm đến ấn tượng. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây yên bình, hoang sơ, ít dấu ấn tác động của bàn tay con người.
Mũi Dinh, thuộc thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, cách Phan Rang khoảng 40 km về phía nam. Địa danh này nằm ở vị trí khá hẻo lánh, nơi ít cư dân sinh sống nên không quá nổi tiếng. Vài năm gần đây nhờ sự khám phá của giới trẻ, Mũi Dinh dần trở nên nổi tiếng. Được biết các nhà đầu tư du lịch nghỉ dưỡng cũng đang tìm đến Ninh Thuận trong đó có Mũi Dinh để khai thác.
Chẳng cần phải ra đảo, tôi và những người bạn đồng hành có thể ngắm biển xanh có ở khắp Mũi Dinh. Địa chất vùng đất này vốn là đá tảng và đụn cát. Lượng mưa ở đây rất thấp, hàng năm chỉ khoảng 600 mm, vào những năm hạn hán xuống còn 300 mm nên đất đai khô cằn.
Mũi Dinh nổi tiếng nhất với đồi cát Sơn Hải. Những người ngồi trên xe bọ hung đi từ dưới chân đồi lên đỉnh cứ từng đoạn họ lại trầm trồ thốt lên: "Ôi, đẹp quá, đẹp hơn đồi cát Bàu Trắng ở Phan Thiết nhiều". Quả thật, đến "tiểu sa mạc Sahara" ở Bình Thuận còn bị đánh giá thấp hơn thì cần phải nghiêm túc xem xét kỹ "vùng đất của gió" này.
Xe chỉ dừng ở đoạn đỉnh dưới bởi những nơi độ dốc cao không thể lên tiếp, gây nguy hiểm. Chúng tôi khuyên nhau chịu khó lê bước trèo hẳn tới đỉnh mất khoảng 500 m sẽ có những bức hình độc đáo hơn nữa. Và rồi chỉ có vài người thong dong dạo bộ lên cao. Xung quanh, gió liên tục thổi, không khí rất mát mẻ, cát bay rào rào dưới chân. Loanh quanh nơi này chỉ 15 phút tôi đã thấy trên tóc, mặt, cổ, gáy và quần áo mình bị bám đầy cát. Đôi giầy cũng trở nên nặng nề hơn bởi như thể đi sục, cát bay chui tọt vào bên trong.
Anh Giang Sơn, người đi cùng với tôi trên chiếc xe bọ hung, sau khi bước xuống đã leo bộ lên đỉnh, dang tay để đón nhận những luồng "bão" cát bay vào người có vẻ đầy khoái chí. Và cũng vì cát bay liên tục nên những dấu chân người qua lại chỉ sau ít phút bị cát đắp đầy lên, xóa nhòa ngay các vết đó lập tức, giúp cho bề mặt triền cát lại trở nên mịn phẳng như ban đầu.
Tới Mũi Dinh, bạn cũng sẽ thấy một số nhà hàng sử dụng máy cày cho công việc vận tải bởi các loại xe khác không thể di chuyển trên lớp cát dày ven biển. Do phải di chuyển xa, những người ngại đi bộ có thể thuê dịch vụ này với giá 100.000 đồng/lượt, mỗi lượt chở được từ 8-10 người. Sau khi khách ngồi đủ ở hàng ghế sau và chiếc lưỡi cày đã được cải tiến phía trước, xe bắt đầu nâng dần lên ở độ cao chừng 2,5-3 m rồi di chuyển.
Ngay gần đồi cát Sơn Hải là làng Mông Cổ Tanyoli với nhiều trò chơi hấp dẫn như trượt cỏ, leo núi, cắm trại, thử lái xe địa hình trên cát hay bắn cung, chăn cừu... phù hợp với các gia đình và giới trẻ. Sau khi thưởng thức bữa trưa, nghỉ ngơi một lát tôi và những người bạn liền thử vui đùa với đàn cừu, cưỡi ngựa, chụp ảnh giữa vườn hoa vàng rực và chơi xe trượt cỏ, một cảm giác đầy phấn khích. Ngoài ra, Tanyoli còn có 5 lều bạt kiểu Mông Cổ, 5 căn nhà gỗ mái cong xinh xắn, giá từ 1,4-2 triệu đồng/đêm cho ai muốn trải nghiệm ngủ qua đêm.
Vịnh đẹp nhất Ninh Thuận mang tên Vĩnh Hy
Vịnh Vĩnh Hy là một vịnh nhỏ nằm ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, phía đông bắc của Ninh Thuận (cách Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 42 km). Phía tây là đỉnh Núi Chúa cao 1.040 m cách mặt nước biển và có dòng suối Lồ Ồ chảy quanh năm đổ xuống vịnh. Trong vịnh sóng yên biển lặng, tàu thuyền trú ẩn an toàn khi có bão. Cạnh đó là ốc đảo Vĩnh Hy quyến rũ bởi địa thế hiểm trở, một mặt là biển và 3 bề rừng núi bạt ngàn.
Nhìn từ trên cao, Vĩnh Hy trông như những con rùa khổng lồ nằm quay đầu hướng ra biển. Chúng tôi có mặt đúng thời điểm đẹp nhất để ngắm vịnh này (từ tháng 11 đến tháng 6 hàng năm). Lúc này cũng là mùa khô, trời trong xanh, cao vời vợi, nước biển màu ngọc bích, lòng người xốn xang.
Sau khi thưởng thức đồ hải sản trên bè nằm giữa biển, chiếc tàu du lịch đáy kính trông bề ngoài như chiếc thuyền đánh cá chở từng đoàn du khách chạy lòng vòng quanh vịnh để ngắm san hô. Ngồi trên tàu, bạn sẽ được hít thở không khí trong lành, tận hưởng cảm giác thư giãn với bốn bề là biển và gió lộng.
Khác với nhiều vịnh tại Việt Nam, quần thể thiên nhiên Vĩnh Hy hùng vĩ và còn khá hoang sơ, chưa có dấu vết của thương mại du lịch. Vì thế, ban ngày hay buổi tối, quang cảnh tại vịnh đều khá yên bình. Xe chở chúng tôi chạy từ Phan Rang tới đây cảm giác như đi lòng vòng bởi cứ đi được một đoạn lại thấy cảnh mới na ná cảnh cũ.
Nuối tiếc, chỉ muốn có nhiều thời gian hơn để dừng lại sáng tác ảnh. Càng lên cao, chúng tôi càng thấy cảnh đẹp hơn bởi những mảng trời xanh hòa quyện với nước biển và các con sóng nhấp nhô tung bọt trắng xóa đầy cuốn hút. Trong một đợt dừng nghỉ ven đường, tôi đứng ở mép hòn đá lớn nhô ra biển nhìn xuống ngắm các con sóng đang cuồn cuộn đánh một hồi lâu, một cảm giác không muốn rời.
Tháp Chăm PôKlông Garai trong ánh hoàng hôn
Ninh Thuận cũng là nơi có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa từ hơn 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Trong đó, đời sống của cộng đồng người Chăm - Ninh Thuận chính là một bảo tàng sinh động về một nền văn hóa đa dạng, lâu đời.
Di tích tháp Chàm PôKlông Garai là công trình kiến trúc nổi bật ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là một trong những điểm du lịch thu hút du khách hàng ngày. PôKlông Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, nằm trên đồi Trầu, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.
Tháp Chăm độc đáo bởi chất liệu xây dựng là gạch Chăm, loại gạch cũng làm từ đất sét như mọi loại đất khác nhưng nó bí ẩn đến mức không ai biết người nghệ sĩ Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín. Công trình được xây dựng với lối kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chăm Pa cổ.
Tháp chính thờ tượng vua PôKlông Garai, gồm một cửa chính ra vào ở hướng đông, trên cửa là mái vòm, có 2 trụ đá lớn đỡ, mặt trụ đá khắc chữ Chăm cổ, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa, có 6 tay. Tháp cổng ở phía đông và tháp Thần Lửa chếch phía nam có mái hình thuyền. Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần…
Chúng tôi may mắn có mặt ở tháp Chàm PôKlông Garai đúng thời điểm mặt trời đang dần xế bóng. Khung cảnh xung quanh tĩnh mịch, lác đác những du khách trẻ còn sót lại đang dạo chơi loanh quanh khuôn viên tháp. Nhìn từ trên cao, xung quanh tháp Chàm trông như một miền quê yên ả, xa xa là những dãy núi trông như có tuyết trắng bao phủ.
Săn mặt trời mọc ở Hang Rái
Hang Rái là điểm yêu thích cho các nhiếp ảnh gia bởi phong cảnh vô cùng kỳ lạ. Những hòn đá được thiên nhiên đẽo tạc, xếp chồng lên nhau tạo nên những hình thù đặc biệt. Hang Rái còn đặc biệt ở chỗ có thác nước nằm ngay ngoài biển. Những phiến đá nhấp nhô chìm trong dòng nước trong vắt nhìn thấy đáy. Khi thủy triều lên, nước chảy xuống tạo thành một chiếc giếng nhỏ hay một thác nước mê hoặc không thể nào rời mắt.
Các nhiếp ảnh gia nơi đây truyền kinh nghiệm rằng nếu bạn muốn săn cảnh bình minh Hang Rái nên dậy sớm. Thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tới đây khoảng 45 phút.
5h30 là lúc mặt trời bắt đầu nhú lên với màu ửng đỏ nơi chân trời xa xa, đó là thời điểm đẹp nhất để khơi dậy sức sống tràn trề của Hang Rái. Dưới chân mình, những lớp rêu xanh sau một đêm say ngủ như trỗi dậy theo những tia nắng đầu tiên. Dòng nước biển đổi màu một cách diệu kỳ theo ánh mặt trời. Ở vị trí tiếp giáp biển với chân núi, từng con sóng thay nhau xô vào đá bắn nước lên tạo nên âm thanh vang dội giữa khung cảnh yên tĩnh của buổi sáng. Một lát sau, nắng càng lên cao mặt biển càng trong hơn, bầu trời cũng xanh thắm ngay từ buổi sớm.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành du lịch tỉnh này ước tính đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, đạt 83% so với kế hoạch, tăng 22,7% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt hơn 60.000 lượt. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 660 tỷ đồng, đạt 66% so với kế hoạch, tăng 28,7% so cùng kỳ.
Thời gian tới, ngành du lịch Ninh Thuận tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, thu hút đầu tư vào các dự án như: Khu du lịch mạo hiểm Đồi cát Sơn Hải - Mũi Dinh, công trình đường đi bộ ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ, công viên biển Bình Sơn, hạ tầng khu du lịch Vĩnh Hy... đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư đối với một số dự án du lịch trọng điểm của tỉnh. Liên kết phát triển các tour, tuyến du lịch với các vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; khai thác các sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch quốc tế lưu lại dài ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét