Vibay

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Bị tấn công, lính Trung Quốc tháo chạy, bỏ mặc nhân viên LHQ bị hãm hiếp

Theo thông tin từ Associated Press, vào ngày 11/7 vừa qua, hơn 100 tay súng đã tấn công căn cứ của Liên Hợp Quốc tại thủ đô Juba, Nam Sudan. Nhưng thay vì bảo vệ hàng chục ngàn dân thường đang lánh nạn tại đây, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bao gồm các binh sĩ Ethopia và Trung Quốc lại … tháo chạy.


Lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc. (Ảnh: Chinanews)

Trong khi các binh sĩ Ethiopia còn giúp sơ tán thường dân và có lúc còn bắn trả, thì các binh sĩ Trung Quốc chỉ lo thoát thân, bỏ lại vũ khí đạn dược sau lưng.

Theo báo cáo của Center for Civilians in Conflict (một tổ chức bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột, có trụ sở tại Washington), phiến quân đã “hãm hiếp tập thể ít nhất 5 nhân viên cứu trợ quốc tế, đánh đập hay tấn công tình dục ít nhất hàng chục người khác và xử tử một phóng viên Nam Sudan”.


Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan bị bỏ tụt lại phía sau. Ảnh: Albert Gonzalez Farran/AFP/Getty Images

Ngay sau đó hãng tin Associated Press đã tiến hành một cuộc phỏng vấn qua điện thoại đối với 8 người nước ngoài sống sót sau vụ tấn công, trong đó có 3 người cho biết họ đã bị hiếp dâm. Theo AP, 5 người khác đã bị đánh đập và tất cả đều yêu cầu giấu tên nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và duy trì hoạt động của tổ chức tại Nam Sudan.

Một nữ nhân viên cứu trợ nói rằng một người lính thuộc quân đội Nam Sudan đã chĩa súng AK-47 vào đầu của mình và đưa ra sự lựa chọn rằng: “Hoặc là cô quan hệ tình dục với tôi, hoặc tôi sẽ bắt mọi người có mặt ở đây hãm hiếp cô và sau đó tôi sẽ bắn vào đầu cô”. Người này nói thêm rằng mình đã bị hãm hiếp bởi 15 lính Nam Sudan vào tối hôm đó.

Hành động của quân đội Nam Sudan bị xem là vụ tấn công tồi tệ nhất nhằm vào các nhân viên cứu trợ trong cuộc nội chiến kéo dài 3 năm qua tại quốc gia này. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là sự thờ ơ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc có mặt trong khu vực.


Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir cùng các thành viên của Hội đồng Bảo an tại Juba tháng trước. Ảnh: Justin Lynch/AP

Theo đó, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đóng quân cách khu vực xảy ra vụ tấn công khoảng 1,5km đã từ chối trả lời những cuộc gọi trong tuyệt vọng của các nhân viên cứu trợ đang gặp nạn, còn các binh sĩ Trung Quốc tại đó đã ngay lập tức tháo chạy ngay lập tức, bỏ lại vũ khí, đạn dược sau lưng sau khi 2 người lính của nhóm này tử nạn do trúng đạn pháo.

Tuy nhiên, trái với thông tin do báo chí quốc tế đăng tải, tờ Beijing News lại đưa tin rằng, sau khi các xe bọc thép của LHQ trúng đạn, quan chức chỉ huy phía Trung Quốc là Vương Ngọc An đã ra lệnh cho các binh sĩ nước này bắn trả và “ép các phần tử vũ trang phải rút lui”.

Tờ này cho biết, các quân nhân Trung Quốc đã tiến hành cấp cứu và dập lửa ở các xe bị tấn công và… lập tuyến phòng thủ tại hiện trường.


Xe bọc thép của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở trại tị nạn vùng Juba, Nam Sudan. Ảnh: ason Patinkin/AP

“Lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc đã phong tỏa và kiểm soát tòa nhà LHQ, trại tị nạn… và các vị trí trọng điểm, ngăn chặn các tay súng tiến vào khu vực của LHQ,” Beijing News viết.

Còn hãng Tân Hoa Xã thì đưa tin rằng, trong cuộc xung đột ác liệt ngày 11/7, lực lượng của Trung Quốc đã “kiên cường cố thủ trận địa, tiếp tục chấp hành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”. Tờ Thời báo Hoàn Cầu thì giật dòng tít: “Sự hy sinh của binh sĩ gìn giữ hòa bình Trung Quốc đủ khiến thế giới phải rung động”.

Được biết, sự việc trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc xung đột ở thủ đô Juba vẫn xảy ra trên đường phố giữa binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan trung thành với Tổng thống Salva Kiir và các lực lượng đối lập trung thành với đối thủ của Tổng thống, Riek Machar.

Liên Hiệp Quốc cho biết, hiện tại họ đang tiến hành các cuộc điều tra xác định nguyên nhân vì sao lực lượng gìn gữ hòa bình không đáp ứng những cuộc gọi cầu cứu từ những nạn nhân.

Nguồn: dkn.tv/...

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét