Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama
Trang mạng tin tức sina Trung Quốc ngày 1 tháng 10 đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa kết thúc hành trình thăm Mỹ 5 ngày, sau cuộc hội đàm giữa ông với Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên đã ra Tuyên bố chung, đề cập đến hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như kinh tế thương mại, năng lượng, quân sự, khoa học công nghệ, khám phá vũ trụ và các vấn đề khu vực, toàn cầu.
Tuyên bố chung cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ tán thành quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu rộng mở giữa Mỹ-Ấn, quan hệ này sẽ tiếp tục đem lại thịnh vượng và an ninh cho công dân hai nước và thế giới.
Tối ngày 29 tháng 9, ông Obama và ông Modi ra Tuyên bố chung, cho biết, phải mở rộng, làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược hai nước, để quan hệ Mỹ-Ấn trở thành “hình mẫu toàn cầu”. Sau cuộc gặp ngày 30 tháng 9, lãnh đạo hai nước cho biết nhất trí tán thành “Tuyên bố tầm nhìn của quan hệ đối tác chiến lược”, muốn coi đây là đường lối chỉ đạo, trong 10 năm tới tăng cường hợp tác có lợi cho ổn định toàn cầu và các lĩnh vực dân sinh.
Ông Modi nhấn mạnh ưu tiên phát triển quan hệ đối tác với Mỹ, Mỹ là đối tác hợp tác quan trọng trong quá trình Ấn Độ trỗi dậy trở thành một nước lớn thế giới có trách nhiệm và vai trò ảnh hưởng.
Trong khi đó, ông Obama cho rằng, hai nước có quan niệm giá trị chung, quan hệ nhân văn chặt chẽ và truyền thống đa dạng, cho rằng sự trỗi dậy của Ấn Độ với tư cách là bạn bè và đối tác phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Trong tuyên bố ngày 30 tháng 9, nguyên thủ hai nước đã đề cập đến hợp tác Mỹ-Ấn trên các phương diện như tăng trưởng kinh tế, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, quốc phòng và an ninh, công nghệ cao và không gian, y tế, các vấn đề khu vực và toàn cầu. Hai bên đặc biệt nhấn mạnh khả năng tiến hành hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề.
Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết hy vọng tăng cường hợp tác với Mỹ về tiến hành giáo dục và đào tạo đối với thanh niên Ấn Độ, cải thiện cuộc sống còn khó khăn của người Ấn Độ.
Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, tái khẳng định lợi ích chung của hai nước Mỹ-Ấn trên phương diện bảo vệ an ninh và ổn định khu vực, an ninh và ổn định khu vực là then chốt để khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thịnh vượng.
Hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng tranh chấp lãnh thổ biển tăng lên, đã tái khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và tự do bay.
Hai bên kêu gọi các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thúc đẩy chủ trương của mình, cần áp dụng các biện pháp hòa bình, căn cứ vào các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, chẳng hạn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 (ảnh tư liệu)
Liên quan đến vấn đề này, học giả Ấn Độ cho rằng, Mỹ trông đợi vào chính phủ mới ở Ấn Độ đã lâu, trong nhiệm kỳ 5 năm của ông Modi, quan hệ Mỹ-Ấn sẽ có đột phá.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kết thúc chuyến thăm Mỹ vào thứ Ba, ông cho biết, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông vững tin hơn rằng Mỹ-Ấn là đối tác hợp tác tự nhiên.
Chuyên gia quan hệ Mỹ-Ấn, tiến sĩ Vijay Lakshmi cho rằng, trước cuộc gặp Modi-Obama, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã lần lượt thăm Ấn Độ, Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm lãnh đạo lần này cũng có thể thấy mong muốn triển khai hợp tác trên các lĩnh vực với tân chính phủ Modi của Mỹ.
Tiến sĩ Vijay Lakshmi là giáo sư Trung tâm nghiên cứu Canada, Mỹ và Mỹ Latinh, thuộc Đại học Nehru. Vijay Lakshmi nói: "Tôi cho rằng, Mỹ cũng đang chờ đợi ở một chính phủ mới Ấn Độ, trước đây Mỹ-Ấn có một số vấn đề khiến cho quan hệ Mỹ-Ấn không tiến triển lớn lắm.
Cuộc hội đàm cấp cao lần này, tôi cho rằng, là một chiến lược của chính phủ mới Ấn Độ, làm cho quan hệ Mỹ-Ấn tái triển khai, kiểm nghiệm lĩnh vực hai bên có thể cùng thảo luận, cái gì là có thể tiến bước và bản thân Ấn Độ rốt cuộc muốn những gì".
Vào tuần trước, Ấn Độ đã thực hiện thành công nhiệm vụ Sao Hỏa, hai nước lần này cũng đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác khám phá Sao Hỏa. Chuyên gia cho rằng, tuy hợp tác hạt nhân dân dụng vẫn cần Ấn Độ nỗ lực nhiều hơn, hai bên cũng không tuyên bố con số đầu tư thực chất, nhưng dự đoán, trong nhiệm kỳ 5 năm của ông Narendra Modi sẽ nhìn thấy đột phá trong quan hệ Mỹ-Ấn.
Trung Quốc lấn biển, xây đảo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nguồn mạng Quan sát, TQ)
Tiến sĩ Vijay Lakshmi cho rằng: "Hiện nay, ông Narendra Modi đã cho biết, ông sẽ để lỏng tay, trong khi đó, đây cũng là điều mà Mỹ muốn. Một nhà lãnh đạo Ấn Độ nói ra những việc khác nhau mà mình muốn làm, hơn nữa, ông ấy cũng sẵn sàng thực hiện. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là một thông điệp rất rõ ràng, đây là một phương hướng mới mà chúng tôi sẽ tiến lên".
Trong tuyên bố chung, Mỹ-Ấn đặc biệt đề cập Biển Đông và kêu gọi các bên tránh sử dụng hoặc có thể đe dọa sử dụng vũ lực. Vijay Lakshmi cho rằng điều này ám chỉ Trung Quốc, đồng thời đây cũng là Ấn Độ truyền tín hiệu đối với Trung Quốc, trong phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng, Ấn Độ sẽ bảo vệ lợi ích trên biển của mình.
Ông Narendra Modi cho biết, quan hệ Mỹ-Ấn sẽ là hình mẫu quan hệ của thế kỷ 21. Chuyên gia cho rằng, đứng trước một nhà lãnh đạo lấy lợi ích của Ấn Độ làm ưu tiên và tích cực chứng minh với toàn thế giới về tầm quan trọng của Ấn Độ như ông Narendra Modi, quan hệ Mỹ-Ấn sẽ không còn là quan hệ trên-dưới, mà là quan hệ đối tác thương mại có giao dịch ngang hàng trong tình hình lợi ích của các bên được tối đa hóa.
Bình Đông - Báo GDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét