Vibay

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Con đường chông gai Việt Nam hiện đại hóa quân đội chống lại Trung Quốc

(Viện nghiên cứu Lowy) - Vào ngày 5 tháng 3, tàu sân bay USS Carl Vinson đã ghé cảng Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh (Chiến tranh Việt Nam đối với người Mỹ, và Chiến tranh chống Mỹ đối với người Việt Nam) mà một tàu sân bay Mỹ neo đậu trong vùng biển Việt Nam - bằng lời mời - để thăm chính thức nước này.


Cuộc thăm viếng của Carl Vinson nhắc nhở chúng ta rằng so với những nỗ lực hàng thế kỷ của Việt Nam để cân bằng với quyền lực của Trung Quốc, sự đối kháng của nước này với Hoa Kỳ là tương đối ngắn ngủi. Và Hà Nội mong muốn một sức mạnh ngăn chặn để quản lý chiến lược không chắc chắn của mình liên quan đến bạn bè mới và kẻ thù cũ.

Hai thách thức

Việc thiết lập tư thế quân sự của Việt Nam từ lâu đã được tiến hành âm thầm dưới những cái bóng của các siêu cường (1). Trong 30 năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với hai thách thức lớn: sự sụp đổ của Liên Xô và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Mặc dù hai diễn biến này đã diễn ra trong các thế hệ lãnh đạo Việt Nam khác nhau, cả hai [thách thức ] đều ảnh hưởng đế kế hoạch quốc phòng của Hà Nội.

Giống như hầu hết các nước Cộng sản trong Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã nhận được khoản viện trợ quân sự lớn của Liên Xô. Do môi trường chiến lược của Việt Nam, sau Chiến tranh Việt-Trung năm 1979, Moscow đã tập trung vào việc tăng cường lực lượng bộ binh của Việt Nam [để phòng thủ biên giới]. Mặc dù có yêu cầu của Việt Nam về việc tăng sức mạnh hải quân nhưng đã bị Liên Xô gạt ra ngoài lề - không có tàu ngầm nào được chuyển tới Hà Nội.

Sau khi chấm dứt viện trợ Liên Xô vào năm 1992, nền kinh tế Việt Nam đã thực hiện một sự chuyển đổi đau đớn theo chính sách đổi mới, và việc duy trì các tài sản hiện có của quân đội đã trở thành gánh nặng. Nhờ cải cách kinh tế, vào giữa những năm 1990 Việt Nam đã có những nguồn lực để hiện đại hóa. Sự phân bố các nguồn lực được xác định bởi một yếu tố bên ngoài là Trung Quốc.

Trong những năm 1990, mối quan hệ song phương thù địch trước đây giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã được cải thiện sau khi giải quyết vấn đề biên giới đất liền và biên giới biển ở Vịnh Bắc Bộ. Nhưng trong khi mối quan hệ chính trị ấm lên, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa, khiến Quân đội Việt Nam trở nên kém cỏi và lạc hậu.

Các tranh chấp lãnh hải là nguyên nhân có thể xảy ra xung đột Việt-Trung nhất. Hiện tại, Hà Nội tập trung nguồn lực vào việc hiện đại hóa năng lực hải quân và không quân, kéo dài một thập kỷ. Từ năm 2008 đến năm 2012, Việt Nam đã ký kết các hợp đồng vũ khí lớn để mua tàu ngầm, tàu khu trục nhỏ và máy bay chiến đấu, và các loại vũ khí khác từ Nga, Canada, Hà Lan, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông từ cuối những năm 2000 rõ ràng là một yếu tố quyết định việc đổi mới tập trung vào chiến lược hàng hải của Hà Nội và tăng cường đầu tư vào hải quân và không quân của mình.

Tiến thoái lưỡng nan

Sau khi trang bị những vũ khí hải quân và không quân tinh vi, vị thế của Việt Nam ở Biển Đông so với Trung Quốc ít bị tổn thương hơn trước đây. Tuy nhiên, cách tiếp cận không đồng đều trong việc hiện đại hóa có thể tạo ra một tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Hà Nội: Việt Nam chỉ cần tiếp tục tập trung đầu tư vào hải quân và không quân, hoặc đầu tư vào tất cả các quân binh chủng?

Tài sản của Quân đội Việt Nam có được từ thời Chiến tranh, bị lãng quên do khả năng tác chiến thấp. Một cuộc chiến tranh xâm chiếm đất đai của Trung Quốc không thể bị loại trừ hoàn toàn, nhưng thật khó tưởng tượng Trung Quốc phá vỡ các hiệp định biên giới đã ký kết và có nguy cơ bị phản ứng từ các cường quốc khác ở châu Á.

Hà Nội vẫn giữ được một hệ thống các lực lương bảo vệ lãnh thổ bao gồm các đội quân chính qui, biên phòng và dân quân. Tuy nhiên, nếu không có sự đổi mới đáng kể, quân đội Việt Nam ngày càng kém cỏi so với quân đội Trung Quốc và đó sẽ là một nguy cơ chiến lược lớn đối với Việt Nam. Bắc Kinh có thể phơi bày những điểm yếu và Việt Nam có thể chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh thông qua các cuộc triển khai và tập trận gần biên giới mà không gây ra xung đột. Việc hiện đại hoá Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả ngăn chặn.

Sức mạnh hải quân và không quân của Việt Nam có thể không đủ cho các sự kiện khẩn cấp ở Biển Đông. Hà Nội thiếu nguồn lực để cạnh tranh trực tiếp với các quân khu miền nam Trung Quốc. Và các triển khai quân sự của Bắc Kinh trên các hòn đảo nhân tạo mới làm tăng áp lực lên vị trí chiến lược của Hà Nội.

Tuy nhiên, do tham vọng chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh không cho phép Việt Nam tập trung vào một đối tác, vì vậy Hà Nội đã tăng cường quan hệ với New Delhi, Tokyo và Washington. Ví dụ được công bố rộng rãi nhất là việc Tổng thống Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với việc buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016. Và vào tháng 11 năm 2017, Việt Nam đã ký Quan hệ Đối tác chiến lược với Australia.

Cho dù mối quan hệ phi liên minh này không có hiệu quả ngăn chặn Trung Quốc một cách chắc chắn, và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông là phức tạp bởi tổng thống Philipin Rodrigo Duterte không sẵn sàng chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

Mặc dù có sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong ba thập niên qua, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vẫn thiếu nguồn lực để đáp ứng được sự hiện đại hóa cả bộ binh, hải quân và không quân, và các dự án chế tạo vũ khí trong nước cũng đang cạnh tranh để giành kinh phí.

Cải thiện quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ đưa ra nhiều lựa chọn thay thế cho di sản từ thời Liên Xô cũ trong quân đội Việt Nam, đặc biệt là giám sát hàng hải, nhưng nó sẽ không giúp giảm gánh nặng tài chính cho Việt Nam.

Tư thế phòng thủ của Việt Nam đối mặt với một tương lai khó khăn, với lịch sử nặng nề với các nhà hoạch định chính sách. Với những bằng chứng ngày càng tăng về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chính sách quốc phòng của Việt Nam sẽ được thực hiện dưới sự giám sát của hai siêu cường quyền lực trên.

Theo Viện nghiên cứu Lowy, Australia.

(1): Ý nói Hà Nội xem xét mức độ ảnh hưởng (cái bóng của các siêu cường) của các nước lớn để vạch ra chiến lược quốc phòng Việt Nam sao cho tương ứng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét