Vibay

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Trung Quốc “lạnh người” giữa các hạm đội hùng hậu

Trung Quốc được cho là đang bị kẹp giữa hạm đội hải quân hùng mạnh nhất Châu Á – Hạm đội số 7 của Mỹ và một lực lượng hải quân mạnh hàng đầu khu vực của Nhật Bản.


Nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm thúc đẩy việc cho phép Tokyo có thể đến trợ giúp một đồng minh trong trường hợp đồng minh đó bị tấn công sẽ mở đường cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn, gắn bó hơn giữa lực lượng Mỹ và Nhật Bản ở khắp khu vực Châu Á, một chỉ huy hàng đầu của Mỹ hôm qua (31/3) đã cho biết như vậy. Đây chắc chắn sẽ là một tin không vui đối với Trung Quốc khi nước này đang ra sức tăng cường sức mạnh hải quân nhằm mục đích vươn tầm xa hơn và tìm kiếm vị thế bá chủ ở Châu Á.

Mỹ và Nhật Bản sẽ mở rộng các hoạt động đào tạo và thực hiện nhiệm vụ chung trên khắp khu vực kéo dài từ Nhật Bản xuyên suốt đến khu vực Biển Đông và đến Ấn Độ Dương. Biển Đông đang chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt và nóng bỏng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang đòi độc chiếm vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này.

Cả Mỹ và Nhật Bản đều không có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông nhưng Hạm đội số 7 của Mỹ đang hoạt động trong khu vực này. Một sự hiện diện thêm nữa của hải quân Nhật Bản ở đây sẽ khiến Bắc Kinh “đứng ngồi không yên”.

Chính phủ của Thủ tướng Abe có kế hoạch đệ trình lên Quốc hội dự luật cho phép Nhật Bản được thực hiện quyền phòng thủ tập thể vào những tháng tới. Dự luật này đã được nội các Nhật Bản thông qua hồi năm ngoái và chỉ còn đợi sự phê chuẩn của Quốc hội. Hiện tại, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe đang chiếm đa số trong Quốc hội và vì vậy khả năng cao là dự luật nói trên sẽ nhận được sự thông qua của Quốc hội.

"Dự luật về phòng thủ tập thể sẽ giúp Hạm đội Số 7 của Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản dễ dàng tiến hành các cuộc tập trận và dễ dàng hoạt động ở khắp khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hơn", Đô đốc Robert Thomas – chỉ huy lực lượng của Mỹ cho biết trên chiếc tàu chỉ huy hạm đội của ông này – tàu USS Blue Ridge, ở Yokohama.

Nhật Bản “có khả năng và năng lực thực hiện các chiến dịch ở vùng lãnh hải và không phận quốc tế ở bất kỳ nơi đâu trên toàn cầu”, ông Thomas cho biết tại cuộc họp báo chung với Đô đốc Eiichi Funada – Chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.

Sự kết hợp của lực lượng hải quân Mỹ và Nhật Bản đã khiến Trung Quốc phát sốt. Ngay khi thông tin trên được đưa ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying đã lên tiếng nói rằng, liên minh Mỹ-Nhật Bản “không nên vượt quá phạm vi mối quan hệ song phương và cũng không nên gây hại đến an ninh lợi ích của các nước trong khu vực ".

"Chúng tôi hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ cùng sự phát triển của mối quan hệ này có thể đóng một vai trò chủ động, mang tính xây dựng đối với hoà bình, sự phát triển và ổn định của khu vực”, bà Hua đã nói như vậy tại một cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, việc Nhật Bản hướng tới một vị trí quân sự lớn hơn trong khu vực được đón chào nhiệt thành bởi nhiều nước trong khu vực và đặc biệt là Mỹ. Washington đang thúc đẩy các đồng minh, trong đó có Australia, phải hành động nhiều hơn khi Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng, hiếu chiến trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực.

Nhật Bản và Mỹ nói rằng, vào cuối tháng 6 tới, hai nước này sẽ quyết định về một bộ hướng dẫn, chỉ đạo mới cho mối quan hệ liên minh kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước. Theo đó, Nhật Bản sẽ được trao cho một vai trò nổi bật hơn.

Hạm đội hải quân mạnh nhất Châu Á - Hạm đội Số 7 của Mỹ vẫn là đối trọng chính đối với sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á. Tập trung xung quanh một nhóm tàu chiến sân bay hoạt động ngoài khu vực Nhật Bản, Hạm đội Số 7 của Mỹ gồm 80 tàu, 140 máy bay và 40.000 thuỷ thủ. Với lực lượng hùng hậu này, Hạm đội Số 7 của Mỹ trở thành lực lượng hải quân hùng mạnh nhất ở Tây Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Hải quân Nhật Bản có trong tay khoảng 120 tàu, trong đó có 40 tàu khu trục và một lực lượng tàu ngầm gồm 20 chiếc.

Sự kết hợp giữa Hạm đội Số 7 của Mỹ với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không khỏi cảm thấy “lạnh người”.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến Trung Quốc, Vùng lãnh thổ Đài Loan vừa tiếp nhận một chiếc tàu tên lửa lớn nhất từ trước đến nay. Con tàu này đã chính thức được đưa vào biên chế của quân đội Vùng lãnh thổ Đài Loan ngày hôm qua (31/3) sau một buổi lễ do Nhà lãnh đạo Ma Ying-jeou chủ trì. Động thái này diễn ra khi mà Vùng lãnh thổ Đài Loan đang nỗ lực hiện đại hoá quân sự nhằm đáp trả với mối đe doạ từ Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Đài Loan đã khen ngợi “tốc độ và khả năng tàng hình” của tàu chiến mới tại buổi lễ với sự tham gia của hàng trăm sĩ quan hải quân. Ông Ma phát biểu, chiếc tàu chiến mới của họ “phản ánh quyết tâm của quân đội Đài Loan trong việc bảo vệ an ninh” của vùng lãnh thổ này.

Được trang bị 16 tên lửa, tàu chiến mới sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ của Vùng lãnh thổ Đài Loan.

VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét