LTS: Vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã trình quốc thư lên Tổng thống Obama đề nghị hai bên tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dịp này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ về những dấu mốc trong quan hệ hai nước suốt 20 năm bình thường hoá quan hệ.
Vì lợi ích chung
Hai mươi năm qua quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, và nay đã thành quan hệ đối tác toàn diện. Riêng ông, ông nhìn nhận thế nào về mối quan hệ đó?
Cũng như mọi mối quan hệ khác trên chính trường quốc tế, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ bị chi phối bởi lợi ích các bên. Chúng ta hãy điểm qua lịch sử.
Năm 1873, ông Bùi Viện vượt qua sóng gió đại dương Thái Bình Dương sang tận Washington, chờ cả năm trời, gặp cho được Tổng thống Mỹ để cầu viện chống Pháp. Khi gặp, Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh ngay, bởi khi đó Mỹ và Pháp đang đánh nhau ở Mexico. Ngặt nỗi Bùi Viện không mang theo Quốc thư, nên ông đành trở về tay không. Nhưng khi ông Bùi Viện trở lại cùng Quốc thư, Mỹ lại không quan tâm nữa, do chiến tranh Mỹ - Pháp tại Mexico đã kết thúc. Hai nước không còn lợi ích chung. .
Những năm 1945-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 11 lần gửi thư, gửi điện cho Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị ủng hộ độc lập của Việt Nam và thiết lập quan hệ toàn diện giữa hai nước, nhưng không một hồi âm. Bởi vì VN không hiện hình trên màn ảnh lợi ích nước Mỹ, hoặc bị hình ảnh lợi ích với các nước lớn khác che khuất, nên Mỹ không quan tâm.
Mãi tới năm 1995 hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Chỉ một năm sau bình thường hoá quan hệ, Hoa Kỳ đã chủ động bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại song phương (BTA) và Việt Nam hưởng ứng ngay, vì hai bên đều cần, đều muốn, đều nhìn thấy lợi ích.
Khi đàm phán BTA, Đại sứ Mỹ đầu tiên Peterson đã nói ông hy vọng có BTA, xuất khẩu Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tăng lên 5-6 tỷ đô la, con số quá lớn đối với Việt Nam lúc đó và chưa ai hình dung được. Ông Đại sứ không dự đoán về mốc thời gian cụ thể.
Nhưng chỉ cần 2 năm thực thi BTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt con số đó, và hôm nay, 2014 đã đạt được hơn 18 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỳ vọng của Peterson.
Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và cũng là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam.
Như vậy trong chuyện xuật khẩu này Việt Nam có lợi, chứ Mỹ nhập siêu từ Việt Nam đâu hẳn đã có lợi được bao nhiêu?
Lợi ích của Việt Nam thì đã rõ, ai cũng thấy.
Nhưng Mỹ cũng có lợi chứ. Người tiêu dùng Mỹ có sự lựa chọn phong phú hơn. Trên thị trường nước Mỹ cũng có thêm một đối thủ cạnh tranh ngày một chắc tay, góp phần tăng sức cạnh tranh chung của nền kinh tế Mỹ.
Thứ nữa, một chiếc áo sơ mi gia công ở Việt Nam giá thành khoảng 10 USD đến 15 USD, Việt Nam chỉ được 4-5 USD tiền công, bán trên thị trường Mỹ 80 - 100USD. Hay một đôi giày thể thao giá thành sản xuất ở VN trị giá khoảng 10 - 20% giá bán trên thị trường Mỹ.
Tức là hai bên đều có lợi, chưa ai tính được ai lợi nhiều, ai lợi ít, nhưng trong một cuộc chơi, anh nào giỏi hơn, khôn hơn anh đó thắng nhiều hơn.
Lợi ích này càng nhiều, càng tăng, quan hệ kinh tế thương mại càng phát triển.
Ngoài kinh tế - thương mại, Hoa kỳ và Việt Nam còn có nhiều lĩnh vực hợp tác. Lợi ích ở đây được hiểu như thế nào, ví dụ như trong chiến lược địa chính trị?
Có lợi thì mới có cuộc chơi.
Trên chính trường thế giới, các cuộc tập hợp lực lượng hiện đang diễn ra sôi động. Những ai có nhu cầu tập hợp lực lượng ở châu Á (và cả trên thế giới) thì không thể bỏ qua Việt Nam vì vị trí địa chính trị của nó. Và Hoa kỳ cũng vậy, chắc chắn Hoa Kỳ không muốn để Việt Nam đứng ngoài cuộc tập hợp của mình, lại càng không muốn để Việt Nam là người cản phá chiến lược đó. Chính vị trí địa chính trị của Việt Nam đang buộc người Mỹ phải từng bước có những cam kết hợp tác ngày càng sâu, trong nhiều lĩnh vực.
Tôi không hình dung ra chiến lược chuyển trục châu Á của Mỹ sẽ như thế nào, nếu không tính tới yếu tố Việt Nam, trong lúc Việt Nam đang chủ trương đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, và cũng có nhu cầu tập hợp lực lượng, tìm cho mình sự yên ổn để phát triển, trong một thế giới không yên ổn.
Lợi ích càng tăng, càng nhiều đòi hỏi sự hợp tác càng rộng, càng sâu. Đó cũng là tính tất yếu của các bước phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa kỳ trong tương lai.
Khi lợi ích đã nhiều, đã lớn, mỗi bên đều biết kiềm chế, là nhẹ bớt đi sự khác biệt để khai thông cho sự hợp tác. Hoa Kỳ muốn lôi kéo Việt Nam thì phải làm nhẹ đi những đòi hỏi về nhân quyền. Việt Nam muốn chơi với Mỹ thì phải gạt bỏ đi những khác biệt, ví dụ như đang xảy ra trong đàm phán TPP.
Cũng có lúc, những biến động chính trị xã hội trên thế giới hoặc khu vực tác động đến quan hệ các nước. Ví dụ các diễn biến ở biển Đông, dường như đã làm cho Mỹ xích lại gần Việt Nam hơn và đẩy nhanh việc Hoa Kỳ nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương.
Trong bài tổng hợp những kết quả cuộc hội thảo “Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ 20 năm thành công hơn nữa” diễn ra vừa qua tại Hà Nội, ông Viện trưởng Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý, người tổ chức và chủ trì hội thảo, đã đưa ra nhiều nhận định sâu sắc và thú vị. Trong số đó tôi muốn nhắc lại một nhận xét: Lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ trong quan hệ song phương mà cả trong hợp tác giữa hai nước trong những khuôn khổ lớn hơn như ASEAN, AFTA và nhiều tổ chức quốc tế khác…
Ví dụ chiến lược chuyển trục châu Á của Mỹ không thể không tính tới ASEAN. Trong lúc có nước luôn chọc gậy bánh xe thì Hoa Kỳ coi sự đoàn kết thống nhất và sự vững mạnh của ASEAN là nằm trong lợi ích của Hoa Kỳ, và Việt Nam đang là một thành viên tích cực, chân thành mong muốn đóng góp cho sự lớn mạnh, đoàn kết thống nhất trong ASEAN. Vậy sự phối hợp hợp tác của Hoa Kỳ và Việt Nam ở đây là rất cần thiết, rất có ích.
Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là một bước phát triển mới của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Theo ông, Việt Nam và Hoa kỳ đang theo đuổi những lợi ích gì ở đây?
Cuộc đàm phán TPP hay ở chỗ, nó là một là đàm phán cả gói (không tách riêng vấn đề) và đàm phán đa phương, cả một tập thể 12 nước, mà Hoa Kỳ coi như người chủ trì. Cách làm đó sẽ giúp xử lý được một loạt vấn đề không thế giải quyết trong đàm phán song phương.
Những vấn đề nhạy cảm với Việt Nam như quyền lập hội, minh bạch công khai hoạt động của DNNN, công khai và bình đẳng trong mua sắm công, trong tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, thị trường… trước đây khi đàm phán BTA Hoa kỳ đã nêu ra, nhưng Việt Nam kiên quyết không chấp nhận, kỳ này đàm phán tập thể, hầu hết các nước tham gia đàm phán đã chấp nhận rồi. Muốn kết thúc đàm phán thì Việt Nam phải có các phương án lùi và sau đó về phải sửa luật cho khớp với cam kết.
Khó khăn phức tạp như vậy, tại sao Việt Nam vẫn hăng hái tham gia, và dù biết Việt Nam sẽ rất khó nhưng Hoa Kỳ vẫn muốn Việt Nam tham gia?
Trong các nước Đông Nam Á, ngoài Brunei, Singapore và Malaysia tự nguyện tham gia từ đầu, Hoa Kỳ không rủ ai mà chỉ rủ Việt Nam. Có lẽ vì người Mỹ nghĩ rằng Việt Nam chơi với Mỹ còn hơn là không, và ít nhất đừng để Việt Nam bị người khác chi phối hoàn toàn.
Thứ nữa, rủ Việt Nam vào TPP tức là kéo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế thị trường sôi động và vô hình trung buộc Việt Nam cắt đi cái đuôi, cắt đi di sản của của nền kinh tế quan liêu bao cấp. Các di sản đó vừa là cho nền kinh tế Việt Nam kém hiệu quả, vừa duy trì một môi trường pháp lý vẩn đục, dung túng tham nhũng, khiến cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ ngại không dám bỏ vốn kinh doanh trên thị trường Việt Nam.
Và tại sao Việt Nam hăng hái ư? Sức ép kinh tế đang buộc Việt Nam phải hăng hái, nếu không bứt phá lên được thì nền kinh tế Việt Nam cứ bùng nhùng, thua kém và chắc chắn rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Tham gia TPP là một quyết định sáng suốt, là một hành động dũng cảm để tạo bứt phá, để đẩy áp lực đẩy tiếp tiến trình cải cách bên trong.
Hoàng Ngọc-VietNamNet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét